Hoa Kỳ

Obama gặp tân quốc vương của Ả Rập Saudi

Tuesday, 27/01/2015 - 08:55:52

Chuyến viếng thăm của ông Obama diễn ra, giữa lúc Washington đang phải vất vả đối phó với cuộc xung đột càng ngày càng tồi tệ ở Trung Đông. Hoa Kỳ coi Ả Rập Saudi là một nước nằm trong số ít đối tác ổn định của Mỹ, trong một chiến dịch chống lại các chiến binh Hồi Giáo Quốc. Lực lượng này đã chiếm giữ nhiều vùng đất của Iraq và Syria.

Vua Salman (bên phải) đi cùng với Tổng Thống Obama và Phu Nhân Michelle sau khi ông bà Obama đặt chân xuống phi trường quốc tế King Khalid ở thủ đô Riyadh ngày thứ Ba. (Saul Loeb/Getty Images)


RIYADH, Ả Rập Saudi – Tổng Thống Barack Obama đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Ả Rập Saudi, khi ông đến vương quốc này vào hôm thứ Ba để kính viếng Vua Abdullah vừa mới băng hà. Đây là một chuyến công du nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Hoa Kỳ- Ả Rập Saudi. Mối quan hệ này vượt khỏi những quan tâm lợi ích về dầu hỏa, để mở rộng ra tới an ninh khu vực.
Theo Phụ Tá Cố Vấn An Binh Quốc Gia Ben Rhodes nói với các phóng viên, Tổng Thống Obama muốn thảo luận với vị tân quốc vương của Saudi, là Vua Salman, về cuộc chiến chống lại Hồi Giáo Quốc, tình hình bất ổn ở Yemen, và các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt một cuộc tranh cãi kéo dài về tham vọng hạt nhân của Iran.
Ông Rhodes nói, “Chúng tôi tin rằng chính sách Saudi sẽ vẫn giống như chính sách dưới thời vua Abdullah trị vì.” Ông nói thêm rằng Tổng Thống Obama muốn tạo ra một “mối quan hệ thân thiết” với Vua Salman, giống như mối quan hệ mà ông đã có với vị tiên vương nhiệm của nhà vua mới lên ngôi.
Ông Rhodes nói, “Không phải khi nào họ cũng đều đồng ý, họ có thái độ thẳng thắn về những điểm bất đồng của họ. Nhưng họ cũng đã có thể cùng nhau làm được rất nhiều việc.”
Chuyến viếng thăm của ông Obama diễn ra, giữa lúc Washington đang phải vất vả đối phó với cuộc xung đột càng ngày càng tồi tệ ở Trung Đông. Hoa Kỳ coi Ả Rập Saudi là một nước nằm trong số ít đối tác ổn định của Mỹ, trong một chiến dịch chống lại các chiến binh Hồi Giáo Quốc. Lực lượng này đã chiếm giữ nhiều vùng đất của Iraq và Syria.
Trong tuần qua, các giới chức an ninh Mỹ nhức đầu nhiều hơn, vì chuyện chính phủ Yemen từ chức, sau khi xảy ra những vụ đụng độ ở thủ đô liên quan đến các phiến quân do Iran hỗ trợ. Đây là một trở ngại cho những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn quân khủng bố al Qaeda ở Yemen, và nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Iran là một nước có đông người Hồi giáo Shi'ite.
Sự sụp đổ của chính phủ Yemen gây ra quan ngại sâu sắc cho Ả Rập Saudi, vì hai nước có đường biên giới chung rất dài, cũng nhưng vì sự tiến tới của Iran. Nước này là đối thủ chính của Ả Rập Saudi trong khu vực. Saudi là một quốc gia có đông người Hồi Giáo Sunni.
Vai trò của Saudi đã được ca ngợi ở Washington, vì nước này có công trong việc tập họp các nước Ả Rập lại với nhau, để hỗ trợ cho hành động cùng với các nước Tây Phương chống lại lực lượng Hồi Giáo Quốc. Lực lượng này cũng được gọi tắt là IS, ISIL hoặc ISIS. Cùng với các nước Tây Phương khác, Mỹ coi trọng vương quốc Saudi như là một thị trường quan trọng cho các ngành kỹ nghệ quốc phòng của Hoa Kỳ.
Sau khi Vua Abdullah qua đời trong tuần qua, Tổng Thống Obama cố gắng để có được mối quan hệ suôn sẻ ngay từ đầu với Vua Salman. Tân quốc vương lên nắm quyền sau một thời gian đôi khi xảy ra căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Riyadh. Để chứng tỏ liên minh với Saudi là quan trọng đến độ nào đối với mình, Tổng Thống đã cắt ngắn chuyến viếng thăm của ông tại Ấn Độ, và dẫn đầu một phái đoàn tới Riyadh.
Vua Salman đã dẫn một đoàn danh dự, gồm các hoàng tử Saudi và các giới chức cao cấp, để chào đón Tổng Thống Obama và đệ nhất phu nhân Michelle, khi hai vị đặt chân đến đây. Trong đoàn ấy có hoàng thái tử, phó thái tử, và Ali al-Naimi, bộ trưởng kỳ cựu của Bộ Dầu Hỏa Saudi.
Sau đó, trong một cung điện hoàng gia, hai phái đoàn Hoa Kỳ và Saudi nói chuyện với nhau. Họ ngồi trên những chiếc ghế đặt xung quanh các bức tường của một căn phòng lớn. Tổng Thống Obama và Quốc Vương Salman tỏ vẻ thoải mái nhưng lịch sự trịnh trọng với nhau.
Mỹ chỉ trích Ả Rập Saudi vì hồ sơ nhân quyền của vương quốc này. Nhưng lâu nay việc công kích ấy vẫn thường không nổi bật và có thể vẫn cứ là như vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, ông Obama nói rằng Hoa Kỳ phải cân bằng áp lực của mình trên Ả Rập Saudi và các nước đồng minh khác về nhân quyền, với những mối quan ngại trước mắt của Mỹ về khủng bố và ổn định khu vực.
Ông nói, “Với tất cả các nước khác mà chúng tôi hợp tác, điều mà tôi đã tìm thấy hữu hiệu là phải gây áp lực đều đặn và nhất quán, ngay cả khi chúng tôi đang làm những việc cần phải làm.”
Nhà chức trách Saudi đã bị các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích. vì đã tống giam một số nhà hoạt động nổi bật, và đã đưa một blogger ra phạt đánh đòn công khai trong tháng này.
Một quan hệ liên minh giữa hai nước từ lâu đã là nền tảng của chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Thế nhưng vương quốc giàu dầu hỏa này đã bày tỏ rõ ràng sự thiếu kiên nhẫn của họ, đối với chuyện chính quyền Obama không chịu làm nhiều hơn để lật đổ nhà lãnh đạo Syria là Bashar al-Assad. Saudi cũng bày tỏ nỗi lo lắng của mình về những nỗ lực do Mỹ cầm đầu, nhằm thương lượng một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT