Người Việt Khắp Nơi

PHÁP HỘI DI ĐÀ 2018: Mạn Đà La Đàn tràng Đại Bi Quán Âm qua lăng kính Bát Nhã Tâm Kinh

Friday, 29/06/2018 - 10:59:11

Hy vọng rằng sự tu tập Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm này sẽ giúp chúng ta mở tâm và thường xuyên thực hành để làm sao nhìn xuyên qua mạng lưới của NGŨ UẨN ( tức NGŨ ẤM) lúc nào cũng trùm phủ chính mình.

Bài ghi theo lời giảng trong Dharma Expresso của Thầy Hằng Trường

Hằng năm, Hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức Pháp Hội Di Đà nhằm cống hiến cho cộng đồng người Việt một nơi tụ hội, tu tập trong an lạc, hiền hòa. Năm nay, Pháp Hội Di Đà sẽ được tổ chức vào ba ngày 7, 8 và 9 tháng 9 năm 2018 tại Anaheim Convention Center. Chương trình đặc biệt kỷ niệm 10 năm Pháp Hội Di Đà, gồm có lạy sám và thuyết pháp theo các chủ đề chuyên tu mỗi ngày: Thứ sáu, vận dụng lòng thành kính với Quán Thế Âm Bồ Tát tạo ra an bình nội tại. Thứ bảy, cảm kích và đem an lạc vào trong gia đình và cộng đồng. Chủ Nhật, Cúng Dường Trai Tăng và Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm, đem an vui hạnh phúc tới muôn loài.

Đàn tràng Mandala những năm trước đã có các tên là Đàn tràng Di Đà, Đàn tràng Vô Lượng Quang Minh hay Mạn Đà La Viên Dung, tuỳ theo sự diệu dụng của mỗi năm. Mạn Đà La 2017 & năm nay mang tên Đại Bi Quán Âm vì trong Đàn tràng này đức Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ ở giữa Mạn Đà La làm Pháp chủ để chúng ta thấy rằng trọng điểm trong mỗi con người chúng ta là lòng Đại từ, Đại bi.

Khi hành lễ, đèn chung quanh sẽ tắt đi, tượng Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát hay Quán Tự Tại Bồ Tát ở giữa thì vẫn để sáng rực. Hào quang từ trong tượng tỏa chiếu ra sẽ làm cho chúng ta cảm thấy rằng tuy mình ở trong bóng tối nhưng tâm Đại từ, Đại bi của mình luôn luôn tỏa sáng. Tâm Đại từ, Đại bi cũng là Đại trí, Đại lực, cũng là tâm thức giải thoát hoàn toàn, và cũng là trí huệ Bát Nhã chiếu soi.


Lễ Sái Tịnh Đàn Tràng Mandala   


Ý nghĩa của đồ hình Mandala

Tất cả những đặc tính đó đều nằm trong hình tượng Đại Bi Quán Âm Bồ tát hay Quán Tự Tại Bồ tát.
Đây là một dấu ấn đặc biệt vì nguồn triết lý để giải thích Mạn Đà La nằm ở trong hai bộ kinh Bát Nhã và Hoa Nghiêm. Bộ kinh Bát Nhã gồm có 600 cuốn, được ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajava) viết lại thành một bài văn rất ngắn chỉ có 260 chữ, gọi là Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh được phổ biến là nhờ ngài Huyền Trang đã đưa ra cho tất cả chúng sanh thời Đường xử dụng, nhất là các vị vua. Họ thường xử dụng Bát Nhã Tâm Kinh hằng ngày và nhờ đó tâm kinh được phổ biến rộng rãi. Sáu trăm cuốn Bát Nhã trở thành 260 chữ, một sự biến hóa thu gọn độc đáo của chư Tổ thời xưa.

Bây giờ trong thời đại mới, chúng ta có thể thu gọn 260 chữ đó vào trong một đồ hình gọi là Đàn tràng Đại Bi Quán Âm. Đàn tràng này dựa hẳn vào tinh thần của câu “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” trong Bát Nhã Tâm Kinh, tức là nhìn xuyên qua năm ấm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức để thấy được chân tâm của mình tức là chơn không. Điều này nói lên rằng: chân tâm bản tánh là không, siêu việt trên tất cả, đúng và sai, tốt và xấu, đen và trắng, có và không. Đó là triết lý gói ghém trong đồ hình Mandala, bằng cách chúng ta để đức Quán Âm Bồ tát ở giữa phóng hào quang, xung quanh có năm hình vuông năm màu lồng vào nhau tượng trưng cho Sắc, Thọ, Tưởng, Hành Thức, là năm tầng che mất ánh sáng.


Chúng ta sẽ tắt đèn ở trong Mạn Đà La, chỉ để có tượng Quán Âm Bồ Tát tỏa sáng, tượng trưng cho chân tâm lúc nào cũng tỏa sáng, và bóng tối tạo ra bằng ngũ ấm thì tối đen.

Khi nhìn xuyên qua bóng tối, và thấy được tượng Quán Thế Âm Bồ tát, tức là chúng ta nhìn xuyên qua ngũ ấm và thấy được bản tánh chân không. Đó là biểu tượng “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Đàn tràng Đại Bi Quán Âm đem trí huệ của 600 cuốn Đại Bát Nhã hay là 260 chữ của Bát Nhã Tâm Kinh, tóm thu lại trong hình vẽ 3 chiều.

Trong cuộc sống bận rộn chúng ta bị giăng mắc trong nhiều mạng lưới: mạng lưới của thân xác, cảm xúc của bệnh hoạn, của đau khổ thân xác (SẮC); mạng lưới tình cảm, những chuyện rối rắm từ ghen ghét, đố kỵ, vui buồn (THỌ), giăng bủa như một màng nhện che mờ; cho đến mạng lưới tư tưởng, quan niệm này, quan niệm nọ, ý tưởng này, ý thức kia (TƯỞNG) bao trùm lại làm cho mình không biết con đường nào để vượt thoát lên. Cho đến mạng lưới của thói quen (HÀNH). Hành ấm trong bối cảnh lớn thì gọi là văn hoá, hành tạo thành văn hóa mà chúng ta đang sống, một mạng lưới rất là chằng chịt, nghĩa là chúng ta ở trong văn hóa nào thì mình kẹt trong văn hoá đó, mình không thể nào vượt thoát khỏi văn hóa của chính mình được; và cuối cùng là sự nhận tri, nhận biết (THỨC), bản chất cấu trúc của thân thể, của sự hiện hữu của mình, nó giam nhốt mình vào trong một mạng lưới vô hình. Nếu chúng ta có thể nhìn xuyên qua được tất cả để thấy được bản tánh chân tâm bất nhị, thì đó chính là thông điệp của Đàn tràng Đại Bi Quán Âm, thông điệp gói ghém 260 chữ của Bát Nhã Tâm Kinh, và phải cần có 600 cuốn Đại Bát Nhã mới giải thích được.

Hy vọng rằng sự tu tập Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm này sẽ giúp chúng ta mở tâm và thường xuyên thực hành để làm sao nhìn xuyên qua mạng lưới của NGŨ UẨN ( tức NGŨ ẤM) lúc nào cũng trùm phủ chính mình.

Đồng thời chúng ta hãy hiểu rằng sự giải thoát, nhận tri tất cả các mạng lưới của ngũ uẩn và vượt thoát chúng, đó chính là trọng tâm, thông điệp quan trọng nhất của Bát Nhã: Nhìn Xuyên Vạn Sự.

Xin mời quý vị tham dự PHÁP HỘI DI ĐÀ 2018 được long trọng tổ chức tại Anaheim Convention Center vào 3 ngày 7, 8, 9 tháng 9-2018, hoặc vào trang nhà www.phaphoidida.com để xem thêm hình ảnh và video của MANDALA, đồng thời đọc thêm về triết lý của MANDALA, một công trình mới của Phật giáo thế kỷ 21 do nguời Việt Nam thiết lập và khai triển trong 10 năm nay ngay tại Quận Cam California.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT