Thể Thao

Những ngày sau trận chung kết Euro

Tuesday, 12/07/2016 - 10:19:00

Tổng Thống De Sousa của Portugal nói là sẽ ký sắc lệnh tuyên dương đội banh Portugal với loại Bội Tinh dành cho giới chỉ huy kiệt xuất!

Bài THANH NGUYỄN

Phải chờ đôi ba ngày, với tình hình sau trận chung kết Euro Championship 2016 đã tạm lắng dịu thì mới có thể gom góp được đôi điều đáng ghi nhớ! Nơi sôi nổi, náo động nhất liền sau khi Portugal đoạt giải thì tất nhiên không đâu khác hơn ở thủ đô Lisbon nói riêng và cả nước Bồ Đào Nha nói chung. Nơi sớm lắng dịu nhất thì có lẽ là ở thủ đô Paris cũng như cả nước Pháp nói chung, vì người ta muốn càng sớm quên đi được bao nhiêu thì càng hay bấy nhiêu.
Tuy sau 51 trận đấu, 108 trái banh lọt lưới, 1,367 cú sút đúng cũng như lệch khỏi hướng khung thành và 45,868 lượt chuyền banh cho nhau (máy móc thiết bị điện tử ngày nay giúp thiên hạ đúc kết được như vậy) thì mọi việc đã xong xuôi. À mà quên! Người ta còn ước tính là số ổ bánh mì "ba-ghét," sản phẩm đặc trưng của Pháp, mà dân Pháp cũng như khách thập phương tiêu thụ trong thời gian kéo nhau đi xem đá banh trong và ngoài các sân đấu, nếu xếp vào trong các toa xe lửa nối liền nhau thì dễ chừng đã dài đến ba phần tư khoảng cách lên mặt trăng!

Chiếc xe bus mui trần chở đoàn cầu thủ chiến thắng về đến thủ đô Lisbon.



Dân Pháp buồn lắm, nhưng thôi hãy tạm không nói đến làm gì về cái buồn của người ta. Hẵng nói đến cái vui nhộn của dân Bồ ở Lisbon cũng như cả nước Bồ với trên dưới 10 triệu dân.

Chuyến máy bay phản lực được đặt tên chuyến bay "Eusebio," tên của một "đại cầu thủ" Bồ đã qua đời, vừa đáp xuống phi đạo thì lập tức có hai chiếc xe loại "vòi rồng" dàn ra hai bên phi cơ và phun hai vòi nước chéo vào nhau trên không thành cái vòng cầu, một vòi màu đỏ và một vòi màu xanh lá cây, tượng trưng cho màu cờ Portugal!

Toàn thể đội ngũ dưới sự chỉ huy của huấn luyện viên Fernando Santos cùng leo lên chiếc xe bus mui trần và tiến vào thủ đô. Ngoài huấn luyện viên Santos thì có 3 nhân vật nhân vật nổi nhất trong đoàn là Eder, người ghi bàn thắng giúp Portugal đoạt giải, kế đến là hậu vệ Pepe, người được bầu là cầu thủ nổi bật nhất của trận chung kết, và tất nhiên không thể thiếu nhân vật ồn ào nhất là đội trưởng Cristiano Ronaldo!


Tổng Thống Marcelo Rebelo de Sousa cầm chiếc cúp Euro Championship 2016 trong tay giữa đội ngũ Portugal.



Sau khi đi gặp Tổng Thống Marcelo Rebelo de Sousa cùng các nhân vật cao cấp khác trong chính phủ thì chiếc xe bus đưa cả đoàn ra khu quảng trường chính ở Lisbon, nơi có bức tượng cao ngất ngưởng của vua José khi xưa. Xem các đoạn videos ghi lại quang cảnh đó thì thấy người đông như kiến nhưng có tờ báo lại tường thuật là có khoảng 5 nghìn người. Trên chiếc xe bus thì Ronaldo là người cầm cái micro điều động mọi người cùng nhau hát hò. Anh ta tuyên bố: "Chiến thắng vẻ vang này là của chung toàn dân ta"!

"Chung" thì là như vậy, thế nhưng khi có người hỏi xem cái cúp này có ăn nhậu gì đến giải trái banh vàng "Ballon d'Or" cho năm 2015 hay không thì anh ta nói :"Nó góp phần cho tôi đoạt giải Ballon d'Or thế nhưng tôi không bị ám ảnh bởi cái giải đó đâu"!

Ai tin được về cái vế "không bị ám ảnh" thì cứ việc tin đối với nhân vật mà báo chí bên Anh gọi là "The ultimate egocentric" (nhân vật vị kỷ vào hàng thượng thừa)! Hôm ở trận đấu mà đương sự trông đau khổ thiểu não bao nhiêu lúc phải rời khỏi sân vào phút thứ 25 do bị chấn thương nơi đầu gối, thì sau hồi còi kết thúc trận đấu người ta thấy đương sự đi cà nhắc lên khán đài cùng đồng đội để nhận cái cúp và bao nhiêu sự đau đớn đã hoàn toàn biến dạng trên gương mặt! Tuy nhiên Ronaldo vẫn đạt được kỷ lục là cầu thủ loại tiếng tăm từng có mặt nhiều nhất trong các giải Euro từ trước đến nay, và số bàn thắng đạt được đã ngang bằng với những kỷ lục như trước đây của Michel Platini ở các giải quốc tế chẳng hạn.

Tổng Thống De Sousa của Portugal nói là sẽ ký sắc lệnh tuyên dương đội banh Portugal với loại Bội Tinh dành cho giới chỉ huy kiệt xuất!

Trong khi đó thì chả biết có phải để an ủi hay ủy lạo gì cho dân Pháp hay không nhưng một ban bình chọn của UEFA để bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất của giải Euro kỳ này đã chọn cầu thủ Pháp Antoine Griezmann và trao tặng đương sự giải chiếc giày vàng "Golden Shoe"! Tất nhiên là các nước tham gia khác đều há hốc mồm, bởi chẳng ai dị nghị gì về tài nghề của Griezmann thế nhưng ở xứ Wales chẳng hạn thì người ta thắc mắc: "Vậy chứ Gareth Bale của chúng tôi thì sao ?"

Mà UEFA khi dựng lên cái gọi là "đội ngũ lý tưởng" với những cầu thủ được rút tỉa ra từ 24 đội tham gia giải Euro kỳ này thì không có mặt Bale trong đó; khiến dân Wales lại càng thêm điên người! Nhưng gì chứ còn chuyện bình chọn đội nào xuất sắc nhất, cầu thủ nào xuất sắc nhất thì từ các nhà bình luận chuyên môn cho đến đám "thứ dân" trong bóng đá, ai nấy đều có ý kiến riêng của mình!

Nhưng nhân đề cập đến Griezmann thì mới có chuyện đội Atletico de Madrid bên Tây Ban Nha rất bất bình khi thấy cựu cầu thủ người Bồ của họ là Paulo Futre đã ca ngợi Ronaldo lên tận mây xanh trong khi các fans của Atletico chỉ muốn cho Pháp thắng bởi trong đội Pháp có Griezmann đấu cho Atletico!

Thì ra là vậy! Cựu cầu thủ Futre bèn hỏi vặn,"Vậy chứ kỳ World Cup ở Nam Phi, lúc thủ môn Iker Casillas của đội Tây Ban Nha bắt được cú sút của cầu thủ Hòa Lan Arjen Robben, giúp Tây Ban Nha đoạt giải kỳ đó thì sao không thấy qúy vị ta thán gì khi ai nấy đều ca ngợi Casillas? Tôi là dân Bồ thì tôi coi Ronaldo như số một là phải rồi chứ còn gì nữa?"

Và bây giờ đã đến lúc nên đề cập đến nhân vật đáng được nhắc đến hơn cả là cậu Eder, người giúp Portugal đoạt giải!

Để tránh nhầm lẫn Eder người Bồ với Eder Citadin Martins, một cầu thủ xuất sắc khác của Ý, thì thiết tưởng cần nêu ngay danh tính đầy đủ của cậu người Bồ 28 tuổi này. Tên đầy đủ của cậu ta là Ederzito Antonio Marcedo Lopes, bố mẹ gốc Guinea Bissau, Tây Bắc lục địa Phi Châu, cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha. Cậu ta theo bố mẹ di cứ qua Bồ Đào Nha năm nên hai. Gia đình thuở mới tái định cư còn nghèo túng, không nuôi nổi con đành phải gửi cậu ta vào một trung tâm kiểu như "trại tế bần" do các linh mục công giáo quản lý; và cậu ta ở lại đấy cho đến khi đã khôn lớn, đã bắt đầu đi đá banh cho đội Academica ở Coimbra bên Bồ Đào Nha vào năm 2008.

Sau đấy cậu ta đấu cho đội Braga thuộc nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu của Bồ vào năm 2012. Cậu ta tham dự 138 trận với đội này và ghi được tổng cộng 38 bàn thắng. Kỳ World Cup 2014 Eder đã có chân trong đội tuyển quốc gia Bồ. Vì thế mà sau đấy thì đội Swansea bên Anh mới rước về vào năm 2015, nhưng thời gian ở đấy thì Eder chẳng lập được thành tích gì khiến đội Swansea bèn cho đội Lille bên Pháp mượn. Qua đấy thì năm 2016 Swansea bèn nhượng luôn cho Lille chứ chẳng còn cho vay hay mượn gì nữa. Và ở kỳ Euro 2016 này thì Eder chả cần phải đi đâu xa, chỉ việc chờ sẵn ở Lille khi đội nhà kéo qua!

Nếu như sau trận chung kết mà đội trưởng Ronaldo nhìn Eder với cặp mắt đầy trìu mến thì trong tất cả những trận trước đấy Eder là cầu thủ trong đội mỗi lần ra sân là bị Ronaldo phê phán gắt gao nhất! Huấn luyện viên Fernando Santos bình luận về đội của ông theo kiểu nói của dân Bồ, chẳng mấy thuận tai với dân Việt ta, là: "Đội ngũ chúng tôi hiền lành như chim bồ câu nhưng khôn ngoan như loài rắn"!

Nếu vậy thì đội Pháp phải coi cú sút của Eder vào phút thứ 109 đó như cú mổ của loại rắn hổ mang! Mà Ronaldo không ra khỏi trận vào phút thứ 25 thì chưa chắc ông Santos đã để cho Eder ra thay thế Renato Sanchez sau khi Sanchez đã đuối sức sau 90 phút đấu! Sở dĩ đội Portugal vẫn coi trọng vai trò của Ronaldo là bởi cậu này thuộc hàng kiệt xuất trong bóng đá thế giới, bởi vậy mà có mặt Ronaldo thì đối phương phải bố trí người không ngừng canh chừng cậu ta trên sân. Mà có như vậy thì địch nó mới dễ tương đối sao nhãng đám cầu thủ Bồ kia để đám này có nhiều cơ hội xoay sở mà đột nhập vào sau cánh phòng vệ của địch! Vắng mặt Ronaldo là họ phải tổ chức lại đấu pháp theo kiểu khác ngay lập tức! Đấy là lý do khiến lắm người không hiểu tại sao trận đấu vắng Ronaldo nhưng sau chiến thắng thì đội Portugal vẫn trọng vọng cậu ta như thường. Thậm chí, ngay sau khi Ronaldo ra khỏi trận thì Pepè đã lập tức nói với đồng đội: "Bọn mình cố thắng cho Ronaldo"!

Tổng kết các bài bình luận của báo chí phương Tây sau giải Euro kỳ này là gì ? Có lẽ nên chọn nhận định khá tiêu biểu là: Vì cái vụ cốt sao đừng bị loại để vào sâu cho được đến những vòng trong cho nên hầu hết đều đấu theo kiểu lo thủ, chả còn dám đá banh sao coi cho được ngoạn mục, tức là dám chấp nhận rủi ro. Mà rốt cuộc thì cái kiểu đấu như vậy làm lu mờ cách đấu của hai đội đáng được tán thưởng hơn hết là đội Iceland và đội xứ Wales!

Và đặc biệt nhất là báo chí bên Anh, khác hẳn với mọi nước ở chỗ không có thói quen cứ coi cái gì của mình cũng là nhất. Suốt từ trận ở Nice ngày 27/6 khi Iceland thắng Anh 2-1 ở vòng 16 khiến thầy trò đội Anh và hàng chục nghìn fans phải cuốn cờ, khăn gói trở về đảo thì báo chí nước Anh và không ngừng soi mói, thiếu điều nhiếc móc đội tuyển quốc gia của mình! Duy có điều là anh nào kém hoặc cho dù thắng trận vẻ vang nhưng không chịu bỏ cái thói vỗ ngực đồm độp thì trước sau gì cũng sẽ có những ngày buồn như đám 23 đội kỳ này không có cái cúp trong tay!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT