Thế Giới

Oxfam: 8 người có tiền của bằng tài sản của 3.6 tỉ người nghèo trên thế giới

Monday, 16/01/2017 - 11:24:29

Oxfam tính toán dựa trên những dữ liệu từ bản phúc trình Tài Sản Toàn Cầu năm 2016 của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, và danh sách tỷ phú Forbes liệt kê các tỷ phú giàu nhất thế giới.

Một người bán hoa dạo trên đường phố Hà Nội ngày 9 tháng Một vừa qua. (Hoang Dinh Nam/ Getty Images)

 

Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập hiện nay đã chênh lệch quá nhiều, đến nỗi chỉ có tám người giàu nhất có một lượng tài sản ngang bằng với tài sản của phân nửa nghèo nhất trong dân số thế giới. Và Nga, một nước từ khởi động cuộc cách mạng cộng sản trên toàn cầu trong thế kỷ 20, đang là nước bất bình đẳng nhất thế giới với 1% dân số kiểm soát 75% tài sản quốc gia.

Phúc trình cho thấy một giám đốc điều hành một công ty hàng đầu kiếm được trong một năm số tiền bằng với mức lợi tức của 10,000 công nhân nhà máy may y phục ở Bangladesh.

Và 10 công ty lớn nhất thế giới cùng có mức thu nhập lớn hơn số tiền mà 180 quốc gia nghèo nhất cộng lại kiếm được.

Những điều trên được Oxfam ghi nhận trong một bản phúc trình có tựa đề Một Nền Kinh Tế Cho 99%, được công bố hôm Chủ Nhật vừa. Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo của thế giới và các tầng lớp kinh doanh ưu tú đang trên đường đến Davos, Thụy Sĩ, để tham dự kỳ Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới hàng năm được khai mạc ngày thứ Ba tuần này. Một phần mục tiêu của hội nghị là nhằm loại bỏ sự bất bình đẳng cực độ về thu nhập.

Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng tám người giàu nhất trên hành tinh này có tài sản ròng là $426 tỷ, tương đương với số tiền mà phân nửa dưới đáy của dân số thế giới đang nắm giữ.

Oxfam, một tổ chức quốc tế ở nước Anh chống lại tình trạng nghèo khổ, nói, “Từ Nigeria đến Bangladesh, từ Anh tới Brazil, người ta đang chán nản với cảm giác bị làm ngơ bởi các nhà lãnh đạo chính trị của họ. Hàng triệu người đang vận động để thúc đẩy việc thay đổi. Cứ 10 người thì có bảy người sống trong một đất nước có một mức gia tăng nơi tình trạng bất bình đẳng trong 30 năm qua.”

Đây là cuộc nghiên cứu mới nhất trong những năm gần đây của Oxfam, để vận động tìm những giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách càng ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. Oxfam kêu gọi Tổng Thống đắc cử Donald Trump, các nhà lãnh đạo thế giới, và cộng đồng kinh doanh quốc tế, hãy “có hành động khẩn cấp để giảm bớt mức bất bình đẳng và mức tập trung quá nhiều, bằng cách bảo đảm rằng những người làm việc được trả một mức lương xứng đáng, và bằng cách tăng mức thuế đánh vào cả tài sản lẫn những mức thu nhập cao.”

Oxfam tính toán dựa trên những dữ liệu từ bản phúc trình Tài Sản Toàn Cầu năm 2016 của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, và danh sách tỷ phú Forbes liệt kê các tỷ phú giàu nhất thế giới.

Tám ông trên danh sách có của cải nhiều bằng tài sản của phân nửa nghèo nhất thế giới, gồm 3.6 tỷ người, là Bill Gates ($75 tỷ, tài sản từ nguồn gốc Microsoft); Amancio Ortega ($67 tỷ, Zara); Warren Buffett ($60.8 tỷ, Berkshire Hathaway); Carlos Slim Helu ($50 tỷ, viễn thông); Jeff Bezos ($45.2 tỷ, Amazon); Mark Zuckerberg ($44.6 tỷ, Facebook); Larry Ellison ($43.6 tỷ, Oracle); và Michael Bloomberg ($40 tỷ, Bloomberg LP).

Bản phúc trình của ngân hàng Credit Suisse cho thấy rằng Nga là nước bất bình đẳng nhất thế giới, ngoại trừ Comoros và Zambia ở Phi Châu. Ở Nga 1% giàu nhất trong dân số kiểm soát 74.5% tổng khối lượng tài sản. Tính trên toàn cầu, con số tương ứng là 50.8%, và ở Mỹ là 42.1%.

Hai yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập: Một là sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, và hai là sự bất bình đẳng trong nội bộ các nước.

Toàn cầu hóa là một đề tài nóng bỏng tại diễn đàn Davos, diễn ra từ thứ Ba đến thứ Sáu tuần này. Toàn cầu hóa có thể là một động lực mạnh mẽ làm giảm bớt mức bất bình đẳng giữa các quốc gia, mặc dù đồng thời tiến trình đó cũng có thể làm tăng mức bất bình đẳng trong nước cùng một lúc.

Chẳng hạn, Trung Quốc và Ấn Độ, cộng lại chiếm khoảng một phần ba dân số thế giới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là từ 6% đến 7%. Từ một quan điểm toàn cầu, hai nước này đã giúp làm cho thế giới nói chung bây giờ bình đẳng hơn so với trước đây. Hàng triệu người đã được nâng lên từ cảnh nghèo đói. Vấn đề là một vài người ở hàng đầu đang làm ăn càng ngày càng khấm khá hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT