Người Việt Khắp Nơi

Những lớp học tiếng Việt đầu tiên tại đại học

Băng Huyền/Viễn Đông Thursday, 16/02/2012 - 01:41:19

Bà Võ Kim Sơn, tốt nghiệp Tiến Sĩ về Giáo Dục tại đại học University of Southern California (USC) trước năm 1975, là một vị giáo sư đã gắn bó ngay từ những ngày đầu hình thành các lớp dạy tiếng Việt trong hệ thống đại học cộng đồng Coastline Community College và đại học California State University, Fullerton (CSU Fullerton).

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 9)

Băng Huyền/Viễn Đông


Tiến Sĩ Võ Kim Sơn tại thư viện nhật báo Viễn Đông - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Trong suốt lịch sử dựng nước và phát triển của Hoa Kỳ, học đường là một trong những nơi chốn đã hấp thụ và du nhập các nền văn hóa đa dạng của di dân từ khắp nơi trên thế giới tới định cư trên đất nước này. Các trường học tại Mỹ, cũng giống như xã hội bên ngoài, ngày càng đa dạng về chủng tộc và văn hóa. Nếu những năm đầu của thế kỷ thứ 20, con cái của các gia đình di dân hầu hết là từ Nam và Đông Âu có mặt tại các trường công ở miền Đông Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ, thì ngày nay, các di dân mới tiếp tục làm thay đổi số lượng cũng như thành phần học sinh và sinh viên tại nước này, chiếm số đông là số lượng học sinh và sinh viên đến từ các quốc gia Châu Mỹ La Tinh và Á Châu.
Theo tài liệu thống kê từ Tổng Cục Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ 2010, cộng đồng người Mỹ gốc Việt là cộng đồng người Mỹ gốc Á lớn thứ tư tại Hoa Kỳ. Số người Mỹ gốc Việt nói tiếng Việt trong gia đình chiếm 87,5% tổng số. Thành phần thiếu nhi và thiếu niên chiếm đến hơn một phần tư tổng số. Chính sự lớn mạnh của cộng đồng Việt và những tranh đấu trong cộng đồng của các giáo sư, nhân sĩ, chính trị gia, phụ huynh, sinh viên... nên từ cuối thập niên 1980 đầu 1990 của thế kỷ 20, nhiều đại học nổi tiếng tại Hoa Kỳ đã có chương trình tiếng Việt. Tại những đại học như Harvard, Yale, UC Berkeley, UC Los Angeles, UC Irvine, UC Riverside, Cornell, University of Washington, University of Arizona, University of Florida, CSU Long Beach, CSU Fullerton... tiếng Việt được xem là một trong những ngoại ngữ sinh viên có thể học để lấy tín chỉ, theo điều kiện nhà trường đòi hỏi, để tốt nghiệp với văn bằng cử nhân. Ngoài ra, có rất nhiều đại học cộng đồng cũng có chương trình tiếng Việt.
Riêng tại miền Nam California, những đại học cộng đồng như Coastline Community College, Orange Coast, Santa Ana, Goldenwest, Long Beach... là những đại học cộng đồng nổi tiếng và có đông sinh viên Việt Nam ghi danh, đều có các lớp tiếng Việt.

Những thành quả ban đầu tại đại học cộng đồng

Bà Võ Kim Sơn, tốt nghiệp Tiến Sĩ về Giáo Dục tại đại học University of Southern California (USC) trước năm 1975, là một vị giáo sư đã gắn bó ngay từ những ngày đầu trong việc hình thành các lớp dạy tiếng Việt trong hệ thống đại học cộng đồng Coastline Community College và đại học California State University, Fullerton (CSU Fullerton).
TS. Võ Kim Sơn kể: “Năm 1981, sau khi vượt biên thành công và đến định cư tại Hoa Kỳ, trong một lần đi lễ nhà thờ, tôi thấy một đám trẻ em Việt Nam nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Tôi giật mình và nghĩ, cộng đồng Việt của chúng ta có mặt tại Mỹ mới 6 năm mà các em nhỏ đã không nói tiếng Việt nữa. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc dạy tiếng Việt. Nhưng mãi đến tháng 8 năm 1986, nhờ gặp Tiến Sĩ Ken Yglesias, là khoa trưởng của khoa ngoại ngữ Coastline Community College [ông cũng từng học chung trường USC với TS. Sơn], tôi mới có cơ duyên thực hiện được mong ước của mình, dạy tiếng Việt tại Coastline Community College. Tôi rất phục ông vì ông có tầm nhìn rất xa. Ông đã nhận thấy cộng đồng Việt Nam sẽ phát triển, dù khi đó (năm 1986) cộng đồng Việt còn ít lắm. Ông đã nghĩ đến nhu cầu tiếng Việt cho người Mỹ bản xứ phục vụ người Việt Nam. Còn tôi nghĩ đến nhu cầu cộng đồng gốc Việt cần học tiếng Việt”.
TS. Võ Kim Sơn nói tiếp: “Cái nhìn của ông và tôi có cùng điểm chung là phải có lớp tiếng Việt. Ông đã giúp tôi thực hiện những tờ thông tin, rồi đem rải các thư viện để phổ biến cho mọi người biết có lớp dạy tiếng Việt học từ 6 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối Thứ Hai và Thứ Tư hằng tuần. Dù thời gian phổ biến và chuẩn bị rất gấp [lúc đó là tháng 8, mà tháng 9 là phải vào mùa học của khóa mùa Thu] nhưng đã có 24 học viên ghi danh. Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam ghi danh rất ít, chừng 4, 5 người, tuổi khoảng ngoài 20, họ đến Mỹ từ năm 1975, được gia đình người Mỹ bảo trợ, phần lớn họ sống ở các tiểu bang miền Đông, đã quên gần hết tiếng Việt, nên khi chuyển về Nam California, biết có lớp này, họ đã ghi danh học”.
Về thành phần lớp học, TS. Sơn cho biết: “Trong lớp học khi đó phần lớn là người nước ngoài, gồm nhiều ngành nghề khác nhau, có nhân viên cảnh sát, có nhân viên cứu hỏa, những bà giáo, y tá, những người lái xe bus chở học sinh đi học. Có cả một ông thám tử tư người Mỹ, nhà ở Newport Beach cũng lái xe đến trường và học rất chăm chỉ”.
Còn về tài liệu và phương pháp giảng dạy, TS. Sơn nói: “Dù tôi có bằng Tiến Sĩ của Mỹ về giáo dục, nhưng dạy tiếng Việt là hoàn toàn mới đối với tôi. Lúc đó tôi vẫn chưa có tài liệu dạy học. Vì vậy, trong mỗi buổi học, tôi yêu cầu mỗi người viết 5 câu muốn nói bằng tiếng Việt cho người Việt Nam hiểu, rồi dạy họ viết ra và nói. Một ông cảnh sát hỏi tôi phải nói những câu tiếng Việt như buông súng xuống thì nói thế nào, tay để trên đầu, hoặc cho biết là cần chặn xe lại… Bữa học sau, các học viên trở lại, đã chia sẻ những điều họ đã áp dụng được vào đời thường từ bài học trên lớp”.
Phần sách giáo khoa và chương trình học tiếng Việt trong hệ thống đại học của Hoa Kỳ, cùng thành phần sinh viên ghi danh theo học sẽ được đề cập kỹ hơn trong những bài tới.

Chương trình tiếng Việt tại một đại học CSU

TS. Võ Kim Sơn không chỉ gắn bó với việc hình thành lớp dạy tiếng Việt tại trường đại học cộng đồng Coastline Community College, nơi bà vẫn còn đang giảng dạy hiện nay, mà bà còn là người đã có công gầy dựng lớp dạy tiếng Việt đầu tiên tại đại học CSU Fullerton từ mùa Xuân năm 1994. Bà cho biết, ngay từ năm 1987, khi về làm cố vấn cho viện trưởng của trường CSU Fullerton, và là giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế tại trường này, bà đã mong ước mở được các lớp dạy tiếng Việt. Nhưng để thực hiện được mong ước là cả một quá trình kiên trì của cá nhân bà và sự trợ giúp của các giáo sư trong trường, của các sinh viên và phụ huynh, nhân sĩ trong cộng đồng.
TS. Võ Kim Sơn nhớ lại: “Nếu một mình tôi đề nghị trường mở lớp dạy tiếng Việt, tôi biết sẽ không bao giờ tranh đấu được. Nên tôi đề nghị trường có chương trình Asian-American Studies để tôi kéo thêm người Đại Hàn, Phi Luật Tân, Nhật, Ấn Độ vào thì mới đủ mạnh. Cơ hội đã đến vào năm 1989, khi tôi được trường Cal State Fullerton cử đến dự buổi họp để hình thành một ban cố vấn cho bà tổng viện trưởng (Chancellor) của hệ thống đại học CSU (gồm 23 trường) để hình thành chương trình học dành cho sinh viên gốc Á Châu Thái Bình Dương của các đại học trong hệ thống CSU.
“Buổi họp đó có 23 người, nhìn quanh tôi thấy đa số là người Mỹ trắng, Mỹ đen, Mexico, một người gốc Trung Quốc nhưng sanh tại Mỹ. Chỉ có một bác sĩ của trường CSU Fresno là người Việt Nam. Tôi nghĩ, thôi rồi, mình thua là chắc rồi, chỉ có 2 người Việt, làm sao mà bỏ phiếu được. Vì vậy, khi TS. Suzuki, chủ tịch của ban cố vấn, hỏi có ai có ý kiến gì không, tôi đã đề nghị nên tổ chức một buổi hội thảo để nghe sinh viên nói về nhu cầu của mình, nhu cầu của giáo sư, của counselor [cố vấn học đường], của hội sinh viên, của phụ huynh… và chỉ cần thực hiện ở 3 vùng tại miền Nam, miền Trung và miền Bắc California.
“Tôi đề nghị, nếu ông đồng ý, tôi sẽ tình nguyện tổ chức buổi hội thảo đầu tiên ngay tại đại học CSU Fullerton cho vùng Nam của California. Ông đã cười và không tin tôi thực hiện được, và nói nếu tôi mời được 8 người ra nói, thì sẽ mời tôi bữa cơm tối thịnh soạn tại San Francisco”.
TS. Sơn kể tiếp: “Lúc đó tôi cũng run lắm. Vì với sinh viên thì tôi có thể đề nghị các em lên nói được. Còn giáo sư thì tôi đã có một số giáo sư bạn ủng hộ. Nhưng phụ huynh thì khó quá. Rất may, khi đó ba tôi đang chữa bệnh với Bác Sĩ Nguyễn Quang Thái, ông lại là hội trưởng hội phụ huynh học sinh trung học tại Quận Cam. Tôi đã đến nhờ BS. Thái đến hội thảo, nói nhu cầu cho con em gốc Việt được học tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt. Dù ông rất bận rộn, nhưng đã lấy giờ ăn trưa của mình, để đến Cal State Fullerton đọc bài tham luận. Tôi rất ghi ơn BS. Nguyễn Quang Thái. Người thứ nhì là ông Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Đức, và các em sinh viên, một số vị nhân sĩ trong cộng đồng… Tất cả đều nói nếu các em có giỏi tiếng mẹ đẻ, thì sẽ giỏi tiếng Anh hơn. Nếu biết văn hóa mẹ đẻ rồi, thì sẽ mạnh dạn hơn và tiếp thu tốt hơn văn hóa bản địa…
“Hôm đó không chỉ có 8 người đọc tham luận mà có đến 14 người. Sau đó tôi cũng đã vận động tại đại học CSU Fresno, người Hmong sẵn sàng tham gia rất đông, và buổi hội thảo tại đại học trên San Francisco cũng rất thành công. Đến năm 1990 hệ thống đại học CSU đã soạn những điều lệ trong cuốn điều lệ của CSU và năm 1991 đã in ra quyển điều lệ này gồm 23 điều, có 2 điều nổi bật: trường học nào có sinh viên sắc dân nào đông, thì sẽ dạy ngôn ngữ và văn hóa của sắc dân đó”.
Và đến đầu năm 1994, lớp tiếng Việt đầu tiên đã được mở ra tại đại học CSU Fullerton. TS. Võ Kim Sơn cho biết: “Lúc bấy giờ có một giáo sư đổi từ đại học Pomona về đại học Cal State Fullerton. Ông là Tiến Sĩ Don Castro, khoa trưởng khoa ngoại ngữ của trường. Vì ông mới về, muốn làm một cái gì thật nổi bật, nên tôi đã lợi dụng trường hợp đó, và được nhóm giáo sư bạn ủng hộ, đã đề nghị mở lớp dạy tiếng Việt. TS. Don Castro nói ông cũng muốn lắm, nhưng hiện thời không có tiền để mướn thầy cô dạy. Tôi đã tình nguyện dạy miễn phí. Khi đó đã là những ngày gần lễ Giáng Sinh tháng 12. Mà gần cuối tháng 1 sẽ là vào mùa học. Tôi đã nhờ Quỳnh Trang và Đinh Xuân Thái lúc đó làm tại đài Little Saigon TV phổ biến giùm trong cộng đồng có lớp tiếng Việt, ai muốn đi học, đến ngày tựu trường đến để làm thủ tục ghi danh. Tôi và một giáo sư khác đã thực hiện tờ thông tin và bỏ tại các thư viện, các nhà hàng Việt Nam”.
Ngày khai trường, TS. Sơn cho biết: “Điều tôi rất ngạc nhiên là 40 học sinh đã đứng xếp hàng ghi danh học, chứ không chỉ có 18 em (là số sinh viên trường đòi hỏi phải đủ túc số mới được mở lớp)”.
Theo TS. Võ Kim Sơn thì kể từ khi CSU Fullerton hình thành được lớp tiếng Việt đầu tiên, về sau trường đã mở thêm nhiều lớp tiếng Việt, mời thêm nhiều giảng viên về dạy.
TS. Sơn nói: “Tôi có nguyện vọng trước khi về hưu làm sao có được trung tâm tập trung tài liệu về văn hóa Á Châu, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Tôi đã vận động và đã được sự ủng hộ nhiệt tình của Dân Biểu Liên Bang Ed Royce. Ngày tôi rời trường để nghỉ hưu vào năm 2008, Quốc Hội Hoa Kỳ đã cấp một ngân quỹ dùng vào việc soạn chương trình học cho một chuyên ngành phụ về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam”.
TS. Võ Kim Sơn nói thêm với phóng viên nhật báo Viễn Đông, theo bà được biết thì trong giai đoạn tiếp theo, những giảng viên trong chuyên ngành Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam sẽ soạn chương trình cử nhân chuyên biệt cho ngành học này, đây là bằng cử nhân đặc biệt hơn những bằng cử nhân ở một số đại học có chương trình Đông Nam Á Học (Southeast Asian Studies). Các trường đại học tại Hoa Kỳ có chương trình học chú trọng về Việt Nam nhưng tên gọi chuyên ngành của bằng tốt nghiệp vẫn là Đông Nam Á Học chứ không phải là Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam như tại CSU Fullerton trong tương lai.
TS. Võ Kim Sơn chân thành chia sẻ: “Không thể một mình tôi thực hiện được thành công của bước đầu như đã kể, mà phải có các sinh viên, đặc biệt là các em trong Hội Sinh Viên Việt Nam VSA của CSU Fullerton, hoạt động rất sôi nổi về các mặt văn hóa, xã hội, chính trị… cùng sự góp sức của các phụ huynh khuyến khích con em mình, sự tiếp tay của giới truyền thông trong cộng đồng, sự tận dụng thời cơ và biết kéo người ủng hộ mình là những giáo viên bạn trong trường, vận động các dân biểu, nghị sĩ… Đó là cả một quá trình kiên trì và tâm huyết của rất nhiều người”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT