Chuyện Nước Pháp

Những tình khúc Việt Nam vĩnh cửu xuất hiện trên đất Tây

Friday, 18/08/2017 - 08:07:28

Bỗng qua đến nhạc sĩ nổi tiếng của loạt bài không tên Vũ Thành An với Tình Khúc Thứ Nhất quyến rủ và đam mê. Bài này là phổ từ thơ Nguyễn Đình Toàn.

Bài NGỌC DIỄM

Bắt đầu với nhạc sĩ lão thành Anh Bằng trong ca khúc “Anh Cứ Hẹn.” Tôi đã mở đài truyền hình của nước Việt Nam hiện tại vừa xa lạ bởi chế độ chính trị vừa thân thương bởi tiếng Mẹ vẫn còn đây. Và tình cờ chìm đắm vào chương trình Nhạc Vàng Việt Nam Cộng Hoà thời trước, chủ đề Thi Nhạc Giao Duyên. Sân khấu trang hoàng theo phong trào hiện đại thế giới, ca sĩ nam hay nữ đều trở thành mờ ảo trong những bộ trang phục bên nhà hiện giờ. Lời hát vẳng bên tai vô cùng quen thuộc của bài đầu tiên: “Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé, để một mình em dạo phố lang thang.”

Nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015) đã để lại cho đời 650 khúc hát bình dân, trữ tình nam nữ lứa đôi hay lãng mạn mộng mơ được nhiều người ưa thích. Ông và nhạc sĩ Phạm Duy, Hoàng thi Thơ, Lam Phương đã từng được phong chức Tứ Trụ đại ca của nền âm nhạc miền Nam VN khi ấy. Lúc được tin ông qua đời ở Cali, Quận Cam do câu lạc bộ TNS của Cao Minh Hưng gửi đến xóm nhạc bên Tây tôi đã làm một tấm thiệp chia buồn. Đến khi nghe lại dòng nhạc du dương, thân thương, thấm đượm vào lòng từ khi tôi chỉ là đứa bé gái chín mười tuổi cho đến hiện giờ vẫn tiếp tục làm cho tâm tư man mác một mối sầu cố hương khó tả. Bài hát này phổ từ thơ của Hồ Dzếnh nhưng đã bị sửa lời khác đi.


Tấm thiệp của người viết bài làm ra (Paint Shop Pro, có licence) dành cho cố nhạc sĩ cha-chú

Không phải nhạc sến cũng không phải nhạc vàng tha thướt chốn lầu cao sang cả nhưng là nhạc trời cho đi sâu vào lòng người nghe. Tôi còn nhớ ngày đó những bản nhạc được lồng giấy nhựa plastic chỉ có lời hát đơn giản bán mấy đồng rẻ mạt cho khách mộ điệu mua về lẩm nhẩm hát theo. Cặp táp của tôi đựng đầy cả chục bài lúc ấy vì vừa nhẹ vừa mỏng vừa nhỏ xíu rất tiện lợi cầm tay. Các tờ giấy hát có khổ dài rộng 15x10 cm in chữ đen với tựa và lời, tên tác giả cũng chẳng có trên đó. Thói quen bình dân khi xưa cho đến giờ vẫn còn ảnh hưởng, quần chúng chỉ thuộc tên bài hát còn tên tác giả thì chịu thua. Cho đến bài Chuyện tình Lan và Điệp rất phổ biến và Nỗi lòng người đi năm 1954 lúc ông di cư vào Nam ít người biết là của Anh Bằng.
Qua bài thứ hai, lại càng quen thuộc hơn nữa với kỷ niệm xưa trở về trong chốc lát. Năm tôi 17 tuổi học đệ nhị, giáo sư hướng dẫn dạy Việt Văn và cả lớp được tàu quân đội chở đi chơi một vòng cả ngày sáng chiều. Bà giáo sư đạo mạo đeo kính trắng đứa nào cũng ngán lắm bỗng thay hình đổi dạng thành ca sĩ không tên khi biểu diễn hát cho học sinh khờ khạo nghe bài này: Nửa Hồn Thương Đau. Bà vừa hát vừa lim dim mắt khép hờ rất hạnh phúc dù còn có nửa hồn thôi, cả bọn chúng tôi lặng im như tờ thưởng thức. Cô giáo hát thường thôi, giọng nhỏ và hơi yếu dù thuộc bài và đắm chìm trong khúc hát hoàn toàn. Đã nghe ca sĩ gạo cội hát bài này trên đài ti vi nên quả thật múa rìu qua mắt thợ, nhưng cô hát xong thì bổn phận học trò là vỗ tay rào rào. Chúng nó khám phá hồn nghệ sĩ của cô giáo.

Ly hương rồi, tôi mới biết chuyện gì xảy ra khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền. Phu nhân của ông bị nhạc sĩ Phạm Duy quyến rủ và phản bội chồng. Bà là một nữ tài tử điện ảnh danh tiếng thời đó, Khánh Ngọc. Vì thế, Người đi qua đời tôi của thi sĩ Trần Dạ Từ cũng thành bản nhạc day dứt tuyệt vời.
Bài thứ ba nhắc đến nhà thơ Nguyên Sa với Tháng Sáu Trời Mưa do nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc. Nếu không viết bài này, tôi cũng sai lầm khi cứ tưởng là do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mà ra. Không có gì làm nữ giới rụng tim khi nhà thơ giáo sư dạy Triết đã phán rằng “Vì anh gọi tên em là Nhan Sắc”. Như thế, tháng sáu trời không mưa anh cũng lạy trời mưa, một lời nguyền quá gút. Nhà thơ Nguyên Sa, tôi đã từng gặp ông khi bạo gan mạo hiểm làm băng nhạc Tầm Tay & Kỷ Niệm do Duy Cường hoà âm năm 1992. Nhà thơ cũng rất yêu thích âm nhạc đã viết lời giới thiệu trên tập nhạc cùng tên xuất bản bởi Đời, công trình in ấn của ông Nguyên Sa lúc ấy kỹ thuật rất đơn sơ. Đọc lại toàn bài thơ tuyệt diệu của ông mà thích thú. Mới hay nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm còn là tác giả của cả chục bài hát khác nữa nhưng có lẽ bài Tháng Sáu Trời Mưa phổ thơ Nguyên Sa là hay nhất và nhiều người biết nhất.

Bài thứ tư Kiếp nào có yêu nhau, thơ của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh vừa ra đi cách nay không lâu, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Bài hay đến đỗi chúng tôi phải nhớ đến Nước mắt mùa thu trong đó có tên của bà Hoài Trinh được nhắc tới đến giờ mới hiểu. Thôi mà, cứ tìm đọc thơ văn của nhiều tác giả để thấm thía nỗi lòng bi mẫn của từng người chìm trong bể khổ là Cuộc Đời. Và người dịch ra lòng đau thương ấy mang tên là Nhạc Sĩ.

Qua đến bài thứ năm thì chìm trong khói lửa chiến tranh và lời lẽ được sửa chữa cho tùy theo chế độ chính trị lúc Bắc khi Nam. Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy phổ thơ Hũu Loan. Nàng có ba người anh đi “quân đội” trước 75 nay biến thành đi “bộ đội” năm 2017. Bài thứ sáu Hoàng Thị cũng của Phạm Duy, phù thủy âm thanh. Hay tuyệt khi kể lại lúc chàng trai si tình theo nàng về đến nhà cho biết qua nỗi lòng nhà thơ Phạm Thiên Thư năm 1971.

Bỗng qua đến nhạc sĩ nổi tiếng của loạt bài không tên Vũ Thành An với Tình Khúc Thứ Nhất quyến rủ và đam mê. Bài này là phổ từ thơ Nguyễn Đình Toàn.

“Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu. Đời con đau khổ đã nhiều, từ khi thơ dại đủ điều đắng cay.” Mỗi lần nghe bài này là dân chúng thấy vô cùng mũi lòng, cũng do phù thủy phổ nhạc từ thơ của nhà thơ quân đội Nhất Tuấn. Nhạc du dương vô cùng dù buồn hiu.

Đến một bài có vũ nữ vũ nam nhảy nhót vui vẻ (trong khi những bài khác đều có múa họa theo dịu dàng) là liên khúc Anh còn yêu em, anh còn nhớ em cũng do nhạc sĩ vĩ đại Anh Bằng phổ từ ba bài thơ của Phan Thành Tài (có nơi ghi là Phạm). Tuyệt diệu với thi cú đơn sơ nhưng thấm đậm lòng chân thành là “Anh còn yêu em”, một lời tâm sự không dễ gì nhiều người có được. Vì qua những năm tháng chung sống nó sẽ biến thành “anh hết yêu em” hay là “em cóc còn yêu anh” tùy theo hoàn cảnh. Tâm lý là chuyện không ai hiểu được.

Cũng nhạc sĩ AB dịch thơ Ngọn Trúc Đào của tác giả Nguyễn Tất Nhiên với cung cách như ca dao thật êm dịu và thơ mộng với tình yêu đầu đời trẻ con 17 bẻ gẫy sừng trâu. Có nhà sưu tầm thơ trên mạng, đi tìm coi ngọn trúc đào là cây gì. Té ra là cây hoa loại liễu bông đỏ thơm hương lá rất độc, ngày xưa bà Tám láng giềng nhà tôi trồng mấy cây đầy bông quanh năm suốt tháng. Chiều xưa có ngọn trúc đào, ai mà lỡ dại ăn vào chết toi. Lính Pháp đóng quân ở đảo Corse có anh đã khù khờ không biết lấy làm cây xiên thịt nướng ăn trúng chất độc tiết ra ngủm luôn! Bên Mỹ cả trăm ca ngộ độc trúc đào hàng năm, một chiếc lá đủ làm em bé chết nếu nó ăn bậy. Chất độc làm đứng tim mạch.



Hoa và lá cây thuôn dài của Trúc Đào hay có màu hồng.

Qua bài thứ 11 là Em đến thăm anh đêm 30, một bản nhạc chỉ có chữ Tết chứ không phải là Xuân máy móc để chỉ ngày cuối năm. Lại nhạc sĩ ăng-ten Vũ Thành An phổ thơ Nguyễn Đình Toàn. Bài thứ 12 là Những bước chân âm thầm do nhạc sĩ Y Vân phổ thơ Nhất Tuấn hứng tình làm thơ từ tỉnh nhỏ Pleiku. Đến đây tôi chìm vào “Em Pleiku, má đỏ môi hồng, ở đây mùa đông, nên mắt em ướt và tóc em ướt, nên em mềm như mây chiều trôi …” Vậy là có đến hai bài dính dáng đến Pleiku lận. Tuyệt quá, Pleiku. Cả hai đều ở lại trong khi nhạc sĩ hay ca sĩ đều phải ra đi.

Khúc Thụy Du của nhà thơ Du (Tử Lê) và phu nhân ông tên Thụy cũng do Anh Bằng phổ nhạc là bài thứ 13. Đến bài 14 là Mộng dưới hoa, tôi còn nhớ ba tôi khi xưa có một tập nhạc dầy cộm ông chép lại từng bài rồi vẽ tranh minh họa thật đẹp. Ôi! Mộng và thật đều không để lại dấu vết gì. Phạm Anh Dũng trong Chim Việt Cành Nam đã nhắc rằng Phạm Đình Chương phổ thơ Đinh Hùng bài Mộng dưới hoa lấy từ nhiều câu trong hai bài thơ không có bài nào mang tên Mộng Dưới Hoa cả. Tài liệu quý giá và có vẻ hợp lý. Thật tuyệt, thơ tiền nhân vang bóng một thời.

Bài thứ 15 là Chiều Tím, năm 1956 phổ thơ cũng Đinh Hùng bởi nhạc sĩ Đan Thọ. Nghe xong bài này ai yếu xìu là xanh lè tâm tư. Bài cuối, thứ 16 là bài Chiều với “Trên đường về nhớ đầy, chiều chậm đưa chân ngày, tiếng buồn vang trong mây, tiếng buồn vang trong mây…” do nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thơ Hồ Dzếnh (dịch trại ra từ Hồ Zính, gốc Trung Hoa). Chiều đi cho tối đến; chúng ta sẽ còn nhiều dịp ngất ngây vì hương nhạc thời gian vĩnh cửu do tiền nhân để lại làm gia tài muôn năm tuy nó đã vào tay kẻ khác. (nd)



Tựa đề bản nhạc khi xưa từng làm khuynh đảo tâm hồn người nghe còn hiệu lực mãi đến giờ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT