Thế Giới

Nobel Kinh Tế 2019 dành cho ba nghiên cứu gia Mỹ giúp giảm đói nghèo

Monday, 14/10/2019 - 06:26:15

Giải Nobel Kinh tế 2019 đã được công bố cho ba kinh tế gia Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer vì "nghiên cứu của họ đã giúp giảm đói nghèo trên toàn cầu.”


Hình trái là ông Michael Kremer, giáo sư trường Harvard. Hình phải là bà Esther Duflo ông Abhijit Banerjee tại trường MIT sau khi hay tin họ thắng giải Nobel Kinh Tế 2019 cùng với ông Kremer ngày thứ Hai. (Harvard University Gazette/ Getty Images)


THỤY ĐIỂN – Giải Nobel Kinh tế 2019 đã được công bố cho ba kinh tế gia Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer vì "nghiên cứu của họ đã giúp giảm đói nghèo trên toàn cầu.”
Kinh tế gia Abhijit Banerjee là người Mỹ gốc Ấn Độ, hiện làm tại trường đại học kỹ thuật nổi tiếng MIT ( Massachusetts Institute of Technolody). Bà Esther Duflo, người Mỹ gốc Pháp, cũng làm việc ở trường MIT. Ông Michael Kremer, người Hoa Kỳ, hiện làm việc ở Đại Học Harvard, Cambridge.

Theo Ủy Ban Nobel, nghiên cứu của các chuyên gia này đã giúp hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ được nhận các chương trình dạy kèm rất hiệu quả trong trường học. Ngoài ra, nhiều khoản trợ cấp dành cho dịch vụ chăm sóc y tế dự phòng cũng đã được giới thiệu ở nhiều quốc gia. Đây là hai ví dụ cho thấy nghiên cứu của nhóm tác giả đoạt giải đã giúp giảm nghèo đói trên toàn cầu như thế nào. Nghiên cứu vẫn có tiềm năng giúp cải thiện hơn nữa cuộc sống của những người nghèo khổ nhất trên thế giới, theo thông cáo của Ủy Ban Nobel.
Khi trả lời phỏng vấn sau khi giải thưởng được tuyên bố, bà Duflo nói: "Đây chỉ là đóng góp cực kỳ khiêm tốn.” Duflo cho rằng bà cùng với hai đồng nghiệp được giải là Banerjee, 58 tuổi và Kremer, 54 tuổi, sẽ tiếp tục nghiên cứu cho đến già.

Bà Duflo, 47 tuổi, là người phụ nữ thứ hai được Nobel Kinh Tế, và là người trẻ tuổi nhất từng nhận giải thưởng này. Người phụ nữ đầu tiên nhận Nobel Kinh Tế là từ 50 năm trước. Bà Duflo cho biết bà hy vọng sẽ đại diện cho tất cả phụ nữ đang làm việc trong ngành kinh tế. Nhà khoa học cũng tin rằng phụ nữ đang bị đối xử bất công trong lĩnh vực này.
Ủy ban giải thưởng của Học viện Hoàng Gia Thụy Điển cho biết họ rất tin tưởng về khả năng có thêm nhiều kinh tế gia nữ sẽ được công nhận trong tương lai. Ủy ban cho biết bà Esther Duflo cũng giành được Huy chương John Bates Clark cho các nhà kinh tế dưới 40 tuổi (thường được gọi là giải Nobel nhỏ) vào năm 2010.

Ủy ban cũng bác bỏ các ý kiến cho rằng bà Duflo giành chiến thắng vì là phụ nữ. Bà được trao giải vì nghiên cứu xuất sắc, giống như nghiên cứu của hai đồng tác giả Banerjee và Kremer. Ba nhà khoa học sẽ chia nhau số tiền thưởng hơn $900,000 Mỹ kim.
Nobel Kinh Tế có tên chính thức là Giải Kinh Tế Học của Ngân Hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel. Trái với các Nobel khác, giải thưởng này không ra đời theo nguyện vọng của Alfred Nobel và chỉ được khởi đầu từ năm 1968, do Ngân Hàng Thụy Điển tài trợ. Tuy nhiên, tương tự các giải Nobel khác, giải Nobel Kinh Tế do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển xét duyệt người được giải.

Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel 2019. Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Vật lý, Y Học, Văn Học và Nobel Hòa Bình 2019 đã được công bố. Chủ nhân các giải Nobel năm nay sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương $914,000 Mỹ kim). Lễ trao giải Nobel sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào ngày 10 tháng 12 để tưởng nhớ ngày mất của Alfred Nobel. Riêng giải Nobel Hòa Bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT