Mẹo Vặt

Những trái Honeydew kỳ dị!

Tuesday, 17/05/2016 - 10:13:15

Khi còn ít ỏi, các loài rệp cây chỉ tụ tập những nơi khuất nẻo, khó phát hiện. Khi chủ vườn nhìn thấy, ấy là lúc chúng đã phát triển thành đông số, trở thành một bệnh dịch lan tràn, khó mà trị dứt.

Bài VŨ HẰNG

Honeydew là trái dưa mật, ngọt và mát, rất được ưa chuộng trong những ngày hè nóng nực. Nhưng thứ Honeydew chúng ta sắp nói ở đây thì khác: Cũng là sản phẩm từ vườn cây, nhưng nó là dấu hiệu của sự tan hoang, phá hoại, chứ không phải thành quả của công lao vun trồng. Mỗi khi thấy loại honeydew này treo trên cành, chúng ta hiểu rằng vườn cây của mình đang bị tấn công bởi một đội ngũ đông đảo những kẻ xấu.

Trông lặng lẽ như những vỏ ốc bám vào thân cây là đám “rệp vỏ ốc” (scales)



Như những con ma cà rồng, chúng hút nhựa cây ăn cho thỏa thuê no lòng rồi bỏ đi, để vết thương trên thân cây tiếp tục rỉ máu, đọng lại thành những giọt nhựa khô… gọi là honeydew. Cái tên làm chúng ta nhớ đến những trái dưa mật thơm ngon, mát lòng, mà thực ra lại làm lòng chúng ta đắng đót, vì biết rằng thành quả của mình đang bị một thế lực xấu hớt tay trên.

Những thế lực đó từ đâu đến?

Đó là một đội ngũ đông đảo những con bọ sống ký sinh trên cây, mà phổ thông nhất là “mealybug”, “scale” và “aphid”:
- Mealybugs: Là rệp cây, trắng như phấn bông, bám từng dề ở mặt dưới của lá hoặc trên đọt non. Mealybugs xấu lắm, nhưng trông rất giống như “ấu trùng diệt rệp” ( Mealybug destroyer larvae) là loại bọ tốt, mà chúng ta đã nói tới trong bài trước.

- Scales: Là rệp vảy ốc, vì thoạt nhìn giống như những cái vảy ốc bất động bám vào đọt cây. Thực ra, chúng đang lặng lẽ, úp mặt say sưa trong bữa tiệc “nhựa cây”.

- Aphid: Là rệp vừng, bởi vì chúng bé nhỏ, lấm tấm như những hạt vừng bám vào lá, có đủ màu xanh, vàng, đỏ, nâu….

Đây là những con bọ rất thường thấy trong vườn, bám vào mặt lá hoặc thân cây. Tuy nhỏ bé, nhưng với số đông, chúng có thể gây ra những sự thiệt hại lớn cho vườn cây. Miệng chúng có cái vòi nhọn như cây kim, cắm vào lá hoặc thân cây để hút nhựa. Tệ hại hơn nữa, chúng ăn rất hoang, xài một phần, phá nhiều phần: Sau khi hút nhựa no lòng, chúng không biết cách nào hàn lại lỗ kim châm, cứ bỏ mặc cho nhựa chảy ra, khô lại thành những cục lớn bám vào thân cây. Những cục nhựa khô này được gọi là “honeydew”, dần dần trở thành một “nền đất” màu mỡ cho một loại nấm đen phát triển. Cây càng có nhiều “honeydew” càng kém khả năng tổng hợp diệp lục tố, làm cho hoa trái èo uột. “Honeydew” là dấu hiệu xâm thực của loài rệp, càng nhiều “honeydew”, sự xâm thực càng mạnh, làm cây mất nhựa sống, cành lá ngả vàng, rơi rụng…. Honeydew cũng là nguồn thực phẩm của kiến, mà kiến lại là phương tiện chuyên chở đưa thêm các loài rệp đến định cư trên cây.

Khi còn ít ỏi, các loài rệp cây chỉ tụ tập những nơi khuất nẻo, khó phát hiện. Khi chủ vườn nhìn thấy, ấy là lúc chúng đã phát triển thành đông số, trở thành một bệnh dịch lan tràn, khó mà trị dứt.

Cách chữa trị

Cách chữa trị hay nhất là thả loài bọ tốt vào vườn. Cầm đầu đội ngũ là Lady Bugs, “ấu trùng diệt rệp”, “chiến sĩ mình gai”…. Dân chuyên nghiệp “cao tay ấn” có thể thả ong bắp cầy (wasp) vào vườn, loài ong dữ dằn này đẻ trứng trong những khu “dân cư” rệp, trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng ăn rệp non để lớn. Nhưng ong bắp cày là loài dữ tợn, chủ vườn tay mơ không nên dùng để khỏi trở thành nạn nhân của ong trước khi có thể sai khiến chúng phục vụ mình.

Đơn giản hơn, các thầy cô đề nghị chúng ta kiếm những bình “thuốc xịt” bằng xà bông pha lỏng. Tốt nhất là dùng xà bông hoặc dầu đặc chế cho thực vật, gọi là horticultural soap hoặc horticultural oil. Thuốc xịt sẽ làm cho rệp ngạt hơi, rồi chết rụng xác xuống đất. Tuy nhiên, không nên xịt thuốc khi trời nóng từ 90 độ F (32 độ C) trở lên, bởi vì thuốc có thể làm lá cây bị cháy xém. Nhưng…. nếu không tìm ra xà bông hoặc dầu đặc chế (horticultural soap) thì làm sao nhỉ? À, khi đó mình lại có nhiều mẹo khác. Hẹn gặp các bạn lần sau nhé.

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT