Hoa Kỳ

Nổi loạn tại Ferguson sau khi cảnh sát viên không bị truy tố

Monday, 24/11/2014 - 09:16:42

 Nổi loạn tại Ferguson: Một cảnh sát viên đang chạy gần một chiếc xe của cảnh sát bị đốt cháy vào đêm thứ Hai tại Ferguson, Missouri. Đám đông đã ...


 Nổi loạn tại Ferguson: Một cảnh sát viên đang chạy gần một chiếc xe của cảnh sát bị đốt cháy vào đêm thứ Hai tại Ferguson, Missouri. Đám đông đã nổi loạn, đốt phá sau khi nghe đại bồi thẩm đoàn không truy tố cảnh sát viên da trắng trong vụ bắn chết Michael Brown. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

 

Vụ bắn thanh niên da đen tại Ferguson: Không truy tố cảnh sát viên da trắng

FERGUSON, Missouri – Sau mấy tháng thảo luận về một vụ án được theo dõi nhiều nhất tại Mỹ vì yếu tố chủng tộc, một đại bồi thẩm đoàn của tiểu bang Missouri đã quyết định không truy tố Darren Wilson, một cảnh sát viên da trắng từng bắn chết Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi. Nổi loạn đã xảy ra tại Ferguson, một khu vực lân cận thành phố St. Louis, kéo từ nửa đêm thứ Hai qua sáng thứ Ba.

Trước khi quyết định của đại bồi thẩm đoàn được công bố vào đêm thứ Hai (sau 6 giờ chiều  theo giờ California), chính quyền tiểu bang cũng như thành phố từng báo trước về những biện pháp bảo vệ an ninh, tăng cường cảnh sát địa phương cũng như quân nhân thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc Gia.

Các trường học tại St. Louis cũng đóng cửa trong ngày thứ Hai và trong suốt tuần này, nhằm đề phòng nổi loạn có thể xảy ra. Sự thông báo phán quyết vào ban đêm xảy ra sau giờ đông xe của thành phố, và hầu hết các cư dân đã về nhà, không gần những nơi được dự đoán sẽ có biểu tình.

“Cuộc điều tra của chúng tôi đã được hoàn tất,” Công Tố Viên Robert P. McCulloch nói với báo chí về quyết định của đại bồi thẩm đoàn. Ông McCulloch đã trình bày chi tiết về việc làm của đại bồi thẩm đoàn và tuyên bố rằng “không có lý do” để truy tố Darren Wilson trong tất cả năm cáo buộc mà cảnh sát viên này có thể bị xét tội.

Công tố viên đã ca ngợi sự làm việc không ngừng nghỉ của những người trong đại bồi thẩm đoàn. Ông McCulloch cũng đồng thời chỉ trích nhiều lời khai của các nhân chứng, cho biết những lời khai này không phù hợp với những chứng cớ khác, như kết quả giảo nghiệm tử thi chẳng hạn.

Các bồi thẩm viên đã nghe điều trần trong hơn 70 giờ đồng hồ, phải xem xét hàng trăm tấm ảnh và nghe những kết quả từ ba cuộc giảo nghiệm khác nhau.

Trước khi có thông báo về quyết định không truy tố cảnh sát viên Wilson, nhiều viên chức đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, tuân lệnh nhà chức trách để tránh gây bạo động. Hầu hết các cơ sở thương mại trong vùng Ferguson, và nhiều nơi khác trên khắp thành phố St. Louis đã áp dụng những biện pháp bảo vệ cơ sở trong trường hợp xảy ra nổi loạn.

Cùng lúc các trường học cho trẻ em cũng như người lớn đã đóng cửa, hầu hết các cơ sở thương mại cũng ngưng hoạt động trong ngày thứ Hai khi biết sắp có quyết định của đại bồi thẩm đoàn.

Một trong các viên chức kêu gọi người dân hãy duy trì sự bình yên là Thống Đốc Jay Nixon. Ông nói, “Chúng ta cùng chia sẻ sự hy vọng và mong đợi rằng, bất kể quyết định nào đi chăng nữa, người dân thuộc cả hai phía đều sẽ cho thấy sự tôn trọng, chấp nhận và tự kìm chế.”

Vào đêm 9 tháng Tám, cảnh sát viên Darren Wilson, 28 tuổi, đã bắn chết Michael Brown sau một cuộc xô xát ngắn tại chiếc xe tuần tiễu của anh Wilson. Cái chết này đã đưa đến mấy tháng biểu tình chống cảnh sát tại Ferguson, một thị xã với dân số 21,000 người mà hầu hết là người da đen, trong khi đa số các viên chức chính quyền và nhân viên tại ty cảnh sát là người da trắng.

Tình hình đã căng thẳng hơn trong mấy ngày qua, khi mọi người chờ nghe quyết định của đại bồi thẩm đoàn. Chính quyền đã lập thêm hàng rào cản, tổ chức nhiều buổi nói chuyện với sự tham gia của các lãnh đạo người Mỹ gốc Phi Châu.

Vào đêm thứ Hai, khi nhiệt độ rơi xuống thấp dưới 40 độ F, nhiều người đã tụ tập tại những nơi có những cuộc biểu tình trong mấy tháng qua. Họ chờ đợi thông báo để đưa ra ý kiến. Khi biết quyết định đã thuận lợi cho cảnh sát viên da trắng, một số người nói với các ký giả có mặt rằng họ lo ngại nổi loạn sẽ xảy ra.

Không chỉ tại Ferguson và thành phố St. Louis, nhà chức trách cũng báo động đề phòng bạo loạn ở những thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, kể cả Los Angeles.

Về chuyện gì đã xảy ra vào đêm 9 tháng Tám, một số nhân chứng đưa ra những lời khai khác nhau.

Phía cảnh sát cho biết cảnh sát viên Wilson thấy anh Brown và một người bạn tên là Dorian Johnson đang đi bộ giữa đường. Wilson đã quan sát và yêu cầu hai thanh niên phải bước vào một bên đường. Lúc đó, theo phía cảnh sát, Brown tiến tới phía cảnh sát viên và tìm cách đóng cửa xe trong lúc cảnh sát viên tìm cách mở cửa bước ra ngoài. Trong lúc hai bên xô đẩy, bao súng của Wilson bật mở và một phát đạn bắn ra.

Sau đó Brown bỏ chạy và bị Wilson rượt theo. Chạy được một khoảng ngắn, Brown quay lại và chạy ngược lại nhắm về phía cảnh sát viên. Wilson đã cầm súng, yêu cầu Brown phải dừng lại, và rồi Wilson đã bắn nhiều phát đạn.

Trong khi đó, Dorian Johnson, người đi cùng với Brown, nói rằng cảnh sát viên Wilson đã chửi thề khi ra lệnh cho hai thanh niên phải bước vào lề đường. Thế rồi, cũng theo lời của Johnson, cảnh sát viên đã mở cánh cửa đụng vào Brown và nắm cổ áo của Brown. Trong lúc hai bên giằng co, Wilson nói là anh sẽ bắn Brown.

Sau khi có phát súng đầu tiên và Brown bị chảy máu, theo lời của Johnson với đài MSNBC, Brown bỏ chạy và bị rượt theo. Wilson bắn thêm một phát vào lưng của Brown, khiến thanh niên ngưng chạy, quay lại với hai tay đưa lên cao, và nói, “Tôi không có súng, đừng bắn.”

Johnson nói rằng Wilson đã đứng đối diện với Brown và rồi bắn thêm nhiều phát.

Trong những cuộc biểu tình từ ngày Brown bị thiệt mạng, những người chống cảnh sát thường hô to khẩu hiệu: “Tay đầu hàng, đừng bắn!”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT