Thế Giới

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc tiếp xúc tổng thống Mali bị lật đổ

Friday, 21/08/2020 - 06:05:47

Một nhóm nhân viên của MINUSMA đã tới Kati trong nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền và gặp được Tổng Thống Keita cùng những người bị bắt giam khác.


Ismael Wague, phát ngôn viên của lực lượng đối lập đang phát biểu trước đám đông hàng ngàn người tụ tập tại Công Trường Độc Lập ở thủ đô Bamako, Mali ngày 21 tháng 8, 2020. Họ đã vui mừng trước sự việc tổng thống bị bắt và Quốc Hội bị giải tán. (Anadolu Agency via Getty Images)

 

KATI - Các đại diện Liên Hiệp Quốc đã được gặp cựu Tổng Thống Mali, ông Ibrahim Boubacar Keita, sau khi ông bị nhóm binh sĩ nổi dậy bắt giữ và buộc ông phải từ chức.

"Tối thứ Năm, một nhóm nhân viên của MINUSMA đã tới Kati trong nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền và gặp được Tổng Thống Keita cùng những người bị bắt giam khác,” phái đoàn MINUSMA – cơ quan duy trì hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Mali hôm thứ Sáu cho biết.

Kati là căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Bamako của Mali, nơi giam giữ những người bị bắt trong cuộc đảo chính hôm 18 tháng 8 tại quốc gia Tây Phi bất ổn này.

Cựu Tổng Thống Keita đã tuyên bố từ chức, đồng thời cho biết cả chính phủ và quốc hội Mali sẽ giải tán, sau khi ông cùng cựu Thủ Tướng Boubou Cisse và nhiều viên chức chính phủ hàng đầu bị bắt bởi nhóm binh sĩ nổi dậy.

Một thành viên ẩn danh trong quân đội Mali cho biết họ đã cho phép "một phái đoàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc" tới thăm toàn bộ 19 tù nhân tại Kati. Người này cho biết thêm rằng họ đã trả tự do cho cựu Bộ Trưởng Kinh Tế Abdoulaye Daffe và Sabane Mahalmoudou, thư ký riêng của ông Keita.

Lực lượng đảo chính - tự xưng là Ủy Ban Nhân Dân Cứu Quốc, do đại tá Assimi Goita lãnh đạo – cho biết sẽ giám sát quá trình chuyển giao quyền lực chính trị và tổ chức bầu cử "vào một thời điểm thích hợp.”

Cộng Đồng Kinh Tế Các Nước Tây Phi (ECOWAS), Liên Phi, Liên Âu, và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đều đã lên án cuộc đảo chính, yêu cầu trả tự do cho ông Keita và các viên chức khác.

Đây là cuộc đảo chính thứ hai tại Mali trong vòng 8 năm qua, gây ảnh hưởng lớn tại quốc gia vốn đang vất vả đối phó với các phiến quân Hồi giáo, nền kinh tế suy thoái, cùng nỗi tức giận của công chúng với nạn tham nhũng tràn lan.

Giới quan sát lo ngại nếu Mali chìm sâu hơn vào khủng hoảng, ảnh hưởng sẽ vượt khỏi biên giới nước này và lan tới vùng duyên hải Tây Phi.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT