Thế Giới

Obama khuyên người Mỹ hãy đón nhận những kẻ "bị bỏ quên"

Saturday, 21/11/2015 - 10:35:58

Cô bé mặc áo vàng này từng rời bỏ Miến Điện khi mới có 8 tuổi, bị tách ra khỏi gia đình và trở thành nạn nhân của một tổ chức buôn người. Liên Hiệp Quốc đã cứu em và đưa em đến Mã Lai Á. Nay thiếu nữ này muốn lên tiếng cho các trẻ em bị hoàn cảnh tương tự.

Một thiếu nữ đã ôm ông Obama trong sự xúc động sau khi nghe ông nói những đứa trẻ tị nạn trên thế giới cũng không khác gì những đứa con của người Mỹ. (The Straits Times)


Nhân dịp ghé thăm một trung tâm trợ giúp di dân tại Mã Lai Á, Tổng Thống Barack Obama đã gởi một thông điệp về tận quê hương, gián tiếp kêu gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay để đón nhận người tị nạn từ Syria.

Trong dịp chụp hình tại trung tâm đón nhận người tị nạn ở thủ đô Kuala Lumpur, ông Obama đã nói chuyện với một thiếu nữ người Hồi. Tuy rằng thiếu nữ 16 tuổi này được giấu tên, cô đã trở thành một biểu tượng cho một tình trạng chung đang diễn ra trên thế giới. Đó là di dân từ vùng chiến tranh đang tìm đến các quốc gia khác để lánh nạn, tìm sự an toàn.

Cô bé mặc áo vàng này từng rời bỏ Miến Điện khi mới có 8 tuổi, bị tách ra khỏi gia đình và trở thành nạn nhân của một tổ chức buôn người. Liên Hiệp Quốc đã cứu em và đưa em đến Mã Lai Á. Nay thiếu nữ này muốn lên tiếng cho các trẻ em bị hoàn cảnh tương tự.

Tổng Thống Obama đã giới thiệu thiếu nữ cùng sáu em khác với báo chí ngày thứ Bảy, và cho biết các em sẽ được định cư tại nước Mỹ. Ông nói rằng, “Sự lãnh đạo của người Mỹ là biết chăm sóc cho những ai đã bị thế giới bỏ quên, những người bị kỳ thị, bị tra tấn, là đối tượng của sự bạo động tàn bạo không thể tả, hoặc bị tách ra khỏi gia đình ở tuổi quá nhỏ. Đó là lúc chúng ta phải là ngọn hải đăng cho họ. Chứ không phải chúng ta phản ứng dựa trên sự sợ hãi.”

Lời phát biểu của tổng thống đã gián tiếp nhắc đến cuộc tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ, nơi mà
nhiều chính khách đã chống kế hoạch đón nhận người tị nạn từ Syria.

Trong lúc ngồi trò chuyện cùng với các em, ông Obama nói rằng các em khác hẳn những kẻ khủng bố ở Paris hay Mali. “Chúng nó cũng như con của chúng ta thôi.”

Mặc dù các em di dân tại một trường học dành cho trẻ nghèo này không đến từ Syria, và khác với làn sóng người tị nạn Syria, các em này đã được kiểm tra và được nhận vào nước Mỹ. Tuy vậy, ông Obama nói rằng khuôn mặt của các em ở Mã Lai cũng không khác các em từ Syria, Iraq và những nơi đang bị chiến tranh. Các em đều mong thoát khỏi bạo động mà từ đó phải rời xa quê hương.

“Các em không khác biệt với bất cứ đứa trẻ nào ở Hoa Kỳ,” ông Obama nói. “Ý tưởng cho rằng chúng ta phải sợ những người tị nạn, những màn chính trị khiến chúng ta làm ngơ trước tình trạng của họ, không phải là biểu tượng cho những gì tốt nhất mà chúng ta thật sự là.”

Nhiều người Mỹ xem có vẻ không đồng ý với điểm này. Nhiều đảng viên Dân Chủ đã bỏ tổng thống của họ và bỏ phiếu cùng với khối dân biểu muốn siết chặt các biện pháp thanh tra người tị nạn từ Syria mà ôngObama từng đề nghị nhận 10,000 người trong năm sau. Vào ngày thứ Năm vừa qua, có đến 47 dân biểu đã bỏ phiếu chống lập trường của Tổng Thống Obama.

Với đủ số phiếu để vượt qua sự phủ quyết của tổng thống tại Hạ Viện, những người ủng hộ biện pháp siết chặt an ninh đang hy vọng giành được chiến thắng tương tự tại Thượng Viện.

Mã Lai Á đang có khoảng 150,000 người tị nạn, đa số là người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi giáo. Hàng chục ngàn người Rohingya đã rời Miến Điện vì bị đàn áp bởi khối Phật giáo đa số, và họ đã tìm đường đến Mã Lai, nơi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Đông Á mà ông Obama đã đến dự.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT