Thế Giới

Obama rút ngắn chuyến công du Ấn Độ để thăm Ả Rập Saudi

Saturday, 24/01/2015 - 08:29:48

Ông Biden sẽ không tham gia với Tổng Thống Obama ở Ả Rập Saudi, và thay vì vậy, ông sẽ ở lại Washington.

Những người thuộc đảng Cộng Sản Ấn Độ đang biểu tình chống chuyến viếng thăm của ông Obama tại Hyderabad ngày Chủ Nhật. (Noah Seelam/Getty Images)


HOA THỊNH ĐỐN - Tổng Thống Obama sẽ cắt bớt thời gian của chuyến công du dài ba ngày tại Ấn Độ, để đi sang Ả Rập Saudi kính viếng Quốc Vương Abdullah của nước này vừa mới băng hà. Các giới chức Mỹ và Ấn Độ cho biết như vậy vào hôm thứ Bảy, cách mấy giờ trước khi tổng thống Mỹ lên đường đi New Delhi.
Việc thay đổi lịch trình này có nghĩa là ông Obama sẽ bỏ kế hoạch tới thăm đền Taj Mahal. Đây là một lâu đài làm bằng đá cẩm thạch mầu trắng, để tưởng niệm tình yêu của một vị vua Ấn Độ dành cho hoàng hậu quá cố. Ông Pradeep Bhatnagar, một giới chức hàng đầu của tiểu bang ở thành phố Agra, nơi hoàng hậu Taj Mahal an nghỉ, cho biết rằng hôm thứ Bảy các giới chức an ninh Hoa Kỳ đã thông báo với ông về việc hủy chuyến viếng thăm này.
Tuy nhiên, những phần quan trọng hơn trong chuyến công du của Tổng Thống Obama tại Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc ông quyết định đi Ả Rập Saudi. Theo dự trù, Tổng Thống Obama đến Ấn Độ vào ngày Chủ Nhật, để gặp Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi. Sau đó vào ngày thứ Hai, ông tham dự các lễ hội hàng năm mừng Ngày Cộng Hòa. Đây là dịp kỷ niệm ngày ban hành hiến pháp của Ấn Độ trong năm 1950.
Đến ngày thứ Ba, tổng thống và đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ tới thủ đô Riyadh, và hội kiến với Tân Quốc Vương Salman bin Abdul-Aziz Al Saud của Ả Rập Saudi. Theo dự trù lúc ban đầu, Phó Tổng Thống Joe Biden sẽ dẫn một phái đoàn Hoa Kỳ đến vương quốc này. Nhưng theo Earnest cho biết, Tòa Bạch Ốc đã thay đổi các kế hoạch, sau khi xác định rằng chuyến đi của ông Biden trùng hợp với thời điểm ông Obama khởi hành từ Ấn Độ.
Ông Biden sẽ không tham gia với Tổng Thống Obama ở Ả Rập Saudi, và thay vì vậy, ông sẽ ở lại Washington.
Chuyến ông Obama đi thăm Ấn Độ diễn ra giữa lúc mối quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới được củng cố, sau khi xảy ra những chuyên căng thẳng gần đây. Tổng Thống Obama và Thủ Tướng Modi đã phát triển một mối giao hảo tốt đẹp, trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Ấn Độ tại Washington vào mùa thu năm ngoái. Ông Modi đã tìm cách đáp trả mối thịnh tình, bằng cách mời Tổng Thống Obama đến Ấn Độ, với tư cách là thượng khách của mình, để tham dự ngày Cộng Hòa. Đây là một chuyến viếng thăm gây bất ngờ cho một số người ở Hoa Kỳ.
Ben Rhodes, phụ tá cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Obama, nói, “Nó gây bất ngờ cho một số người trong chúng tôi. Có một mối quan hệ thân thiết tuyệt vời giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ và dân chúng chúng tôi. Tuy nhiên, cũng có một lịch sử phức tạp lẽ ra sẽ làm cho chuyện một tổng thống Mỹ ngồi chung với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, vào Ngày Cộng Hòa của họ, trở nên hầu chắc sẽ không xảy ra.”
Sau mấy cuộc thảo luận cân nhắc nội bộ, Tòa Bạch Ốc đã chấp nhận lời mời của Thủ Tướng Modi. Ngoài các sự kiện diễn ra vào Ngày Cộng Hòa, ông Obama sẽ tham dự một vòng hội kiến mới, gồm những cuộc họp song phương với ông Modi. Tổng thống Hoa Kỳ cũng sẽ tham dự một cuộc hội nghị thượng đỉnh kinh tế với các nhà lãnh đạo kinh doanh của Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Ấn Độ hai lần trong thời gian tại chức. Ông cũng đến nước này hồi năm 2010, để dự cho một hội nghị thượng đỉnh kinh tế.
Chuyến thăm của Tổng Thống Obama được dự đoán sẽ nặng về biểu tượng và nhẹ hơn về những tiến bộ đáng kể, mặc dù tình trạng khí hậu thay đổi, kinh tế và quan hệ quốc phòng, tất cả đều nằm trong lịch trình. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ và Ấn Độ có vẻ đồng ý rằng ngay cả một việc bày tỏ tình liên đới giữa các nhà lãnh đạo, mang tính cách biểu tượng, sẽ là một dấu hiệu của tiến bộ, sau khi xảy ra những khó khăn gần đây.
Mặc dù việc hợp tác quân sự và số lượng thương vụ quốc phòng của Hoa Kỳ đã tăng lên, nhưng Washington thất vọng về chuyện Ấn Độ không chịu mở cửa đón nhận thêm đầu tư ngoại quốc, cũng như không chịu giải quyết những than phiền khiếu nại về những vụ vi phạm tài sản trí tuệ. Luật lệ của Ấn Độ về trách nhiệm cũng đã ngăn chặn không cho các công ty Mỹ tận dụng một thỏa thuận hạt nhân dân sự, cắm chặng quan trọng giữa hai nước, trong năm 2008.
Các mối quan hệ đã sụt xuống mức thấp mới trong năm 2013, khi Devyani Khobragade, phó tổng lãnh sự Ấn Độ, bị bắt và bị lục soát trên người ở New York. Vụ này xảy ra là do những cáo buộc cho rằng bà Khobragade đã nói dối về những mẫu visa, để đưa một phụ nữ sang Mỹ làm việc nhà cho bà, trong khi chủ trả cho người này một khoản tiền rẻ mạt. Việc đối xử với nữ giới chức này đã gây ra phẫn nộ ở New Delhi, và Ấn Độ trả đũa chống lại các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Đối với Thủ Tường Modi, việc đón tiếp Tổng Thống Obama tham dự cuộc diễn hành Ngày Cộng Hòa sẽ kết thúc một năm đầy những cuộc thao diễn ngoại giao nổi bật, bởi một nhà lãnh đạo từng bị cộng đồng quốc tế xa lánh. Ông đã bị Mỹ từ chối cấp visa trong năm 2005, cách ba năm sau khi những cuộc bạo loạn tôn giáo giết chết hơn 1,000 người Hồi giáo, trong một tiểu bang Ấn Độ, nơi ông là giới chức dân cử hàng đầu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT