Đạo và Đời

Nói chuyện với anh em thiện nguyện viên của Pháp Hội Di Đà 2014

Wednesday, 12/11/2014 - 10:50:49

Dạng người thứ nhất đem bóng tối tới, dạng người thứ hai đem ánh sáng tới. Muốn thành công trong hạnh phục vụ của ta thì hãy làm sao để trở thành hạng người quang minh này. Ta đem tới một sự cảm thông rõ ràng để người ta cảm thấy thích.

Thầy Hằng Trường

Các bác và các anh chị em cũng như các anh chị em thiện nguyện đang làm trong ban Phục Vụ, ban Ân Cần, ban Tiếp Tân, Ban Đưa Đón v.v... thân mến, xin gửi những lời thầy chia sẻ với các anh chị.
Khi làm việc thiện nguyện, chúng ta cần nghĩ tới kết quả công việc mình làm. Chúng ta muốn như những kết quả ấy như thế nào?
Chúng ta muốn những người đã tới thì một thời gian sau, một tuần sau, cả tháng sau hay cả năm sau, họ vẫn nhớ tới chúng ta, biết chúng ta là những người phục vụ hết lòng hết dạ với họ. Chúng ta muốn được cho là những người hết sức lạc quan, hết sức nhiệt tình, những người họ muốn kết bạn, muốn quay trở lại tìm gặp để nói chuyện và được có sự ấm áp. Đó là kết quả mà chúng ta mong muốn trong việc phục vụ.

Muốn được vậy, ta phải làm sao? Ta phải làm sao để đem những hình ảnh đẹp đẽ của ta, việc làm của ta đặt vào trong đầu người khách tới lạy Phật, tới tu hành. Làm sao để hình ảnh của mình vào được trong đầu người ta, ở trong đó và làm cho người ta cảm thấy ấm cúng, nhẹ nhàng.
Có hai loại người rất quan trọng. Một loại người không mời mà họ cứ ở trong đầu ta hoài, sống trong ta và làm ta đau khổ. Đó là những người mà ta ghét, ta giận, ta lẫy, ta thù, ta yêu, ta đố kỵ, ghen tỵ..., tức là ta chấp trước vào người đó nhiều quá. Những người đó, dù ta không muốn, họ cũng vào trong đầu ta, ở trong đầu ta. Cái đầu ta trở thành một nhà trọ, một khách sạn miễn phí cho họ. Họ ở trong đó và không bao giờ chịu ra. Ta làm gì họ cũng không ra. Nhiều khi đó là vì ta mời họ vào. Khi ghét người nào, ta mời họ ở trong đầu ta, trong những tế bào thần kinh, trong ký ức của ta. Muốn trừ khử đi cũng khó. Khi họ đã vào rồi, có những phản ứng hóa học không cho người đó rời khỏi đầu ta.
Cho nên khi ta thù ghét, giận ai thì ta chỉ làm cho cái đầu, thực ra là cái não chớ không phải cái tâm ta, bị trĩu nặng. Cái con đường, cái vùng đó trĩu nặng khiến ta không được tự do, sung sướng, không thấy được bầu trời vô tận. Ta đã đóng khung con đường đi của não bộ ta, bị hạn hẹp trong những cảm giác tiêu cực. Đồng thời người trú ngụ trong đó sẽ khiến ta không bao giờ cảm nhận được sự vui vẻ, không sẵn nụ cười với mọi người được.
Các bác hãy thử tưởng tượng xem, đi vào một căn phòng, thấy có người mà ta ghét hay thù là ta không thể nào tươi cười vui vẻ được với những người khác. Trong lòng ta khó chịu liền. Cảm giác tiêu cực đó lâu ngày chày tháng làm cho ta bệnh hoạn. Do đó, trách nhiệm của chúng ta, những người phục vụ, là làm sao đừng trở thành loại người này mà trở thành loại người thứ hai.
Loại người thứ hai là loại người gì? Khi loại người này vào trong đầu ta, lúc ta nhớ lại, nghĩ đến họ, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Những người này vào trong đầu ta làm lan tỏa ánh sáng. Ánh sáng là trí huệ, là sự ấm áp. Đây là những người khiến ta khâm phục, vui, thấy hạnh phúc. Khi ta ở bên cạnh những người này, họ không chiếm hữu, không làm cho ta đau khổ. Họ cho ta ánh sáng của cõi lòng họ, sự ấm áp từ con tim của họ, những hành động khiến ta khâm phục và thương mến.
Loại người thứ hai này là loại người của ánh sáng quang minh, là loại người đem sự giải thoát tới não của ta. Những con đường (path way) của ký ức sẽ khai mở ra. Bởi khi ta nghĩ tới, con đường này sẽ sáng lên bởi sự sung sướng. Những chất hóa học trong đầu ta sẽ thay đổi làm cho hình ảnh những người này rất nhẹ nhàng. Khi chúng ta đi phục vụ, đi làm thiện nguyện cho một tổ chức, một chùa, một nhà thờ hay một nơi nào hay trong pháp hội Di Đà năm nay, chúng ta phải trở thành những người đem ánh sáng vào trong tâm người khác, đem sự nhẹ nhàng, nụ cười của chúng ta vào trong tâm của họ.
Chắc các bác cũng hay nhớ lại khi đến một chỗ có những người có nụ cười rất đẹp, những người có giọng nói thiệt nhỏ nhẹ, thiệt là dễ thương. Có những người quan hoài tới ta, nắm tay ta dẫn tới những chỗ ta cần tới, họ bỏ thời gian ra giải thích những chuyện mà ta không hiểu, ánh mắt nhìn của họ rất thân thương. Đây là những người mà chúng ta sẽ nhớ hoài. Có thể chúng ta không nhớ ở pháp hội vị thầy đó đã giảng gì, không nhớ đã ăn món gì, nhưng chúng ta sẽ nhớ người đó hoài. Dạng người này là dạng người quang minh mà thầy vừa nói tới, dạng người đem ánh sáng tới trong tâm ta và ta cảm thấy rất sung sướng, nhẹ nhàng, nên nhớ nghĩ tới người đó.

Dạng người thứ nhất đem bóng tối tới, dạng người thứ hai đem ánh sáng tới. Muốn thành công trong hạnh phục vụ của ta thì hãy làm sao để trở thành hạng người quang minh này. Ta đem tới một sự cảm thông rõ ràng để người ta cảm thấy thích.
Có người báo cáo với thầy rằng: “Khi phục vụ thì các bác ấy hay lắm, còn ngoài giờ phục vụ thì các bác ngồi nói chuyện gẫu”. Người ta đi ngang qua thấy rõ ràng rằng ngoài giờ phục vụ, đây là những người lố bịch, có khi khả ố, không dễ thương bởi những lời nói, hành động của họ làm khi không phục vụ, trái ngược với hành động phục vụ. Khi phục vụ, họ là người khác và khi không vụ phục thì có đời sống khác. Nhiều người đã phê bình rằng hình ảnh lúc họ phục vụ thì họ là quang minh. Đến lúc họ ngồi tán dóc hoặc có những hành động không hay ho gì thì quang minh biến thành bóng tối.
Cho nên, hình ảnh của chúng ta cũng quan trọng lắm. Muốn được như vậy, ta phải quyết định trở thành người của quang minh, làm sao đem được hình ảnh đẹp của chúng ta vào đầu người khác. Hình ảnh mà ta đưa ra sẽ thành cuộc sống của chúng ta, tức là ta sống thật với những hành động của ta để làm cho người khác cảm thấy là quang minh.
Chúng ta không ai mà không có lầm lỗi. Nhưng làm lỗi rồi, chúng ta phải thay đổi, từ bóng tối ra quang minh. Đó là cái hạnh quan trọng nhất của người phục vụ. Khi ta đi phục vụ, hãy tập chăm sóc, quan hoài người khác, làm cho người ta cảm nhận được một sự ấm áp. Khi hành động như vậy rồi, về nhà, ta cũng nên làm như vậy với cha mẹ mình, với người hôn phối, với con cái, người thân thương của ta. Chắc chắn sự phục vụ này sẽ thay đổi cuộc đời ta về sau.
Ta không thể nói là cứ ở mãi trong bóng tối, mãi mãi làm dạng người thứ nhất, dạng người tiêu cực, mà ta phải có hy vọng. Do đó ta đi phục vụ để đem hy vọng tới cho con tim của mình và người. Ta làm cho ta hiểu rằng con người ta luôn vươn lên và bước ra khỏi vũng bùn lầy của chính mình. Phục vụ là một hạnh rất cao thượng mà cũng là một hạnh rất đẹp, đồng thời cũng nói lên một đặc tính rất quan trọng trong cuộc sống là ta có thể trở thành quang minh trong đầu, trong não, trong tâm của người khác. Hãy cố gắng làm cho quang minh đó không ngừng cải thiện để trong đầu ta, trong não ta cũng có cái quang minh do chính ta tạo ra.
Do đó, điều đầu tiên khi các bác đi phục vụ là phải nghĩ trong đầu ra cách phóng hiện ra cái đẹp của ta và đưa cái đẹp đó tới những người khác, những người mà ta phục vụ. Đó là triết lý rất căn bản của hạnh phục vụ đối với những người trong ban Ân Cần, những người tới làm việc để giúp những người khác.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT