Hoa Kỳ

Obama hy vọng gieo hòa bình, cuối cùng để lại chiến tranh

Sunday, 22/01/2017 - 04:55:38

Ông rời khỏi chức vụ, giữa lúc có 5,262 lính Mỹ ở Iraq và 503 lính Mỹ ở Syria, và một cuộc chiến bằng máy bay không ngừng nghỉ đã giúp đẩy các chiến binh ra khỏi các thành phố và thị trấn chính yếu, làm tê liệt khả năng sản xuất hoặc bán dầu hỏa của họ.

Tổng Thống Donald Trump và cựu Tổng Thống Barack Obama tại lễ tuyên thệ của ông Trump. (Robyn Beck/ Getty Images)

 

Trước khi nhậm chức trong năm 2008, ông Barack Obama thề quyết chấm dứt những cuộc xung đột gây mệt mỏi của Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan. Trong nhiệm kỳ thứ nhì, ông cam kết đưa nước Mỹ ta ra khỏi điều mà ông gọi là một vị thế chiến tranh thường trực.

Trong tháng Năm 2013 ông nói, “Phải tiếp tục nỗ lực có hệ thống của chúng ta nhằm giải thể các tổ chức khủng bố. Nhưng cuộc chiến này, giống như mọi cuộc chiến khác, phải chấm dứt. Đó là điều mà lịch sử khuyên nhủ. Đó là điều mà nền dân chủ của chúng ta đòi hỏi.”

Nhưng ông Obama để lại một di sản khác hẳn cho ông Donald Trump, vị tổng tư lệnh mới của Mỹ.
Các lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã tham chiến trong tất cả tám năm ông Obama tại chức. Ông là tổng thống đầu tiên có chiến tranh trong hai nhiệm kỳ. Ông mở những trận không kích, hoặc các cuộc tấn quân sự, tại ít nhất bảy quốc gia: Afghanistan, Iraq, Syria, Libya, Yemen, Somalia, và Pakistan.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ gặp phải nhiều mối đe dọa hơn, ở nhiều nơi hơn, so với bất cứ thời điểm nào từ thời Chiến Tranh Lạnh, theo tình báo Mỹ cho biết. Lần đầu tiên tính trong nhiều thập niên, có ít nhất tiềm năng xảy một cuộc đụng độ võ trang với các đối thủ lớn nhất của Mỹ, là Nga và Trung Quốc.

Ông Obama cắt giảm số lượng quân Mỹ trong các vùng chiến tranh, từ 150,000 xuống còn 14,000 người, và chặn lại số lượng lính Mỹ trở về nước trong túi đựng xác. Ông cũng dùng ngoại giao, chứ không dùng chiến tranh, để làm dịu một cuộc bế tắc hạt nhân căng thẳng với Iran.

Tuy nhiên, ông mở rộng rất nhiều vai trò của các đơn vị biệt kích tinh nhuệ, và việc sử dụng công nghệ mới, trong đó có những chiếc máy bay võ trang không có người lái, và các loại võ khí điện toán.
Toàn thể khái niệm chiến tranh đã thay đổi dưới thời ông Obama. Chính phủ xây dựng những căn cứ bí mật dành cho máy bay không người lái, và những cơ sở khác ở Phi Châu và Trung Đông, và tăng thêm binh lính và tàu chiến ở Tây Thái Bình Dương. Chính phủ cũng đưa quân và thiết bị tới Đông Au, để đối phó với một nước Nga đang hồi sinh.

Dọc đường, ông Obama thỉnh thoảnh cãi nhau với các cố vấn quân sự hàng đầu của ông. Sau khi họ rời Ngũ Giác Đài, ba bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của ông Obama, là Robert M. Gates, Leon E. Panetta, và Chuck Hagel, đều tố cáo Tòa Bạch Ốc kiểm soát và can thiệp vào quân đội.

Sự vươn lên về mặt chính trị của ông Obama bắt đầu bằng một bài diễn văn nổi tiếng mà ông đọc ở Chicago trong tháng Mười năm 2002, khi ông nói rằng ông “phản đối cuộc chiến tranh ngu dại”, nhắc đến cuộc tiến quân vào Iraq mà chính phủ George W. Bush dự định thực hiện.

Nhưng với tư cách là tổng thống, ông Obama bị mắc kẹt vào trong những dòng giao thoa khốc liệt của những cuộc nổi dậy được gọi là Mùa Xuân Ả Rập. Những cuộc nổi dậy này khuấy động nhiều nhiều nơi ở Trung Đông và Bắc Phi trong năm 2011, dẫn đến cuộc đàn áp khắc nghiệt trên khắp khu vực. Chỉ có một nước là Tunisia cuối cùng nhìn thấy một cuộc chuyển tiếp sang nền dân chủ.

Ông miễn cưỡng chấp nhận một chiến dịch không kích của khối NATO ở Libya, ban đầu nhằm mục tiêu là ngăn chặn những cuộc thảm sát thường dân bởi nhà độc tài Moammar Kadafi.

Nhất quyết tránh kiểu xây dựng đất nước kéo Hoa Kỳ vào trong cuộc nội chiến Iraq, ông rút lui sau khi Kadafi bị giết chết. Nhưng rồi ông chỉ nhìn thấy sự sụp đổ của đất nước giàu dầu hỏa ấy trong cuộc xung đột, và trở thành một cục nam châm thu hút các nhóm khủng bố.

Nguy cơ trở nên rõ ràng sau khi các thành viên nhóm Hồi Giáo Ansar al Sharia tấn công một khu nhà ngoại giao của Mỹ và căn cứ của CIA gần đó tại Benghazi, ở miền đông Libya, trong tháng Chín năm 2012. Vụ tấn công đã giết chết Đại Sứ Hoa Kỳ J. Christopher Stevens và ba người Mỹ khác.

Hậu quả lộn xộn tại Libya đã khiến cho ông Obama nhận ra những hạn chế của sức mạnh quân sự, trong việc đạt được các mục tiêu của Hoa Kỳ, và đã định hình khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Ông Obama đã được hướng dẫn bởi sự thận trọng sau kinh nghiệm Libya, với những kết quả khác nhau.
Ông giữ các lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ ra khỏi cuộc nội chiến đẫm máu của Syria. Thế nhưng ông không thể ngăn chặn một cuộc xung đột, hiện nay đã bước sang năm thứ sáu bi thảm. Ông cũng nhìn thấy ảnh hưởng của Mỹ bị suy yếu, giữa lúc Nga và Iran lấp đầy khoảng cách.

Trong tháng Giêng năm 2014, ông Obama chế giễu việc Hồi Giáo Quốc xuất hiện ở Syria, coi đó như một mối đe dọa nhỏ so với Al Qaeda. Nhưng trong mùa hè năm đó, khi các chiến binh Hồi Giáo Sunni mặc đồ đen đe dọa Baghdad, ông Obama phải vội vàng đưa quân đội Hoa Kỳ trở lại Iraq, và ra lệnh thực hiện một loạt không kích, để ngăn chặn không cho nhóm này tiến thêm.

Ông rời khỏi chức vụ, giữa lúc có 5,262 lính Mỹ ở Iraq và 503 lính Mỹ ở Syria, và một cuộc chiến bằng máy bay không ngừng nghỉ đã giúp đẩy các chiến binh ra khỏi các thành phố và thị trấn chính yếu, làm tê liệt khả năng sản xuất hoặc bán dầu hỏa của họ.

Tuy nhiên Hồi Giáo Quốc vẫn kiểm soát những phần lớn của cả hai nước ấy. Nhóm này vẫn còn lớn hơn và mạnh hơn so với Al Qaeda, thu hút một ước tính khoảng 35.000 chiến binh và những người ngoại quốc đi theo, tới một nước Caliphate tự xưng, và tài trợ hoặc gây cảm hứng cho những cuộc tấn công gây chết người trên khắp thế giới.

Trong một bài diễn văn vào hôm 6 Tháng 12, tại căn cứ không quân MacDill ở Florida, ông Obama gần như thừa nhận rằng ông không thể đưa nước Mỹ ra khỏi các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc, lớn cũng như nhỏ, phát sinh từ những trận tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001.

Ông Obama coinhững thành tựu ngoại giao của ông, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân với Iran, hiệp định Paris chống khí hậu biến đổi, và việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba, là di sản chính sách ngoại giao chính yếu của ông.

Tuy nhiên, những thành tựu ấy có thể không kéo dài. Ông Trump đe dọa tháo dỡ hoặc tái thương lượng tất cả những thành tựu ấy.

Trong nhiệm kỳ thứ nhất, nhóm của ông Obama đã tìm cách chuyển hướng sự chú ý ra khỏi Trung Đông, bắng một trục chiến lược hướng về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Đây là khu vực giàu có, với các nền kinh tế đang tăng trưởng, và những nước có thể trở thành bạn của Mỹ, giữa lúc họ đang lo lắng về việc bành trướng của Trung Quốc.

Nhưng việc tập trung chú ý vào Á Châu đã bị mờ nhạt đi, khi những mối đe dọa khác nổi lên. Trong số đó, có Al Shabaab ở Somalia, Al Qaeda trên bán đảo Ả Rập ở Yemen, Ansar al Sharia tại Libya, Al Qaeda ở Maghreb Hồi Giáo tại Mali, Taliban ở Pakistan, và cuối cùng Hồi Giáo Quốc trên khắp thế giới.
Ông sẽ bị xét đoán vì không tiêu diệt được lực lượng không quân của Assad, trước khi Nga dính líu vào cuộc chiến, khiến cho việc ấy càng khó khăn hơn rất nhiều để làm.

Ông Obama tin rằng lịch sử sẽ đứng về phía ông, vì ông đã bày tỏ sự kiềm chế. Ông đã giữ nước Mỹ khỏi một cuộc chiến tranh không cần thiết. Không có giải pháp quân sự rõ ràng nào cho cuộc chiến ấy. Cách thức tiếp cận thận trọng của ông đã đem lại hiệu quả: Syria đã giao nộp kho vũ khí hóa học gây chết người của họ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT