Hoa Kỳ

Obama trở về Kenya, đoàn tụ với gia đình bên nội

Saturday, 25/07/2015 - 09:52:36

Tổng Thống Obama đã nói thẳng thắn về chuyện ông lớn lên mà không có người cha sinh ra ở Kenya, và cảm thấy “sức nặng của sự vắng mặt ấy.” Từ việc thiếu vắng người cha trong gia đình, ông Obama đã đưa ra một sáng kiến để hỗ trợ cho những thanh niên da màu phải đối diện với những hoàn cảnh tương tự. Sáng kiến này trở thành một dự án thân thiết với Obama. Ông dự định tiếp tục thực hiện dự án ấy sau khi rời vai trò tổng thống tại Tòa Bạch Ốc.

 
Người Kenya vẫy chào đoàn xe của Tổng Thống Barack Obama chạy trên đường phố thủ đô Nairobi ngày thứ Bảy. Đây là lần đầu tiên ông trở về quê cha từ khi giữ chức tổng thống. Nhân dịp dự hội nghị kinh doanh, ông nói Phi Châu đang trên đà thăng tiến. (Saul Loeb/Getty Images)


NAIROBI - Tổng Thống Barack Obama đã biến niềm hy vọng của hàng triệu người Kenya trở thành sự thực, khi ông về thăm lại quê cha vào hôm thứ Sáu, lần đầu tiên với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ. Đây là một chuyến thăm được Kenya mong đợi từ lâu, xem ông là người con của đất nước này.
Tổng Thống Obama đã dành buổi tối sum họp với gia đình Kenya của ông. Trong số đó có bà nội kế của ông. Bà đến thủ đô Nairobi từ làng quê của bà. Mối liên kết của Obama với đất nước Kenya là một người cha mà ông hầu như không gần gũi từ thời thơ ấu. Nhưng dù vậy, người ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của người cha này trong nhiệm kỳ tổng thống của con trai ông.
Tổng Thống Obama đã nói thẳng thắn về chuyện ông lớn lên mà không có người cha sinh ra ở Kenya, và cảm thấy “sức nặng của sự vắng mặt ấy.” Từ việc thiếu vắng người cha trong gia đình, ông Obama đã đưa ra một sáng kiến để hỗ trợ cho những thanh niên da màu phải đối diện với những hoàn cảnh tương tự. Sáng kiến này trở thành một dự án thân thiết với Obama. Ông dự định tiếp tục thực hiện dự án ấy sau khi rời vai trò tổng thống tại Tòa Bạch Ốc.
Tại Phi Châu, Tổng Thống Obama đã sử dụng việc tranh đấu của người cha quá cố của ông để khắc phục nạn tham nhũng của chính phủ, như là một cách để thúc đẩy các nhà lãnh đạo củng cố nền dân chủ. Theo dự đoán, ông sẽ làm cho việc quản trị tốt đẹp và việc xây dựng nền dân chủ trở nên một trọng tâm của hai ngày ông gặp gỡ và phát biểu tại Nairobi, cũng như trong chặng ghé thăm ở Ethiopia.
“Trong cuộc sống của cha tôi, có một phần là nạn kỳ thị bộ tộc, thói quan thầy bảo trợ và gia đình trị, trong một nước Kenya độc lập, trong một khoảng thời gian dài đã làm lệch hướng sự nghiệp của cha tôi.” Ông Obama nói như vậy, trong một chuyến đi đến Ghana hồi năm 2009. Đó là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Phi Châu, với tư cách là tổng thống. Cha của ông là Barack Obama, Sr., rời khỏi Kenya khi còn là một thanh niên, để theo học tại đại học University of Hawaii. Ở đó, thân phụ ông Obama gặp bà Stanley Ann Dunham, một người phụ nữ da trắng từ tiểu bang Kansas. Không lâu sau đó, họ kết hôn và có một đứa con trai, được đặt tên theo tên của người cha.
Barack Obama, Sr. rời Hawaii khi đứa con trai chỉ mới lên 2 tuổi, lần đầu tiên để tiếp tục việc học tại viện đại học Harvard, sau đó để trở về Kenya. Vị tổng thống tương lai và cha của ông sẽ gặp nhau chỉ thêm một lần nữa, khi đứa con trai lên 10 tuổi. Cha của Obama qua đời ở tuổi 46, trong một tai nạn xe hơi vào năm 1982.
“Tôi không có một người cha trong nhà. Tôi đã giận dữ về chuyện đó, mặc dù tôi không thật tình biết điều đó vào thời điểm ấy cho đến khi sau này mới hiểu ra.” Ông Obama nói như vậy hồi năm ngoái, trong một chương trình ở Tòa Bạch Ốc dành cho Brother's Keeper, sáng kiến mà ông muốn dành cho các nam thanh niên giúp họ vươn lên dù nhà không có cha.
Chuyến đầu tiên ông Obama đi Kenya, cách đây gần 30 năm, là một cuộc tìm kiếm để lấp đầy những khoảng trống trong câu chuyện về cuộc đời người cha của ông. Trong cuốn hồi ký “Dreams From My Father” (Những Ước Mơ Từ Cha Tôi), Obama viết rằng lúc ông ấy qua đời, “cha tôi vẫn còn là một điều bí ẩn đối với tôi, vừa hơn và cũng vừa kém là một người đàn ông.”
Điều mà ông Obama đã khám phá ra được sau này về cha của ông là một người đàn ông có tài năng nhưng gặp khó khăn. Barack Obama Sr. là một kinh tế gia làm việc cho chính phủ Kenya. Ông đụng độ với tổng thống hồi đó là Jomo Kenyatta về những chuyện chia rẽ bộ tộc và những cáo buộc về tham nhũng. Cuối cùng ông bị tổng thống sa thải, đẩy ông vào vòng xoáy của các vấn đề tài chánh và tật nghiện rượu.
Uhuru Kenyatta, nhà lãnh đạo của Kenya hiện nay mà ông Obama đã gặp trong hai ngày qua, lại chính là con trai của vị tổng thống mà cha của ông phải đương đầu cách đây mấy chục năm.
Hôm thứ Sáu, khi Tổng Thống Obama bước ra khỏi chiếc phi cơ Air Force One, ông được người em gái cùng cha khác mẹ là Auma Obama chào đón. Ông ôm lấy cô một cách thân thiết. Sau đó hai anh em hội ngộ với khoảng ba chục thân nhân trong đại gia đình, tại một nhà hàng trong khách sạn của tổng thống, để cùng dự một bữa ăn tối riêng tư.
Trong chuyến đi này, những hạn chế về mặt vận chuyển và những biện pháp phòng ngừa an ninh đã ngăn cản ông Obama đến thăm Kogelo, ngôi làng nơi mà cha ông đã sống và được chôn cất. Bà Sarah Obama, bà cô kế mà ông gọi là “Granny” vẫn còn sống trong làng ấy. Khi biết ông không thể ghé làng, bà bay đến thủ đô để gặp ông.
Mặc dù có sự chú ý rất nhiều vào gốc rễ địa phương của nhà lãnh đạo Mỹ, Tòa Bạch Ốc đã trình bày chuyến đi này như là một chuyến chú trọng trung vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Kenya, cứ không phải tập trung vào tổng thống và gia đình của ông. Các giới chức nói rằng lịch trình của ông Obama tập trung nhiều vào các vấn đề kinh tế và thương mại, cũng như vào nền an ninh và hợp tác chống khủng bố.
Tổng Thống Obama đi chung với gần hai chục nhà lập pháp Mỹ, cùng với 200 nhà đầu tư Hoa Kỳ tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Doanh Nhân Toàn Cầu. Phu nhân Michelle Obama và hai ái nữ Malia và Sasha không cùng đi với tổng thống.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT