Đạo và Đời

Phản Ứng Của Thính Giả

Thursday, 05/02/2015 - 12:52:55

Thánh sử Máccô không nói cụ thể Chúa Giêsu giảng dạy điều gì, nhưng chắc chắn Ngài giảng dạy những giáo lý mới và kêu gọi người ta sám hối và tin vào Tin Mừng.

Bài LM TRỊNH NGỌC DANH

Nghe một buổi diễn thuyết, có thính giả thì trầm trồ khen ngợi, có thính giả nghe nhưng bàng quang, có thính giả nghe nhưng chống đối. Khen chê, chống đối hay dửng dưng là tùy thuộc vào sự tiếp nhận của thính giả. Tại sao có người khen ngợi lại có người chê? Tại sao có người hưởng ứng lại có người chống đối? Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy phản ứng của hai hạng thính giả: khen và chống đối.
Chúa Giêsu và các môn đệ vào thành Caphanaum. Đúng vào ngày Sabát, Ngài vào hội đường giảng dạy. Nghe Ngài giảng dạy, thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Thánh sử Máccô không nói cụ thể Chúa Giêsu giảng dạy điều gì, nhưng chắc chắn Ngài giảng dạy những giáo lý mới và kêu gọi người ta sám hối và tin vào Tin Mừng.
Thiên hạ trầm trồ khen ngợi, vì những gì Chúa Giêsu giảng dạy phù hợp với niềm tin và lòng khát vọng của họ. Họ là những người khiêm tốn, chân thật muốn được nghe những giáo lý mới.
Lời giảng dạy của Chúa Giêsu đánh động được người nghe, vì những gì Ngài nói ra phát xuất từ đáy lòng Ngài. Lời nói của Ngài đi đôi với hành động của Ngài. Ngài đã sống điều Ngài nói. Thính giả nhận ra nơi lời nói của Ngài khác với những gì họ nghe ở các kinh sư. Các kinh sư nói, nhưng không làm. Họ giảng dạy và chứng minh theo sách vở, theo những gì họ học được.
Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có quyền năng bởi vì Ngài giảng dạy và dẫn chứng bằng chính cuộc sống của mình. Ngài nói bằng chính tiếng nói riêng của mình, với quyền năng của bản thân Ngài. Ngài không dẫn chứng lời Ngài nói bằng những trích dẫn của người này người khác, nhưng phát xuất từ quyền năng của Ngài. Lời nói của những người có quyền lực, danh vọng, tiền tài có thể thu hút được nhiều người nghe, nhưng không chắc gì người ta thán phục và tin theo. Ít ai có thể thuyết phục lòng người bằng những quyền năng riêng của mình. Một người nghiện rượu, dù ông là người danh tiếng, có tài hùng biện và giàu sang thế nào cũng khó lòng kêu gọi người ta bỏ rượu!
Và giữa những thính giả trầm trồ khen ngợi, có một thính giả lên tiếng phản đối, đó là thần ô uế: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Chúng tôi chè chén say sưa, dâm đảng, tham ô móc ngoặc... thì can gì đến ông? Chúng tôi làm chủ cuộc sống của chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì thì làm tùy thích, chẳng ai ngăn cấm chúng tôi...”
Thần ô uế là người phản kháng đầu tiên. Có tật giật mình. Hắn chột dạ vì nghe những lời liên quan đến hắn. Những lời Chúa Giêsu giảng dạy như ám chỉ đến hắn nên hắn vội vã lên tiếng. Những người chống đối đầu tiên là những người cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, cảm thấy những gì Chúa Giêsu giảng dạy trái nghịch với sở thích và ước muốn của họ, nên họ chống đối, phản kháng. Đó là phản bác của Satan và ai đi theo con đường của Satan cũng sẽ phản bác lại giáo lý của Chúa Giêsu.
Tin Mừng của Chúa Giêsu đã được loan truyền hơn hai ngàn năm rồi, thế nhưng vẫn còn có những người phản bác, không chấp nhận chân lý và sự thật Ngài đã nêu ra. Vẫn còn có những người dùng lý trí, suy luận của con người để chống đối. Chúng ta vẫn cứ bắt ép tư tưởng của Thiên Chúa theo tư tưởng của chúng ta. Như thế khác nào Satan xưa kia đã không tuân phục thánh ý Thiên Chúa mà ép Thiên Chúa phải tuân phục ý riêng mình!
Rồi thần ô uế nói tiếp: “Tôi biết ông là ai rồi.” Cũng như chúng ta tin có một Đấng tối cao như thần ô uế đã xác nhận: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
Điều lạ là kẻ đối nghịch với Thiên Chúa lại là người tuyên xưng Chúa Giêsu là ai. Gậy ông đập lưng ông! Thế nhưng Chúa Giêsu đã mạnh mẽ ngăn cấm: “Câm đi!” Tại sao Ngài lại cấm hắn tiết lộ điều ấy? Vì thời gian chưa đến lúc. Đối với Chúa Giêsu, để cho người ta công bố quá sớm Ngài là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa là khuyến khích sự tin tưởng sai lầm của dân chúng về Đấng Mêsia và gây tổn hại lớn cho việc biểu lộ tiệm tiến sứ vụ và thân thế đích thực của Ngài.
Rồi Ngài ra lệnh cho hắn xuất khỏi người bị hắn nhập: “Hãy xuất khỏi người này.” Thấy thế, mọi người đều kinh ngạc và bảo nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”
Lời Chúa là chân lý, là sự thật. Thế nhưng đón nhận lời Chúa thì cũng có nhiều thái độ. Có người nghe giảng, đọc Kinh Thánh và họ cảm thấy thán phục lời Chúa nói, vì họ có lòng tin và lòng mến nơi Thiên Chúa; có những người nghe rồi bỏ ngoài tai, đối với họ lời Chúa không đánh động được họ, hoặc trong tâm trí họ chưa có sự tin tưởng; cuối cùng, có những người nghe lời Chúa nhưng phân tích xét đoán theo nhận thức riêng của mình, họ vạch lá tìm sâu để phản bác,mổ xẻ, ngụy biện theo suy luận của họ.
Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp diễn. Điều quan trọng là chúng ta nghe theo tiếng nói của Thiên Chúa hay nghe theo tiếng gọi của ma quỷ. Ma qủy không hiện hình ra cho chúng ta thấy; nhưng nó chỉ nhập hay ám vào con người bằng nhiều hình thức. Có những thứ quỷ đi gieo rắc bất hòa, bất công; có những thứ quỷ xúi giục con người thỏa mãn những dục vọng; có những thứ quỷ xúi giục con người thỏa mãn tự do sống theo đam mê sở thích của mình; có những thứ quỷ xúi giục kiêu căng tự mãn, tự ái để chạy theo quyền lực và danh lợi.
Để kết thúc, xin kể một câu chuyện sau: Ở miền đồi núi West Virginia, có một người buôn ngựa ma mãnh. Ông luôn tìm những câu Kinh Thánh phù hợp để biện hộ cho cách buôn bán gian xảo tráo trở của ông.
Một lần kia, ông có một con ngựa bệnh. Ông cố bán tống bán tháo nó đi, nhưng vì mọi người trong vùng đều biết con ngựa ấy bị bệnh, nên chẳng ai thèm đá động tới. Thế rồi một hôm, có một người lạ từ xa tới. Và chẳng mấy chốc dân làng thấy người lạ ấy cưỡi con ngựa bệnh kia ra đi, trong khi ông buôn ngựa đứng nhìn tươi cười, hứng chí với xấp tiền trên tay.
Chuyện này làm cho bà vợ của ông buôn ngựa khó chịu: “Ông đã cam đoan với tôi là ông sẽ không bán con ngựa bệnh ấy cho bất cứ ai cơ mà!”
Chồng đáp: “Đúng vậy. Nhưng đây là một nhà giảng thuyết lỡ đường đi qua, và tôi đành bấm bụng nhường nó lại cho ông ta.”
Vợ: “Thế à! Một tu sĩ à!”
Chồng: “Đúng như lời Thánh Kinh đã nói: người là khách lạ và tôi đã tiếp rước.”
Cách hành xử của ông buôn ngựa khác nào câu nói của thần ô uế: “Chuyện của chúng tôi liên quan gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”
Hãy là những thính giả nghe lời Chúa, lời giáo huấn của Giáo hội bằng một tâm tình tin tưởng, khiêm tốn để Chúa Thánh Thần hành dộng, bằng cầu nguyện để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa. Hãy tỉnh táo để cho lời Chúa đánh động tâm hồn chúng ta.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT