Thế Giới

Phần Lan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Wednesday, 14/03/2018 - 08:36:04

Ngoài Phần Lan, một số nước khác trong top 10 những nước hạnh phúc bao gồm Đan Mạch, Iceland, Thụy Sỹ, Hòa Lan, Canada, New Zealand, Thụy Điển, và Úc. Hoa Kỳ xếp hạng thứ 18, rớt 4 hạng so với hạng 14 vào năm ngoái.

HELSINKI – Báo cáo chỉ số hạnh phúc thế giới, được công bố hôm thứ Tư, đặt Phần Lan đứng đầu trong số 156 nước được xếp hạng theo mức độ hạnh phúc, dựa trên các yếu tố như kỳ vọng trong cuộc sống, hỗ trợ xã hội, và tham nhũng. Phần Lan được chọn làm nước hạnh phúc nhất trên thế giới, bất chấp thực tế rằng đây là một nước Bắc Âu, với thời tiết lạnh giá và ít nắng ấm. “Về chính trị và kinh tế, tôi nghĩ mọi thứ cơ bản đều khá tốt ở Phần Lan,” cô Sofia Holm, 24 tuổi, sống tại Helsinki, cho biết. “Do đó, đúng vậy, chúng tôi có mọi yếu tố hoàn hảo để có một cuộc sống hạnh phúc ở Phần Lan.”
Báo cáo hạnh phúc năm nay, được công bố bởi Mạng phát triển giải pháp bền vững Liên Hiệp Quốc, cũng đánh giá 117 nước dựa trên cuộc sống và mức độ hạnh phúc của những người nhập cư tại quốc gia của họ. Phần Lan có khoảng 300,000 người nước ngoài hoặc cư dân gốc nước ngoài trên tổng dân số 5.5 triệu người. Đa số người nhập cư tại Phần Lan đều là người đến từ những phần khác của châu Âu, nhưng cũng có người Afghanistan, Trung Quốc, Iraq, và Somalia. Ngoài Phần Lan, một số nước khác trong top 10 những nước hạnh phúc bao gồm Đan Mạch, Iceland, Thụy Sỹ, Hòa Lan, Canada, New Zealand, Thụy Điển, và Úc. Hoa Kỳ xếp hạng thứ 18, rớt 4 hạng so với hạng 14 vào năm ngoái.

Đức: Bà Merkel đắc cử nhiệm kỳ 4
BERLIN - Bà Angela Merkel vừa được Quốc Hội Đức bầu làm thủ tướng, và đã tuyên thệ nhậm chức vào thứ Tư, bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4. Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào sáng thứ Tư đã kết thúc 6 tháng bế tắc chính trị tại Đức sau một cuộc bầu cử nhiều biến động. Trong cuộc bầu cử vào nửa năm trước, các cử tri Đức đã quay lưng với 2 đảng chính là đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel cùng đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), để bỏ phiếu cho các đảng cực đoan hơn.
Trong cuộc bỏ phiếu kín ở quốc hội, 364 trên 709 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ bà Merkel, nhiều hơn 9 phiếu so với con số 50% được yêu cầu để đắc cử. Cuộc bầu cử hồi tháng 9, 2017 đã đẩy nước Đức vào bế tắc khi đảng lớn nhất trong quốc hội - CDU - không thể tìm kiếm đảng đồng minh để thành lập chính phủ. Đàm phán rơi vào ngõ cụt khi SPD, đảng lớn thứ hai nước Đức, tuyên bố không liên minh với CDU. Tiếp đó, cuộc đàm phán giữa CDU với đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) cũng thất bại vì FDP bất ngờ rút lui. Thất bại này đẩy bà Merkel vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong 12 năm nắm quyền.
Nữ thủ tướng đứng trước nguy cơ phải điều hành chính phủ thiểu số hoặc mở cuộc bầu cử trước thời hạn vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, 2017, SPD đồng ý thương lượng với bà Merkel và đến giữa tháng 1 năm nay, hai bên đạt được thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức. Các vấn đề về người tị nạn, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, quan hệ với châu Âu, thuế, và ngân sách, là những chủ đề khó khăn trong các cuộc thảo luận.

Úc cấm chat Trung Quốc vì lo ngại an ninh
CANBERRA – Bộ Quốc Phòng Úc vừa ra lệnh cấm nhân viên sử dụng WeChat, chương trình nhắn tin và mạng xã hội hàng đầu của Trung Quốc, cho mục đích công việc. Lệnh cấm được đưa ra trước các lo ngại về an ninh và hoạt động gián điệp. Theo đó, mạng WeChat không cung cấp giải pháp mã hóa đầu cuối giữa người dùng, khiến dữ liệu có thể bị rò rỉ với bên thứ ba. Ngoài ra, tất cả nội dung trao đổi trên WeChat đều được lưu trữ trên máy chủ ở Trung Quốc.
Trong báo cáo của tổ chức Amnesty International về khả năng bảo vệ quyền riêng tư của các chương trình nhắn tin thông dụng toàn cầu, WeChat được chấm 0/100 điểm. Không riêng gì Úc, Bộ Quốc Phòng Ấn Độ hồi tháng 12, 2017 cũng đưa ra danh sách hơn 40 chương trình điện thoại (app) do Trung Quốc phát triển, để yêu cầu các nhân viên an ninh tháo ra khỏi điện thoại. Trong đó, WeChat được coi là "chương trình gián điệp" (spyware).
Tháng 5, 2017, Nga cũng chặn WeChat với lý do vi phạm quy định về việc một hãng công nghệ nước ngoài lại lưu trữ dữ liệu của người dùng Nga tại máy chủ nằm ngoài lãnh thổ Nga. Trong khi đó, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ cũng khuyến cáo nguy cơ gián điệp khi nhân viên sử dụng điện thoại của Huawei và ZTE, hai công ty được cho là có sự bảo trợ của BắcKinh. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đề nghị dự luật cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của Huawei và ZTE.

Djibouti sẽ tiếp tục quản lý cảng chiến lược Doraleh
DJIBOUTI – Cảng container của Djibouti sẽ vẫn thuộc quyền quản lý của chính phủ, theo một viên chức nước này cho biết hôm thứ Tư, nhằm trấn an Hoa Kỳ và thế giới rằng, cảng biển quan trọng này sẽ không bị nhượng lại cho Trung Quốc. Cảng container Doraleh là một tài sản quan trọng của Djibouti, quốc gia nhỏ bé nằm bên bờ Hồng Hải, có vị trí chiến lược đối với các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Pháp. Tất cả các nước này hiện đều có căn cứ quân sự tại Djibouti.
Vào tháng trước, Djibouti đã kết thúc hợp đồng quản lý cảng với hãng DP World của Dubai, với lý do không thể giải quyết các tranh chấp để thực hiện thêm 1 hợp đồng 6 năm nữa. Việc hủy hợp đồng ngay lập tức dẫn đến một cuộc cạnh tranh ngoại giao tại Djibouti, và gây ra mối lo ngại rằng, một số quốc gia có thể dùng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng. Chánh Thanh Tra Issa Sultan của chính phủ Djibouti, người giám sát cơ sở hạ tầng nội địa, cho biết cảng Doraleh sẽ vẫn nằm trong tay quốc gia, trong lúc chính phủ của Tổng Thống Ismail Guelleh tìm nhà đầu tư mới.
Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, ông Sultan khẳng định, chính phủ không có ý chọn Trung Quốc, và cũng không có kế hoạch bí mật nào cho cảng Doraleh. Hải cảng này hiện đang được quản lý 100% bởi Djibouti. Một tướng lãnh hàng đầu của Hoa Kỳ tại châu Phi vào tuần trước khuyến cáo, quân đội Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát cảng Doraleh. Một số nhà lập pháp cũng cho biết, họ đã được xem các báo cáo nói rằng, Djibouti lấy lại cảng Doraleh nhằm dùng hải cảng này như một món quà tặng cho Trung Quốc.

Quân đội Syria tiến vào Đông Ghouta
DAMACUS – Xe tăng của quân đội Syria đã tiến vào thị trấn Hammouriyeh ở đông Ghouta vào hôm thứ Tư, sau nhiều ngày tấn công bằng đạn pháo. Chính phủ Syria đang cố dành lại đông Ghouta – lãnh thổ lớn cuối cùng còn bị phe nổi dậy chiếm giữ ở gần thủ đô Damacus. Cuộc tấn công Đông Ghouta đã trở thành chiến dịch đẫm máu nhất trong suốt cuộc nội chiến, và phe nổi dậy đang đối mặt với thất bại nặng nề nhất, từ sau trận chiến ở Aleppo năm 2016. Một nhóm thường dân bị bệnh và bị thương đã rời đông Ghouta vào thứ Ba, trong đợt di tản y tế đầu tiên kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu. Một đoàn xe tải 25 chiếc, chở thực phẩm và thiết bị y tế, sẽ tiến vào thị trấn bị bao vây Douma vào ngày thứ Năm. Liên Hiệp Quốc nói 400,000 thường dân đang bị kẹt tại Đông Ghouta, và kêu gọi cho di tản khẩn cấp 1,000 người vì lý do y tế.

Phi Luật Tân rút khỏi tòa hình sự quốc tế
MANILA - Chính phủ Phi Luật Tân hôm thứ Tư tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ICC, do điều mà Tổng Thống Rodrigo Duterte gọi là “sự tấn công quá đáng của các viên chức Liên Hiệp Quốc, và sự vi phạm quy định của ICC.”
Quyết định này là một thay đổi đột ngột của ông Duterte, do vào tháng trước, vị tổng thống này vẫn còn thách thức ICC mở cuộc điều tra đối với các cáo buộc nhắm vào ông. Một luật sư tại Phi Luật Tân trước đó đã nộp đơn lên ICC, cáo buộc tổng thống và các viên chức cao cấp của Manila phạm tội ác chống nhân loại, khi thực hiện cuộc chiến chống ma túy trong nước.
Bản tuyên bố dài 15 trang của Manila, ghi ngày 13 tháng 3, chưa được ký bởi ông Duterte, nói rằng việc Phi Luật Tân rút khỏi hiệp ước thành lập ICC, tức hiệp ước Rome Statue, sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Phát ngôn viên và cố vấn pháp lý của ông Duterte xác nhận thông tin này, đồng thời thêm rằng, cuộc điều tra của ICC là một âm mưu được thiết kế bởi các kẻ thù của tổng thống. Bản tuyên bố của ông Duterte nói, việc rút khỏi ICC là do những lời chỉ trích quá đáng và vô căn cứ của viên chức Liên Hiệp Quốc, và ý định xét xử của các công tố viên ICC là vi phạm pháp luật.
Ông Duterte khẳng định, cuộc chiến chống ma túy của ông không phải là diệt chủng và cũng không phải là tội ác chiến tranh. Tổng Thống Phi Luật Tân ban đầu đã thách thức ICC kết tội ông, và nói ông sẵn sàng chịu cảnh giam cầm vì người dân của mình. Tuy nhiên, gần đây, ông Duterte lại đổi giọng, nói rằng lực lượng an ninh sẽ không hợp tác với mọi cuộc điều tra của quốc tế, và cho rằng tòa án ICC không có quyền lực pháp lý.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công quân đội Syria
ALEPPO – Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang trở nên căng thẳng vào ngày thứ Tư, sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tấn công một thị trấn do chính phủ Syria quản lý, với phần lớn cư dân là người Shiite, cùng một trạm kiểm soát quân sự trên vùng nông thôn phía bắc tỉnh Aleppo, trong chiến dịch tấn công mở rộng trong không phận Syria. Truyền thông địa phương cho biết, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích thị trấn Nubl, khiến ít nhất 3 thường dân thiệt mạng. Các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tấn công trạm kiểm soát Al-Harash, nằm giữa khu vực do Damacus kiểm soát và khu vực do người Kurd kiểm soát, khiến 8 binh sĩ Syria thiệt mạng.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ không kích thị trấn Nubl và trạm Al-Harash là một hành động gây hấn với chính phủ Syria, do 2 địa điểm này nằm rất xa khu vực do người Kurd kiểm soát. Hành động này của Ankara được cho là nhằm đáp trả việc chính phủ Damacus gởi quân hỗ trợ lực lượng người Kurd YPG tại tỉnh Afrin, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một chi nhánh của phe ly khai trong nước.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT