Đạo và Đời

Pháp Tu Mạn Đà La, Đàn Tràng Đại Bi Quán Âm

Friday, 07/09/2018 - 07:48:42

Thật ra, đàn tràng Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm do Thầy Hằng Trường, một tăng sĩ Việt Nam cư ngụ tại vùng Nam California kiến tạo dựa trên nền tảng triết lý Kinh Bát Nhã và Kinh Hoa Nghiêm. Hội Từ Bi Phụng Sự đã thực hiện pháp tu Mạn Đà La trong Pháp Hội Di Đà từ năm 2010 tới nay.

Bài THÂN XUYÊN

Hằng năm, Hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức Pháp Hội Di Đà nhằm đem đến cho cộng đồng người Việt có nơi tụ hội, tu tập và có những giây phút an lạc, hướng đến tha nhân. Năm nay, Pháp Hội Di Đà sẽ được tổ chức vào các ngày 7, 8 và 9 tháng 9 năm 2018 tại Anaheim Convention Center. Chương trình đặc biệt đánh dấu kỷ niệm 10 năm Pháp Hội Di Đà, gồm có các chủ đề; an bình trong tâm, an lạc cho gia đình và cộng đồng, an vui đến muôn loài.

Cốt lõi của Pháp Hội Di Đà 2018 là Đàn Tràng Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm. Câu hỏi thường được đặt ra là Mạn Đà La là gì và có màu sắc mê tín không?

Thông thường, khi nhắc đến 3 chữ Mạn Đà La, chúng ta thường hay nghĩ đến Mạn Đà La làm bằng cát có nhiều màu sắc do các vị Lạt Ma Phật Giáo Tây Tạng thiết kế với sự chuyên chú cực điểm. Do vậy, khi nghe đến Pháp Hội Di Đà và Mạn Đà La thì có nhiều người cho rằng đây là một hình thức của Phật giáo Tây Tạng, hay nghĩ rằng đây là ngoại đạo vì Đức Phật chưa từng giảng thuyết về Mạn Đà La.

Thật ra, đàn tràng Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm do Thầy Hằng Trường, một tăng sĩ Việt Nam cư ngụ tại vùng Nam California kiến tạo dựa trên nền tảng triết lý Kinh Bát Nhã và Kinh Hoa Nghiêm. Hội Từ Bi Phụng Sự đã thực hiện pháp tu Mạn Đà La trong Pháp Hội Di Đà từ năm 2010 tới nay.

Đàn tràng là chỗ để tác pháp, cầu nguyện, tu hành, cung phụng, thiền định. Nói rộng hơn, đàn tràng chính là chỗ chư Phật chư Bồ Tát tụ hội, để chúng sinh tu tập. Đàn tràng Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm là một phương thức tu hành tập thể. Trong Đàn tràng này đức Quán Thế Âm Bồ Tát (còn có tên là Quán Tự Tại Bồ Tát) sẽ ở giữa Mạn Đà La làm vị Pháp chủ để chúng ta thấy rằng trung tâm quan trọng nhất trong con người chúng ta là lòng Đại từ, Đại bi. Hào quang từ trong tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tỏa chiếu ra sẽ làm cho chúng ta cảm thấy rằng tuy mình ở trong bóng tối nhưng tâm Đại từ, Đại bi của mình luôn luôn tỏa sáng. Tâm Đại từ, Đại bi cũng là Đại trí, Đại lực, cũng là tâm thức giải thoát hoàn toàn, và cũng là trí huệ Bát Nhã chiếu soi.

Đàn tràng Đại Bi Quán Âm đem trí huệ Bát Nhã tóm thu lại trong hình vẽ 3 chiều. Mô hình Mạn Đà La gồm năm hình vuông với năm màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ uẩn, ở giữa là vòng tròn Giải Thoát trong đó có hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát biểu hiện cho Chân Tâm hay Phật tánh lúc nào cũng sẵn có trong ta. Vòng tròn lớn bên ngoài tượng trưng cho Phật tánh ở khắp tất cả mọi nơi hay còn gọi là Vòng Pháp Giới





Trong khi hành lễ, chúng ta sẽ tắt đèn ở trong Mạn Đà La, chỉ để có tượng Quán Âm Bồ Tát tỏa sáng, tượng trưng cho chân không tức chân tâm lúc nào cũng tỏa sáng, và bóng tối tạo ra bằng ngũ ấm thì tối đen. Khi nhìn xuyên qua bóng tối, và thấy được tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tức là chúng ta nhìn xuyên qua ngũ ấm và thấy được bản tánh chân tâm tỏa sáng. Nói lên biểu tượng “chiếu kiến ngũ uẩn giai không.”

Mục đích của Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm là giúp chúng ta nhìn xuyên qua Ngũ Uẩn, nhận tri và phát khởi quang minh bất sinh bất diệt có sẵn trong ta. Theo Tâm Kinh Bát Nhã, thì “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Qua câu trên, chúng ta hiểu nôm na rằng khi mình nhìn xuyên suốt qua năm hợp thể tạo ra con người thì mình không còn bị kẹt nữa. Do đó, mình được giải thoát, tự do tự tại. Năm hợp thể đó là: thân thể (Sắc), cảm xúc (Thọ), suy nghĩ (Tưởng), thói quen (Hành) và tâm thức (Thức). Chữ hợp thể ở đây dịch từ chữ Uẩn mà ra. Còn chữ Ngũ Ấm có nghĩa là năm lớp màn đen che đậy không cho ánh sáng chân tâm lan tỏa ra. Chân tâm bên trong bị bao bọc bởi năm lớp màn đen: sắc, thọ, tưởng, hành và thức nên mình cứ bị kẹt trong chuyện ăn, uống, ngủ, nghỉ, tham, ái, vui, buồn, thương, giận, v.v… không thể nào ra khỏi.

Khi chúng ta nhìn và hiểu Mạn Đà La chính là phàm thân của chúng ta do năm hợp thể tạo ra thì ta không còn nghi hoặc và cho là triết lý trừu tượng nữa. Chân tâm thì lúc nào ta cũng có sẵn, nhưng nó lại không có hình dạng và tướng mạo chi cả. Tuy nhiên chân tâm có bốn đặc tính chính là sự khai mở, tình thương, sự chuyên chú và tâm không chướng ngại.

Chúng ta có thể hiểu bốn đặc tính của ánh sáng chân tâm khi nó thể hiện trên thân ta qua bốn chữ Dễ:
Dễ thở tức là chính mình cởi mở và làm người chung quanh dễ thở. Dễ thương tức là tâm tánh hiền từ và quan hoài giúp đỡ những người chung quanh. Dễ thông nghĩa là khi ta thấu suốt mọi vấn đề do sự tập trung chuyên nhất tạo ra. Dễ dàng hay dễ chịu nghĩa là tâm không bị chướng ngại vì bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào. Thân ta chính là Mạn Đà La có năm lớp vỏ che đậy không cho bốn đặc tính “Dễ” biểu lộ một cách tự nhiên. Khi tu Mạn Đà La tức là chúng ta dùng biểu tượng của Mạn Đà La: nhìn xuyên qua năm lớp màn che, nhận tri ra bốn đặc tính sẵn có và áp dụng các đặc tính ấy vào năm phạm trù thân thể, cảm tình, suy nghĩ, thói quen và tâm thức.

Nói như vậy, hy vọng quý độc giả đã thấy được lợi ích khi đi dự Pháp Hội Di Đà và tu Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm. Ánh sáng chân tâm không còn huyền bí nữa mà là những đặc tính cụ thể trong cuộc sống mà ta nên nhẹ nhàng khơi dậy, tùy thời tùy chốn. Khi vào Đàn tràng Đại Bi Quán Âm, ta hướng vào vòng tròn giải thoát bên trong để nhắc nhở mình luôn hướng về nội tâm, nhận tri ánh sáng sẵn có của mình chứ không tìm lỗi người hay nhìn điểm xấu chung quanh. Sức mạnh cộng hưởng của hàng ngàn người cùng trì tụng trong Mạn Đà La giúp ta dễ dàng tập trung tâm ý, thư giãn thể xác và nhấc bổng tâm linh.

Ngoài ra, ý nghĩa và ứng dụng của Mạn Đà La không chỉ cô đọng qua triết lý Tâm Kinh Bát Nhã như đã trình bày ở trên mà còn thể hiện triết lý Kinh Hoa Nghiêm qua bốn khía cạnh của chữ Pháp giới. Đó là Sự Pháp Giới, Lý Pháp Giới, Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới và Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, chúng con không thể nào nói lên được hết các ứng dụng thực tiễn của Mạn Đà La. Kính ngưỡng mong và cung thỉnh Chư Tôn Thiền Đức cùng quý độc giả xa gần đến tham dự Pháp Hội Di Đà vào ngày 7, 8 và 9 tháng 9 năm nay để tự mình suy nghiệm và hiểu rõ ràng hơn về pháp tu Mạn Đà La này.


Hình chư vị xuất gia làm lễ thanh tịnh đàn tràng Mạn Đà La


Hình đại chúng nhập đàn tràng

Vài cảm tưởng của khách tham dự Pháp Hội Di Đà

- Cảm xúc mạnh mẽ và sâu đậm nhất trong buổi lễ Mạn Đà La có lẽ là lúc đọc tụng chú Vãng San. Càng chuyên chú, tâm thức càng lắng đọng, lời chú bây giờ vang ra từ miệng của hơn một ngàn bốn trăm người tạo thành ngôn ngữ siêu phàm. Sự thành tâm và chuyên chú của đại chúng tạo thành một từ trường mạnh mẽ kết hợp, chuyển đổi năng lượng cá thể thành năng lượng tập thể. Cảm giác mình là phàm tục giờ đây như thể được nối kết với sự cao cả, thánh thiện. Cảm tưởng mình bé nhỏ như một giọt nước biển lúc ban đầu, giờ đây là một phần của biển cả tình thương và trí huệ của chư Phật, Bồ Tát khắp mười phương. Có thể nói rằng Mạn Đà La tạo ra năng lượng nhiệm mầu nối kết mọi người trong đàn tràng với nhau trong một khoảng không gian huyền diệu, làm cho mọi tâm thức của đại chúng giao kết lại với nhau tạo thành một mạng lưới tâm thức của sự tự tại, vô ngại và giải thoát.
- Chuyến đi dự Pháp Hội Di Đà năm nay góp phần cải thiện con người phàm tục của chúng tôi, đem đến sự đổi mới trong tâm linh, đồng thời cho chúng tôi sự hiểu biết thực tiễn, sâu sắc hơn trên phương diện tu tập trong cuộc sống hiện tại, và dẫn đến một viễn kiến toàn diện, mới mẻ hơn về Phật giáo của kỷ nguyên mới.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT