Phóng Sự

Những quyền lợi của người khuyết tật sống tại Mỹ (kỳ 1)

Sunday, 21/05/2017 - 09:53:02

Trong phim, đạo diễn Eric Neudel đưa người xem trở về quá khứ, vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990 khi cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của cộng đồng người khuyết tật tại nước Mỹ ở vào giai đoạn sôi sục nhất.

Bài BĂNG HUYỀN

Ngày Quốc Tế Người Khuyết Tật

Theo thống kê, ở khắp nơi trên thế giới, cứ 10 người thì có 1 người là người khuyết tật, và người khuyết tật chiếm 20% trong số những người có hoàn cảnh khó khăn ở các nước đang phát triển. Nhiều người khuyết tật vẫn phải đối mặt với các rào cản khi họ hòa nhập vào cộng đồng. Họ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về các quyền cơ bản, như học tập, việc làm hoặc tiếp cận với các dịch vụ y tế, vui chơi, giải trí và các dịch vụ xã hội khác.


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt (bên phải) cùng hòa tấu với tiếng kèn tuba của nghệ sĩ Stan Freese qua nhạc phẩm “Đoàn Lữ Thứ” của nhạc sĩ Lam Phương trình diễn trong chương trình do Ngọc Trong Tim tổ chức ngày 10 tháng 8, 2013 tại Saigon Performing Arts Center. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Sau năm 1981, là năm mang tên năm Quốc Tế Về Người Khuyết Tật, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 3 tháng 12, 1982 đã thông qua Chương Trình Hành Động Thế giới về người khuyết tật nhằm đạt được sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và bảo vệ các quyền của người khuyết tật. Để khuyết khích các nước thực hiện các cam kết hỗ trợ người khuyết tật, ghi nhận sự kiện có ý nghĩa lịch sử và nhân văn này.
Năm 1993, Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày 3 tháng 12 hàng năm là ngày Quốc tế Người Khuyết Tật, khẳng định trách nhiệm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong việc quan tâm giúp đỡ người khuyết tật, xóa bỏ mọi rào cản, tạo cơ hội để họ hòa nhập cộng đồng. Mục tiêu của Ngày quốc tế người khuyết tật không chỉ thúc đẩy hiểu biết về các vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho phẩm giá, quyền và hạnh phúc của người khuyết tật. Mà còn nhằm tìm cách tăng cường nhận thức về những thành quả đạt được khi thu hút người khuyết tật tham gia vào mọi mặt của đời sống.

Mặc dù vậy, trên thực tế người khuyết tật vẫn bị từ chối các quyền của họ và bị gạt ra bên lề xã hội trên khắp thế giới. Và không phải tất cả các nhóm người khuyết tật đều giống nhau. Một số nhóm bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, di dân và cộng đồng người đồng giới bị khuyết tật dễ bị tổn thương hơn so với những nhóm người khuyết tật khác và chịu nhiều sự phân biệt đối xử hơn.

Vì thế, Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công Ước Quốc Tế Về Quyền Của người khuyết Tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities) vào ngày 13 tháng 12, 2006. Công Ước Quốc Tế là một văn kiện nhân quyền được soạn nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật. Đến nay đã có 147 nước ký Công Ước. Các quốc gia tham gia phải bảo đảm quyền được thụ hưởng bình đẳng mọi dịch vụ công cộng của người khuyết tật, trong đó khoảng 80% sống tại các nước kém phát triển.

Tâm tình của người khuyết tật gốc Việt

Người khuyết tật ở bất cứ quốc gia nào, văn minh hay đang phát triển, đều rất cần được chia sẻ, tôn trọng, được hỗ trợ, tạo điều kiện để sống hòa nhập với cộng đồng và tìm kiếm hạnh phúc của mình. Đây cũng chính là mục đích chính mà loạt bài viết này thực hiện. Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, người viết đã trò chuyện và nhận được những chia sẻ rất hữu ích từ nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt bị khiếm thị từ khi mới chào đời, dược sĩ Mai. T. Nguyễn là hội trưởng của Hội Trái Tim Bác Ái (Hearts of Charity and Friends) có thể trạng bé nhỏ từ lúc mới sinh ra, và chị Ngọc Phấn là ca sĩ chuyên hát nhạc Thánh Ca của các Hội Thánh Tin Lành trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ từng bị di chứng sốt bại liệt khi còn nhỏ nên liệt hai chân, phải ngồi xe lăn.

Từ chính kinh nghiệm cá nhân của mình, từng người đã kể lại những điều mà các anh, các chị đã nhận được khi may mắn đến định cư tại quê hương thứ hai nơi xứ sở Hoa Kỳ. Các anh, các chị đã nhận được những điều kiện thuận lợi nhất để có thể tự sinh hoạt, phát triển như mọi người bình thường khác.
Nếu vẫn còn sống tại quê nhà, chưa chắc các anh, các chị nhận được những điều căn bản này để có được đời sống độc lập như bao người khác. Vì ngay tại Việt Nam hiện nay, dù là nước thứ 118 đã tham gia ký Công Ước Quốc Tế (ngày 22 tháng 10, 2007). Nhưng người khuyết tật trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản mà một trong những rào cản lớn nhất dường như được dựng lên chính trong suy nghĩ và nhận thức của cộng đồng.

Sự kỳ thị liên quan đến người khuyết tật cũng khiến các bậc cha mẹ có con khuyết tật ngại ngần cho phép con cái họ tham gia đời sống cộng đồng. Điều đó vô tình làm gia tăng sự cách biệt cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử với người khuyết tật sống tại Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt nói rằng, có rất nhiều điều tốt đẹp về đời sống tại Hoa Kỳ. “Ở Hoa Kỳ có những điều luật như Đạo Luật Người Mỹ Khuyết Tật (ADA) năm 1990 bảo vệ quyền dân sự toàn diện cho người khuyết tật trong những lãnh vực việc làm, dịch vụ của chính phủ tiểu bang và địa phương, nhà ở công cộng, vận tải và viễn thông, nhằm giúp cho người bị khuyết tật sống vui vẻ và có một đời sống hòa nhập với cộng đồng. Người bị khuyết tật được đi học, lập gia đình hoặc trở thành cha mẹ, đi làm, lái xe, chơi thể thao, và trở thành một nhà chuyên nghiệp theo khả năng của mình. Đường sá, các tòa nhà… đều được quy hoạch, thiết kế hợp lý để người gặp khuyết tật vận động vẫn có thể tự dùng xe lăn di chuyển, mà không gặp bất kỳ sự bất tiện hay cần đến sự trợ giúp nào.”

Chính phủ còn có nhiều chương trình trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật, như chương trình SSI (Supplemental Security Income). Với chương trình này, chính phủ cung cấp một số tiền căn bản cho những người nghèo hoặc những người không đủ khả năng làm việc, trong đó có những người khuyết tật do bẩm sinh hay có thể do bệnh tật gây ra.

Ngoài việc trợ cấp hàng tháng, người khuyết tật cũng được tạo nhiều điều kiện có việc làm phù hợp khả năng để kiếm thêm thu nhập và giúp họ gia nhập xã hội một cách bình thường, để họ có thể tự xoay sở, hạn chế việc phải nhờ vả đến sự giúp đỡ của người khác, đôi khi mặt nào đó họ còn có thể giúp đỡ người khác trong điều kiện khả năng của họ. Nhờ vậy, người khuyết tật không bị mặc cảm tật nguyền, và họ còn có thêm cơ hội đóng góp cho xã hội, cũng như có thể tìm kiếm hạnh phúc với người bạn đời của mình.

Đấu tranh để đòi quyền bình đẳng

Tuy nhiên để có được những điều tốt đẹp trên, trong quá khứ, những người khuyết tật sống tại Hoa Kỳ đã phải đấu tranh rất quyết liệt để đòi quyền bình đẳng cho mình. Điều này đã được đạo diễn Eric Neudel thực hiện ký sự truyền hình mang tên Lives Worth Living (Những Cuộc Đời Đáng Sống) để nói về nghị lực phi thường của người khuyết tật tại Mỹ.
Đạo diễn Eric Neudel và nhà sản xuất Alison Gilkey đã mất tới 5 năm mới có thể hoàn thành Lives Worth Living, từ việc gây quỹ để làm phim, nghiên cứu tư liệu, đi phỏng vấn các nhân vật rồi cô đọng lại câu chuyện trong 53 phút. Khi ra mắt vào năm 2011, phim trở thành ký sự truyền hình đầu tiên của Mỹ nói về những nỗ lực của cộng đồng người khuyết tật trong việc giành quyền bình đẳng, đem tới niềm tin cho gần 1 tỷ người trên khắp thế giới.

“Lives Worth Living” mở đầu bằng những hình ảnh ảm đạm từ quá khứ, khi những người khuyết tật đang biểu tình và một người trong số đó bị lực lượng bảo vệ kéo đi. Câu mở đầu của phim là: “Có nhiều người tin rằng, khi bạn khuyết tật thì bạn không còn thiết sống nữa.”

Trong phim, đạo diễn Eric Neudel đưa người xem trở về quá khứ, vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990 khi cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của cộng đồng người khuyết tật tại nước Mỹ ở vào giai đoạn sôi sục nhất.

Các nhân vật của câu chuyện này dẫn dắt khán giả đi tới từng ngõ ngách trong cuộc sống của người khuyết tật thông qua những cuộc phỏng vấn và hình ảnh trong quá khứ. Đạo diễn Eric Neudel cho biết ở đầu những năm 1990, người khuyết tật dường như không có tiếng nói trong cộng đồng, họ bị phân biệt đối xử. Thông qua phim, ông muốn tất cả những nhân vật tự mình kết nối câu chuyện để tạo thành một dòng chảy cảm xúc.

Frederick A. Fay, một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào đấu tranh cho người khuyết tật, tâm sự trong phim, “Ngày ấy ở trên phố, mỗi con đường đều có vỉa hè rất cao và chẳng hề có đường dốc để xe lăn đi lên. Nó giống như bức tường thành Berlin dành cho những ai phải ngồi trên xe lăn.”
“Lives Worth Living” theo sát sự phát triển nhận thức của một nhóm người nhỏ khi họ dần nhận ra rằng cần phải đấu tranh để thay đổi thế giới. Những cuộc biểu tình và cuộc chiến pháp lý dần nổ ra trên khắp nước Mỹ. Một trong những hình ảnh gây xúc động nhất trong phim là ở một cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài Hạ Viện Mỹ, một cô bé khuyết tật tuổi đời còn rất nhỏ nhưng cho thấy ý chí phi thường khi cố bò lên hết những bậc cầu thang để vào được bên trong. Cô bé nói trong phim tài liệu, “Tôi có thể bò cả ngày hôm nay.”

Luật Người Khuyết Tật, là một trong những mắt xích quan trọng của hệ thống luật dân sự trong lịch sử nước Mỹ, được Tổng Thống George H. W. Bush ký ban hành. Trước khi có luật này, người khuyết tật đấu tranh theo những nhóm nhỏ như nhóm người khiếm thị hay những chứng bệnh khác nhau. Nhưng khi hợp sức lại, họ cho thấy một sự đồng lòng, kiên cường muốn thay đổi thế giới.
(Còn tiếp)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT