Pháp Luật

Paterntity: Quyền Phụ Tử

Thursday, 06/10/2011 - 08:31:04

Khi một em bé chào đời và người mẹ đang có gia đình thì luật pháp sẽ coi  người chồng là người cha của đứa bé, trừ trường hợp người chồng từ chối đứng tên trong giấy khai sinh...

LS. Trần Khánh Hưng

Ở nước Mỹ, việc hai người sống chung mà không có hôn thú không phải là điều hiếm có. Đối với luật pháp Hoa Kỳ, bất cứ trẻ em nào cũng có quyền có cha và mẹ, bất kể là hai người có hôn thú hay không, và người cha mẹ sẽ có những quyền hạn cũng như những trách nhiệm với con mình, chẳng hạn việc săn sóc, nuôi nấng, hưởng những quyền lợi An Sinh Xã Hôi nếu người phụ huynh qua đời hay bị tàn tật, và kể cả việc thừa kế sau này. Hơn nữa, việc này còn giúp các em biết rõ về những bệnh đã có trong gia đình, nếu có. Ngoài ra, khi có tên cha mẹ trong giấy khai sinh thì cha mẹ sẽ được quyền quyết định nếu muốn con mình làm con nuôi của người khác.
Khi một em bé chào đời và người mẹ đang có gia đình thì luật pháp sẽ coi  người chồng là người cha của đứa bé, trừ trường hợp người chồng từ chối đứng tên trong giấy khai sinh, nhưng nếu người mẹ không có gia đình hay không có hôn thú với cha của em bé thì cần phải có sự xác nhận ai là cha của em bé. Cách đơn giản nhất để xác định việc này là để tên người cha và người mẹ vào giấy khai sinh của em bé, dù hai người không có hôn thú với nhau.  

* Tại sao phải cần xác định phụ tử?
Trong trường hợp trên giấy khai sinh không có tên người cha vì lý do nào đó, việc xác định phụ tử có thể cần thiết sau này, nếu người mẹ muốn nhận tiền cấp dưỡng con cái, hay người cha muốn có sự thăm nuôi, săn sóc, hay mua bảo hiểm cho con mình.

* Vậy nếu hai người không có hôn thú thì người cha có phải trả tiền cấp dưỡng không?
Nếu hai người không có hôn thú thì người mẹ phải cần xác định phụ tử trước khi xin tiền cấp dưỡng con cái, hoặc khi người mẹ xin trợ cấp xã hội thì cơ quan Child Support Services có thể làm việc này, nếu họ biết người cha là ai.

* Làm cách nào để xin xác nhận phụ tử?
Có 4 cách để xác nhận phụ tử:
1. Cha mẹ có thể tự nguyện ký vào đơn gọi là Voluntary Declaration of Paternity tại nhà thương hay sau đó. Nếu ký đơn này tại quận thì tên của người cha sẽ được ghi vào giấy khai sinh, và người mẹ không phải làm thủ tục để xác nhận phụ tử tại tòa. Nếu đơn này ký sau khi làm giấy khai sinh thì có thể xin giấy khai sinh mới với tên của người cha. Việc điền đơn này không có nghĩa là phải trả tiền cấp dưỡng con cái. Sau khi đơn này được nộp tại tòa thì quan tòa có thể quyết định việc người cha thăm nuôi hay cấp dưỡng con cái.
2. Người cha và người mẹ có thể đồng ý (stipulate) về việc xác định ai là cha, cũng như những vấn đề khác như việc thăm nuôi, cấp dưỡng, cũng như những vấn đề liên quan đến con mình. Những sự đồng ý này cần phải có sự chấp thuận của tòa. Ngoài ra, nếu không chắc chắn mình là cha của đứa bé thì người cha có thể làm những thử nghiệm để biết chắc việc này trước khi ký giấy tờ.
3. Trong trường hợp người mẹ khai người này có thể là cha của em bé thì phải có một  phiên họp trước tòa để người đó có quyền đưa những bằng chứng để xác nhận hay phủ nhận việc này. Nếu người này không ra dự phiên họp này thì quan tòa có quyền xác nhận người đó là cha.
4. Bạn có thể xin tòa xác định phụ tử bằng cách nộp đơn theo phương cách Paternity Action.

* Những trường hợp nào thì một người đàn ông được coi là cha của em bé?
Thông thường khi một người đàn ông không mang bệnh bất lực và đang sống chung với người vợ thì sẽ đuợc coi như là cha của em bé, nếu em bé được sinh ra trong thời gian hai người sống chung. Ngoài ra trong những trường hợp sau đây thì người đàn ông vẫn được coi là cha của em bé:
1. Người đàn ông và người mẹ lấy nhau và em bé được sanh trong vòng 300 ngày sau khi hôn nhân kết thúc.  
2. Trước ngày em bé sanh, người đàn ông và người mẹ có làm nghi lễ lấy nhau, cho dù cuộc hôn nhân đó không có hiệu lực, hay không hợp pháp, và em bé được sanh trong vòng 300 ngày sau nghi lễ.
3. Sau khi em bé sanh ra, người đàn ông và người mẹ lấy nhau, dù có hợp lệ hay không, và người đàn ông chịu để tên trong giấy khai sanh là cha của em bé, hay người đàn ông tự nguyện ký giấy nhận con, hay theo phán quyết của tòa.
4. Người đàn ông tình nguyện nhận em bé là con của mình.
5. Nếu em bé được sinh ra ở một quốc gia mà Hoa Kỳ có chương trình Orderly Departure Program (ODP), và người đàn ông xác nhận là cha của em bé dựa theo luật lệ của Hoa Kỳ.

* Nếu tôi không biết chắc tôi có phải là cha của em bé không thì tôi phải làm sao?
Nếu không biết chắc chắn bạn là cha của em bé thì bạn không nên ký những giấy tờ chấp nhận việc phụ tử, trừ khi bạn không ngại có những trách nhiệm sau này. Nếu người mẹ đưa bạn ra tòa để đòi hỏi việc này thì bạn nên làm những thử nghiệm để biết rõ và vẫn phải ra phiên tòa để giải quyết việc này. Trong trường hợp bạn đã ký giấy Voluntary Declaration of Paternity thì vẫn có thể xin hủy đi trong vòng 60 ngày hay là xin án tòa để xoá bỏ.

* Nếu tôi bị bắt thử nghiệm DNA thì ai trả tiền thử nghiệm?
Nếu cơ quan Child Support Services yêu cầu bạn thử nghiệm DNA để xác nhận phụ tử thì cơ quan này sẽ trả tiền thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu kết quả cho thấy bạn là người cha thì bạn hay người mẹ có thể phải trả tiền thử nghiệm, còn nếu kết quả bạn không phải là người cha thì bạn không phải trả tiền thử nghiệm.

* Có những cách thử nghiệm nào để xác nhận phụ tử?

Có hai cách thử nghiệm DNA. Một cách là thử máu, và một cách lấy những tế bào trong miệng. Những thứ này sẽ được lấy từ người đàn ông, người mẹ, và từ em bé. Kết quả của cuộc thử nghiệm dùng để xác định người đàn ông này có phải là cha của em bé (inclusion), hay không phải là cha của em bé (exclusion).

* Người mẹ là người sanh ra em bé, vậy tại sao phải thử nghiệm cả người mẹ?
Thử nghiệm của người mẹ để bỏ bớt một nửa DNA trong người em bé, và chỉ cần so sánh với nửa kia với người cha. Nếu không có sự thử nghiệm của người mẹ, kết quả vẫn chính xác, nhưng sẽ tốn kém hơn.

* Kết quả của những cuộc thử nghiệm này có chính xác không?
Theo thốâng kê, những cuộc thử nghiệm DNA có độ chính xác rất cao, 100% cho việc xác định không phải là cha (exclusion), và 99% cho việc xác định người này đúng là cha (inclusion).

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về luật gia đình, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster, CA 92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT