Thế Giới

Những trở ngại trong việc phân loại học sinh học tiếng Anh trong trường

Brian Đinh/Viễn Đông Friday, 03/08/2012 - 09:27:46

Chris cho biết rằng cha mẹ của anh báo động cho những phụ huynh khác, khuyên họ khai dối trên bản thăm dò về ngôn ngữ sử dụng trong nhà, rằng chỉ sử dụng tiếng Anh ở nhà, để cho con cái họ khỏi có thể bị sắp vào hạng ELL.

Mùa tựu trường 2012

Brian Đinh/Viễn Đông


SANTA ANA, California - Trước tình trạng tiếp tục gia tăng số lượng các học sinh trung học không đạt được trình độ thông thạo Anh ngữ, hai Dân Biểu Tiểu Bang Jose Solorio và Chris Norby đã đứng ra tổ chức một cuộc họp vào hôm Thứ Năm, tại Phòng Hội Đồng Học Khu Đại Học Cộng Đồng Rancho Santiago, để thảo luận về việc sắp hạng và tái phân loại Các Học Viên Anh Ngữ (English Language Learners - ELL). Tham luận đoàn qui tụ các nhà giáo, các ủy viên hội đồng học khu, các nhà nghiên cứu, phụ huynh và các cựu học sinh ELL.
Bà Shelly Spiegel-Coleman, giám đốc điều hành tổ chức Californians Together, nói: “Có 59 phần trăm trong tổng số những người học Anh ngữ vẫn ở lại trong những lớp trình độ trên đều từng lưu lại học trong sáu năm, hoặc nhiều hơn [trong các trường của California]”.


Quang cảnh buổi họp về những trở ngại của người học tiếng Anh trong trường ngày 2-8-2012 - ảnh: Brian Đinh/Viễn Đông

Bản thăm dò ngôn ngữ dùng ở nhà
Ở tiểu bang California, các phụ huynh của những học sinh lần đầu tiên nhập học đều được đòi phải tham dự một cuộc thăm dò về ngôn ngữ sử dụng ở nhà. Nếu cha mẹ xác định ra một ngôn ngữ thứ nhất ngoài tiếng Anh, thì học sinh phải thi Trắc Nghiệm Phát Triển Anh Ngữ California (CELDT). Nếu các học sinh không đạt đủ mức điểm thực lực tiếng Anh, thì các em được sắp vào hạng ELL, và được xếp vào trong một chương trình ELL.
Ông Nguyễn Quốc Lân, Ủy Viên Hội Đồng Học Khu Garden Grove, cho biết rằng câu cú từ ngữ có thể được dùng khác nhau tùy theo từng học khu, nhưng bản câu hỏi về ngôn ngữ sử dụng trong nhà đều hỏi bốn câu sau đây:
- Con của bạn học ngôn ngữ nào khi bắt đầu biết nói?
- Đứa bé sử dụng thường xuyên nhất thứ tiếng nào trong nhà?
- Cha mẹ dùng ngôn ngữ nào thường xuyên nhất để nói chuyện với con mình?
- Ở nhà, những người lớn thường nói thứ ngôn ngữ nào nhiều nhất?
Nếu các bậc phụ huynh trả lời là một ngôn ngữ khác với tiếng Anh cho ba câu hỏi đầu tiên, thì con cái họ phải dự thi CELDT, trắc nghiệm về các năng khiếu nói, đọc, viết và nghe.
Theo bà Nuria Solis, giám đốc chương trình ELL ở Học Khu Santa Ana, các học sinh được chấm điểm từ 1 đến 5, điểm 1 chỉ trình độ “khởi đầu”, điểm 3 chỉ trình độ “trung cấp”, và điểm 5 chỉ trình độ “cao cấp”. Một điểm 4 hoặc cao hơn được coi là “khá lưu loát”, còn một điểm 3 hoặc thấp hơn được xem là “chưa lưu loát lắm”.
Những học sinh nào đạt được điểm 3 hay thấp hơn đều được xếp vào trong các chương trình ELL, và sẽ nhận được đánh giá hàng năm, cho tới khi nào các em đạt được một mức điểm toàn diện là 4 hay cao hơn, và đạt điểm tiểu mục trắc nghiệm không dưới 3 về các năng khiếu nói, đọc, viết hoặc nghe.
Sau đó các giới chức quản trị duyệt xét những mức điểm mà các học sinh vừa mới đạt được, trong cuộc thi Trắc Nghiệm Các Tiêu Chuẩn Nghệ Thuật Ngôn Ngữ Tiếng Anh (California English-Language Arts Standards Test - tức là loại thi trắc nghiệm được tiêu chuẩn hóa, mà mỗi năm tất cả các học sinh từ lớp 2 lên hết lớp 11 đều phải dự thi). Nếu các học sinh đạt điểm ít nhất là ở mức “căn bản”, thì kế đó các giới chức quản trị sẽ tham khảo ý kiến với thầy cô và cha mẹ của các học sinh, trước khi cuối cùng tái phân hạng các học sinh như là đạt được trình độ tiếng Anh lưu loát thành thạo. Những học sinh này bắt đầu đón nhận chương trình giảng dạy bình thường.
Đề cập đến tiến trình sắp hạng bước đầu và CELDT, ông Nguyễn Quốc Lân nói: “Ở đây chúng tôi gặp phải một số vấn đề có thể xảy ra. Có thể các học sinh không quen thuộc với những thủ tục dự thi trắc nghiệm, hoặc không có những kỹ năng làm bài thi”.
Ông nói thêm: “Các kết quả trắc nghiệm có thể không phản ảnh khả năng Anh ngữ của học sinh ấy. Một số em nói tiếng Anh cả đời, thế mà vẫn cứ thi trượt”.
Chris Nguyễn, một cựu học sinh ELL, nói: “Khi mẹ tôi điền vào bản câu hỏi thăm dò, bà ghi là tiếng Việt và tiếng Anh”. Chris đã dự thi CEDLT, đạt mức điểm “chưa lưu loát lắm”, và được xếp vào một chương trình ELL.
Chris nói tiếp: “Cha mẹ tôi quá khiếp, và họ đổi sang nói hoàn toàn bằng tiếng Anh ở trong nhà. Cuộc thăm dò về ngôn ngữ sử dụng tại gia và chương trình ELL vô hình chung không khuyến khích việc sử dụng song ngữ”. Chris cho biết rằng cha mẹ của anh báo động cho những phụ huynh khác, khuyên họ khai dối trên bản thăm dò về ngôn ngữ sử dụng trong nhà, rằng chỉ sử dụng tiếng Anh ở nhà, để cho con cái họ khỏi có thể bị sắp vào hạng ELL.

Học sinh kẹt mãi trong việc học tiếng Anh

Ông Robert Linquanti, giám đốc chương trình Đánh Giá Người Học Tiếng Anh và Hỗ Trợ Trách Nhiệm ở WestEd, có đề cập đến những vấn đề các học sinh ELL “dài hạn”, tức là những học sinh nào không đạt được trình độ thông thạo Anh ngữ trong sáu năm được xếp vào hạng ELL. Ông nói: “Bất luận một học sinh đang ở trình độ nào – Anh ngữ tối thiểu, Anh ngữ cao cấp, Anh ngữ trung cấp – thì các em luôn luôn cần phải nhận được sự giảng dạy nghiêm nhặt theo cấp lớp của mình. Và nếu các em không có được sự giảng dạy như vậy, thì đó là một vấn đề với hệ thống của chúng ta, mà chúng ta phải giải quyết”.
Ông Linquanti tiếp tục chỉ trích chuyện các trường không dạy nội dung học tập đúng mức phẩm chất cho các học sinh ELL, cho tới chừng nào các em thành thạo tiếng Anh. Ông nói rằng các em có thể học hỏi ngay cả khi tiếng Anh chưa được hoàn hảo. Ông phát biểu: “Chúng ta phải chắc chắn làm sao cho các em phát triển được những loại năng khiếu Anh ngữ mà các em cần để đạt được thành công ở đại học và trong nghề nghiệp của các em. Hai điều này phải xảy ra cùng một lúc, chứ không xảy ra cái trước cái sau”.
Maria Arroyo, một cựu học sinh ELL và hiện đang là sinh viên đại học UC Berkeley, khuyến cáo rằng những học sinh cứ ở lại trong các lớp ELL suốt thời gian trung học đều mất đi những cơ hội được vào học lớp danh dự (trình độ khó hơn) và các lớp dự bị đại học. Arroyo nói: “Cho tới giữa năm lớp 7, tôi xin được xếp hạng lại. Nếu tôi chưa từng làm điều ấy, thì chẳng khi nào tôi được học các lớp danh dự, và không bao giờ vào được trường đại học UC Berkley cả”.
Ông Spiegel-Coleman nói một cách tích cực về AB 2193, một dự luật Hạ Viện do Dân Biểu Ricardo Lara soạn thảo, và hiện đang được Cơ Quan Lập Pháp California xem xét. Ông nói: “AB 2193 đòi phải có một định nghĩa ở cấp độ tiểu bang về các học sinh Anh ngữ dài hạn, để cho chúng ta có thể nói về cùng một nhóm học sinh bằng cùng một lối giải quyết vấn đề. Nó cũng đưa ra một định nghĩa mới cho những học sinh gặp nguy cơ trở thành các học sinh Anh ngữ dài hạn”.
Dự luật ấy còn đòi hỏi thêm rằng các học khu phải thông báo cho phụ huynh về chuyện con cái họ có phải là học sinh ELL dài hạn, hay là các học sinh gặp nguy cơ trở thành dài hạn hay không. Cơ quan tiểu bang cũng được yêu cầu phải đưa ra một bản phúc trình về những số lượng các học sinh ELL dài hạn, và các học sinh gặp nguy cơ, tính theo từng trường và từng học khu. Ông Spiegel-Coleman nói: “Những học sinh này trở nên vô hình trong các lớp học chính lưu và các lớp hỗ trợ thêm về môn tập đọc mà không có những dịch vụ được chuyên biệt hóa”.
Ông nói: “Việc tái phân hạng là kết quả của chuyện các học sinh đạt tới những trình độ cao về Anh ngữ và thành tích học lực. Đó là kết quả của các chương trình và sự giảng dạy phối hợp tương ứng những nhu cầu riêng biệt của các học sinh Anh ngữ”. Đề cập tới dự luật AB 2193 và những cuộc thảo luận tiếp tục về các học sinh ELL, ông Spiegel-Coleman kết luận: “Đây là thời điểm của cơ hội rất lớn”. - (BĐ)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT