Chuyện Nước Pháp

Những quán ăn đông người gần gũi giới bình dân (kỳ 1)

Saturday, 16/09/2017 - 09:47:49

Hiện tượng rất phổ biến chung quanh những siêu thị lớn nhỏ khác nếu có sân xi măng rộng lớn và nơi chứa xe caddie đẩy đi chợ nằm đầy ra đó xếp thứ tự. Khách đến lấy xe ra và đẩy xe vào qua đồng xu nhựa hay đồng kim loại cho không.

Bài NGỌC DIỄM

Đó là những tiệm ăn giá cả vừa phải và tiện lợi với những người đi làm hay các ông bà đã về hưu lười nhác bếp núc muốn thưởng thức món ngon bình dân. Vào dịp cuối tuần, cả gia đình người Pháp cũng hay đưa nhau đến ăn với đám trẻ con. Trước tiên, chúng tôi đã chạy một vòng khá xa ra ngoại ô thành phố để đến quán ăn nhanh Flunch nằm trong khuôn viên đại siêu thị Auchan với hình chú chim sẻ dễ thương.
Cũng không sai lắm lúc vào hè, chim sẻ ríu rít chung quanh bãi đậu xe tìm thức ăn. Thường khi chúng lẩn quẩn cạnh bên tiệm Flunch nhờ dễ dàng tìm thấy thức ăn thừa do thực khách làm rơi rớt dưới gầm bàn. Có lúc, vài con sẻ chẳng biết làm sao mà lạc luôn vào bên trong chợ bay tới lui một lúc lâu rồi biến mất đâu đó. Đặc biệt chỉ có chim sẻ có mặt nơi đây mà không là thứ chim nào khác hơn. Hiện tượng rất phổ biến chung quanh những siêu thị lớn nhỏ khác nếu có sân xi măng rộng lớn và nơi chứa xe caddie đẩy đi chợ nằm đầy ra đó xếp thứ tự. Khách đến lấy xe ra và đẩy xe vào qua đồng xu nhựa hay đồng kim loại cho không.


Đại siêu thị Auchan với hình chim sẻ tượng trưng đậu trên chữ A. (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Trong vườn nhà chúng tôi chim sẻ đến hàng ngày ăn hạt ngũ cốc bán rẻ rề trong siêu thị hay thức ăn thừa còn sót lại. Có lời than phiền về chim sẻ siêu thị dám ị lên cả hàng hoá bày bán làm khách tiêu thụ bực mình hay làm tổ luôn tại chỗ.

Thật ra, con chim đậu trên chữ A màu đỏ có đuôi xanh lá cây không phải là chim sẻ (moineau) mà là con chim cổ đỏ (rouge-gorge). Con chim này rất hiếm thấy xuất hiện và cái logo trong hình tôi chụp đã cũ rồi. Nó được vẽ lại cho tròn trịa và dễ thương hơn nữa với hình dạng mới vào đầu năm 2017. Siêu thị tôi đến chưa kịp sửa lại, nó đã có mặt nơi đây lâu lắm rồi từ khi thương hiệu Mammouth bán lại cho nhóm Auchan.
 

Bầy chim sẻ thông thường trong vườn nhà người dân và con chim cổ đỏ khác hẳn. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Coi sơ qua vậy mà có tới ba loại chim sẻ khác nhau bên Tây, họ phân biệt sẻ nhà, sẻ soulcie và sẻ friquet. Sẻ nhà có đặc điểm dễ thấy là chim đực có túm lông đen dưới cổ còn chim mái thì không có. Hai loại sẻ kia thì đôi bên giống hệt nhau rất khó biết. Sẻ soulcie có chút xíu lông tơ màu vàng nhạt dưới cổ còn sẻ friquet có lông phủ đầu màu nâu đặc biệt. Chúng đều dài khoảng từ 14 đến 16 cm và nặng chừng 25 gam, thật bé tý hon so với loài quạ đen tuyền hay bồ câu tròn trịa.

Chúng ta trở lại với hệ thống dây chuyền hãng bán thức ăn nhanh cho thực khách tên Flunch. Đây là loại tiệm ăn do khách vào tự phục vụ, self-service rất dễ chịu vì ta muốn ăn gì thì lấy cái đó có sẵn trên kệ hàng. Lùi lại trong quá khứ, tại Hoa Kỳ lần đầu tiên có bán đồ dùng tự phục vụ năm 1916 tại tiểu bang Memphis. Người chủ - ông Clarence Saunders, đặt tên tiệm là Piggly Wiggly ở số 79 Jefferson Street. Cho đến 30 năm sau, cách thức self-service mới được mở mang rộng rãi trên toàn quốc Hoa Kỳ và dần dần truyền bá khắp thế giới năm 1950 trở lên.

Bảng hiệu Flunch lấy từ Fast (nhanh) và Lunch (ăn trưa) thành ra vậy tuy thuộc về nước Pháp. Tiệm mở cửa bảy ngày trên bảy, chủ đề cổ điển dựa trên ba món chính là món nhẹ lót dạ rồi món chính và món tráng miệng. Kèm theo có đủ loại thức uống kể cả rượu vang đỏ rất ngon cho đến loại tiêu hoá mạnh cũng có bán như Whisky và Rhum. Các thứ bánh ngọt cũng thuộc loại hảo hạng, như loại Gateau Bavarois gốc Pháp hay Forêt Noire trứ danh gốc Đức.
 

Nhà hàng bình dân thức ăn nhanh thuộc hệ thống Flunch của Pháp. (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Có mặt từ năm 1971 đến nay, Flunch đã vượt biên giới sang Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, và Ba Lan. Nhóm chủ nhà hàng thuộc loại đa cổ phần đơn giản (hội đoàn gia đình họ Mulliez) hùn vốn chung với nhau. Trên bản đồ nước Pháp chi chít những bảng hiệu đỏ chữ trắng nổi bật đánh dấu các nơi có nhà hàng ăn nhanh Flunch bao gồm 216 tiệm nơi các trung tâm thương xá lớn. Có 20 tiệm dọc theo các chỗ tạm nghỉ trên xa lộ (tổng số 142 xa lộ, hệ thống phát triển mạnh thứ tư trên thế giới với khoảng 12 ngàn cây số) và 50 tiệm ở xứ ngoài.

Tiệm lớn nhất của hệ thống Flunch nổi tiếng khắp nước Pháp với con số trung bình khách ăn hàng ngày từ 400 đến 600 người cho bữa trưa nằm tại tỉnh phía Bắc tên là Villeneuve-dAscq. Diện tích 2500 thước vuông với 1010 chỗ ngồi trong đó có 140 chỗ ngoài trời. Thực khách dùng cơm trưa khoảng 1500 người mỗi ngày. Giá cả dễ chịu rất bình dân là 10 đồng Tây trung bình cho ba món căn bản và chỉ uống nước lạnh nhưng có thêm quả xơ-ri trên chiếc bánh là dùng rau cải nấu chín kèm theo múc thả cửa khi ăn xong nếu còn thòm thèm chút khoai tây chiên vàng dòn rụm (gọi là “légumes à volonté”).
 

Bên trong quán ăn nhanh khang trang Flunch với cây dừa xanh xõa lá thật. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Vì tính chất bình dân nhưng thích hợp cho số đông người (vốn tích lũy thu vào hàng năm khoảng 600 triệu Âu kim) nên thủ đô Paris lại không có tiệm lớn như kể trên ở phía Bắc dù tính sơ sơ cũng có đến 57 tiệm rải rác khắp nơi. Nhiều chỗ mở cửa đến 10 giờ tối, thông thường ban đêm ít khách đến ăn hơn buổi trưa.
Nơi chúng tôi ở có ba tiệm Flunch được thăm viếng đầy đủ và cả ba đều ngon miệng nhưng tiệm khá nhất nằm xa nhất ở ngoại ô cách phố chính chừng 15 cây số. Có lần chúng tôi được thưởng thức món chuối sứ nấu chín như bắp cải ăn kèm món chính rất ngon do một đầu bếp… Á Châu hiếm hoi có lẽ gốc Việt Nam thực hiện. Nào có được Litlle Sài Gòn trên đất Pháp mà ham! Trở đi trở lại mấy lần chỉ để ăn chuối sứ hầm, thật tức cười. Dĩ nhiên, khoai tây chiên dòn tươi dưới kiểu thái mỏng như que đũa hay tròn trịa như hạt mít ăn khách nhất đám.
 

Đĩa thức ăn XXL đối với người viết bài, đủ màu sắc tươi mát và ngon lành. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Kế đó là thanh cá chiên kiểu Fish & Chip của Anh quốc rất đáng mê vì cá mà không tanh mùi cá chút nào, gọi là colin dAlaska. Đôi khi Flunch rất hào phóng, cho cả rau xà lách múc thả cửa. Cuối tuần, có món nghêu biển luộc ăn kèm khoai tây chiên được đầu bếp múc liên miên cho thực khách mấy lần cũng không ai tính đến! Tên nó là Moules-Frite à Volonté, chúng tôi có thử qua nhưng có lần hơi thất vọng vì còn mấy hạt cát dính trong thịt sò làm mất hứng. Điều này trên nguyên tắc không được chấp nhận và khách có thể đem dĩa đến đổi lấy cái không có cát, nhưng ai có can đảm làm đuôi dài thòn? Vì vậy thôi bỏ qua đi Tám, mà khách Tây không ai nói gì hết thì khách Việt thiểu số nên nín khe.
 

Món ăn thả cửa vào cuối tuần tại quán ăn nhanh Flunch.

Kể ra con nghêu biển hầm không cầu kỳ nhưng thật ngon miệng nhờ 10 món gia vị khác nhau thêm vào trong đó. Thật bất ngờ, này nhé vừa tiêu vừa tỏi, hành củ lớn và hành củ nhỏ (tên nó là échalotte và gu thật nhẹ thật dịu so với hành củ lớn là oignon), nhánh cải thơm céleri, ngò tây persil không mùi, bơ của mẹ Bò, rượu trắng rồi hai thứ rau thơm tinh tế thym và laurier. (nd)
(Còn tiếp)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT