Du Lịch

Những món ăn ngày Tết ở các nước Châu Á

Tuesday, 24/01/2017 - 07:15:56

Trong khi đó, các nước châu Á khác cũng có những món ăn đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa, nhưng tất cả đều có điểm chung là để cầu mong sự sung túc và niềm vui cho năm mới.

Mọi quốc gia trên thế giới đều luôn có lễ mừng năm mới, và mỗi nước đều có những phong tục và món ăn truyền thống đặc trưng. Đối với người Việt, món ăn mừng năm mới không thể thiếu những chiếc bánh chưng bánh tét, nồi thịt kho, tôm khô, củ kiệu, và các loại bánh mứt ngọt ngào. Trong khi đó, các nước châu Á khác cũng có những món ăn đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa, nhưng tất cả đều có điểm chung là để cầu mong sự sung túc và niềm vui cho năm mới.


                                 Bánh chưng bánh tét là món ăn Tết không thể thiếu của Việt Nam.

Cambodia: Cà-ri và xôi nếp nấu ống tre.
Người Cambodia ăn Tết (Choul Chnam Thmey) vào giữa tháng Tư dương lịch hàng năm, là những ngày cuối của mùa thu hoạch, khi các nông dân ăn mừng thành quả làm việc của họ trước khi mùa mưa bắt đầu. Trong ngày đầu năm mới, mỗi nhà đều có ít nhất một người đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món ca-ri thơm lừng.

                                                 Món xôi nấu trong ống tre của Cambodia.



Vì cũng là một quốc gia thuộc nền văn minh lúa nước, đa số các món bánh của Cambodia cũng được chế biến từ gạo, nếp, và các loại đậu. Món xôi nấu trong ống tre cũng là một trong những món ăn thường thấy trong ngày Tết tại Cambodia.

Singapore – Malaysia: Gỏi Yusheng nhiều màu sắc
Khi đến Singapore và Malaysia vào dịp năm mới, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức món gỏi Yusheng vô cùng thơm ngon. Đây là món ăn không thể thiếu trong các bàn tiệc chúc mừng năm mới, nó biểu tượng cho tài và lộc. Yusheng còn có nghĩa là cá sống và trong tiếng Hoa nó được hiểu với nghĩa là cuộc sống thịnh vượng. Món này được thêm cà rốt để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già, và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài.

                                                                              Gỏi Yusheng.

Khi món ăn được dọn ra, người chủ trì sẽ sắp thêm một số bao lì xì ở bên cạnh. Người ăn sẽ xới tung món ăn lên sao cho càng cao càng tốt, nhưng không được làm rơi ra ngoài và hét “lohei” (vừa có nghĩa là trộn đều, vừa có nghĩa là thịnh vượng), rồi trộn nước sốt vào và thưởng thức.

Nhật Bản: Mâm Osechi cầu kỳ
Tuy người Nhật ăn Tết theo dương lịch, nhưng họ vẫn giữ những nét truyền thống của một đất nước Á đông. Nếu như từng du lịch Nhật Bản, bạn sẽ yêu thích và ngưỡng mộ phong cách ẩm thực cầu kỳ nhưng vẫn tinh tế và tỉ mỉ của xứ hoa anh đào. Món ăn đặc biệt dành riêng cho ngày Tết ở Nhật gọi là "Osechi" bao gồm rất nhiều món như súp Ozoni (được nấu với các nguyên liệu như bánh gạo, rong biển, hải sản hoặc thịt gà), hải sản, mứt đậu đen, Tazukuri (cá mòi ướp đường và tương rồi chiên giòn), tôm chiên vàng, bánh dày... với hương vị và màu sắc phong phú, được xếp trong một hộp hình khối chữ nhật làm thủ công.

                                                          Mâm Osechi của Nhật.

"Osechi" được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên theo phương pháp cổ truyền, có thể để lâu trong cả tuần, nhằm giúp các bà nội trợ thoải mái tận hưởng những ngày nghỉ đầu năm. Người Nhật rất coi trọng việc trang trí món ăn để mang lại cảm giác ngon mắt cho thực khách. Họ quan niệm hộp đựng "Osechi" càng đẹp thì may mắn càng nhiều.

Trung Quốc: Sủi cảo tròn trịa
Đối với người Trung Quốc, bữa cơm đầu năm là bữa ăn quan trọng nhất. Trong dịp này, các thành viên trong gia đình đoàn tụ, các thế hệ sum vầy ấm áp.Với người Trung Quốc, bánh sủi cảo đêm giao thừa đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu.

                                                           Sủi cảo của Trung Quốc.

Bánh sủi cảo ngày Tết khác với sủi cảo ngày thường. Nhân sủi cảo được làm từ thịt trộn với rau mà trong tiếng Trung Quốc, đồng âm với từ "có của", nghĩa là có tài sản, giàu có. Việc băm nhân tiếng to mà thời gian lại dài có nghĩa là "lâu dài và dư thừa". Sủi cảo được gói thành hình bán nguyệt, khi gấp đôi vỏ bánh hình tròn, dùng tay viền theo đường diềm thật đều gọi là "viền phúc". Có gia đình kéo hai đầu của hình bán nguyệt nối liền nhau như nén bạc, tượng trưng cho tiền bạc đầy nhà.
Ở nông thôn, bên ngoài vỏ sủi cảo còn in hình bông lúa ngụ ý sang năm mới ngũ cốc được mùa. Trong lúc nấu sủi cảo, thường phải cho thêm 3 lần nước lạnh vì từ này đồng âm với "phúc đi rồi lại đến.” Khi ăn sủi cảo cũng phải biết cách: chén thứ nhất để thờ cung tổ tiên, chén thứ hai để cúng thần thánh trong dân gian, chén thứ ba cả nhà mới bắt đầu ăn và thường ăn số chẵn, không được ăn số lẻ. Khi ăn xong, nhất định chừa lại mấy cái (số chẵn) với hàm ý "năm nào cũng dư thừa"...

                                                                       Canh bánh gạo.

Nam Hàn: Canh bánh gạo thanh khiết
Tteok kuk là một trong những món ăn ngày Tết mà không người Nam Hàn nào không thưởng thức.Vào ngày mồng 1 tháng 1 Âm lịch, bất kỳ người Nam Hàn nào cũng sẽ ăn một chén canh Tteokguk ( Canh bánh gạo) để thêm 1 tuổi và sống trường thọ.
Món Tteokguk được chế biến từ Tteok thái lát có màu trắng tinh, nấu với nước xương bò hầm và các loại gia vị đặc trưng của Nam Hàn. Vì miếng Tteok thường rất dài và có màu trắng, nước xương bò hầm cũng có màu trắng và vị rất thanh nên món ăn này tượng trưng cho sự trường thọ và thanh khiết.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT