Phóng Sự

Phật giáo với tuổi trẻ thanh thiếu niên gốc Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 1)

Sunday, 23/03/2014 - 11:00:39

Từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, Phật giáo đã tồn tại và gắn liền với lịch sử dân tộc, ngấm sâu vào tư duy và trở thành một phần của nền tảng văn hóa Việt Nam, là một Tôn Giáo có đủ hai yếu tố quan trọng: giữ vững được truyền thống dân tộc và có một triết lý khai phóng, có thể làm nền tảng vững chắc

Băng Huyền/Viễn Đông



Buổi lễ chào cờ là một trong những sinh hoạt hằng tuần của Gia Đình Phật Tử Liên Hoa, Quận Cam.
 
Gia đình Phật Tử (phần 1)

Từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, Phật giáo đã tồn tại và gắn liền với lịch sử dân tộc, ngấm sâu vào tư duy và trở thành một phần của nền tảng văn hóa Việt Nam, là một Tôn Giáo có đủ hai yếu tố quan trọng: giữ vững được truyền thống dân tộc và có một triết lý khai phóng, có thể làm nền tảng vững chắc cho cuộc sống mới, đã tồn tại theo lịch sử dân tộc trải qua bao thế kỷ thăng trầm.

Mục đích và nền tảng của đạo Phật là giáo dục chuyển hoá con người, đánh thức những nhân tố tích cực, khơi dậy những Phật tánh tiềm ẩn nơi con người.

Là một tổ chức Tổ Chức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo, lấy giáo lý đạo Phật làm căn bản, Gia Đình Phật Tử (GĐPT) vốn đã được hình thành từ trong nước, được thành lập vào năm 1943, qua các danh xưng như Đoàn Đồng Ấu Phật Tử, Phật Học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ, do một số thanh niên trí thức Miền Trung, dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, đã đề xướng ra Tổ Chức Giáo Dục Thanh Thiếu Niên theo tinh thần Phật Giáo, để xây dựng lý tưởng quốc gia và tinh thần đạo pháp, ý thức tinh thần Duy Tân Dân Tộc và khôi phục nền Văn Hóa Dân Tộc trước nguy cơ diệt vong của đất nước, nhằm chống lại nền văn hóa nô dịch, mất gốc, với mưu đồ phá tan tinh thần yêu nước, yêu quê hương giống nòi của Dân Tộc Việt Nam, dưới sự đô hộ của người Pháp.

Nhằm giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Phật tử theo đúng chánh pháp, có chương trình, có phương pháp và có tính sư phạm phù hợp với từng đối tượng đoàn sinh trong GĐPT Việt Nam Thống Nhất, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo. Gia đình Phật tử là môi trường đào tạo để thanh thiếu niên biết sống đúng với nghĩa căn bản của con người, giúp các Huynh trưởng hiểu các em mình, thương các em, biết hy sinh cho các em. Gia đình Phật tử là sợi dây liên lạc thắt chặt tình anh em giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước, giữa thanh niên với thiếu nhi, giúp cho tuổi trẻ hiểu rằng phải biết sống trong tình thân hữu, nâng đỡ dìu dắt hy sinh cho nhau. Về mặt xã hội GĐPT cũng có những đóng góp đáng kể và họ cũng xác lập được vị trí của GĐPT trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất qua nhiều giai đoạn lịch sử cho đến ngày nay.

Về phương diện pháp lý, Gia Đình Phật Tử không phải là một tổ chức hoàn toàn biệt lập với các tổ chức khác của Phật Giáo, mà là một tổ chức giáo dục nằm trong Tổng Vụ Thanh Niên của Viện Hóa Đạo. Có một lề lối tổ chức biệt lập. Có một phương pháp thuận lợi cho tuổi Thanh Thiếu Nhi. Có một kỷ cương truyền thống nội bộ mà không ai xâm phạm được. Tất cả những riêng biệt ấy nhằm thực hiện mục đích của Gia Đình Phật Tử, đó là: Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng Niên tin Phật thành Phật Tử chân chính. Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo, dân tộc Việt.

Gia Đình Phật Tử không chỉ là một Tổ Chức độc đáo của Phật Giáo Việt Nam, mà còn là một tổ chức duy nhất của Phật Giáo Thế Giới, hàng ngũ hóa được Thanh, Thiếu, Đồng Niên suốt hơn 60 năm qua, trong một hệ thống tổ chức có cương lĩnh, đường lối chính đáng, nhằm xây dựng đạo đức bản thân và khả năng của giới trẻ, để đóng góp vào các công cuộc xây dựng gia đình, cộng đồng và xã hội theo tinh thần Phật Giáo, lấy Châm Ngôn BI - TRÍ - DŨNG làm nền tảng, dựa vào 5 Điều Luật tượng trưng bởi 5 Hạnh : Tinh Tấn, Hỷ Xả, Thanh Tịnh, Trí Tuệ và Từ Bi làm sức sống.

GĐPT đã theo chân người Việt di tản ra hải ngoại từ tháng 4 năm 1975, tiếp tục tồn tại với bản sắc văn hóa Việt trên quê người. Tạo một môi trường sinh hoạt cho các em thanh thiếu niên gốc Việt ngay từ những năm đầu sau khi cộng đồng người Việt tạm ổn định đời sống trên quê hương thứ hai.

Mục đích giáo dục của Gia Đình Phật Tử

Anh Lê Trọng Tâm (pháp danh Tâm Ân) là Huynh Trưởng Gia đình Phật Tử Trí Phổ Chùa Pháp Hoa (ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Wichita, tiểu bang Kansas), đã tích cực hoạt động Phật sự thường xuyên và sinh hoạt chung giới trẻ gốc Việt trong những công việc xã hội tại thành phố Wichita từ giữa thập niên 1980 khi anh đến định cư tại thành phố này cho đến nay. Anh Tâm cho rằng GĐPT vừa góp phần xây dựng cá nhân và góp phần xây dựng xã hội.

“Gia Đình Phật Tử đào tạo về xây dựng cá nhân cho những đoàn sinh có đủ ba đức tính căn bản: BI, TRí, DũNG. Bi nghĩa là cho vui, cứu khổ, diệt trừ mọi nỗi thống khổ cho chúng sanh. Đạo Phật là đạo Từ bi, Đức Phật là hiện thân của Từ bi, nên Phật tử phải là người thực hành hạnh Từ bi, đem vui cứu khổ cho mọi loài. Người Phật tử cố gắng không làm đau khổ một ai, dầu là đối với súc vật. Người Phật tử không thản nhiên trước sự đau khổ của muôn loài. Người Phật tử phải ra tay cứu giúp, đem hạnh phúc an vui đến cho mọi người. Còn Trí, là hiểu biết sáng suốt, nhận chân được sự thật.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, Đức Phật là hiện thân của giác ngộ, nên Phật tử phải là người thực hành trí huệ, luôn luôn tìm hiểu, hướng tiến đến sự thật. Người Phật tử phải tìm hiểu học hỏi, luôn luôn tìm chân lý, không chỉ khai sáng cho mình và còn có bổn phận khai sáng cho người, tự mình tìm hiểu để bày vẽ cho mọi người tìm hiểu. Phật tử học Phật Pháp tức là học pháp như Thật để tìm hiểu sự Thật, tức là học những phương pháp sống như Thật để hướng tiến đúng mục đích như Thật. Dũng là dũng mãnh tinh tấn, không yếu đuối, hèn nhát, luôn luôn quả cảm. Đạo Phật là đạo Hùng lực. Đức Phật là đấng Đại hùng Đại lực, nên Phật tử phải là người anh dũng quả cảm luôn luôn tiến đến Giác ngộ, giải thoát của đạo Phật, luôn luôn đem vui cứu khổ cho muôn loài, luôn luôn tìm hiểu, học hỏi khai sáng trí huệ cho mình, cho mọi người. Người Phật tử cố gắng vượt qua mọi sự thử thách gian lao, mỉm cười trước nguy hiểm, tự tại trước thất bại, vững chí cương quyết, dũng tiến trên con đường đạo.”

Để trau dồi những đức tính ấy người Phật Tử cần thực hành năm hạnh: Tinh tấn (Luôn tiến trên con đường đến mục đích của Đoàn, trên con đường đạo), Hỷ xả (luôn vui vẻ hoan hỷ, làm mọi người mọi loài vui vẻ hoan hỷ, biết sống hy sinh cho người khác), Thanh tịnh (trong sạch từ thân thể đến lời nói, ý nghĩ và việc làm. Biết sống giản dị), trí tuệ (hiểu biết đúng đắn và rộng rãi ) và từ bi (đem vui và cứu khổ cho mọi loài, biết dùng lời nói hòa nhã cho mọi người an vui, biết thực hành hạnh bố thí để giúp đỡ mọi loài trong đời sống hằng ngày).

“Về mặt Xã Hội, vì là một phần tử của Cộng Đồng Việt Nam, Gia Đình Phật Tử cố gắng góp sức với các đoàn thể khác, xây dựng một xã hội cộng đồng người Việt yên vui, lành mạnh, lấy tình thương làm chất liệu gắn bó giữa người với người, lấy chính nghĩa làm tiêu chuẩn gắn kết. Gia Đình Phật Tử cần phải xây dựng con người mới trong xã hội mới. Biết hội nhập và hòa đồng. Hội nhập bằng cách tìm hiểu học hỏi những nét hay của xứ người nhưng vẫn nêu cao sắc thái dân tộc mình. Hòa đồng nhưng vẫn trình bày cùng mọi người đặc trưng của một con người Việt, không có sự lai căng. Không thua kém người dân bản xứ, nhưng không để mất gốc. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT