Chuyện Nước Pháp

Nội các mới toanh của tân tổng thống Pháp trình diện

Thursday, 18/05/2017 - 08:25:19

Mặc dù chính đại đế Napoléon khi xưa có tuyên bố làm dịu đi áp lực cạnh tranh đã phát xuất từ kinh tế mà ra (”Paris, Rouen và Le Havre chỉ là một thành phố duy nhất mà sông Seine là đại lộ chính”) nhưng đến giờ đôi bên vẫn còn nói xấu nhau đều đều.

Bài NGỌC DIỄM

Sau nhiều hồi hộp chờ đợi dài ngoẳng cổ gầy như loài hươu chuyên cần tìm lá trên cao, những ký giả săn tin tại chỗ chầu chực ngày đêm đã thu hoạch trái chín. Có 22 vị vừa nam vừa nữ cân bằng con số chia hai không kể Thủ Tướng đã ra mặt trước tiên, tổng cộng là 23 nhân vật cao cấp phụ tá cho tổng thống. Sở dĩ kết quả lựa chọn của tổng thống (được gọi là “casting” như bên Mỹ) bị chậm trễ là vì chiến lược trong sáng bắt buộc.
Vài người trong tầm ngắm của ông chủ điện vàng đã phải chờ đợi cho xong thủ tục khai báo gia tài riêng. Điều này lại làm giới báo chí rất lưu ý và họ gọi đây là vùng tối (zone d'ombre) trong tiểu sử của tân Thủ Tướng. Số là ông này có thể đã chơi trò phỉnh lờ ra mặt, khi phải điền vào bằng bút viết tay giá trị của những bất động sản (nhà cửa, đất đai) mà ông sở hữu, ông ghi vào một câu duy nhất: “không có ý kiến gì cả (aucune idée).” Vì sự kê khai này chỉ có tính cách luân lý danh dự mà không bắt buộc hoàn toàn nên Thủ Tướng chơi... khăm nhưng báo chí đã biết vì điều lệ cho phép công chúng tham khảo.

Thế là vùng tối không rõ ràng biến thành vết đen lem nhem trong những ngày đầu ông Edouard Philippe vừa được bổ nhiệm bởi vị cầm đầu quốc gia. Những ai theo dõi sát tình hình chính trị đều đã ghi nhận điều này và họ chờ đợi xem sao với dấu hỏi nghi ngờ hơi kỳ lạ về cánh tay phải của tổng thống. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc hết phần tài liệu dưới đây, điều này có thể là đúng vì Thủ Tướng không quản lý tài sản mình trực tiếp và ông có vẻ thích làm chính trị hơn là đếm tiền.


Hàng chữ cuối trong tòa thị sảnh Le Havre ghi tên Thị Trưởng Edouard Philippe từ năm 2010.

Tân Thủ Tướng 46 tuổi (sinh năm 1970 tại Rouen) là một nghị sĩ kiêm thị trưởng (député từ năm 2012-maire từ năm 2010) thành phố Le Havre. Cả Rouen và Le Havre (cách nhau 90 cây số) đều thuộc vùng biển Normandie ở phía Tây-Bắc nước Pháp - diện tích 30 ngàn cây số vuông với khoảng 3 triệu dân - danh tiếng với trận đổ bộ của thủy quân lục chiến Mỹ vào Thế Chiến thứ 2. Thật lạ lùng, cho đến thế kỷ thứ 21 mà hai thành phố này vẫn tự xem như là 2 chị em kẻ thù (soeurs ennemie) vì một là loại trưởng giả, theo đuôi thủ đô Paris và hai là thứ dân nghèo hèn không văn hóa.

Lịch sử kể lại từ hàng chục thế kỷ, phố Rouen chiếm thượng phong vì nằm trên hạ bình nguyên sông Seine nên vùng cảng thịnh vượng về thương mại với thủ đô Paris. Mãi về sau, từ cuối thế kỷ thứ 18 và nhất là qua suốt thế kỷ thứ 19 tỉnh lỵ Le Havre mới đủ sức cạnh tranh dữ dội với Rouen về quyền lợi kinh tế và tranh giành ảnh hưởng với thủ đô Paris nơi Bắc đại tây dương.

Mặc dù chính đại đế Napoléon khi xưa có tuyên bố làm dịu đi áp lực cạnh tranh đã phát xuất từ kinh tế mà ra (”Paris, Rouen và Le Havre chỉ là một thành phố duy nhất mà sông Seine là đại lộ chính”) nhưng đến giờ đôi bên vẫn còn nói xấu nhau đều đều.

Thủ Tướng mới rất yêu mến thành phố nơi ông kiêm nhiệm hai chức và luôn luôn nhấn mạnh sẽ đem nó tới thịnh vượng xứng đáng với tiềm năng sẵn có. Hiện giờ theo tin tức mới nhất, ông phải từ chức thị trưởng địa phương để hoàn thành nhiệm vụ tại dinh Matignon (chỗ ở dành riêng cho cánh tay mặt của tổng thống với điện Elysée). Luật cấm kiêm nhiệm nhiều chức tước có từ khi tổng thống Hollande lên cầm quyền.



E. Philippe nhẵn nhụi lúc tranh cử cầm đầu Le Havre năm 2014 và năm nay 2017 lên chức râu ria.

Trước khi Edouard Philippe lên làm Thủ Tướng, mạng xã hội nổ bùng với những từ khóa liên quan đến tên ông của dân hiếu kỳ đi tìm xem người này là ai. Chính ông cũng có nói 6 tháng trước rằng chức tước này không phải để cho mình. Ông rất thân cận Alain Juppé, người đã được kêu gọi thay thế Fillon vì vụ tai tiếng phu nhân làm giả ăn lương thật. Mặc dù trước kia, Philippe đã từng gia nhập đảng Xã Hội và ủng hộ Michel Rocard (khi Tổng Thống Mitterand hạ bệ ông này làm Philippe chán ngán phe Tả) nên sau này ông lại tỏ ra thần phục 2 nhân vật tài giỏi phe Hữu là Rufenacht Antoine và Juppé Alain và nghiêng luôn về bên này.

Đời tư của chính trị gia Philippe bình thường, ông có vợ ba con. Bà nhà tố ông có tật xấu là không bao giờ xếp quần áo đàng hoàng. Ông sợ nhất là phải đi khám răng trong phòng mạch nha sĩ, cũng giống như sợ... cá mập nên không dám lội biển (nhưng có đi lặn)! Ngoài ra, đây là một tay đấm bốc tài tử có hạng, hay so sánh mỗi khi có chiến đấu chính trị như lên đài và làm cử chỉ đánh võ rất hiếu động. Ông lãnh lương ngang hàng với tổng thống, khoảng 15 ngàn Âu kim mỗi tháng.

Về 22 nhân vật gồm 18 Bộ Trưởng (Ministre) và bốn viên Thứ Trưởng (Secrétaire d'Etat), Thủ Tướng là người có quyền lực sau tổng thống điều hành 22 nhân viên này. Sau Thủ Tướng là Phó Thủ Tướng (Ministre d'Etat) gồm ba vị Bộ Trưởng quan trọng hơn tất cả các Bộ Trưởng còn lại. Đó là các ông chủ bộ Tư Pháp (Francois Bayrou, bố già ủng hộ thiên tử trẻ nay đã trưởng thành cứng cáp), Bộ Nội Vụ (Gérard Collomb, đã khóc vì cảm động trong lễ nhậm chức của tổng thống) và Bộ Sinh Thái chuyển tiếp ổn định (Nicolas Hulot, nhà hoạt động sinh thái nổi tiếng rất lâu được nhiều tổng thống trước kêu gọi vào Nội Các nhưng ông luôn từ chối, nay đã chịu đầu quân cho thế hệ Macron sau 15 năm chờ thời).

Ông Nicolas Hulot đã từng được cả nước Pháp biết đến thật bình dân nhờ chương trình truyền hình Ushuaia, chủ đề du lịch khắp thế giới và tranh đấu cho sinh thái thiên nhiên được bảo tồn. Ông cũng là ứng cử viên tổng thống năm 2012, và sang năm 2016 được làn sóng thăm dò nói ông sẽ được 10% số phiếu bầu nên thôi không ra lần nữa.

Thế nhưng tân tổng thống đã mời được nhân tài 62 tuổi ra tiếp tay trị quốc dù ông đã không ủng hộ ai cả trong số 11 ứng cử viên tổng thống năm nay. Một tia sáng đầy hy vọng đang lóe lên cho tầng lớp dân chúng thích bảo vệ sinh thái thiên nhiên chống lại hâm nóng tự tiêu diệt quả đất đến từ nền kỹ nghệ nặng phá hoại môi trường. Có vị Bộ Trưởng này tích cực yêu quả đất thì nó sẽ được trân trọng hơn lên. Lương tháng Bộ Trưởng khoảng 10 ngàn đồng Tây, Thứ Trưởng ít hơn 500 đồng.

Những gương mặt mới trẻ tuổi trong lớp 30-40 cho đến lớn nhất là 69 tuổi quả nhiên đã làm hài lòng cử tri tuy có 2 điểm tổng thống đã thất hứa là mời một phụ nữ làm Thủ Tướng và không có bóng hồng điều khiển hành chính quyền lợi nữ giới.

Đặc biệt, như để bù lại tổng thống đã giao quyền Bộ Trưởng Quân Lực cho bà Sylvie Goulard, một cựu sinh viên Quốc Gia hành Chánh sau Sciences Po. và đã tốt nghiệp trung học năm 15 tuổi! Bà là người phụ nữ tài năng thứ hai được vinh hạnh giao quyền chỉ huy lực lượng quân sự nam giới sau bà Michèle Alliot-Marie năm 2009.

Một gương mặt nữ giới da đen nhiều người biết là bà Flessel-Colovic 45 tuổi, chuyên gia thể thao bộ môn đánh kiếm. Bà được cất nhắc lên làm Bộ Trưởng Bộ Thể Thao giống như một ngôi sao võ thuật nhu đạo đàn anh trong triều đại trước đó. Bà đã lãnh 5 lần huy chương Thế Vận Hội, 6 lần huy chương thế giới và 1 lần Châu Âu. Bà còn có tài nhảy múa trong lần lên đài truyền hình tư nhân TF1 tham gia với các vũ công chuyên nghiệp không thua kém họ. Đây là một trong những chân dung tượng trưng cho giới quyền lực mở rộng dưới trướng ông Macron mà không xuất thân từ đào tạo chính trị như đã hứa hẹn.


Nữ thể tháo gia đánh kiếm tài giỏi được trọng dụng bởi chính phủ Macron: Bộ Trưởng Bộ Thể Thao.

Trước một chính phủ mới toanh và đa số là trẻ trung mà người viết bài không thể kể ra từng người sẽ quá dài, kể cả Thủ Tướng chưa bao giờ làm Bộ Trưởng chi đó trước hết để có kinh nghiệm, nhiều chuyên gia chính trị khá băn khoăn. Theo tình hình nội bộ trước khi có bầu cử Quốc Hội mới và nếu tổng thống không chiếm được đa số ghế cho phe mình - theo làn sóng thăm dò cử tri rất đúng, ông Macron sẽ phải chấp nhận Thủ Tướng mới phe đối lập Cộng Hòa là Francois Barouin và mời Thủ Tướng Philippe của mình ra khỏi dinh Matignon.
Thật là phức tạp, nhưng dù chia phe phái nhiều cách mấy đi nữa đó cũng là điểm son của thể chế Cộng Hòa theo phiếu bầu đa số. Nhờ vậy tuy công việc có thể bị chậm trễ vì phe đối lập chỉ trích chèo kéo hay phá hư kế hoạch, nhưng đó là sự ổn định chính trị cần thiết trong một quốc gia dân chủ lập hiến thực sự.

Không ai là thánh nhân trong bất kỳ chính phủ nào nên phải chấp nhận kẻ đối nghịch mình để hợp tác tạo lời giải tốt đẹp nhất cho đại sự quốc gia. Cuộc bầu cử sắp tới vào tháng Sáu cũng giữ vai trò rất quan trọng cho sự tiến tới chân trời tím của đảng REM (République En Marche).

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT