Người Việt Khắp Nơi

Nữ doanh gia Việt gốc Hoa vẫn bị giam tại Trung Quốc sau hơn một năm

Sunday, 13/03/2016 - 10:32:17

Bà cũng gọi cho chồng là ông Jeff Gillis, một quản đốc các dịch vụ dầu khí tại Houston. Sandy Phan-Gillis nói bà sẽ ở lại Trung Quốc thêm mấy ngày. Thêm hai ngày nữa trôi qua, trước khi Gillis nhận được một cú điện thoại từ vợ ông. Một lần nữa, nữ doanh gia nói rằng bà sẽ ở lại Trung Quốc để kết thúc một số công chuyện. Nhưng lần này, giọng nói của bà có vẻ căng thẳng, theo ông Gillis sau này nói với các phóng viên.

Bà Sandy Phan trong hình do chồng bà là ông Jeff Gillis chụp tại Houston.


HOUSTON – Trường hợp Trung Cộng bắt giữ đầy bí ẩn của bà Sandy Phan-Gillis, một công dân Mỹ từng chào đời tại Việt Nam, một lần nữa lại được báo chí Mỹ nhắc đến. Trong tuần này, tạp chí Newsweek đã tìm những người liên hệ với bà Sandy với hy vọng biết thêm về lý do tại sao bà bị Trung Cộng bắt trong gần một năm trời.

Bà đã đến Trung Quốc hàng chục lần trong những năm qua. Bà từng cầm đầu những phái đoàn kinh doanh đầy thế lực, từ thành phố Houston, Texas quê hương của bà đi đến Thâm Quyến, nơi được coi là Thung Lũng Điện Toán của Trung Quốc. Vì vậy, không có gì xem ra là bất bình thường vào ngày 19 tháng Ba, 2015, khi bà Sandy Phan-Gillis kết thúc một chuyến đi kinh doanh thành công tại Trung Quốc, với một phái đoàn đông người, trong đó có cả quyền thị trưởng Ed Gonzalez của Houston.

Trong bữa ăn tối hôm đó, nhà kinh doanh 55 tuổi này đã cáo lỗi mọi người để ra ngoài gặp một người bạn. Qua ngày hôm sau, khi bà đang đứng xếp hàng với nhóm của bà để chờ qua biên giới sang Macau, thì đột nhiên họ thấy bà biến mất. Họ tiếp tục đi mà không có bà. Cách mấy giờ sau đó, bà gọi điện thoại cho một người trong nhóm ở Macau. Bà cũng gọi cho chồng là ông Jeff Gillis, một quản đốc các dịch vụ dầu khí tại Houston. Sandy Phan-Gillis nói bà sẽ ở lại Trung Quốc thêm mấy ngày. Thêm hai ngày nữa trôi qua, trước khi Gillis nhận được một cú điện thoại từ vợ ông. Một lần nữa, nữ doanh gia nói rằng bà sẽ ở lại Trung Quốc để kết thúc một số công chuyện. Nhưng lần này, giọng nói của bà có vẻ căng thẳng, theo ông Gillis sau này nói với các phóng viên.

Và sau đó thêm một tuần trôi qua mà ông Gillis không nghe nói gì cả. Ông đâm hoảng, suýt nữa ông nộp báo cáo với nhà chức trách về một người mất tích. Nhưng trước tiên, ông liên lạc với Bộ Ngoại Giao. Khoảng hai mươi phút sau đó, một viên chức gọi lại cho ông. Chỉ lúc đó, vào ngày 1 tháng 4, Gillis mới biết rằng vợ ông, một công dân Mỹ từng chào đời tại Việt Nam, đã bị cơ quan an ninh quốc gia của Trung Quốc giam giữ.

Thế rồi sáu tháng trôi qua trước khi Bắc Kinh cuối cùng giải thích lý do tại sao: Bà Phan-Gillis đã “bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động làm hại nền an ninh quốc gia của Trung Quốc”, theo Bộ Ngoại Giao loan báo. Bà được “bảo đảm về mọi quyền lợi của bà, đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt đẹp, và đang hợp tác với cuộc điều tra,” Bộ Ngoại Giao cho biết thêm. Nhưng một cuộc điều tra về chuyện gì? Bộ Ngoại Giao không cho biết thêm chi tiết.

“Họ nói với chúng tôi rằng bà bị cáo buộc ăn cắp các bí mật quốc phòng,” Katherine, con gái của Phan-Gillis, nói sau khi Bộ Ngoại Giao đưa ra một văn bản vào ngày 22 tháng 9, phá vỡ sự im lặng của gia đình kéo dài sáu tháng về vụ này.

Tuy nhiên, trong một năm từ khi bà bị bắt giữ tại biên giới, các quan chức Trung Quốc đã không đưa ra bằng chứng về bất kỳ hoạt động bị cho làm phạm pháp của bà. Và cách một năm sau khi bị bắt, bà vẫn là một tù nhân ở thành phố cổ Nam Ninh, cách Hồng Kông 365 dặm về phía đông, và bị thẩm vấn liên tục. Trước mắt không có những cáo buộc, càng không có ít một sự kết tội và xét xử công khai.

Sau khi Bộ Ngoại Giao đưa ra văn bản, chồng bà nói: “Tôi chỉ nghĩ đây phải là một điều sai lầm lớn. Vợ tôi không phải là một điệp viên. Bà không phải là một kẻ trộm. Bà là một nhà kinh doanh cần mẫn, là người đã làm nhiều công việc phi lợi nhuận cho thành phố Houston.”

Từ tháng 9 năm ngoái, gia đình vẫn giữ im lặng. Vì sợ Trung Quốc trả đũa, Gillis nói rằng ông không thể thảo luận về tình hình của vợ ông với tạp chí Newsweek. John Kamm là một nhà kinh doanh ở San Francisco, điều hành một tổ chức thăng tiến nhân quyền ở đó. Ông nói, “Các gia đình của những người thân yêu trong các trại giam ở Trung Quốc đều phải đối diện với một tình thế lưỡng nan. Họ có nên lên tiếng công khai hoặc cứ giữ im lặng? Nhiều người sợ rằng nếu họ lên tiếng công khai, thì những người thân sẽ phải chịu khổ.

Ông Kamm nói, “Nhưng sau khi cân nhắc mọi sự” thì việc lên tiếng nói ra “đã được chứng minh là một quyết định đúng, nhưng đó vẫn là quyết định khó nhất, gây đau đớn nhất, để thực hiện.”MGia đình Phan-Gillis đã vất vả đối phó với tình cảnh khó khăn đó. Sau khi Trung Quốc phát sóng những lời tố cáo của họ trong tháng 9 năm ngoái, gia đình đã lên tiếng, và mở một trang web công bố tình cảnh của họ. Nhưng trong tháng Giêng, họ đóng cửa trang web, và ngưng trả lời các cuộc phỏng vấn. Luật sư của gia đình nói rằng họ đã “đạt đến một thời điểm, khi mà điều tốt nhất là để cho Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc thương lượng cho bà Sandy, và tôi đang giảm bớt cuộc vận động trên các phương tiện truyền thông.”

Bộ Ngoại Giao cho biết họ đang theo dõi kỹ trường hợp của bà. Các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ, trong số đó có Thứ Trưởng Tony Blinken, “đã nhiều lần nêu ra trường hợp của bà Phan-Gillis cho các giới chức chính phủ Trung Quốc.” Anna Richey-Allen, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao nói như vậy với tạp chí Newsweek. Khi được hỏi rằng Ngoại Trưởng John Kerry có nêu ra trường hợp của Phan-Gillis hay không, trong chuyến ông đi thăm Bắc Kinh trong tháng Giêng, một giới chức Bộ Ngoại Giao chỉ nói, với điều kiện giấu tên: “Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc chắc chắn được nêu ra.”

Trong khi đó, theo Richey-Allen cho biết, các giới chức tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Quảng Châu, cách Nam Ninh ba giờ rưỡi đi bằng xe lửa cao tốc, đã đến thăm bà Phan-Gillis thường xuyên trong năm ngoái, tổng cộng 11 lần.
Joseph DeTrani, một cựu chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc thuộc cơ quan CIA và Bộ Ngoại Giao, nói, “Cảm giác của tôi là Bộ Ngoại Giao giải quyết chuyện này một cách kín đáo và cần mẫn.” Ông nói thêm qua email rằng chuyện làm ầm ĩ lên một cách công khai về trường hợp của bà có thể gây ra phản tác dụng, vì Bắc Kinh thích các cuộc thảo luận hoặc thương lượng kín đáo”.

Nhưng Michael Pillsbury, một chuyên gia cao cấp về Trung Quốc làm việc lâu năm tại Ngũ Giác Đài và Quốc Hội, lập luận rằng “cách thức duy nhất để cho phía Mỹ thành công” là đối đầu với Bắc Kinh, “phủ nhận một cách cụ thể những cáo buộc này, và trưng ra bằng chứng cho thấy rằng những cáo buộc ấy là sai.” Đối với nguy cơ là làm như vậy thì có thể khiến cho các giới chức Bắc Kinh nghĩ rằng bà Phan-Gillis có tầm quan trọng khác thường đối với Washington, Pillsbury cho rằng điều đó không đáng xem xét. Ông nói, “Chắc chắn, chuyện đó làm tăng giá trị của bà trong cái nhìn của Trung Quốc, nhưng nếu đó là bạn thì sao?”

Có nhiều giả thuyết về chuyện tại sao Trung Quốc bắt giữ Phan-Gillis. Một giả thuyết cho rằng bà đã bị quấn vào một trục xoay của cái gọi là “chiến dịch chống tham nhũng” của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chiến dịch này đã bắt giữ hàng chục giới chức cao cấp có quan hệ với những người tiền nhiệm của ông, vì những cáo buộc về việc tham gia vào những kế hoạch hối lộ rất lớn. Trong năm ngoái, báo Nhật báo Houston Chronicle ghi nhận rằng bà Phan-Gillis đã dính líu vào những nhóm đầy thế lực ở Trung Quốc. Tờ báo này viết: “Là chủ tịch của Hiệp Hội Thành Phố Kết Nghĩa Houston Thâm Quyến, và là một cố vấn lâu năm nối kết các cơ sở kinh doanh ở miền nam Trung Quốc với các cơ sở kinh doanh ở Houston, bà biết mọi loại môi giới quyền lực ở đấy, và xem nhiều người là bạn bè.”

Vì vậy, có thể Bắc Kinh quan tâm thực sự tới Phan-Gillis trong năm ngoái là do những điều mà bà có thể nói cho các điều tra viên chống tham nhũng biết, về các cuộc giao dịch kinh doanh của những người mà bà có quan hệ ở Trung Quốc. Những cáo buộc về gián điệp được sử dụng làm một mưu mẹo để biện minh cho việc bắt giữ bà.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT