Hoa Kỳ

Ohio: Nhiều phụ nữ Cộng Hòa muốn bỏ phiếu cho Dân Chủ

Saturday, 28/07/2018 - 12:20:23

Cuộc đua tại Ohio sẽ là cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng của Hoa Kỳ, trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, nơi các ứng cử viên sẽ tranh giành 35 ghế ở Hạ Viện và 100 ghế tại Thượng Viện.

DUBLIN - Theo cuộc thăm dò với nhiều phụ nữ, đa số là người Cộng Hòa, tại địa hạt quốc hội số 12 của tiểu bang Ohio, một số phụ nữ nói rằng họ đã quyết định sẽ ủng hộ ứng cử viên Dân Chủ trong cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 8, vì không hài lòng với Tổng Thống Donald Trump. Nhiều người khác nói rằng họ không đồng ý với các hành động của tổng thống, nhưng vẫn chưa quyết định về cách bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay. Đa số những phụ nữ phản đối ông Trump đều cho biết họ bất mãn trước cách cư xử của ông trong cuộc gặp với Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Phần Lan.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc giành được thiện cảm của nhóm cử tri nữ giới da trắng, có học thức, sống tại vùng ngoại ô, tại các địa hạt thiên về Cộng Hòa, sẽ là yếu tố then chốt giúp đảng Dân Chủ giành lại Hạ Viện trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11. Đảng Dân Chủ cần thêm ít nhất 23 ghế để giành thế đa số tại Hạ Viện, nếu muốn ngăn chận các chính sách lập pháp của Tổng Thống Trump. Tính trên toàn quốc, số lượng phụ nữ sống ở vùng ngoại ô không hài lòng với ông Trump cao hơn chút ít so với số phụ nữ sống ở những vùng khác của quốc gia. Ngoài ra, những người không thích ông Trump cũng có vẻ nhiệt tình muốn đi bỏ phiếu nhiều hơn so với những người ủng hộ tổng thống. Cuộc đua tại Ohio sẽ là cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng của Hoa Kỳ, trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, nơi các ứng cử viên sẽ tranh giành 35 ghế ở Hạ Viện và 100 ghế tại Thượng Viện.

Facebook chi $10 triệu để bảo vệ Mark Zuckerberg mỗi năm
CALIFORNIA - Trong một báo cáo gởi lên Ủy Ban Chứng Khoán SEC hôm thứ Năm, hãng Facebook cho biết đã chấp thuận chi $10 triệu Mỹ kim mỗi năm (chưa thuế) để tăng cường bảo vệ tổng giám đốc Mark Zuckerberg cùng gia đình. Con số này cao hơn so với $7.3 triệu Mỹ kim vào năm ngoái. “Khoản hỗ trợ này sẽ được thêm vào chương trình an ninh chung cho Zuckerberg hiện tại, để thanh toán chi phí nhân viên bảo vệ, và tiền mua sắm, lắp đặt, sửa chữa các thiết bị an ninh tại nhà của Zuckerberg, cũng nhu việc sử dụng máy bay riêng cho các chuyến đi cá nhân,” Facebook cho biết.
Hãng cũng tiết lộ sẽ trả cho Zuckerberg số tiền này, để anh dùng thanh toán chi phí nhân sự, thiết bị, dịch vụ, nâng cấp nơi ở và nhiều khoản khác. Facebook cho biết, quyết định của hãng được cân nhắc dựa trên “vị trí và tầm quan trọng của Zuckerberg với Facebook,” cũng như khoản lương chỉ $1 Mỹ kim mỗi năm của anh. “Chúng tôi tin rằng số tiền này, cùng chi phí trong chương trình bảo đảm an ninh chung hiện tại, là phù hợp và cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay,” thông báo cho biết. Ngân sách an ninh cho Zuckerberg đã tăng trong vài năm qua, từ mức $4.2 triệu vào năm 2015. COO Sheryl Sandberg cũng có chương trình tương tự, với ngân sách $2.7 triệu vào năm ngoái.

Trump mở cuộc họp về an ninh bầu cử
Tổng Thống Donald Trump vào thứ Sáu đã triệu tập các cố vấn an ninh quốc gia để dự cuộc họp cấp cao về vấn đề an ninh bầu cử, khi chỉ còn 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử quan trọng của Quốc Hội. Cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều cáo buộc mới về việc Nga can thiệp bầu cử Hoa Kỳ. Vào thứ Năm, Nghị Sĩ Dân Chủ Claire McCaskill đã được xác định là mục tiêu của một âm mưu tấn công điện toán, trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Ông Tom Burt, phó giám đốc về an ninh khách hàng của hãng công nghệ Microsoft, vào tuần trước cho biết, các hacker người Nga đã nhắm vào ít nhất 3 ứng cử viên, tuy nhiên, ông Burt không tiết lộ tên những người này.
Theo ông Burt, các cuộc tấn công điện toán được thực hiện bởi một nhóm hacker có liên quan với nhân viên của Cơ quan tình báo quân sự Nga GRU. Đảng Cộng Hòa hiện đang nắm thế đa số tại cả 2 viện lập pháp, nhưng theo thông lệ lịch sử, đảng Dân Chủ có thể sẽ giành lại quyền chủ động trong cuộc tranh cử năm nay. Vào ngày thứ Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nói với các phóng viên rằng, chính phủ đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ cuộc bầu cử không bị can thiệp bởi thế lực nước ngoài. Cố vấn đặc biệt Robert Mueller trong tháng này đã truy tố 12 viên chức Nga thuộc GRU, và vào tháng 2, ông cũng truy tố 13 người Nga cùng 3 công ty Nga vì tội thông đồng để can thiệp bầu cử.

Hỏa tiễn Patriot lập kỷ lục về khoảng cách diệt mục tiêu
NEW MEXICO – Hỏa tiễn đánh chặn cải tiến đã cho phép hệ thống phòng không Patriot PAC-3 của Hoa Kỳ bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách xa nhất từ trước tới nay. "Hệ thống PAC-3 MSE tiếp tục bắn hạ thành công mục tiêu, lần thử nghiệm mới nhất đánh dấu khả năng diệt mục tiêu hiệu quả của loại vũ khí này từ khoảng cách xa nhất từ trước đến nay,” theo tuyên bố hôm thứ Sáu của ông Jay Pitman, người dẫn đầu các chương trình PAC-3 của hãng quốc phòng Lockheed Martin. Theo hãng này, cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 26 tháng 7 tại bãi thử White Sand, tiểu bang New Mexico, đã chứng minh được khả năng đánh chặn hit-to-kill (bắn để tiêu diệt) có một không hai của hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm trung PAC-3 MSE.
Mục tiêu bị bắn hạ lần này là một phương tiện dùng động cơ phản lực, mô phỏng máy bay hoặc hỏa tiễn hành trình của đối phương. Tuy nhiên, Lockheed Martin không tiết lộ khoảng cách diệt mục tiêu trong lần bắn thử. Patriot PAC-3 (hay còn gọi là MIM-104F) là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot, sản xuất từ năm 1984. Hệ thống hỏa tiễn đánh chặn này được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa trên không như hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn hành trình, máy bay không người lái và chiến đấu cơ, từ khoảng cách lên đến 70 cây số.

Bộ Trưởng Quốc Phòng khẳng định Hoa Kỳ không muốn thay đổi chế độ tại Iran
Vào thứ Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis tuyên bố, Hoa Kỳ không có ý định muốn thay đổi chế độ tại Iran, và mục tiêu của chính phủ là kềm hãm các hành động nguy hiểm của Tehran tại vùng Trung Đông. Thông báo của ông Mattis được đưa ra sau nhiều lời khẩu chiến qua lại giữa các viên chức hai bên, và Tổng Thống Donald Trump cũng nói rằng Iran sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục đe dọa Hoa Kỳ. Trả lời phỏng vấn tại Ngũ Giác Đài, Bộ Trưởng Mattis nói, chính phủ Trump không theo đuổi việc thay đổi chính phủ hay lật đổ chế độ tại Iran, mà chỉ muốn nước này thay đổi các hành động gây bất ổn, đang được thực hiện bởi quân đội Iran, lực lượng tình báo, và các tổ chức phiến quân do Tehran ủng hộ.
Tuyên bố của ông Mattis là thông điệp chi tiết nhất từ một viên chức cấp cao, về chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran, sau các cuộc họp quan trọng tại Tòa Bạch Ốc vào thứ Năm. Kể từ sau khi Tổng Thống Trump rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước hạt nhân Iran 2015, chính phủ Tehran đã đối mặt với áp lực càng lúc càng tăng, và có thể sẽ bị Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế. Cũng vào thứ Sáu, Bộ Trưởng Mattis đã bác bỏ thông tin cho rằng Washington đang chuẩn bị đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Ông Mattis khẳng định, chính phủ hoàn toàn không tính đến việc tấn công quân sự vào lúc này. Mục tiêu của Washington là buộc Tehran ngừng chương trình nguyên tử, và ngừng ủng hộ các tổ chức phiến quân đang gây rối tại Yemen và Syria.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT