Người Việt Khắp Nơi

Những tàn tích cuối cùng của Viet Ville

Sunday, 13/05/2018 - 11:22:17

Cả ba ông tụ tập quanh một cái bàn, và nhắc lại những ngày xa xưa khi họ còn làm việc tại nhà hàng. Họ cười và ăn món gà nướng sả. Sau đó quyết định gọi một số món ăn từ nhà hàng Viet Ville để nếm thử lối nấu ăn hiện nay. Họ lai rai uống một lít rượu rẻ tiền, và lắc đầu ngao ngán khi tranh cãi về cách thức mà lẽ ra các món ăn phải được nấu.


Ông Trần Dũng Minh (Shirin Bhandari/Roads & Kingdoms)

Trong mấy thập niên qua, lữ khách từ nhiều nơi trên thế giới mà trong đó có cả người Việt Nam, đã tìm đến Viet Ville tại Phi Luật Tân, nơi từng là trạm dừng chân của hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam chờ được cơ hội tị nạn ở một nước thứ ba, thay vì bị cưỡng bách về Việt Nam. Viet Ville nằm ở Puerto Princesa, đảo Palawan. Trong một bài ký sự của bà Shirin Bhandari, một nhà văn sống ở Phi Luật Tân và Ấn Độ, đăng trên báo du hành Roads and Kingdoms ngày 9 tháng Năm, 2018, nhà văn này kể một câu chuyện buồn hơn về một thời đang qua tại Viet Ville. Dưới đây là bài viết của Shirin Bhandari.

Khi Trần Dũng Minh bước lên một chiếc thuyền ngoài bờ biển tỉnh Tuy Hòa vào năm 1985, ông không biết chặng dừng chân kế tiếp sẽ là Phi Luật Tân. Nhưng như 400,000 người tị nạn khác, chuyến hành trình của ông băng qua vùng biển động đã kết thúc tại một nơi trên đảo Bataan ở miền bắc Phi Luật Tân, cách xa 800 dặm từ quê hương duy nhất mà ông từng biết.

Từ đó ông Minh, năm nay 50 tuổi, gọi Phi Luật Tân là quê hương. Sau khi đến trung tâm cứu xét dành cho những người tị nạn ở Bataan, ông dời tới Trung Tâm Tị Nạn Đầu Tiên tại Phi Luật Tân ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan ở miền tây nam. Mười năm sau đó, chính phủ Phi Luật Tân đóng cửa trung tâm này, và tìm cách cưỡng bách hồi hương ba ngàn người tị nạn bị xót lại trong trại này.


Viet Ville nay được điều hành bởi người Phi Luật Tân dưới sự giám sát của một nhà thờ trong vùng. (Shirin Bhandari/Roads & Kingdoms)

Ông Minh và hai ngàn người tị nạn còn lại chọn ở lại đều được dời tới một nơi khác xa hơn ở bên ngoài thành phố, đến một ngôi làng được gọi là Viet Ville. Vào đầu thập niên 2000, khi tiền tài trợ cho Viet Ville cạn kiệt, phần lớn những người tị nạn di cư sang Mỹ, Canada, và Úc. Ông Minh ở lại, kết hôn với một phụ nữ Phi Luật Tân, và họ có năm đứa con với nhau.

Hiện nay gia đình ông là một trong năm gia đình người Việt sống ở Viet Ville. Con đường dẫn đến làng này khá nhộn nhịp, đầy dẫy những khu nghỉ mát và các cơ sở thương mại. Tại hải cảng cách đó một dặm, các du khách đổ xô lên những chiếc thuyền thuê, chạy tới những bãi biển cát trắng quá đông người của Vịnh Honda và Sông Ngầm Puerto Princesa được nhiều người ưa thích.

Căn nhà gỗ khiêm tốn của ông Minh, với mái bằng thiếc, là một sự tương phản với những căn lều bị bỏ hoang bên kia sân nhà họ, nơi cây cối mọc xuyên qua những bức tường, và cỏ lấn chiếm các lối đi. Mặc dù vạt đất này vẫn được bảo vệ bởi Giáo Hội Công Giáo, nhưng các nhà gỗ của Viet Ville trở nên hoang tàn sau hơn mười năm bị bỏ bê. Giống như ông Minh, một số người hàng xóm gốc Việt của ông cũng kết hôn với người địa phương. Nhưng nhiều người trong nhóm họ đã dời đến thành phố, nơi họ điều hành các nhà hàng để phục vụ du khách trên đảo này.

Trong thời gian đầu, Viet Ville là một ngôi làng rộng 13 mẫu hectare, với gần 200 căn nhà cho các gia đình, một nhà nguyện, một ngôi chùa Phật Giáo, một sân chơi rộng dành cho trẻ em, và một nhà hàng. Ngày nay dấu hiệu duy nhất của cuộc sống ở Viet Ville nhấp nháy từ tiệm ăn nhỏ mang tên của ngôi làng. Các du khách, cũng như dân chúng địa phương từ Palawan, vẫn đến đây để ăn chả giò và phở. Ban đầu nhà hàng này, được lập để làm một cơ sở hợp tác chung giữa những người Phi Luật Tân và các gia đình người Việt tị nạn. Hiện nay nhà hàng được điều hành bởi các chủ nhân người Phi Luật Tân, với những mối liên kết chặt chẽ với giáo hội và chính quyền địa phương.

Ông Minh nói, “Họ đưa hai phụ nữ Việt Nam lớn tuổi tới nấu ăn cho nhà hàng. Hai bà này được bảo lãnh bởi hai ông chồng người Phi, chứ họ không phải là dân tị nạn. Không có tình thương trong nước lèo nấu ở đó.”
Nhà hàng độc đáo này có đầy những món trang trí lạ và những dụng cụ được trưng bày theo kiểu Việt Nam. Trong khi đó mái tranh và những bức vách tre đều mốc thếch. Thứ phở ở đây thiếu chiều sâu của hương vị đậm đà mà bạn mong đợi từ việc nước cốt được hầm lâu. Nước phở không ngọt bằng cháo lòng - một kiểu phở của người Phi Luật Tân – được phục vụ trên đường phố Puerto Princesa. Nhưng món bánh mì và món tôm cuộc bánh tráng cũng đáng công cho chuyến đi tới đây.

Ông Minh và những người hàng xóm từng làm việc nhiều năm tại nhà hàng Viet Ville. Họ bỏ việc vào năm 2015 để ngăn ngừa chuyện xích mích với người quản đốc mới, và mấy đầu bếp người Việt được các chủ nhân người Phi thuê. Ông Minh nói rằng ông cảm thấy bị phản bội, vì nhà hàng đó nguyên là một cơ sở hợp tác giữa người tị nạn với người địa phương.

Ông nói, “Những du khách lịch tới ăn ở đó đều không rõ nguồn gốc của nó.”
Nhiều du khách có thể không bao giờ biết được trước đây Viet Ville như thế nào, trước khi khu này trở thành một thị trấn hoang vắng. Ở thời thịnh đạt, ngôi làng Viet Ville có tiệm bánh Pháp, cũng như các xưởng sản xuất phở và nước mắm.

Ông Peregrino Fedillaga Jr., một ông người Phi từng làm việc với những người tị nạn trong gần 40 năm, nói, “Thời đó Viet Ville tràn đầy sức sống.” Ông này từng là một nhân viên kế toán của một giám mục trong vùng. Nay ông là một người quét dọn trong nhà hàng.

“Các nữ tu bảo đảm cho tất cả chúng tôi được sống chung hòa hợp với nhau,” bà Fedillaga Jr. nói, nhắc đến nữ tu Pascale Lê Thị Triu thuộc Dòng Nữ Tu Bác Ái của Thánh Vincent de Paul. Dòng này cung cấp các dịch vụ xã hội và hỗ trợ pháp lý cho những người Việt Nam tỵ nạn ở Palawan trong 25 năm. Tổ chức từ thiện này giúp giải quyết những vụ tranh chấp ở địa phương giữa người Việt Nam và người Phi Luật Tân, và giúp ý kiến về việc kết hôn giữa hai văn hóa. Nhà dòng cũng hợp tác với chính quyền địa phương và các chức sắc giáo hội, để cung cấp huấn luyện nghề nghiệp cho phụ nữ và trẻ em tản cư. Các tình nguyện viên dạy các năng khiếu sinh sống căn bản cho những người tỵ nạn ở mọi lứa tuổi, để cho họ có thể tìm kiếm việc làm ở bất cứ nước nào mà cuối cùng họ sẽ dời tới ở. Bà Fedillaga Jr. nói, “Tôi nhớ họ.”

Hai người hàng xóm của ông Minh là ông Nguyễn Đình Nhân và Phạm Thanh Vân. Họ cũng đến Phi Luật Tân cùng thời với ông Minh, và làm việc tại nhà hàng Viet Ville. Ông Nhân từng làm việc ở xưởng làm bánh phở nay không còn nữa ở trong làng. Hiện giờ ông chăm sóc ngôi chùa cùng với Fedillaga Jr. Ông Vân, giống như ông Minh, cũng có một gia đình người Phi. Hiện nay ông làm chủ một tiệm cháo lòng trong thành phố, nên ông dành phần lớn thời giờ ở bên ngoài Viet Ville.

Cả ba ông tụ tập quanh một cái bàn, và nhắc lại những ngày xa xưa khi họ còn làm việc tại nhà hàng. Họ cười và ăn món gà nướng sả. Sau đó quyết định gọi một số món ăn từ nhà hàng Viet Ville để nếm thử lối nấu ăn hiện nay. Họ lai rai uống một lít rượu rẻ tiền, và lắc đầu ngao ngán khi tranh cãi về cách thức mà lẽ ra các món ăn phải được nấu.

Trong những năm gần đây, nhờ thông thạo tiếng Việt và tiếng Tagalog, ông Minh kiếm sống bằng nghề làm thông dịch viên cho các ngư dân Việt Nam bị giam tù vì tội đánh cá bất hợp pháp ở vùng biển Phi Luật Tân.
Hiện thời có mười ngư dân bị giam giữ ở El Nido trên đảo Palawan, và năm người khác ở phía bắc xa hơn trên đảo Zambales. Trong số những người bị bỏ tù, có mấy ông tình cờ tới đây vì thời tiết xấu. Trong khi đó những người khác bị bắt vì đánh bắt rùa biển và cá mập để bán cho các nhà hàng trên khắp Á Châu.
Ông Minh quen thuộc với chính trị và lề lối hành chánh quan liêu của Phi Luật Tân. Ông nói rằng ông cố gắng hết sức để bảo đảm cho các ngư dân bị giam nhận được sự xét xử công bằng. Tòa đại sứ CS Việt Nam tại Phi Luật Tân hoàn tiền thông dịch cho ông bằng một khoản trợ cấp nhỏ cho công việc phiên dịch.
Ông nói rằng ông biết tương lai của ông ở Viet Ville không mấy chắc chắn. Cùng với bốn gia đình còn lại, ông sẽ ở lại đó cho đến khi nào bị yêu cầu một cách hợp pháp phải dời đi nơi khác. Tuy nhiên, thời gian ở lại đây có thể sắp hết - Viet Ville nằm trong khu đất đang có giá cao trên thị trường địa ốc và được các nhà đầu tư chiếu cố.

Ông Minh nói, “Tôi không thấy mình rời khỏi Phi Luật Tân. Các ngư dân cần tôi giúp đỡ. Giống như họ, tất cả chúng tôi đều chấp nhận rủi ro để sống còn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT