Đời Sống Việt

Nội dung lớp tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 20/05/2012 - 10:43:44

Đây là công lao đáng quý của những thầy cô giàu tâm huyết với trọng trách gìn giữ, phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt nơi xứ người.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 20)

Băng Huyền/Viễn Đông


Hầu hết các thầy cô giáo đang dạy tiếng Việt tại 4 trường trung học ở Quận Cam hiện nay, dù là những thầy cô đến Mỹ định cư khi tuổi đời đã ngoài bốn mươi, khá vất vả để làm quen với cuộc sống mới và phải học lại từ đầu để trở thành giáo viên, như thầy Dzũng Bạch (giáo viên trường trung học La Quinta, kiêm trưởng bộ môn ngoại ngữ của trường, nguyên là Thiếu Úy Sư Đoàn 1 Bộ Binh Quân Lực VNCH, tù nhân cải tạo 5 năm trong trại tù Bình Điền) hay cô Mộng Lan (giáo viên trường trung học Westminster, nguyên là giáo sư dạy Việt Văn tại Sài Gòn và là nhân viên văn phòng chính phủ VNCH trước 1975)… hay với những thầy cô đến Mỹ định cư cùng gia đình từ lúc nhỏ, chỉ trên dưới 10 tuổi, nhưng vẫn giữ được ngôn ngữ và tình yêu với văn hóa Việt cho mình, đã chọn ngành học trở thành giáo viên dạy tiếng Việt, như thầy Robert Nguyễn (giáo viên tại trường trung học Garden Grove), cô Quỳnh Trang (giáo viên trường trung học Bolsa Grande), cô Thảo Ly (giáo viên trường trung học Westminster), thầy Leon Nguyễn (giáo viên trường trung học La Quinta)… Những thầy cô đó đều là những tấm gương giàu tâm huyết, một lòng nặng nợ với hành trình giáo dục, luôn luôn tìm mọi cách để vượt qua những trở ngại trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh trung học, một ngoại ngữ vốn được xem là rất khó cho người học và cả người dạy.


Các học sinh trung học những lớp Việt ngữ, một số mặc trang phục truyền thống, diễn hành với lá cờ Quốc Gia Việt Nam trên phố Bolsa dịp Tết Nhâm Thìn 2012 - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Trong bài viết “Dạy tiếng Việt dễ hay khó” của Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc ở Úc Châu, ông đã trích dẫn từ bài viết của tác giả Simon Borg về những đặc điểm của giáo viên ngoại ngữ, có đoạn: “Trong các lớp ngôn ngữ, chúng vừa là phương tiện đồng thời lại là thông điệp. Do đó nội dung giảng dạy rất phức tạp. Dạy ngôn ngữ vượt ra ngoài phạm vi dạy từ vựng và ngữ pháp cũng như ngoài bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Dạy ngôn ngữ còn là dạy văn hóa, dạy giao tiếp và dạy về cả kỹ năng học tập. Ở các môn khác, để dạy tốt, giáo viên có thể nâng cao kiến thức bằng cách đọc sách. Trong các lớp ngôn ngữ, giáo viên dạy giao tiếp chứ không phải là sự kiện. Sự kiện có thể tra cứu; nhưng giao tiếp thì lại gắn liền với tiềm năng của con người. Trong các lớp ngôn ngữ, việc giao tiếp giữa thầy và trò diễn ra thường xuyên hơn hẳn các môn khác. Và cũng khó khăn hơn: Ngôn ngữ giáo viên sử dụng là thứ ngôn ngữ mà học sinh đang học và thường thì chưa thông thạo. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng của các mối quan hệ liên-văn hóa.
“Theo cách dạy mới ở Tây phương hiện nay, hầu như môn học nào cũng được xây dựng trên sự tương tác giữa người dạy và người học. Nhưng rõ ràng là không ở đâu sự tương tác ấy lại nhiều và phức tạp bằng các lớp ngôn ngữ. Vì vấn đề ngôn ngữ. Ví dụ, trong các lớp tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở hải ngoại: Thầy cô giáo giảng bài bằng tiếng Việt trong khi tiếng Việt của các em (nhất là các em học lớp Việt 1, Việt 2), ngay cả kỹ năng nghe, cũng rất hạn chế. Vì vấn đề văn hóa. Khi học ngôn ngữ thứ hai, mỗi người mang sẵn trong mình một nền văn hóa đã định hình từ ngôn ngữ thứ nhất. Do đó, việc giao tiếp trong các lớp ngôn ngữ bao giờ cũng là sự giao tiếp liên văn hóa. Đã liên văn hóa thì không thể tránh khỏi ngộ nhận. Chỉ khác ở mức độ. Và thứ ba, trừ những người có năng khiếu đặc biệt, hầu hết những người học ngoại ngữ đều không thể tránh những sai lầm. Hết sai lầm này đến sai lầm khác. Từ sai lầm về cách phát âm đến sai lầm trong cách sử dụng từ và đặt câu. Vượt qua những sai lầm ấy, người ta cũng vẫn có thể vấp phải những sai lầm khác trong văn hóa giao tiếp của ngôn ngữ đích (target language). Những sai lầm thường xuyên ấy rất dễ khiến người đi học, dù ở bất cứ bậc nào, từ tiểu học đến đại học, từ trẻ đến già, đều dễ trở thành nhạy cảm. Chính vì sự nhạy cảm ấy, thái độ của thầy cô giáo tự động trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học” (ngưng trích).
Như đã đề cập trong phần trích dẫn trên, dạy ngoại ngữ nói chung hay dạy tiếng Việt tại hải ngoại nói riêng, giáo viên lúc nào cũng phải có sự sáng tạo, linh động, nhiệt tình, có sự kiên nhẫn, sự quan tâm, phải có chút hài hước, v.v., thì mới hy vọng đem lại niềm thích thú cho học trò, đặc biệt là các học sinh trung học.
Từ việc làm của các thầy cô dạy tiếng Việt tại 4 trường trung học thuộc Quận Cam từ những ngày đầu mới gầy dựng lớp tiếng Việt, đến nay số học sinh ghi danh theo học đông đứng thứ nhì trong trường (chỉ sau tiếng Tây Ban Nha), dù môn học chỉ mới có trên dưới 10 năm trong catalog của nhà trường. Đây là công lao đáng quý của những thầy cô giàu tâm huyết với trọng trách gìn giữ, phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt nơi xứ người.

Những nội dung phong phú

Thông qua những bài học trong sách giáo khoa, các thầy cô còn tìm thêm những tài liệu dạy kèm để hấp dẫn các em. Chẳng hạn, cô Mộng Lan khi dạy lớp Việt 1, Việt 2 cho các em trường trung học Westminster, tự mình bỏ tiền ra mua những chương trình DVD thực hiện tại hải ngoại có tính cách dân tộc, để cho các em xem như một phần sinh hoạt ngoại khóa. Với các em lớp Việt 1, cô tìm thêm tài liệu là những bài viết giới thiệu về văn hóa Việt Nam, về gia đình, về những phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu… của thầy Huỳnh Đình Tế. Cô Mộng Lan nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, nếu cho các em đọc suông thôi, thì các em không nhớ, nên trong phần làm bài thi của các em có phần câu hỏi liên quan đến những bài đọc đó, để các em trả lời. Thành ra, các em phải đọc cẩn thận mới có thể trả lời được những câu hỏi. Chính từ việc đọc và học cẩn thận, giúp các em hiểu thêm về văn hóa Việt, có hiểu thì các em mới biết yêu quý và trân trọng”.
Riêng cô giáo trẻ Thảo Ly (trường trung học Westminster) ngoài những bài học trong sách giáo khoa, cô còn tìm mua thêm những phim cổ tích Việt Nam để cho các em xem, để học thêm về văn hóa qua những câu chuyện này. Cô tìm trên Internet những truyện hay Việt Nam, những truyện hay của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt như truyện “Người Mẹ Điên”… để các em đọc. Ngoài ra cô giáo Thảo Ly còn đưa ra những ví dụ thiết thực đi kèm theo từng bài học. Khi dạy bài học về ăn uống, cô đưa vào câu tục ngữ như “Ăn không rau như đau không thuốc” để nói về chế độ ăn uống của người Việt. Khi dạy các em bài báo hiếu, cô thường hỏi các em làm gì để báo hiếu, và yêu cầu các em đưa ra những điều thật cụ thể. Có em khoe về nhà rửa chén giúp mẹ, có em nói đã giúp mẹ trông em, có em thì khoe ít đi chơi hơn trước, chăm học hơn... Khi có buổi họp phụ huynh, cô Thảo Ly cho biết nhiều vị phụ huynh rất thích khi con học tiếng Việt, vì các con hiểu được văn hóa Việt, trở nên gần gũi với ba mẹ nhiều hơn. Nhờ vậy, có nhiều em Việt Nam đang ghi danh học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, được phụ huynh thuyết phục, đã chuyển qua lớp tiếng Việt.
Cô giáo Thảo Ly kể lại trong những lần cô cùng với giáo viên người Mỹ đi trong trường, bao giờ gặp những học trò học lớp tiếng Việt, các em đều lễ phép khoanh tay cúi đầu chào cô, khiến giáo viên người Mỹ rất ngạc nhiên, vì hình ảnh này khác với học trò Mỹ, hay những sắc dân khác. Cô Thảo Ly bảo, những lúc như vậy, cô rất cảm động và càng yêu hơn sự nghiệp giáo dục mà cô đang theo đuổi.
Được biết, 3 trường trung học dạy tiếng Việt trong học khu Garden Grove hiện nay, ngoài những bài học trong sách giáo khoa, các thầy cô còn kèm theo các tác phẩm văn chương của Tự Lực Văn Đoàn (dạy các em lớp Việt 3) , tác phẩm “Thân Phận Dư Thừa” (một hồi ký-tùy bút, do nhà văn Nhật Tiến dịch từ nguyên tác viết bằng tiếng Anh mang tên “The Unwanted” của Kiên Nguyễn, để dạy các em lớp Việt 4). Các em còn được chia nhóm để viết kịch, đóng phim dựa theo câu chuyện trong bài học trên lớp, rồi các em quay lại để nộp thầy chấm điểm và chiếu trên lớp cho các bạn khác cùng xem.
Cô giáo trẻ Quỳnh Trang (dạy tiếng Việt tại trường Bolsa Grande) còn tìm thêm những phim tài liệu như cách làm nón lá… để giới thiệu nét văn hóa Việt cho học trò. Vào mỗi tháng gắn với những ngày lễ của người Việt Nam, cô tự tìm tài liệu để dạy các em bài học lịch sử về ý nghĩa ngày lễ đó, ví dụ ngày Lễ Hai Bà Trưng, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc Hận 30 tháng 4…
Thầy Robert Nguyễn (giáo viên dạy tiếng Việt tại trường trung học Garden Grove) cho biết, phần xem phim trên lớp Việt 1 là phim “Rồng Xanh” (tên tiếng Anh là “Green Dragon”), do đạo diễn Timothy Linh Bùi thực hiện, xoay quanh những người tị nạn Việt Nam sống trong Trại Pendleton, tại tiểu bang California, nơi tiếp nhận trên 134 ngàn người Việt trong cuộc di tản xảy ra vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Các em học lớp Việt 2 được xem phim “Vượt Sóng” (tựa tiếng Anh là “Journey from the Fall” - Hành trình từ sự sụp đổ) là một bộ phim độc lập của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Trần Hàm và nhà sản xuất Nguyễn Lâm, về cảnh ngộ của những thuyền nhân và những tù nhân trong trại cải tạo tại Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4, 1975.
Các em lớp Việt 4 được xem “Bolinao 52” là một phim tài liệu do đạo diễn người Mỹ gốc Việt Đức Nguyễn thực hiện. Bộ phim là câu chuyện có thật về một con thuyền chở 110 người tị nạn bị trôi dạt trên Biển Đông vào tháng 5 năm 1988. Trôi dạt 37 ngày trên biển, bị Hải Quân Hoa Kỳ từ chối cứu, nhiều người trên thuyền đã phải ăn thịt người chết để sống sót. Cuối cùng, 52 người sống sót được dân chài người Philippines cứu sống khi con thuyền trôi dạt vào đảo Bolinao, Philippines.

Ngôn ngữ, cây cầu nối giữa hai thế hệ

Thầy Robert Nguyễn chia sẻ: “Tôi còn nhớ ngày đầu dạy các em, tôi hỏi các em ba mẹ các em qua Mỹ năm nào, nhiều em nói không biết. Tôi rất lạ, vì như bản thân tôi, khi qua Mỹ từ năm 1975, khi đó còn nhỏ, đã được ba mẹ giữ gìn tiếng Việt cho tôi, nói cho nghe về văn hóa Việt, còn dạy mình chống cộng nữa. Vậy mà sao học trò mình lạ vậy, không quan tâm đến lịch sử gia đình chính mình. Tôi bắt các em về phỏng vấn lại cha mẹ”.
Thầy Robert Nguyễn nói, ngoài ý nghĩa giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa cho các em trẻ tại hải ngoại, thầy còn ước mong qua việc dạy tiếng Việt của mình sẽ xây một cây cầu giữa hai thế hệ ba mẹ và con cái với nhau. Theo thầy, chuyện giữa hai thế hệ hiểu được nhau đã thấy phức tạp rồi, đằng này còn là văn hóa khác biệt nữa.
Tương tự như các thầy cô dạy tiếng Việt khác, thầy ước mong phụ huynh dẫu bận rộn trong đời sống, cũng nên dành thời gian để chuyện trò bằng tiếng Việt với con mình. Trong lớp học, thầy luôn luôn khuyên các em hãy dành thời gian nói chuyện với bố mẹ, ông bà, thay vì “chat” với bạn bè, xem phim, đi chơi… Vì trong trường, các em chỉ được học tiếng Việt khoảng hơn 150 ngày trong một năm học, với khoảng hơn 150 tiếng, không đủ để thông thạo một ngôn ngữ, chỉ mong các em về nhà học tiếp từ cha mẹ, ông bà mình…
Thầy Robert Nguyễn tâm sự: “Tôi muốn phụ huynh nên chia sẻ nhiều chuyện của mình về Việt Nam và nguyên nhân mình đến Mỹ ra sao cho con em mình biết, dù đó là việc rất buồn. Phải chia sẻ cho con cháu của mình, để các cháu biết trân quý hơn tự do mà các cháu được hưởng tại Mỹ này. Vì như tôi khi còn nhỏ đến Hoa Kỳ định cư, đã luôn luôn được cha mẹ cho biết vì sao đến Mỹ, được nghe về chiến tranh Việt Nam. Chính những kinh nghiệm ba mẹ chia sẻ, giúp tôi hiểu và kính trọng ba mẹ tôi nhiều hơn, hiểu được những khổ cực mà người Việt phải vượt qua trong quá khứ, và càng thêm tự hào mình là người Việt. Tôi nghĩ, chính những câu chuyện đó sẽ truyền cho các em thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn trong học tập và đời sống, vì các em sẽ thấy rằng không có chuyện gì mà các em gặp hiện nay lại khổ hơn chuyện trước đây cha mẹ đã gặp. Chính vì các em không biết cha mẹ đã từng trải qua những kinh nghiệm đau đớn như thế nào trong quá khứ, các em cứ tưởng rằng đời sống chuyện gì cũng dễ hết. Nếu các em biết rồi, các em sẽ cố gắng học giỏi hơn, để thành công hơn. Vì cha mẹ trải qua biết bao khổ cực là để con cháu sống tốt hơn mình ngày xưa. Quý vị phụ huynh không nên nghĩ con tôi còn trẻ, nó sẽ không hiểu đâu, nó không hiểu chỉ vì mình không dạy cho nó hiểu”.
Thầy Robert Nguyễn cho biết thầy thường tham gia chương trình tưởng niệm 30 tháng 4 với cộng đồng, và luôn luôn thông báo lịch trình cho học trò, tùy các em, muốn đi thì đi, thầy không ép.
Vào dịp Tết, cũng như 3 trường dạy tiếng Việt trong Quận Cam, trường Garden Grove do thầy hướng dẫn có khoảng 100 em ra diễn hành trên đại lộ Bolsa. Nhiều em khoe với thầy các em hãnh diện là người Việt Nam hơn xưa, vì các em thấy cộng đồng ủng hộ mình, cha mẹ ủng hộ mình.
Mối ưu tư hiện nay của thầy Robert Nguyễn là: “Giữ tiếng Việt cho các em trẻ gốc Việt hiện nay quan trọng lắm, nếu để các em mất tiếng Việt, thì không biết trong tương lai văn hóa Việt Nam ở Mỹ có còn hay không? Mà chúng ta không thể nhờ những người bên Việt Nam qua đây dạy con em chúng ta. Chúng ta cần phải biết người Việt tị nạn chạy ra hải ngoại vì muốn có được tự do, do đó nếu ngày nào trong nước vẫn còn Cộng Sản, thế hệ trẻ bên này càng không nên quên lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT