Pháp Luật

Phán Quyết Ly Dị: “Status Only” là gì?

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông Wednesday, 06/06/2012 - 09:44:08

Nếu chờ đợi để giải quyết toàn bộ vấn đề sẽ tốn rất nhiều thời gian, nên đôi bên có thể xin tòa tách riêng việc giải quyết những vấn đề (bifurcation of issues for separate trial) và xin một phán quyết ly dị sớm ("status only").

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông

Trong một số những trường hợp ly dị tại tiểu bang California, tòa án sẽ cho đôi bên có quyền xin phán quyết "status only." Như vậy, “status only judgment” là gì, và cần những điều kiện như thế nào?
Nhiều người có quan niệm là nếu tôi ly dị không tranh chấp, thì có thể xin ly dị theo "status only". Điều là hoàn toàn không đúng. Phán quyết "status only" là một phán quyết ly dị dùng để kết thúc cuộc hôn nhân và hoàn trả đôi bên về tư thế độc thân, trong khi những vấn đề tranh chấp về tài sản, trách nhiệm, giữ con sẽ được giải quyết sau. Mặt khác, khi ly dị không tranh chấp, thì sẽ tiến hành thủ tục ly dị theo hợp đồng thỏa thuận phân chia tài sản (marital settlement agreement), hay là nếu đối phương không trả lời đơn ly dị, thì có thể tiến hành thủ tục default.

Khi nào thì tôi nên xin phán quyết "status only"?
Nếu trong trường hợp một hay hai người đều muốn lập gia đình với người khác, nhưng trường hợp ly dị phức tạp hay rắc rối vì có tranh chấp về quyền lợi, tài sản, con cái hay cấp dưỡng. Nếu chờ đợi để giải quyết toàn bộ vấn đề sẽ tốn rất nhiều thời gian, nên đôi bên có thể xin tòa tách riêng việc giải quyết những vấn đề (bifurcation of issues for separate trial) và xin một phán quyết ly dị sớm ("status only").

Ai có quyền xin bifurcation of issues?
Mỗi bên đều có quyền nộp đơn xin birfucation nếu cần thiết. Người xin đơn chỉ cần nêu ra lý do cần thiết để xin thủ tục "status only". Thí dụ: việc hôn nhân không thể hàn gắn, nên điều tốt nhất cho hai bên là ly dị để tránh thêm những tổn thương và giúp cho đôi bên sớm có thời gian hồi phục. Nếu bên kia muốn chống lại việc xin bifurcation, đối phương phải nêu được lý do chính đáng về việc nếu tòa cho phán quyết "status only" sẽ đem đến những thiệt hại cụ thể. Ngoài ra, đôi bên có quyền thoả thuận về bifurcation. Nếu cả hai đều đồng ý, tòa án sẽ chấp thuận cho bifurcation. Trong những trường hợp cần thiết, chính tòa án sẽ cho bifurcation.
Ngoài việc xin bifurcation để có một phán quyết ly dị sớm (status only) như đã trình bầy ở trên, sau đây là những trường hợp khác mà bạn có thể xin bifurcation of issues:
- Khi hai vợ chồng có nhiều tài sản chung, và trước khi lấy nhau có ký kết hợp đồng prenuptial agreement. Nay người chồng hay vợ có thể chống lại những điều khoản đó, hay cho là prenuptial agreement vô hiệu lực. Vì thế, quan tòa sẽ phải có phiên xử trước, chỉ quyết định là prenuptial agreement có hiệu lực hay không. Sau khi có phán quyết này thì sẽ giúp cho đôi bên dễ thoả thuận về phân chia tài sản.
- Khi hai vợ chồng sau khi lấy nhau có làm postnuptial agreement để hoán chuyển những tài sản riêng thành tài sản chung, hay tài sản chung thành tài sản riêng. Nay khi ly dị, người vợ hay chồng có thể không công nhận là postnuptial agreement có hiệu lực.
- Khi hai vợ chồng có cơ sở làm ăn (community business), và bất đồng ý kiến về giá trị hiện hữu hay tài sản của cơ sở. Tòa án có thể xét xử về giá trị, và điều này có thể giúp cho đôi bên đi đến một thoả thuận phân chia tài sản, mà không cần một phiên tòa sau này.
- Khi ngày tháng ly thân (date of separation) không rõ rệt. Vì hai bên bất đồng ý kiến về ngày ly thân, điều này sẽ tạo ra khó khăn để phân định rõ rệt những tài sản chung và tài sản riêng. Thí dụ: Chồng ly thân với vợ 01-01-11, và sau đó mua một căn nhà khác vào tháng 2 năm 2011 bằng tiền lương của mình. Vợ thì khẳng định là ngày ly thân là 01-01-12, vì hai người vẫn qua lại, sống chung và có còn quan hệ vợ chồng cho đến đầu năm 2012. Vì thế, căn nhà mua tháng 2 năm 2011 có thể là tài sản riêng của chồng, nhưng cũng có thể là tài sản chung nếu hai người thật sự ly thân vào năm 2012.
- Khi người vợ hay chồng có cơ sở làm ăn riêng, nhưng người phối ngẫu có góp phần làm cho cơ sở thêm phồn vinh và giá trị. Vì thế, cần phải có sự định đoạt về giá trị tăng thêm của tài sản.
- Những giá trị hiện hữu của những tài sản sẽ được định giá vào thời điểm này.

Sau khi có phán quyết ly dị (status only), điều gì sẽ xẩy ra?
- Khi có phán quyết ly dị (status only), phán quyết này vẫn bị lệ thuộc vào một số điều luật gia đình nhằm để bảo vệ quyền lợi của người phối ngẫu. Ngay cả khi người có phán quyết ly dị (status only) mất đi, những điều lệ này vẫn được áp dụng trên di sản của người quá cố để chia phần cho người phối ngẫu.
- Những trách nhiệm về thuế má sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu người phối ngẫu phải trả tiền thuế do sự ly dị (status only) tạo ra.
- Cho dù có phán quyết ly dị (status only), bạn vẫn phải duy trì bảo hiểm sức khoẻ cho người phối ngẫu và con cái cho đến khi nào có phán quyết cho tất cả những vấn đề tranh chấp còn lại.
- Bạn sẽ phải đền bù cho người phối ngẫu cho những sự thiệt hại về mất đi quyền lợi của probate homestead, nếu có.
- Nếu vì sự xin bifurcated dissolution judgment làm cho người phối ngẫu mất đi những quyền lợi về quỹ hưu trí, bạn phải đền bù cho những thiệt hại này, nếu có.
- Bạn sẽ phải đền bù cho người phối ngẫu cho những sự thiệt hại về mất đi quyền lợi của quyền lợi An Sinh Xã Hội (social security benefits), nếu có.
- Sau khi có phán quyết ly dị (status only), hồ sơ ly dị gồm những vấn đề còn lại nếu không có tiến triển (lack of prosecution) cũng sẽ không bị tòa huỷ bỏ trong thời gian 5 năm.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề ly dị, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA 92683.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT