Chuyện Nước Pháp

Phản ứng của các liên đoàn lao động về đạo luật làm việc mới

Wednesday, 06/07/2016 - 08:15:16

Những cuộc biểu tình và nhất là làm reo trong ngành giao thông vận tải (xe buýt, xe lửa; các hãng sản xuất dầu xăng chạy máy...) kể cả những sinh viên học sinh dù còn trẻ tuổi cũng tham gia ào ạt đã làm khó dễ cho sinh hoạt thường ngày của dân chúng.


Biểu tình lớn lao hàng trăm ngàn người chống đối chính phủ và chủ nhân đồng lõa làm luật mới

Trong khung cảnh giải túc cầu Châu Âu đang diễn ra được hơn một nửa quãng thời gian ấn định, những cuộc biểu tình rầm rộ hàng trăm ngàn người tham dự chống lại bộ luật nói trên còn tiếp diễn dài dài ở Paris (luật El Komri, bộ trưởng bộ lao động). Từ khi đạo luật làm việc đã sửa đổi thêm lần nữa được đưa ra công chúng, sự phản đối rầm rộ nổi dậy gây nhiều xáo trộn khắp nơi trên toàn nước. Tổ chức đoàn thể mạnh nhất dẫn đầu cuộc chống đối là tổng liên đoàn lao động (la CGT : confédération générale du travail) Pháp thành lập ngày 23 tháng 9 năm 1895 ở tỉnh Limoges. Năm 1946, liên đoàn này đã từng ủng hộ Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ thực dân bằng cách bầu cử hợp lệ.

Trong tờ Công Báo chính thức (Journal officiel), có 5 đoàn thể đại diện những người lao động tay chân và trí tuệ trong đủ thứ ngành nghề toàn quốc. Đó là TLĐLĐ (CGT nói trên, mạnh nhất nước), CFDT(confédération francaise démocratique du travail, lao động dân chủ) mạnh hạng nhì; lực lượng thợ thuyền (FO : force ouvrière), CFE-CGC (lao động cấp cao, encadrement et cadres) và CFTC (người lao động theo đạo Chúa); tất cả tùy thuộc vào tổ chức Liên Đoàn Âu Châu Bảo Vệ Lao Động (CES : confédération européenne des syndicats, tiếng Anh là ETUC, European Trade Union Confederation). Vai trò của những liên đoàn này rất quan trọng trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi của những người đi làm đối với chủ nhân. Cấp lãnh đạo được chọn lựa qua bầu cử với thời gian tại chức là 4 năm. Riêng cơ quan CES gồm có 89 tổ chức do 39 nước thuộc Âu Châu kể cả 10 liên đoàn bảo vệ tổng quát với con số hơn 60 triệu thành viên, tổng thư ký là ông Luca Visentini người gốc Ý Đại Lợi.

Đạo luật về việc làm tại Pháp tiến bộ từ khá lâu do phe tả cầm đầu thời Tổng Thống Francois Miterrand khi cho phép dân chúng làm việc chỉ còn có 35 giờ hàng tuần thay vì 40 giờ trở lên. Bộ luật này đã giúp cơ hội hợp lý tạo ra thêm hơn 500.000 việc làm mới lúc nó vừa ra đời dù đã bị chống đối dữ dội bởi phe hữu và lớp chủ nhân ông. Trong vòng 16 năm, cho đến nay, thực tế đã chứng tỏ hiệu quả của tuần lễ 35 giờ làm việc. Vì thế, đạo luật mới mang tên bà Bộ Trưởng bộ lao động El Komri vừa được trình làng với nhiều sự thay đổi trong Luật Làm Việc (Code du Travail, 1 quyển cẩm nang dầy cộm ghi chép tất cả luật lệ liên quan đến công ăn việc làm của toàn thể dân chúng Pháp không tính đến tư hay công ra đời năm 1910) gây nên nhiều sóng gió phản đối từ các công nhân viên.

Những cuộc biểu tình và nhất là làm reo trong ngành giao thông vận tải (xe buýt, xe lửa; các hãng sản xuất dầu xăng chạy máy...) kể cả những sinh viên học sinh dù còn trẻ tuổi cũng tham gia ào ạt đã làm khó dễ cho sinh hoạt thường ngày của dân chúng.

Tổng quát, đạo luật mới muốn thay đổi một cách nhẹ nhàng những điều luật khắt khe trong quyển cẩm nang nói trên qua những cho phép bàn cãi, điều đình chung cho mọi người về thời gian làm việc. Có nghĩa là tuần lễ 35 giờ vẫn còn được ấn định như nguyên tắc đã chọn nhưng người làm công có thể đòi hỏi làm dài hơn hoặc biết được mối liên hệ đến sự sa thải tiết kiệm hay đồng ý về cách thức y khoa kiểm tra sức khỏe.

Theo đúng nhiều nguyên tắc cơ bản - chống lại sự áp đặt (thường khi là bóc lột) của giới chủ nhân cũng biết thành lập liên hội để tự bảo vệ (patronnat), tạo nên sự đoàn kết thợ thuyền cho người làm việc lẻ loi hay tính tình yếu kém về tâm lý, tổ chức sinh hoạt tốt đẹp cho gia đình họ, lập quỹ hưu bổng, đảm bảo quỹ bảo hiểm sức khỏe, biết hết những quyền lợi của người đi làm... – các liên đoàn lao động đã họp nhau lại và muốn chính phủ phải thu hồi lại đạo luật nói trên. Họ là những vị đại diện chính thức được luật pháp công nhận nên rất mạnh dạn đi đầu trong “sóng gió” phản đối quyền lực nhà nước. Người Mỹ hay chê bai dân Tây cứ làm reo tối ngày, người Việt chúng ta thì biết “xuống đường” cũng nhờ sự dạy dỗ của thực dân quật ngược lại họ!
Dân làm việc xứ Tây có đến khoảng 700 loại thỏa ước tập thể (conventions collectives, hợp đồng làm việc gồm ngày tháng bắt đầu làm công việc gì và trả lương ra sao) áp dụng cho nhóm nhân công và người chủ hãng. Ngoài ra còn có những ký kết linh tinh về sự học hỏi thêm (huấn nghiệp), ngày nghỉ hè, điều kiện làm việc tốt hơn, chỉ số lương tăng thêm.

Các liên đoàn lao động thường được tham vấn bởi nhà nước trước khi những đạo luật mới ra đời kể từ năm 2007 trở đi, nhưng dần dần chính phủ lơ là điều này để tự động làm mưa làm gió nên hiện giờ dân chúng chống đối quyết liệt hơn. Gần đây nhất là khi các hãng xăng bị cạn túi dầu không có xe hàng cung cấp thêm (họ bãi công) làm người đi xe hơi sắp hàng ở cây xăng đông nghẹt! Ngày đó tôi cũng phải làm đuôi và chỉ được phép đổ tối đa 20 lít xăng mà thôi. May thay, độ mấy ngày sau thì tình hình trở lại bình thường. Trẻ em đi học xa lấy xe buýt cũng khốn đốn như dân đi làm ngóng cổ chờ xe điện ngầm không tới bến hôm đó!

Chính phủ khôn khéo đã áp dụng luật (số 49-3 của Hiến Pháp) để không hỏi han gì đến ý kiến của dân lao động thế nào cũng chống đối mà vẫn tiếp tục thay đổi cách làm việc. Đó là luật kéo dài tuổi về hưu, luật đóng thuế thêm cho khoảng tiền hưu bổng này đã được thông qua mà không liên đoàn lao động có thớ nào chống đối lại được. Vì vậy, thanh thế các hội lao động cũng đang xuống dốc không phanh!

Một trong những ấn định thay đổi cách làm việc là tờ giấy lương hàng tháng sẽ chỉ còn là tờ giấy ảo (bulletin électronique, bản điện tử) gửi đến các nhân viên. Ai phản đối sẽ được tờ giấy thật làm từ cây gỗ. Ngoài ra lớp trẻ từ 18 đến 25 chưa có việc làm sẽ được giúp đỡ tất cả cho đến khi có việc thực thụ (trước đây lớp trẻ này bị lựa chọn theo chỉ tiêu).

Thông thường, dù có bị biểu tình rầm rộ chống đối nhưng “đâu sẽ vào đấy” như câu nói bình dân xứ ta. Các đạo luật mới mẻ được duyệt xét năm ba lần qua quốc hội rồi sẽ được bầu phiếu thuận hay chống và ghi vào Công Báo Chính Thức là xong chuyện.

Ntnd

.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT