Đời Sống Việt

Những Vì Sao Lấp Lánh Trong Đêm Đen

Wednesday, 08/04/2015 - 07:03:54

Hôm nay tôi nhìn về quá khứ, nhưng không phải là cái nhìn than thân trách phận, kể lể khổ đau, mà là cái nhìn đẹp đẽ về tình người tươi thắm trong những hoàn cảnh khốn cùng. Do đó tôi cảm nhận dù là đêm đen mênh mông, đôi khi nhìn lên bầu trời, vẫn thấy đâu đó có những vì sao lấp lánh. Đó là những câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay.

Thương tặng những “vì sao” lấp lánh

trong khoảng đêm đen đời tôi

Phượng Vũ

Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại, biến cố 30/4 nghiệt ngã của đất nước đã qua 40 năm, một thời gian khá dài cho một đời người. Nhìn lại những năm đầu sau 75, quả thật là rất nhiều truân chuyên cho những người sống ở miền Nam Việt Nam với một xã hội đảo lộn, mọi thứ vật đổi sao dời. Nhà nhà tan nát, người người điêu linh, mọi người tan tác như chưa từng bao giờ tan tác đến thế. Nhưng gian nan hơn cả có lẽ là những người vợ có chồng đi học tập cải tạo, vì họ bỗng nhiên bị đẩy vào cái thế đơn lẻ phải chèo chống con thuyền gia đình vượt qua biết bao cơn bão táp của cuộc đời trong đêm đen dày đặc mênh mông. Hôm nay tôi nhìn về quá khứ, nhưng không phải là cái nhìn than thân trách phận, kể lể khổ đau, mà là cái nhìn đẹp đẽ về tình người tươi thắm trong những hoàn cảnh khốn cùng. Do đó tôi cảm nhận dù là đêm đen mênh mông, đôi khi nhìn lên bầu trời, vẫn thấy đâu đó có những vì sao lấp lánh. Đó là những câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay.
Sinh hoạt của mọi người trong xã hội miền Nam sau cơn “đại hồng thủy” 75 đầy nhiễu nhương thật vô cùng vất vả, và thân phận những nhà giáo cũng gian nan không kém. Chúng tôi đến trường không chỉ làm công tác dạy học, mà còn phụ trách luôn công tác đoàn thể và tất cả mọi công tác được giao. Rồi các khóa học tập chuyên môn, chính trị... được mở ra liên miên. Tuy rất bận rộn nhưng tôi vẫn ghi tên tham gia tình nguyện dạy lớp Bổ Túc Văn Hóa buổi tối, vì tôi muốn có thêm “giấy chứng nhận nhiệt tình công tác” với hy vọng “may ra” chồng được sớm thả về. Bởi niềm tin và hy vọng dù là mong manh nhỏ nhoi cũng rất cần thiết để tôi có thể tiếp tục sống, vượt qua những nghịch cảnh và thử thách của cuộc sống thời đó. Nhờ thế tôi đã gắng lên để sống với những chuỗi ngày bận rộn triền miên, dốc hết lòng vào công việc giảng dạy, hầu quên đi những niềm đau giấu kín trong lòng.
Khi tham gia dạy Bổ Túc Văn Hóa ở trường Nguyễn chí Thanh Q. 10, tôi được phân công dạy một lớp cuối cấp 3. Học viên của tôi gồm cả nam lẫn nữ, họ là những công nhân viên nhà nước, đa số đều lớn tuổi hơn tôi (vì lúc đó tôi còn quá trẻ). Họ đến lớp học để cuối năm thi tốt nghiệp phổ thông (tương đương tú tài 2 ngày trước). Tôi thích đến với không khí lớp của trường BTVH vì nó nhẹ nhàng, không có “tổ công đoàn” để đánh giá, cũng không có “tổ thi đua” để xét khen thưởng. Mọi người đều "tự nguyện" đến lớp, cô giáo cũng như học viên, nên không khí lớp thoải mái, cũng không có duyệt giáo án trước nên giảng bài cũng linh động hơn.
Xã hội thời đó tràn ngập những căng thẳng, nên học viên siêng đến lớp để học về “văn chương chữ nghĩa”, có lẽ cũng là một cách xả stress, cô giáo thì mê “văn chương chữ nghĩa” từ lúc nhỏ, nên được nói về văn chương chữ nghĩa cũng là một điều thú vị để quên đi những ưu phiền trong cuộc sống. Do đó không khí lớp thoải mái, đôi khi cô giáo lại được các học viên chăm sóc như “cô em gái” trong nhà, tuy là khi nói năng với cô giáo thì vẫn rất lễ phép mỗi điều đều “Dạ, thưa cô” ( có lẽ do ảnh hưởng của nền giáo dục trước 75).
Theo thường lệ mỗi tối tôi chỉ xuống lớp sau khi chuông reo nhưng lần đó vì bận quá chưa chấm bài hết nên tôi xuống lớp sớm để chấm bài tiếp. Tôi ngạc nhiên khi thấy 2 chị lớp trưởng, lớp phó đang giành nhau chỗ ngồi ở bàn đầu, tôi hỏi:
- Sao dãy bên kia bàn đầu cũng còn chỗ trống, không qua đó ngồi. Ngồi ở đâu cũng nhìn thấy bảng, cũng nghe giảng bài, đâu có gì khác nhau?
Chị lớp phó cúi mặt trả lời:
-Dạ khác nhiều chứ cô.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Khác chỗ nào?
Chị bèn trả lời:
-Tụi em nói thiệt, nhưng cô đừng cười nghen.
Tôi tò mò:
- Sao lại cười, có gì bí mật hả ?
- Dạ, tại vì khi cô đứng giảng bài cô hay đứng bên dãy này, tụi em đứa nào cũng muốn ngồi gần chỗ cô đứng, nên ai cũng lo đi sớm để xí chỗ bên đây. Tối nay 2 đứa tới cùng một lúc nên mới có chuyện.
Tôi ngạc nhiên đến bật cười :
- Ủa, thiệt vậy sao? Thôi để từ nay khi giảng bài tôi sẽ đứng cả 2 phía.
- Dạ, cám ơn cô nhiều, như vậy mới công bằng. Tại cô không để ý, chứ dãy bên đây lúc nào cũng đông học viên ngồi hơn, dãy bên kia là cho những người đi học trễ.
Lời chị nói khiến tôi chợt thấy ấm lòng. Trước kia tôi nghĩ chỉ có những em học sinh phổ thông (dưới 18 tuổi) mới có những “biểu hiện” như thế với cô giáo, không dè các học viên ở đây đều là những người trưởng thành và đi làm cả rồi, như 2 chị đây đều là những cô giáo kỳ cựu ra trường đi dạy lâu năm. Đúng là "đời đi dạy" lúc nào cũng có những nét dễ thương như vậy, đặc biệt với hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ! Tôi nhớ đã đọc được:" Ở đâu đó có người cảm thấy sự có mặt của bạn là đáng giá, vì vậy khi bạn đang cô đơn, lẻ loi hãy nhớ rằng có ai đó, ở đâu đó đang nghĩ về bạn."
Lớp trưởng của tôi là chị H, chị đã có tú tài 1, thi vào sư phạm, ra đi dạy lâu năm, giữ chức hiệu phó trường tiểu học Trần Phú trong cư xá sĩ quan Chí Hòa. Chị được các bạn trong lớp bầu làm lớp trưởng, vì chị có tác phong nhà giáo, đi học rất đều, đúng giờ, bài vở lúc nào cũng tươm tất. Chị giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành lớp, giữ sổ điểm danh, sổ đầu bài mỗi ngày, thu bài làm, lấy điểm vô sổ... Nhưng đặc biệt hơn cả là những tình cảm ưu ái chị dành cho tôi, nó là một sự nâng đỡ tinh thần rất lớn khi tôi phải bươn chải “đầu tắt mặt tối” trong một xã hội đầy nhiễu nhương xáo trộn, với hoàn cảnh: chồng đi học tập, một nách 2 con thơ (bé 4 tuổi và bé mới sanh), tài sản thì đã bị cướp sạch trên đường 2 vợ chồng di tản từ miền Trung vào Sài gòn.
Một buổi tối, sau khi dạy xong lớp bổ túc văn hóa, theo thường lệ, tôi vội vàng đạp xe nhanh về nhà. Tới nhà tôi mở cửa, dắt xe vào, gài cửa lại. Chưa kịp thay quần áo, tôi bước nhanh đến giường, mở màn nhìn vào để xem em bé ngủ say chưa (tối nào đi dạy, tôi nhờ bà ngoại dỗ cháu ngủ, rồi buông màn giùm). Bỗng nhiên tôi nghe tiếng gõ cửa “cọc, cọc cọc”, tim tôi thót lại, đêm đã khuya rồi, ai còn đến nữa, chắc công an lại đến quấy rầy, yêu sách chuyện gì với những người vợ tù cải tạo như tôi chăng? Tôi hồi hộp ra mở cửa chờ đón sự chẳng lành . Khi tôi vừa hé cửa, thì chị H, lên tiếng ngay:
-Thưa cô, em xin lỗi đã làm phiền cô, nhưng vì không còn cách nào khác. Cô đạp xe nhanh quá! Em đạp theo cô hụt hơi, trời tối, vô hẻm, em chỉ sợ lạc mất dấu cô! Vì chỉ có cách này, em mới có thể đến nhà cô, gặp cô!
-Trời ơi! Chị làm tôi hết hồn! Có chuyện gì vậy? Sao lúc nãy chị không nói ở trường?
- Dạ thưa, không nói ở trường được.
Nói xong chị quay lại tháo ở phía sau xe đạp và khệ nệ bưng xuống 1 bao chứa đầy những củ khoai tây, khoai lang, cà rốt..., rồi nói với một giọng đầy xúc động:
-Thưa cô, những thứ này, em mua trong tiêu chuẩn của em ở trường và cả ở tổ dân phố của tháng trước và tháng này. Em dành dụm lại mang biếu cô vì em nghĩ cô và 2 con nhỏ cần hơn em.
Tôi chưng hửng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, kêu lên:
- Mọi thứ bây giờ đều đắt và hiếm hoi, sao chị không để dành ăn từ từ ?
- Cô ơi! Em mong cô đừng từ chối, đừng phụ tấm lòng thành của em. Em phải dành dụm cả tháng nay. Em phải suy nghĩ, sắp đặt kế hoạch, mới thực hiện được nó. Hôm nay em phải ràng bịch khoai sẵn ở phía sau xe, rồi cố tình đi học trễ để có thể để xe đạp ở phía ngoài cùng. Em phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, chuông tan học là em phải chạy ra cho lẹ thì mới lấy xe kịp mà đuổi theo cô...
Những lời chị kể lể làm tôi đứng nghe mà xúc động không nói nên lời, cũng chưa biết phải từ chối cách nào, khi thấy chị quá chu đáo và tế nhị... thì đã thấy bóng chị lặng lẽ đạp xe khuất trong màn đêm. Nhưng tấm lòng chị gửi trao vẫn còn vang động mãnh liệt trong trái tim tôi. Hôm nay tôi mới vừa bị "đối xử phân biệt" ở trường, nhưng bây giờ dư âm lời chị nói khiến tôi cảm thấy dư vị ngọt ngào quá, nghe lòng được dỗ dành để quên đi những cay đắng cuộc đời! Chị H. ơi, cám ơn những ân tình chị đã gửi đến cho tôi. Hèn gì người ta nói “Ánh sáng của một hành động nhân ái, dù nhỏ bé như 1 que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối”. Tôi đứng lặng một hồi lâu, rồi mới cúi xuống bưng cái bao khoai ân tình đó của chị vào nhà. Bao khoai nặng trĩu trên tay tôi, nhưng ân tình của chị chắc nặng gấp ngàn lần! Nếu các bạn biết thời đó, thực phẩm vô cùng khan hiếm, cái gì cũng theo hộ khẩu, vô “tiêu chuẩn” và “tem phiếu', mọi thứ đều cân đong, đo đếm từng ly, từng tí: từng cọng rau, từng củ khoai, từng gram bột ngọt, thậm chí từng con cá ươn, từng miếng thịt bầy nhầy..., cái gì cũng trở thành quý giá hết! Dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa, người ta phải Xếp Hàng Cả Ngày để được mua những thứ quý giá đó! Nguyễn Du đã từng nói: “Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”. Huống hồ của này dưới thời đó lại quý giá vô cùng! Chị H. ơi! Cám ơn chị đã cho tôi niềm tin vào “Tình Người” vẫn còn hiện diện quanh đây, như những vì sao vẫn lấp lánh trong bầu trời đêm đen.
Trước đó thỉnh thoảng chị vẫn tha thiết đề nghị với tôi “Cuối tuần, em ở nhà, nếu cô có bận đi đâu, cô cứ đem 2 em tới nhà, em sẽ chăm sóc giùm cô, em sẽ rất vui mừng và hân hạnh khi giúp được cô điều gì đó, dù nhỏ”. Rồi cuối năm học, chị tặng tôi một cuốn tập dày, khổ lớn và nói :
-Đây là những trang giấy trong tiêu chuẩn giáo án của em trong năm học vừa qua, em xài tiện tặn, dành dụm lại, tự đóng thành tập để tặng cô. Em muốn năm tới cô soạn giáo án thoải mái mà không phải bận tâm vì sợ thiếu giấy (theo luật thời đó, chúng tôi phải soạn giáo án đem nộp trước 1 tuần để duyệt, trước khi lên lớp, mà giấy phát để soạn thì luôn hạn chế, nếu xài không khéo lại thiếu). Không hiểu chị xài tiện tặn thế nào, mà có thể để dành ra đóng một tập dày như thế cho tôi!
Tôi cảm động lật cuốn tập ra, chị đóng bìa thật khéo, lại còn trang trí hoa lá ngoài bìa và ở trang đầu thật đẹp với những dòng chữ thật xinh xắn! Không biết bao nhiêu là công sức và tình cảm khi chị chắt chiu từng trang giấy, nắn nót từng nét chữ để hoàn thành cuốn giáo án này với cả tấm lòng. Tôi nắm bàn tay chị, bàn tay ân tình đã làm ra “cuốn giáo án tình nghĩa”, siết chặt để cám ơn sự cảm thông và thương yêu chị đã dành cho tôi, mà không nói thành lời. Đôi khi lời nói có thể trở thành sáo mòn và không cần thiết trong những trường hợp đáng trân quý như thế này. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn.
Quả là đời sống, bao giờ cũng ẩn chứa nhiều điều tốt đẹp có sẵn ở trong đó. Trong giai đoạn đen tối nhất của cuộc sống lúc bấy giờ tôi vẫn còn nhận được những tình người, những yêu thương, không chỉ đến từ học sinh, mà cả bạn bè, những yêu thương chân thật đến từ trái tim. Do đó tôi vẫn luôn tin "Chúa đóng cánh cửa lớn, Chúa sẽ mở cánh cửa nhỏ".
Biết ngày mai, tôi xin nghỉ dạy để đi thăm nuôi ông xã, chị Hường cùng tổ Văn, cuối buổi dạy đã lặng lẽ nhét vào túi xách tôi, một gói nui và nói: “Thêm một chút quà vào hành trang thăm nuôi chồng ngày mai của bạn.” Một lần khác, khi biết tôi sắp đi thăm nuôi chồng mà lại kẹt tiền vì con cái đau ốm liên miên, T. Dao, bạn thân, đã nói riêng với tôi:
-Tôi có dành dụm được ít tiền, tôi sẽ đưa bồ mượn để lo vụ thăm nuôi. Bao giờ bồ có, trả cũng được, không trả cũng không sao! Bồ yên tâm tôi không bao giờ đòi nợ đâu...
Ôi những lời nói chí tình của bạn làm tôi thật cảm động, mặc dù sau đó, tôi đã xoay xở được cách khác, nhưng ân tình này tôi sẽ ghi nhận mãi không phai! Đúng là "Tình yêu thật sự đã hiếm, tình bạn thật sự còn hiếm hơn."(La Fontaine). Người ta thường nói "Đồng tiền liền khúc ruột”, đặc biệt là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn lúc đó, nhưng bạn thân vẫn có thể tự nguyện mở “hầu bao” eo hẹp ra cho tôi. Làm sao tôi không cám ơn đời, cám ơn các bạn đã cho tôi có cơ hội nhận ra rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều tình thương âm thầm, lặng lẽ trao đến cho nhau trong những hoàn cảnh khó khăn.
Cám ơn Chúa! Vì trôi theo dòng đời nghiệt ngã vẫn luôn có những yêu thương tình người trỗi dậy, đôi khi cả với người không từng quen biết! Qua mấy lần tôi đi khám mắt ở bịnh viện Trưng Vương ( cốt để lấy thuốc nhỏ mắt cho con), lần nào thấy bác sĩ cũng rất tử tế, luôn vui vẻ, ân cần hỏi han, tôi mới mạnh dạn hỏi thăm về bệnh luôn chảy nước mắt của con trai lớn. Điều này khiến cháu cứ hay đưa tay lên dụi mắt, làm mắt bẩn nên cứ bị đau mắt hoài! Tôi phải tốn không biết bao nhiêu tiền để mua thuốc nhỏ mắt cho con, đến nỗi má tôi nói chắc phải mua sỉ cả thùng 20 lít mới đủ xài cho nó, mà thời đó đâu phải có tiền là mua thuốc được dễ dàng đâu, phải có toa BS, phải mua đúng tuyến, nên tôi rất gian nan khổ cực để đi kiếm thuốc nhỏ mắt cho con. Nghe tôi kể bệnh chảy nước mắt của con, bác sĩ vui vẻ nói :
-Được rồi, hôm nào rảnh, cô giáo mang cháu đến đây, tôi sẽ khám và điều trị cho cháu.
Tôi mừng quá vội hỏi :
-Nhưng làm sao tôi xin được giấy giới thiệu cho cháu đến bịnh viện này? (thời đó đi khám bệnh phải có giấy giới thiệu và phải đi đúng tuyến nữa.)
-Cô giáo đừng bận tâm chuyện đó, khi nào rảnh cứ mang cháu đến thẳng phòng này, không cần giấy giới thiệu, cũng không cần phải lấy hẹn trước
Tôi mừng quá về thu xếp để đem cháu đến, BS khám và soi tuyến lệ cho cháu, rồi cho thuốc đem về nhà xài. Về nhà, công việc trường, công việc nhà lu bu tràn ngập, tôi quên luôn bệnh chảy nước mắt của con bớt hay chưa. Đến mấy tháng sau tôi mới chợt nhớ ra, lâu nay không còn phải chạy đôn đáo đi mua thuốc nhỏ mắt cho con. Tôi mới phát hiện ra con trai đã khỏi bệnh chảy nước mắt rồi mà tôi đâu có hay! Cám ơn bác sĩ, BS giỏi quá! Vậy là cháu đã hết bệnh thật rồi, có lẽ vì tình người cao đẹp của BS đã khiến cháu được lành bệnh. Vì trước 75, tôi đã từng đưa con đi điều trị ở các BS giỏi chuyên khoa mắt và ngay cả BS Cát nổi tiếng ở Saigon cũng đã soi tuyến lệ cho con (rất đắt tiền) nhưng vẫn không khỏi! Nay mừng vì thấy con khỏi bệnh mắt, tôi mừng quá, kể lại chuyện cho bạn bè nghe (vì đôi khi tôi cũng nhờ họ mua thuốc nhỏ mắt giùm). Ai cũng hỏi thăm tôi có quen biết thân tình trước với BS hay có tốn kém gì không? Thực tế là hoàn toàn không, thậm chí việc trở lại để cám ơn BS, tôi bận quá cũng không có dịp. Xin thành thật tạ lỗi và cám ơn BS dù tôi biết BS là người thi ân mà không cần đến sự cám ơn vì “Cám ơn biết mấy cho vừa”, bởi có lẽ hơn ai hết BS đã quan niệm: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”(TCS)
(Còn tiếp)

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT