Phóng Sự

Những quyền lợi của người khuyết tật sống tại Mỹ (kỳ 5 và hết)

Sunday, 18/06/2017 - 05:53:17

Ngoài ra còn có những loại chơi game để giải trí cho người khiếm thị như chơi cờ vua, domino, và các loại bài để người khiếm thị ở nhiều quốc gia khác nhau có thể thông qua internet để chơi cùng với nhau.

Bài BĂNG HUYỀN

Giúp người khiếm thị sống một mình

Đôi mắt thường là nguồn thông tin chính yếu để con người cảm nhận thế giới xung quanh. Nếu vì vậy mà nhiều người cho rằng những người khiếm thị chỉ sống trong bóng tối là không chính xác, đặc biệt là với những người khiếm thị sống tại Mỹ. Theo nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt thì ở Mỹ có những kỹ thuật giúp người khiếm thị bước dần ra bóng tối, để có một đời sống độc lập, sống một cách đúng nghĩa, chứ không đơn thuần chỉ là một sự tồn tại trên cõi đời mà thôi.


Nụ cười lạc quan của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Người khiếm thị có thể sống và làm một số việc như những người bình thường. Có nhiều cặp vợ chồng người bản xứ đều bị khiếm thị nhưng vẫn có thể đi làm, tối về có những sinh hoạt đời sống thường nhật như người sáng mắt vậy.

Nhạc sĩ cho biết tại Mỹ có rất nhiều tổ chức bất vụ lợi được lập ra để giúp người khuyết tật, riêng với người khiếm thị thì có một tổ chức được nhiều người biết tới là Braille Institute. Tổ chức này có trụ sở ở nhiều nơi, tại Quận Cam, trụ sở ở 527 N Dale Ave, thành phố Anaheim, CA 92801, điện thoại (714) 821-5000.

Braille Institute có nhiều dịch vụ như bán những dụng cụ dành cho người khiếm thị, chẳng hạn những công cụ sử dụng trong đời sống thường ngày như gậy cho người khiếm thị. Đồ đo nhiệt độ trong phòng, đo nhiệt độ trong người để người khiếm thị tự kiểm tra cho mình, không cần hỏi ai. Bút viết chữ nổi, loại giấy đặc biệt dành cho người khiếm thị có thể dán lên đồ vật của họ, để viết chữ lên giấy đó giúp người khiếm thị biết vật này là vật gì, chẳng hạn để dán lên chai nước mắm, hủ đường, hủ muối, microway có cài đặt tiếng nói để tự nấu nướng…


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt và nghệ sĩ Thành Lễ luôn đồng hành suốt bao năm qua trong các chương trình Ngọc Trong Tim- là nơi trình diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ khuyết tật chung với các nghệ sĩ tài danh. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Anh Đạt nói, “Những tờ giấy đó còn có thể dán lên áo, mình hỏi người bạn sáng mắt của mình áo đó màu gì, mình lấy giấy đó ghi vô, sau đó gỡ mấy miếng keo sau miếng giấy đó dán vào áo của mình, dù áo đó có đem giặt, miếng giấy vẫn không bị mất đi. Còn có nhiều dịch vụ khác như có thư viện để người khiếm thị mượn sách audio thu sẵn, hoàn toàn miễn phí…”

Trong Braille Institute còn có những dịch vụ khác như dạy cho người khiếm thị cách sống một mình, cách sử dụng máy computer, cách sử dụng điện thoại Iphone, Ipad. Khi người khiếm thị dọn đến chỗ ở mới, chưa biết đường đi nước bước, thì liên lạc với Braille Institute, họ sẽ gửi người xuống nhà, hướng dẫn cho người khiếm thị hoàn toàn miễn phí cách đi đến những nơi gần chỗ ở của người khiếm thị như bưu điện, chợ, ngân hàng, trạm xe bus…

Anh Đạt giới thiệu thêm, “Ngoài Braille Institute, còn có tổ chức NFB là viết tắt của The National Federation of the Blind, người khiếm thị có thể gửi đến tổ chức này tất cả những câu hỏi có thể giúp được mình cái gì, từ trường học, học kỹ thuật sử dụng máy computer, tìm hiểu về những quyền lợi của người khiếm thị, những tin tức mới ra có liên quan đến người khuyết tật nói chung, hay người khiếm thị nói riêng… đều có đầy đủ hết. Có một tổ chức nữa là The American Council of the Blind (Viết tắt là ACB). Cũng tương tự tổ chức NFB. Đó là những cơ quan, tổ chức giúp đỡ chiều rộng cho người khiếm thị và và người khuyết tật nói chung.”

Người khiếm thị dùng computer và smartphone

Nếu mấy chục năm trước đây, máy computer, điện thoại cell chỉ có người bình thường mới sử dụng được, nhưng nhiều năm gần đây người khiếm thị có thể lướt web, vào facebook, gửi email, nhận và gửi text trên cell phone. Dẫu cho đôi mắt không thể nhìn thấy nhưng người khiếm thị vẫn có thể tiếp nhận được ánh sáng của tri thức thông qua máy computer và internet, giúp họ mở mang kiến thức, kết nối với mọi người, những điều mà trước kia họ không thể làm được.

Nói về tiến bộ này, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt chia sẻ, “Nguồn gốc mọi vấn đề là nhờ tiếng nói, người khiếm thị nghe được những gì đang xảy ra trên màn ảnh, ngày nay những kỹ thuật đó rất cao, nhờ những sự cố gắng của những người đi trước viết ra những chương trình hiệu ứng trên màn ảnh máy tính, smartphone… giúp cho người khiếm thị tiếp nhận thông tin.

“Có nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới đã cho ra đời các ứng dụng nhận dạng và tổng hợp tiếng nói như Dragon của LH, Siri của Apple, Google Voice Search... Tuy nhiên, các ứng dụng này chỉ có khả năng hỗ trợ tiếng Anh, hoặc những ngôn ngữ phổ biến như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa. Các ứng dụng dành cho tiếng Việt gần như là không có.

“Khi Đạt bấm vào máy, chữ nào thì nó đọc lên, mình xài quen thì sẽ thuộc các mẫu tự trên vị trí của bàn phím điện thoại hoặc computer, sẽ không cần giọng nói báo cho biết chữ đó là gì nữa, vì mình đã tự nhớ thuần thục rồi. Do không có phần đọc tiếng Việt trên điện thoại và computer, nên thường Đạt hay nói với những người quen khi liên lạc với Đạt bằng email hay text tin nhắn vào cell phone, hãy viết bằng tiếng Anh, vì nhờ vậy Đạt mới nghe APP đọc lên được, hoặc viết tiếng Việt không bỏ dấu thì Đạt vẫn có thể dò được từng chữ, từng từ, để hiểu tin nhắn viết gì. Nếu bỏ dấu tiếng Việt thì APP không đọc được, Đạt sẽ không hiểu tin nhắn hoặc email đó viết gì.”

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt nói hiện nay anh đang dùng smartphone có cài những ứng dụng Application (APP) cho người khiếm thị. Anh giới thiệu, “Ngoài việc để nói điện thoại, nhắn tin, đọc email, khi cài thêm APP còn có thêm giúp coi màu sắc. Ví dụ áo mình đang mặc màu gì, phần APP đó sẽ nói cho mình biết, không phải chính xác 100 phần trăm nhưng cũng gần giống.

“Nó còn giúp mình đọc tiền, vì tiền của Mỹ tờ nào cũng như tờ đó, 1 đồng cũng như 100, nhờ APP đó gắn lên điện thoại. Khi đưa tiền ra trước camera của điện thoại, thì nó sẽ cho mình biết tiền gì. App còn giúp mình đọc lên hết phần tờ giấy mình chụp lại, cho biết nội dung tờ giấy đó là gì, với điều kiện tờ giấy bằng chữ in, chứ chữ viết tay thì chưa đọc được.

“Hiện giờ APP này chưa có tiếng Việt, chỉ có một số ngôn ngữ nổi tiếng như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa, tiếng Ý. Đặt tờ giấy đó trên bàn, giơ máy camera của điện thoại cao chút xíu chụp lại, thì APP sẽ đọc nội dung cho mình nghe. Có những APP hướng dẫn đường đi cho người khiếm thị cầm gậy để đi, ví dụ mình muốn đi từ nhà ra chợ, cách nhà 500 mét hay 1 km, APP sẽ nói cho biết là đi thẳng, quẹo trái, quẹo phải… tựa như những APP chỉ đường cho người lái xe.

“Ngoài những APP hỗ trợ về cuộc sống, còn có những APP hỗ trợ về thông tin, muốn tìm gì cũng được, chẳng hạn sách vở, chương trình tivi mà mình muốn nghe, báo chí… sẽ đọc lên cho mình nghe, nhưng tất cả đều bằng tiếng Anh, chứ chưa có APP tiếng Việt. Có APP miễn phí tãi về điện thoại, có APP phải mua, chỉ cần mua một lần cài vào máy điện thoại, cài vào máy computer là xài thôi. Nếu người nào nghèo không có tiền mua thì hãy liên lạc những tổ chức mà Đạt giới thiệu sẽ được chương trình phụ trả tiền những APP đó với mình.”

Cũng theo lời nhạc sĩ Đạt, ngoài những vấn đề giúp đỡ cho cuộc sống của người khiếm thị về kỹ thuật, thông tin… Còn có những kỹ thuật giúp cuộc sống người khiếm thị có niềm vui, giải trí lành mạnh, ví dụ như có video game dành cho người khiếm thị chơi trên smartphone, trên máy computer, được thiết kế với nhiều yếu tố hỗ trợ cho những người khiếm thị, trò chơi tập trung nhiều vào khả năng nghe hơn là nhìn, cho người chơi nghe bằng tiếng nói và tiếng động bằng kỹ thuật âm thanh, hoặc khi chơi trên phone thì nó rung lên theo các kiểu khác nhau giúp người khiếm thị biết nhân vật này đang hành động gì.

Ngoài ra còn có những loại chơi game để giải trí cho người khiếm thị như chơi cờ vua, domino, và các loại bài để người khiếm thị ở nhiều quốc gia khác nhau có thể thông qua internet để chơi cùng với nhau.

Thế giới sách vở với người khiếm thị

Đọc sách báo là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Được biết trên thế giới chỉ có khoảng 2% các tài liệu, sách báo được chuyển sang định dạng cho người khiếm thị, và chỉ có 1% người khiếm thị có khả năng đọc được bằng chữ nổi. Vì việc học cách đọc, tài liệu chữ nổi còn ít, chi phí làm chữ nổi cao, chiếm diện tích lớn và khó chia sẻ...

Nhạc sĩ cho biết, “Ở bên này có Thư Viện Quốc Hội (địa chỉ web https://www.usa.gov/libraries) có ngân khoản dành chuyển những sách bình thường thành sách audio, có cả trăm ngàn đầu sách để người khiếm thị download vào máy nghe thoải mái. Qúy vị hãy tìm đến ba tổ chức Đạt giới thiệu để được người ta giới thiệu làm thành viên của thư viện, rồi cứ thế mà download sách về nghe.

“Thư viện nhờ các thiện nguyện viên khắp nơi đọc những cuốn sách đã được xin phép bản quyền tác giả, nhà xuất bản. Sách chữ nổi cũng có để mượn về đọc, nhưng thường người khiếm thị đọc chậm hơn là nghe sách bằng audio. Những bản nhạc mới ra, Đạt muốn đọc chữ nổi để đàn cho chính xác, đều có để Đạt download xuống, rồi in ra giấy (loại giấy in chữ nổi) và đàn theo.”

Anh Đạt nói thế giới sách audio thì bao la bất tận, sách giải trí cũng có, sách để nghiên cứu cũng có, tạp chí khoa học, tạp chí điện tử luôn được cập nhật những cái mới lên để người khiếm thị tãi về nghe. Đặc biệt là sách tiểu thuyết thì rất nhiều. Ngoài Thư Viện Quốc Hội còn có những nơi khác cũng có sách audio, sách chữ nổi cho người khiếm thị. Tuy nhiên phần sách tiếng Việt thì hơi yếu, thường thì chỉ có nhiều những sách giải trí như truyện Chưởng, truyện Trung Hoa, tiểu thuyết giải trí, sách trinh thám, gián điệp, khoa học giả tưởng.

Còn sách nghiên cứ bằng tiếng Việt thì hầu như không có. Chẳng hạn những sách Bách Khoa Toàn Thư, sách về lịch sử, sách văn chương nghệ thuật đúng nghĩa, thơ văn... hầu như không có nhiều. “Đạt mong sẽ có thêm các thiện nguyện viên gốc Việt nhận đọc các tài liệu này để chuyển thành sách audio cho người khiếm thị gốc Việt không rành Anh Ngữ có thêm sách để nghiên cứu.”

Về sự hội nhập vào đời sống như người bình thường qua việc đi làm của người khiếm thị, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt nhận xét, “Ở Mỹ luôn luôn khuyến khích người khuyết tật nói chung hay người khiếm thị nói riêng đi làm tùy theo khả năng của mình. Có những người khiếm thị làm luật sư, thầy giáo dạy trung học, đại học, nhạc sĩ. Có người khiếm thị thì làm nhà vận động về quyền lợi cho người khiếm thị. Ngoài những cơ quan từ thiện giúp người khiếm thị, người khuyết tật, còn có những cơ quan giúp người khiếm thị, người khuyết tật tham gia những sinh hoạt xã hội, giúp người khiếm thị, người khuyết tật trở thành những nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho đời sống của người khiếm thị, người khuyết tật càng ngày càng tốt hơn.

“Có người giỏi về máy computer thì làm chuyên viên về software hay thực hiện những buổi đi giới thiệu sản phẩm mới cho người khiếm thị chẳng hạn. Ở California có những đại hội về kỹ thuật cho người khiếm thị vào tháng 3 mỗi năm, có khi tổ chức tại San Diego hay phía Los Angeles, chuyên dành cho người khiếm thị thôi. Còn người khuyết tật nói chung thì có những đại hội lớn về kỹ thuật ở California và ở miền Đông một năm, một lần.”

Luật ở bên Mỹ, khi người khuyết tật đi làm, một cơ quan, một công ty phải cung cấp những kỹ thuật hỗ trợ cho nhân viên đó làm việc để đạt kết quả, đó là luật. Anh nói, “Nhưng đôi khi vẫn có sự kỳ thị với người khuyết tật. Khi có hai người (khuyết tật và người khỏe mạnh bình thường) đều có khả năng như nhau, đến để phỏng vấn cho một công việc, thì chắc chắn công ty sẽ chọn người không khuyết tật vào làm, vì sẽ đỡ lo cho nhân viên đó hơn.

“Chẳng hạn người đó bị khiếm thị, nếu mướn vào, người chủ đó phải lo thêm máy computer phải có softwear đặc biệt, hoặc chỗ đi tới đi lui trong công ty phải dễ đi cho người khiếm thị, tránh nguy hiểm cho người khiếm thị… vì vậy dù có luật đó, nhưng tùy người chủ có tuân theo hay không mà thôi. Dầu sao thì bao nhiêu trăm năm, hằng chục năm đấu tranh cho cuộc sống và công việc làm của người khuyết tật của những người đi trước thì ngày nay tại Hoa Kỳ, người khuyết tật cũng đã nhận được nhiều quyền lợi và bớt bị kỳ thị hơn.”

Thay lời kết

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt cho rằng tại Hoa Kỳ, nhờ có những kỹ thuật hiện đại giúp người khiếm thị vẫn có thể sống độc lập một mình, nhưng “nói chung là không thể nào bằng người có đủ sáu căn bình thường được và được sống trong tình yêu thương, giúp đỡ của người thân yêu. Nói đi cũng phải nói lại, tuy người bị khuyết tật thể chất nhưng luôn cố gắng vươn lên nghịch cảnh của mình thì vẫn sẽ không thua ai.
“Nếu quý vị hoặc thân nhân của mình cần đến sự trợ giúp, xin hãy liên lạc với ba cơ quan mà Đạt đã giới thiệu Braille Institute (trang web là www.brailleinstitute.org), The National Federation of the Blind (https://nfb.org//), The American Council of the Blind (http://acb.org/) sẽ có người giúp đỡ, có thể sẽ không có ngay lập tức nhân viên nói tiếng Việt (với những đồng hương nào không rành tiếng Anh), nhưng họ cũng sẽ tìm được nhân viên nói tiếng Việt giúp quý vị.

“Những điều mà Đạt chia sẻ với quý vị chỉ là những kinh nghiệm, những kiến thức mà Đạt có được từ kinh nghiệm cá nhân của mình thôi, chứ không muốn tỏ ra tôi giỏi hơn ai, biết rành hơn ai. Nếu quý vị nào cảm thấy ứng dụng được thì ứng dụng. Còn muốn biết thêm thì hãy liên lạc thêm với những người có nhiều kiến thức hơn, để giúp quý vị hoặc thân nhân của mình có một cuộc sống ý nghĩa và vui tươi hơn.

Ở thế giới thời nay, muốn hiểu cái gì, muốn cần biết cái gì, thông tin về cái gì thì đều có trên internet hết, miễn là mình có muốn biết hay không thôi. Nếu cần giúp đỡ thì ở nước Mỹ này tất cả những thành phố lớn, luôn có những chuyên viên hiểu về khía cạnh, vấn đề nào đó để giúp đỡ cho người khuyết tật nói chung hay khiếm thị nói riêng. Vì vậy nếu mình không may bị khuyết tật bẩm sinh hay vì một tai nạn, bệnh tật khiến mình từ người lành lặn trở thành khuyết tật thì cũng không nên tuyệt vọng hay chới với, buông xuôi.”
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT