Hoa Kỳ

Obama giúp 5 triệu dân lậu không bị trục xuất

Thursday, 20/11/2014 - 11:11:29

Tòa Bạch Ốc ước lượng số người có thể hội đủ điều kiện cho chương trình ân xá này không thôi sẽ lên tới 4.7 triệu người.


Tổng Thống Obama cũng sẽ nới rộng hơn các chương trình cấp visa cho các chuyên viên ngoại quốc làm việc trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật.

HOA THỊNH ĐỐN – Trong một quyết định được chờ đợi từ lâu, và là một trong các ưu tiên hàng đầu của ông, Tổng Thống Barack Obama đã đề nghị ân xá các di dân sống bất hợp pháp tại Mỹ, có thể lên tới gần 5 triệu người. Quyết định được công bố trong bài diễn văn dành cho quốc dân vào đêm thứ Năm cũng cho thấy ông Obama sẽ theo đuổi con đường hoạt động xã hội trong hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông.
Với quyền hạn của tổng thống, ông Obama đưa ra lệnh ân xá mà không cần một lá phiếu ủng hộ nào từ Quốc Hội, để giúp cho các di dân lậu được cứu xét theo từng trường hợp và có thể tránh bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ.

                      Ông Obama thông báo kế hoạch ân xá tại Tòa Bạch Ốc. (Getty Images)


Theo chương trình mới này của chính phủ, bắt đầu từ năm sau, cơ quan di trú sẽ cứu xét đơn xin ở lại của hàng triệu di dân sống bất hợp pháp. Nếu được chấp thuận theo chương trình ân xá, những người nhập cư không hợp lệ này sẽ được cấp giấy phép làm việc tại Hoa Kỳ. Họ phải đóng thuế nhưng được bảo vệ để không bị trục xuất.
Chính sách mới của ông Obama sẽ gây chống đối quyết liệt từ phía Cộng Hòa bảo thủ. Chương trình ân xá sẽ kêu gọi cha mẹ của những người con sanh ra tại Mỹ (tức là công dân Mỹ) hoặc của người đã có thẻ xanh được quyền nộp đơn để xin giấy phép làm việc hợp lệ. Khi đơn được chấp thuận, họ được bảo vệ trong ba năm và không sợ bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ về quê quán. Một trong các điều kiện quan trọng là di dân lậu nộp đơn vàn phải chứng minh họ đã ở Mỹ được ít nhất 5 năm.
Tòa Bạch Ốc ước lượng số người có thể hội đủ điều kiện cho chương trình ân xá này không thôi sẽ lên tới 4.7 triệu người.
Tổng Thống Obama cũng ra lệnh mở rộng một chương trình khác nhằm trì hoãn việc trục xuất những di dân lậu còn ở tuổi vị thành niên khi đến Hoa Kỳ. Trước đây, chương trình này ấn định thời hạn không trục xuất những ai từng là trẻ em khi đến Mỹ trước tháng Sáu 2007. Nay c trình được nới rộng hơn cho trẻ em đến Mỹ trong năm 2010. Sự mở rộng hơn này sẽ giúp cho khoảng 300,000 người khác được hội đủ điều kiện để không bị trục xuất.
Thêm vào đó, Tổng Thống Obama sẽ nới rộng hơn các chương trình cấp visa cho các chuyên viên ngoại quốc làm việc trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật.
Ông Obama nói hôm thứ Năm, “Một phần trong việc duy trì khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, là phải bảo đảm chúng ta có một hệ thống di trú mà theo đó chúng ta không xua đuổi những người có tài năng đi nơi khác, mà phải thu hút họ đến nước Mỹ. Chúng ta muốn họ khởi động những khám phá mới và bắt đầu kinh doanh ngay tại Hoa Kỳ.”
Ông Obam đưa ra lệnh mở một chương trình di trú mới sau nhiều tháng có tranh chấp giữa Tòa Bạch Ốc với các chính khách của Đảng Cộng Hòa. Họ tố cáo ông Obama muốn gia tăng quyền lực, tự ý ban hành chính sách mà không cần thông qua Quốc Hội.

Nhiều người đã hoan hô Tổng Thống Obama bằng tiếng Tây Ban Nha ngoài Tòa Bạch Ốc vào đêm thứ Năm, trong lúc ông đang đọc diễn văn về chính sách cải tổ di trú mà theo đó 4.7 triệu người sẽ không bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ. (Hình: Paul J. Richards/Getty Images)




Tổng thống cũng bị áp lực từ phía những người muốn cải đổi chính sách di trú. Sau những lần chính sách này bị thất bại tại Quốc Hội, các nhóm bênh vực di dân đã kêu gọi ông Obama hãy ra lệnh ban hành luật thay vì đợi sự chấp thuận của Quốc Hội. Trong năm sau, Quốc Hội sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Cộng Hòa, và như thế việc thông qua chính sách cải tổ di trú còn khó khăn hơn nữa, nếu không nói là không thể thực hiện được.
Quyết định của ông Obama cũng là kết quả của sự xét lại của chính ông về quyền hạn của tổng thống. Trước đây khá lâu, ông từng nói với các nhóm vận động cho di dân rằng ông không có thẩm quyền để ban lệnh rộng lớn như ý muốn của họ.
Thế nhưng trong chương trình mới, ngân sách dành cho chương trình phần lớn sẽ được tài trợ bởi lệ phí nộp đơn của những di dân, chứ không tùy thuộc vào sự chuẩn chi của Quốc Hội. Thế nên, theo ý kiến của các phụ tá của tổng thống, ông Obama cảm thấy được linh hoạt hơn để đi đến quyết định mà không cần sự đồng ý của các nhà lập pháp.
Tuy nhiên, đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội cũng đang có nhiều món vũ khí để đánh lại ông Obama. Họ có thể từ chối cấp ngân sách để khiến cho chính quyền không thể hoạt động, và như thế không có một nhân viên nào của chính phủ liên bang có thể nhận đơn của các di dân bất hợp pháp.
Cầm đầu các chính khách Cộng Hòa chống lại ông Obama sẽ là Nghị Sĩ Liên Bang Mitch McConnell từ Kentucky. Trước khi tổng thống đọc diễn văn vào đêm thứ Năm, Nghị Sĩ McConnell đưa ra một lời cảnh cáo, “Nếu Tổng Thống Obama hành động chống lại ý muốn của người dân và áp đặt ý muốn của ông trên đất nước này, Quốc Hội sẽ hành động. Chúng tôi đang cứu xét một số biện pháp. Thế nhưng một điều không thể lầm lẫn. Khi các vị tân dân cử bắt đầu ngồi vào ghế đầu năm tới, họ sẽ hành động.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT