Phóng Sự

Những quyền lợi của người khuyết tật sống tại Mỹ (kỳ 2)

Sunday, 28/05/2017 - 11:44:32

Thường tối trước khi đi ngủ, chị lên giường nằm là sạc điện xe lăn điện suốt đêm giống như sạc điện thoại vậy. Sáng ra thì chị dùng nó cả ngày.

Bài BĂNG HUYỀN

Người khuyết tật chân vẫn có thể lái xe

Anh Hải Trương, hiện đang sống ở thành phố Westminster, có người em gái (của vợ) bị liệt hai chân, nhưng hai tay dùng được, đã ngoài 40 tuổi mới qua Mỹ định cư khoảng 9 tháng nay. Anh cho biết khi nhìn thấy người khuyết tật chân giống như cô em vợ của anh, nhưng vẫn có thể tự di chuyển bằng xe lăn điện, tự lái xe đi đó đi đây, không phải lệ thuộc vào người khác rất hay.


Chị Ngọc Phấn điều khiển xe lăn điện vào chiếc xe của chị. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chứ lúc ở bên Việt Nam, cô em vợ anh hoàn toàn lệ thuộc vào người thân, thường ra đường là phải nhờ người này, người kia chở. Hoàn toàn bị giới hạn trong không gian gia đình, rất khó khăn khi tiếp xúc môi trường bên ngoài, vì hệ thống đường đi vẫn chưa phù hợp với người khuyết tật. Hầu hết các phương tiện giao thông công cộng hiện nay tại Việt Nam đều không phù hợp cho người khuyết tật sử dụng như cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, nơi dừng xe bus không có đường tiếp cận để người khuyết tật ngồi xe lăn để lên xe.


Ghế ngồi lái xoay ra giúp người sử dụng chuyển từ xe lăn qua ghế ngồi lái dễ dàng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nhạc sĩ Thế Vinh là người đã sáng lập và điều hành Trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương, tại Bình Dương ở Việt Nam. Đây là một trung tâm bảo trợ xã hội nuôi ăn, ở, dạy văn hóa và nhân cách hoàn toàn miễn phí cho các em từ lớp 6 cho đến khi tốt nghiệp đại học.

Trong lần chia sẻ những tâm tình với người viết về chương trình nhạc thính phòng “Góp Lá Mùa Xuân” do Hội Fortitude Educational Foundation tổ chức giúp gây quỹ cho Trường Hướng Dương, nói về những thiệt thòi của người khuyết tật sống tại Việt Nam, nhạc sĩ Thế Vinh nhận xét, “Ở Việt Nam, về điều kiện để giúp người bị khuyết tật ăn học và phát triển phù hợp khả năng của mình, Vinh không nghĩ là cho không, mà chỉ giúp người ta trong giai đoạn từ nhỏ đến tuổi trưởng thành để người ta có đủ điều kiện để đi làm công việc phù hợp khả năng để tự nuôi sống bản thân, thì điều đó hoàn toàn bỏ ngõ.


Sàn dốc của xe được kéo lên. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Nhà nước chỉ có giúp cho người khuyết tật một tháng khoảng một trăm mấy chục ngàn VNĐ, số tiền ít ỏi như vậy làm sao mà ăn học, đi lại. Vì vậy rất nhiều em khuyết tật tại Việt Nam đều bỏ học và các em đã bỏ học thì suốt cuộc đời cứ giam mình trong nhà, rất là tội nghiệp. Chính vì điều đó cho nên Vinh muốn giúp được các em khuyết tật sẽ đến với trường Hướng Dương này ngày càng nhiều để các em có điều kiện ăn học, sau này ra tự sống bằng sức lực của mình, khả năng của mình và đó là cách tìm niềm vui đích thực, vì mình thấy mình còn hữu ích, có thể tự lo đời sống của chính mình, đó là một niềm vui rất lớn.”

Chị Ngọc Phấn bị liệt hai chân từ nhỏ, phải ngồi xe lăn, đã qua Mỹ định cư từ cuối thập niên 1980, sống tại thành phố Midway của Quận Cam suốt từ đó đến nay. Chị kể khi còn sống ở Việt Nam, ở trong nhà, chị phải đi lết chồm hổm dưới đất, muốn đi đâu cũng phải có người chở đi, khi đó chị đâu có nghĩ đến ngày chị có thể tự di chuyển khắp nơi, không phải lệ thuộc vào người khác như hiện nay khi sống tại Mỹ.
Chị cho biết thời gian đầu mới qua định cư, khi đi học college, thấy chị sau giờ học phải chờ anh trai đi làm ra đến đón, phải đợi cả ngày trong trường, một chị bạn người Mỹ, cũng bị liệt hai chân như chị, nhưng tự lái xe đi học đã chỉ chỗ cho chị nơi học lái xe dành cho người Handicap, đây cũng là một trong những nơi sản xuất xe dành cho người Handicap, Ability Center (địa chỉ 11600 Western Ave Stanton, CA 90680, điện thoại (714) 890-8262), là một công ty của Mỹ, có nhiều chi nhánh khắp nơi tại Mỹ.


Bộ phận thiết kế ga và thắng bằng tay ngay vô lăng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chị mừng quá, về xin phép ba má và các anh chị của mình cho phép chị đi học lái xe, nhưng cả gia đình đã phản đối, vì sợ chị gặp nguy hiểm, bảo muốn đi đâu thì có người nhà chở đi được rồi. “Lúc đó tôi đành chịu thôi, không có người bắt cầu cho mình, gia đình không ủng hộ nên tôi đành dẹp bỏ ước mơ được tự lái xe đi đây đi đó.”

Vài năm sau chị kết hôn, chồng chị là một dược sĩ, vốn là anh trai của một cậu bạn học chung lớp của chị tại college, anh thường đi đón em trai, thấy nhiều lần chị chờ anh trai đến đón, xin đưa chị về, rồi anh đeo đuổi chị suốt hai năm. Với tấm chân tình của anh đã giúp chị vượt qua mặc cảm khiếm khuyết của mình và ba má cùng các anh chị của chị cũng thương cho sự chân thành đó, đã đồng ý cho chị kết hôn cùng anh.

Đến khi có chồng, chị nói cho chồng biết ý định muốn học lái xe. Chồng chị đồng ý nhưng với điều kiện phải được ba má và anh chị của chị chịu cho chị học thì mới dám ghi danh cho chị, vì anh sợ gia đình chị giận anh. Chị và chồng phải thuyết phục mãi, mưa dầm thấm lâu, cuối cùng đến khi chị có đứa con thứ hai, thì gia đình chị cũng chấp nhận cho chị học lái xe.

Những khó khăn của việc học lái xe

Chị Ngọc Phấn cho biết thời điểm mà chị học lái xe tại Ability Center (khoảng giữa thập niên 1990), khi đó giá tiền học phí rất mắc, phải đóng $1,200, họ dạy đến lúc học viên thi đậu và đưa học viên đi thi luôn. Người khuyết tật muốn học, phải tự bỏ tiền ra học, chứ không được chính phủ bảo trợ.
Chị nói, “Tôi nghĩ bỏ ra 1,200 đồng là rất đáng đồng tiền, vì dạy người handicap cực lắm. Họ dạy rất kỹ, rất bài bản, an toàn lắm, chứ không dạy ẩu đâu.”

Theo chị, “Nếu mình muốn độc lập, tự lái xe đi đây đi đó, thì học mới nhanh, còn nếu không thích, chỉ có người nhà thuyết phục học, e sợ việc lái xe, thì khó học lắm. Bản thân tôi muốn học, mà gia đình cấm, nên khi đi học, dù có khó khăn ban đầu, nhưng phải ráng, vì sợ gia đình la là thấy không, đã nói không học được mà cứ đòi học.”

Chị cho biết khó nhất với chị khi học lái xe là do tay trái của chị bị liệt phần ngón cái và ngòn trỏ, không cầm nắm được bình thường, chỉ có tay phải là khỏe thôi. Mà khi học lái xe dành cho người không sử dụng được đôi chân, xe được thiết kế với ga và thắng đưa lên nơi tay lái, tay trái là tay điều khiển cả ga và thắng luôn, tay phải chỉ cầm vô lăng lái thôi. Dù tay trái của chị bị tật, nhưng khi gạt cây (thiết kế ngay góc của vô lăng, kéo vô là ga, đẩy tới là thắng) chị không phải dùng đến ngón cái, chỉ gạt bằng cả bàn tay thì chị vẫn làm được dễ dàng.

Chị kể, “Bài học đầu tiên là giảng viên dạy cho tôi làm quen với chiếc xe, cách điều khiển vô lăng, cách điều khiển ga, thắng. Nhờ tôi lanh, nên học rất nhanh, xe dạy có hai ga, hai thắng để phòng hờ có gì thì giáo viên dạy mình ngồi cạnh sẽ can thiệp kịp. Còn khi đi thi, thì giáo viên dạy liên hệ nộp đơn cho tôi đi thi và đưa đi thi bằng xe có hai ga, hai thắng, để giám khảo ngồi bên cạnh chấm điểm khi tôi thi lái. Tôi thi lần đầu là đậu ngay.”

Theo chị Ngọc Phấn thì ở Mỹ không giới hạn quyền lái xe của người khuyết tật, chỉ cần người đó chứng minh khả năng lái xe của mình một cách an toàn như người bình thường. Khi đến Nha Lộ Vận DMV để xin thi lấy bằng lái xe, mọi người dù khỏe mạnh bình thường hay khuyết tật như chị, đều được đối xử như nhau, không phải xuất trình giấy chứng nhận sức khoẻ và người giám khảo của DMV chỉ xem xét khả năng lái xe của người đi thi mà thôi. Chỉ có điều là sau khi có bằng lái rồi, dù là người bình thường hay khuyết tật mà vi phạm luật giao thông, cho dù là lỗi nhỏ, cũng bị xử phạt như nhau.


Chị Ngọc Phấn bấm nút điều khiển ghế ngồi lái xoay ra để chị chuyển vào ngồi. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chị Ngọc Phấn nói sau khi thi đậu, chồng chị đã mua xe trả góp để chị lái. “Lúc bấy giờ chỉ có xe Ford được phép làm riêng dành cho người khuyết tật thôi, chính phủ không cho làm những hãng xe khác, vì cho rằng xe Ford có khung xe cứng, nếu lỡ có tai nạn xảy ra, thì không làm cho người khuyết tật bị thương nặng. Loại xe của người handicap thì người lái bình thường vẫn sử dụng được. Khi sắm xe đó, nếu có ông xã đi cùng, ông xã lái xe chở tôi, anh đi làm thì tự tôi lái đi đưa đón hai con đi học.

“Hồi đó khoảng những năm cuối 1990 xe dành cho người khuyết tật vẫn còn mắc lắm, trị giá một chiếc xe thường, có giá bằng xe bây giờ khoảng 60 ngàn đồng. Những năm gần đây xe dành cho người khuyết tật đã được phép làm nhiều loại xe của các hãng xe khác nhau, ngoài Ford còn có xe của hãng Toyota, Caravan và phải tìm đến chổ chuyên làm riêng xe cho Handicap để mua chứ không phải đại lý xe nào cũng có loại xe của Hadicap.Có đủ loại xe, mới toanh hay đã sử dụng rồi đều có, để tùy mình chọn lựa tùy theo khả năng tài chánh của mình.”

Kỹ thuật tiên tiến giúp người khuyết tật lái xe dễ dàng

Ngày nay, với kỹ thuật tiên tiến ngày càng xuất hiện nhiều trên xe hơi, với vô số các thiết bị lái xe chủ động giúp giảm sự can thiệp của con người vào việc điều khiển xe. Những công nghệ này đặc biệt có ích khi giúp người khuyết tật lái xe. Không chỉ có những xe với hệ thống điều khiển hoàn toàn bằng tay dành cho người chỉ có thể dùng tay để lái xe như xe chị Ngọc Phấn đang sử dụng. Và loại xe tương tự nhưng với hệ thống điều khiển có những tính năng lùi xe, tăng tốc, thắng  điều khiển hoàn toàn bằng chân.
Xe dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn như chị Ngọc Phấn hầu hết đều có thiết kế giống nhau, có gầm thấp và một sàn dốc (có nút điều khiển để mở ra), để người sử dụng lăn xe vào. Xe có không gian bên trong rộng rãi để hành lý và chiếc xe lăn cùng bốn chỗ ngồi. Xe còn thiết kế ghế của người ngồi lái chỉ cần bấm nút điều khiển, có thể xoay ngang ra, tạo điều kiện cho người khuyết tật rời khỏi xe lăn, ngồi vào ghế để lái được dễ dàng.

Để di chuyển trong nhà và khắp nơi bằng đường bộ, thì nhiều năm nay chị đã dùng xe lăn điện thay cho xe lăn tay, vì xe lăn điện giúp di chuyển một cách hiệu quả, an toàn.

Chị Phấn cho biết so với xe lăn tay thì sử dụng xe lăn điện mang đến nhiều tiện ích hơn hẳn. Người sử dụng sẽ không phải tốn nhiều công sức trong quá trình vận hành xe mà rất dễ dàng với một bảng điều khiển. Không cần học trước, chỉ việc đẩy tới, đẩy lui, đẩy trái, đẩy phải thôi. Nếu người dùng không quen thì bật số nhỏ, xe chạy chậm lại, còn nếu quen tay, biết cách giảm tốc độ xe, thì cứ gài số maximum.
Tiện lợi của xe lăn điện giúp người sử dụng di chuyển đến nhiều địa điểm mong muốn, kể cả là những đoạn đường khó đi. Thậm chí có những xe lăn điện thông minh (giá hơi đắt hơn xe lăn điện thông thường) còn giúp di chuyển cả ở bậc thang hay điều khiển bằng giọng nói phù hợp cho những người dùng khác nhau.

Thường tối trước khi đi ngủ, chị lên giường nằm là sạc điện xe lăn điện suốt đêm giống như sạc điện thoại vậy. Sáng ra thì chị dùng nó cả ngày.

Cũng có trường hợp dù đã sạc điện đủ, nhưng đang đi xe ngưng không hoạt động, do bình điện bị hư. Chị nói từ hồi chị xài xe lăn điện nhiều chục năm nay, nhưng chỉ bị hư 1 lần, lần đó chị đang ở trong mall, khi hết bình, bị đứng tại chỗ, chị phải nhờ nhân viên trong mall giúp chị đẩy bộ xe lăn điện của chị ra xe, rồi chị lái xe về nhà. Sau lần đó chị phải tự nhớ bình xài mấy năm, thay bình mới để tránh tình trạng bình hư giữa chừng. Thường một bình điện tốt có thể xài khoảng 3- 4 năm phải tìm thay bình mới.
Khi học lái xe, chị được giáo viên dạy lái ra freeway luôn, chị lái thích lắm. Nhưng sau đó thường cần đi freeway chồng dành chở, nên chị cũng quen lệ thuộc, đến mấy năm sau, anh bệnh, anh mất, vì bỏ lái freeway lâu quá, chị cũng nhát tay khi lái hơn, nên chẳng dám lái nữa, giờ chỉ lái đường trong thôi.
Chị tâm sự, “Lúc chồng mất, con gái lớn của tôi mới 6 tuổi, con trai nhỏ 4 tuổi, khi đó không còn chồng bên cạnh để nương tựa, nhưng may là tôi sống ở Mỹ, tôi vẫn còn được chính phủ trợ giúp nuôi hai con ăn học, chứ ở Việt Nam mà như tôi thì cuộc đời mẹ con tôi sẽ hoàn toàn bế tắc. Vì nuôi thân mình còn chưa xong, nói chi nuôi thêm hai con khi không có chồng bên cạnh. Trước đây tôi có đi làm phụ tá dược sĩ, nhưng làm một thời gian đã nghỉ, vì sức khỏe của tôi không tốt, ngồi lâu rất mệt, không thể làm việc được.”

Với chị Ngọc Phấn, dẫu người chồng rất mực yêu thương chị đã không thể làm điểm tựa cho chị đến cuối đời, nhưng đã tặng cho chị những năm tháng hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ và kết quả tình yêu là hai đứa con khỏe mạnh, ngoan, giỏi, giúp chị tiếp tục vui sống sau khi anh phải rời xa cõi tạm này.
Hai con của chị nay đã trưởng thành, học giỏi, cả hai đều rất ngoan, và hiếu thảo với mẹ. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị chia sẻ, “Tôi nghĩ mình hãy cứ vui với hoàn cảnh của mình đang có, mình vui và chấp nhận với hoàn cảnh thì mới có sức lực để sống và chăm sóc con cái (nếu có). Đừng nên so sánh với người khác, rồi buồn, tủi phận. Khi mình bị tật nguyền thì hãy tìm cách sao thích nghi với khuyết tật của mình.”
 (Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT