Hoa Kỳ

Nữ dân biểu Hawaii tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2020

Friday, 11/01/2019 - 08:38:57

Vào năm ngoái, bà Gabbard từng bị chỉ trích, bao gồm cả từ những người cùng đảng, vì bà đến Syria và gặp gỡ Tổng Thống Bashar al-Assad, người đang bị cáo buộc gây ra nhiều tội ác chiến tranh. Bà Gabbard dự kiến sẽ phải đối đầu với nhiều nhân vật kỳ cựu của đảng Dân Chủ.

HONOLULU – Dân Biểu Dân Chủ Tulsi Gabbard của Hawaii, trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu, cho biết bà đã quyết định tranh cử tổng thống vào năm 2020, và sẽ đưa ra thông báo chính thức vào tuần sau. “Có rất nhiều lý do khiến tôi đưa quyết định này. Người dân Mỹ đang đối diện với nhiều thách thức và tôi muốn giúp giải quyết,” bà Gabbard nói.
Nữ dân biểu 37 tuổi được bầu chọn vào năm 2012, bà từng là thiếu tá trong Lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Hawaii và từng tham gia 2 chuyến viễn chinh tới Trung Đông.
Vào năm ngoái, bà Gabbard từng bị chỉ trích, bao gồm cả từ những người cùng đảng, vì bà đến Syria và gặp gỡ Tổng Thống Bashar al-Assad, người đang bị cáo buộc gây ra nhiều tội ác chiến tranh. Bà Gabbard dự kiến sẽ phải đối đầu với nhiều nhân vật kỳ cựu của đảng Dân Chủ.
Trong những tuần qua, Nghị Sĩ Elizabeth Warren, cựu Dân Biểu John Delaney, và cựu Bộ Trưởng Nhà Đất Julian Castro đều đã thực hiện các bước đầu tiên để tranh cử tổng thống. Nhiều nhân vật khác được dự đoán cũng sẽ tham gia cuộc đua bao gồm cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, Nghị Sĩ Bernie Sanders, và Nghị Sĩ Kamala Harris của California

Một ông bị cánh quạt trực thăng chém đứt đầu
FLORIDA - Một người đàn ông đã bị cánh quạt trực thăng chém đứt lìa đầu, trong tai nạn kinh hoàng xảy ra tại một phi trường ở Tampa, Florida, vào chiều thứ Năm. Ông Salvatore Disi, 62 tuổi, một phi công nhiều kinh nghiệm, gặp nạn khi đang sửa chiếc trực thăng thuộc một chuyên gia giải phẫu nổi tiếng tại địa phương.
Ông Disi đã chết ngay lập tức khi bị cánh quạt chiếc trực thăng Bell 230 đời 1993 chém đứt ngang cổ. Nạn nhân và một người thợ cơ khí khác đang cố khởi động máy thì chiếc trực thăng bỗng nhiên bay lên sau đó rơi mạnh xuống, khiến cánh quạt chém trúng ông Disi.
Bạn bè của nạn nhân gọi đây là “một tai nạn bi thảm,” và mô tả ông Disi là một người rất tử tế. Ông Disi có giấy chứng nhận phi công và có khả năng điều khiển các loại máy bay đa động cơ và trực thăng. Chủ nhân chiếc trực thăng, chuyên gia giải phẫu Alfred Bonati, cũng có mặt tại hiện trường khi tai nạn xảy ra. Nhà chức trách vẫn đang điều tra thêm về sự việc.

Trump dự định thay đổi chương trình visa làm việc
Tổng Thống Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng nhiều thay đổi đang sắp được thực hiện đối với chương trình visa H1-B, loại visa cho phép các hãng xưởng Hoa Kỳ đưa các nhân viên kỹ thuật cao ở nước ngoài vào làm việc trong nước.
Ông Trump viết trên Twitter rằng những người đang giữ visa H1-B “nên yên tâm” vì các thay đổi sắp tới sẽ đem lại “sự đơn giản và chắc chắn cho thời gian ở lại Hoa Kỳ của quý vị, bao gồm cả một con đường tiềm năng để trở thành công dân.”
Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ muốn khuyến khích các nhân tài nước ngoài theo đuổi sự nghiệp tại Hoa Kỳ. Khi còn tranh cử, ông từng hứa sẽ cải tổ để visa H1-B không bị lợi dụng như một “chương trình lao động giá rẻ.”
Một bản dự thảo cải tổ đã được công bố vào tháng Giêng, để xem xét lại các quy định hiện tại, tìm cách phân phối visa một cách có hiệu quả hơn, và bảo đảm rằng những người nhận visa sẽ là “những người giỏi nhất và tài năng nhất.”

Nghị sĩ Cộng Hòa giới thiệu dự luật giúp chấm dứt vĩnh viễn tình trạng chính phủ đóng cửa
Một số nghị sĩ Cộng Hòa vào ngày thứ Sáu đã giới thiệu một dự luật giúp chấm dứt vĩnh viễn tình trạng chính phủ đóng cửa, bằng cách đề nghị biện pháp tự động gia hạn cho các khoản ngân sách tài trợ các cơ quan liên bang, giúp cho phép chính phủ liên bang vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi quốc hội không đạt được thỏa thuận ngân sách.
Hiện tại, Quốc Hội đã trễ hạn phê chuẩn dự luật ngân sách chính phủ, và các cơ quan không có được tài trợ đều phải ngừng hoạt động. Thông thường, khi gần đến hạn chót, Quốc Hội thường sẽ phê chuẩn một quyết định được gọi là quyết định gia hạn (continuing resolution – CR), nhằm hoãn thời hạn phê chuẩn ngân sách, và tiếp tục cấp tiền cho các cơ quan liên bang ở mức hiện tại.
Dự luật End Government Shutdowns Act sẽ tự động tạo ra quyết định gia hạn đối với mọi dự luật ngân sách không được phê chuẩn vào ngày 1 tháng 10, vốn là hạn chót để quyết định ngân sách chính phủ cho năm tài chính sắp tới. Trên lý thuyết, dự luật này sẽ cho phép các thành viên Quốc Hội tiếp tục tranh luận trong lúc vẫn giữ cho chính phủ mở cửa.
Theo dự luật mới, dù tự động có quyết định gia hạn, ngân sách cho các cơ quan vẫn sẽ bị giảm 1% sau 120 ngày, và sẽ giảm 1% mỗi 90 ngày sau đó, cho tới khi Quốc Hội hoàn thành trách nhiệm về việc quyết định ngân sách hàng năm.
Dự luật mới được giới thiệu bởi các nghị sĩ Cộng Hòa đại diện cho nhiều nhóm tư tưởng, bao gồm Nghị Sĩ bảo thủ Steve Daines của Montana, Nghị Sĩ tự do Mike Lee của Utah, và chính trị gia trung dung Lisa Murkowski của Alaska. Dự luật cũng được ủng hộ bởi Nghị Sĩ Rob Portman của Ohio và Nghị Sĩ Chuck Grassley, chủ tịch Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện.

Thủy thủ trên hàng không mẫu hạm nhận tội buôn ma túy
Hai thủy thủ trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, đồn trú tại Nhật Bản, đã nhận tội sở hữu, phân phối thuốc tạo ảo giác và ma túy tổng hợp LSD cho các thành viên thủy thủ đoàn của chính con tàu này. Andrew W. Miller và Ethan D. Strandberg nằm trong số 14 thủy thủ thuộc nhóm vận hành lò phản ứng hạt nhân tàu USS Ronald Reagan, bị viên chức Hải quân cáo buộc dính líu đến đường dây buôn ma túy hồi tháng 11, 2018.
Phát ngôn viên Hải quân cho biết, ngoài Miller và Strandberg, tòa án quân sự Hoa Kỳ đang xem xét truy tố 3 thủy thủ khác với cùng tội danh. 10 thủy thủ còn lại, bao gồm 1 người không thuộc nhóm vận hành lò phản ứng, sẽ nhận các hình thức trừng phạt nhẹ hơn. Thông tin về đường dây ma túy trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan được truyền thông phát hiện vào vào tháng 2. Chính quyền Nhật Bản đã hoàn tất cuộc điều tra về nguồn cung cấp ma túy từ công dân nước này cho các thủy thủ Hoa Kỳ trên tàu.
LSD (Lysergic acid diethylamide) là thuốc gây ảo giác mạnh bị cấm tại tất cả các quốc gia tham gia Công ước về Các chất Hướng thần 1971 của Liên Hiệp Quốc. Tại Hoa Kỳ, việc chế tạo và mua bán LSD không được Cơ quan chống ma túy DEA cấp phép đều bị coi là phạm pháp.

Hoa Kỳ phê chuẩn hàng ngàn vụ tảo hôn trong thập niên qua
Hàng ngàn hồ sơ bảo lãnh cho các cô dâu là trẻ vị thành niên hoặc vừa tới tuổi trưởng thành đã được Hoa Kỳ phê chuẩn trong hơn một thập niên qua. Điều đáng ngạc nhiên là việc phê chuẩn này là hoàn toàn hợp pháp. Đạo luật Di Trú và Quốc Tịch không đặt ra giới hạn về độ tuổi tối thiểu, và khi xem xét hồ sơ bảo lãnh cho vợ hoặc vị hôn thê, Sở Di Trú thường chỉ kiểm tra xem liệu cuộc hôn nhân này có hợp pháp ở quốc gia sở tại và tiểu bang nơi người bảo lãnh cư trú hay không.
Tuy nhiên, dữ liệu mới được công bố đang làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu có phải hệ thống di trú Hoa Kỳ đang tiếp tay cho các vụ hôn nhân cưỡng ép hay không, và luật pháp Hoa Kỳ giải quyết vấn đề này như thế nào.
Việc kết hôn giữa một người trưởng thành và một người vị thành niên vẫn thường xảy ra tại Hoa Kỳ, và hầu hết tiểu bang đều cho phép người vị thành niên kết hôn với một số điều kiện. Theo hồ sơ được cung cấp theo yêu cầu của Ủy Ban Nội An Thượng Viện, từ năm 2007 tới 2017, cơ quan di trú đã phê chuẩn 5,556 đơn xin bảo lãnh cho vợ hoặc hôn thê là người vị thành niên, và phê chuẩn 2,926 đơn bảo lãnh của người vị thành niên muốn đem vào Hoa Kỳ người hôn phối lớn tuổi hơn.
Ngoài ra, cũng có 204 hồ sơ là người vị thành niên bảo lãnh cho người vị thành niên. Nghị Sĩ Cộng Hòa Ron Johnson của Wisconsin, chủ tịch Ủy Ban Nội An Thượng Viện, nói rằng đây là một lỗ hổng trong luật di trú mà các nhà lập pháp cần sửa chữa. Một số nạn nhân của các vụ kết hôn cưỡng ép nói rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự hấp dẫn của việc được định cư tại Hoa Kỳ, và một phần là do luật hôn nhân của Hoa Kỳ quá lỏng lẻo.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT