Người Việt Khắp Nơi

NS Lou Correa họp báo về đề luật SCA 5

Friday, 14/03/2014 - 11:00:46

Sau khi Đề Luật SCA-5 được Thượng Viện California thông qua vào ngày 30-1-2014 đã gây xôn xao trong dư luận người Mỹ gốc Á Châu nói chung và cộng đồng Việt Nam nói riêng. Do đó vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ Sáu, 14-3-2014, Nghị Sĩ Lou Correa đã mời một số báo chí và các nhà giáo dục trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam

Thanh Phong/Viễn Đông



Nghị Sĩ Lou Correa (bên trái) đang nghe ý kiến của các nhà giáo dục và ký giả sáng thứ Sáu.
 
SANTA ANA - Sau khi Đề Luật SCA-5 được Thượng Viện California thông qua vào ngày 30-1-2014 đã gây xôn xao trong dư luận người Mỹ gốc Á Châu nói chung và cộng đồng Việt Nam nói riêng. Do đó vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ Sáu, 14-3-2014, Nghị Sĩ Lou Correa đã mời một số báo chí và các nhà giáo dục trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam đến văn phòng của ông ở địa chỉ Rancho Santiago Community College Dictrict, 2323, Suite 245 Broadway, Santa Ana để ông có cơ hội làm sáng tỏ vấn đề.

Tham dự cuộc họp báo có giáo sư Phạm Thị Huê và ái nữ Michell, giáo sư Quyên Di, anh Billy Lê cố vấn Tổng Hội Sinh Viên và đại diện ba cơ quan ngôn luận: Viễn Đông, Việt Báo và Viet Tide.

Trước tiên các nhân viên văn phòng Nghị Sĩ Tiểu Bang đã trao cho các tham dự viên lá thư của ông Lou Correa đề ngày 14-3-2014 gửi Nghị Sĩ Ed Hernandez (Đảng Dân Chủ, người soạn thảo và đệ trình Đề Luật SCA-5 . Đề luật này được sự bảo trợ của 5 nghị sĩ và 2 dân biểu gốc Latino gồm: Ricardo Lara – Mark Leno – Marty Block – Kevin Leon – Darrell Steinberg, Cristina Garcia và Steven Bradford. Trong thư, Nghị Sĩ Lou Correa đề nghị phải ngưng đề luật SCA-5 để nghiên cứu thêm, vì tầm ảnh hưởng của nó rất quan trọng, cần phải được đưa ra lấy ý kiến của cử tri và bàn thảo kỹ lưỡng tại Quốc Hội nên ông yêu cầu không tiến hành thêm.

Tại sao SCA-5 được cộng đồng Á Châu nói chung và đặc biệt Cộng đồng Việt Nam nói riêng hết sức quan tâm? Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Phó Chủ Tịch Học Khu Garden Grove, trong một lá thư gửi cho truyền thông, ông giải thích như sau: “SCA-5, viết tắt của chữ Senate Constitutional Amendment 5, là một đề luật được đề nghị bởi Nghị Sĩ Ed Hernandez từ Los Angeles, một dân cử gốc La Tinh. Đề luật đã được thông qua tại Thượng Viện Tiểu Bang và hiện đang chờ Hạ Viện Tiểu Bang biểu quyết.
“Nếu được thông qua bởi hai viện, vấn đề sẽ được đưa ra biểu quyết trước toàn thể cử tri trong tiểu bang trong cuộc bầu cử năm nay nhằm mục đích sửa đổi Hiến Pháp của Tiểu Bang, để cho phép các trường đại học công cộng tại tiểu bang được phép cân nhắc các yếu tố sắc dân, chủng tộc hay giới tính trong việc xét đơn xin theo học tại các trường đại học.
“Thực ra, SCA-5 được đưa ra nhằm mục đích vô hiệu hóa giới hạn của Đạo Luật Trưng Cầu Dân Ý 209, gọi là Prop 209, được cử tri toàn tiểu bang California thông qua năm 1996, nhằm ngăn cấm các trường đại học cũng như các cơ quan chính quyền không được dùng các yếu tố sắc dân, màu da, hay chủng tộc trong việc cứu xét các đơn xin vào đại học tại các trường công cộng hay đơn xin việc làm tại các cơ quan chính phủ. Sau khi thông qua DL 209, các cơ quan chính quyền tiểu bang, kể cả các trường đại học không được xử dụng yếu tố màu da hay sắc dân trong các chính sách ưu đãi đối với các thành phần gốc thiểu số.”

Theo LS. Nguyễn Quốc Lân, SCA-5 sẽ gặp nhiều khó khăn đối với các cử tri trên toàn tiểu bang California vì quan điểm chung hiện nay của cử tri là không muốn dùng các yếu tố như sắc dân hay màu da mà không dựa trên các thành tích cá nhân. Do đó, khó có thể đoán trước được là SCA-5 có được thông qua một cách dễ dàng hay không.

Sau cuộc họp báo, Viễn Đông đã phỏng vấn giáo sư Phạm Thị Huê, giáo sư Quyên Di và người bạn trẻ là anh Billy Lê và ghi nhận như sau:

- Giáo sư tiến sĩ Phạm Thị Huê (Trường Đại học OCC): Đối với cái SCA-5 thì chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tìm hiểu cặn kẽ trước khi chúng ta tiến tới lựa chọn là bầu thuận hay chống đối lại. Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề giáo dục, nhất là về đại học thì nó rất quan trọng, đòi hỏi người sinh viên phải có khả năng để học những ngành chuyên môn. Những khả năng đó nó không lệ thuộc vào cái màu da, nó lệ thuộc vào khả năng từng người chứ không phải là màu da hay sắc tộc của mình. Vì vậy nếu chúng ta muốn được nhận vào những đại học tốt, thì tôi nói tổng quát rằng, các sinh viên phải học giỏi, và phải học giỏi từ lúc còn nhỏ, từ tiểu học lên trung học và lên đại học chứ không phải là đợi lên đại học rồi mới nhìn quanh quẩn xem rằng có cách nào để được cứu vớt tình trạng đó không. Chúng tôi nghĩ rằng cái SCA-5 này nó đưa ra nhiều vấn đề, có thể bàn luận, tranh chấp, và trước khi bầu cử, chúng ta phải tìm hiểu vể cái đề luật này một cách cặn kẽ trước khi chúng ta quyết định.

Giáo sư Phạm thị Huê cho biết, nếu Đề Luật SCA-5 được thông qua sẽ có ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên Việt Nam, vì chẳng hạn khi họ nhìn vô cái nguồn gốc của mình hay cái sắc tộc của mình nó sẽ bị ảnh hưởng, và theo bà, điều này người Việt chúng ta cần quan tâm và tìm hiểu trước.

Anh Billy Lê nói, “Cháu nghĩ mình nên tìm hiểu chi tiết giữa hai bên, nhất là căn cứ theo những con số từ quá khứ, trước khi những cái luật từ quá khứ đã được đưa ra, và theo thống kê, sự thành công hoặc sự cập nhật của nó sau này như thế nào trước khi những người làm trong chính quyền Tiểu bang California quyết định. Tại vì, theo cháu, bình đẳng là một trong những điều cần được coi trọng, nhất là những học sinh nào học giỏi nên có cơ hội cho họ tiến tới trong việc học hành để sau này các em có thể là những người lãnh đạo cộng đồng.”

Giáo sư Quyên Di (Giáo sư tại UCLA) cho biết, “Tôi nghĩ SCA-5 có ảnh hưởng mà ảnh hưởng lớn, bởi vì kỳ này cái tỷ lệ phần trăm của sinh viên Á Châu nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng có thể bị hạn chế. Điều này làm tôi lo lắng, ngay cả các sinh viên của chúng tôi tại UCLA cũng lo là bởi vì chúng tôi suy nghĩ, như nãy tôi nói trong buổi họp là để đào tạo những người lãnh đạo tôt cho nước Mỹ và cho thế giới thì các đại học phải làm sao chú tâm cả ba vấn đề.

“Thứ nhất là sự đa dạng của một đại học, trong đó những sinh viên của nhiều sắc tộc khác nhau có cơ hội học những ngành tốt nhất ở đại học; thứ hai, phải để ý giá trị của từng sinh viên, tức là các sinh viên khi học ở những bậc cao như thế cần phải có năng lực rất là khá, rất là cao để có thể trở thành lãnh đạo trong tương lai, và thứ ba là gía trị của các đại học nữa. Nếu mình vì cái tỷ lệ phải nhận tất cả mọi sinh viên, mọi sắc tộc nhưng phải nhận theo tỷ lệ nữa thì cũng có thề vì như thế mà giá trị của đại học có thể bị giảm. Đó là điều tôi rất lo. Sự thật ra, chúng ta đều mong muốn một sự phát triển đa dạng, và có cơ hội cho tất cả mọi người ở mọi sắc tộc trên đất Mỹ này. Điều đó là điều tiên quyết chúng ta phải nghĩ tới. Bên cạnh đó, như chúng tôi vừa thưa, không thể nào quên ba điều kiện,. Chính vì như thế mà chúng tôi cảm thấy rằng đề luật này ảnh hưởng tới cái phần trăm học sinh hay là sinh viên ở trên đại học, và đó là lý do chúng tôi cảm thấy lo lắng là như thế.

“Tôi không nghĩ SCA-5 thông qua được ở Hạ Viện, lý do là hiện rất nhiều sắc dân Á Châu đã lên tiếng. Trong khi đó Việt Nam chúng ta cũng có lên tiếng nhưng chưa có mạnh bằng nhiều sắc dân khác. Cái sự liên kết này trong tương lai gần thôi sẽ khiến cho dư luận của tiểu bang chúng ta càng ngày càng lưu tâm tới cái ảnh hưởng nặng nề của đề luật này, và tôi tin nó không vượt qua được sự chấp thuận của Hạ Viện.”

Được hỏi, giáo sư có muốn nhắn gửi điều gì đối với phụ huynh và học sinh, sinh viên Việt Nam trong vấn đề đề luật SCA-5?

Giáo sư Quyên Di nói, “Sự thật ra chúng ta cũng chưa có thể biết Đề luật này có được thông qua 100% hay không, lời tôi muốn gửi tới quý vị phụ huynh cũng như học sinh, sinh viên người Việt Nam là, trong hoàn cảnh này, mình phải hết sức cố gắng học hành, vì dù cái tỷ lệ có cao hay thấp bao nhiêu dành cho người Á Châu vào đại học thì những học sinh xuất sắc vẫn có cơ hội hơn, vì vậy trong lúc này phải hết sức cố gắng học.”

Sau các câu hỏi và trả lời của Nghị Sĩ Lou Correa, buổi họp báo chấm dứt lúc 10 giờ 30 cùng ngày.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT