Phóng Sự

Phật giáo với tuổi trẻ thanh thiếu niên gốc Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 3)

Sunday, 06/04/2014 - 10:30:56

Trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, bộ môn Giáo lý là nền tảng xây dựng tư duy cho các đoàn sinh. Giáo lý của đạo Phật với các bạn trẻ thanh thiếu niên không chỉ có mục đích đưa họ vào trong nhà chùa để cách ly những môi trường cám dỗ, sa đọa. Nhưng căn bản giáo dục đạo Phật vẫn là rèn luyện đạo đức

Băng Huyền/Viễn Đông



Buổi sinh hoạt của các em GĐPT Liên Hoa
 
Gia đình Phật Tử (phần 3)

Giáo lý với các đoàn sinh GĐPT

Trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, bộ môn Giáo lý là nền tảng xây dựng tư duy cho các đoàn sinh. Giáo lý của đạo Phật với các bạn trẻ thanh thiếu niên không chỉ có mục đích đưa họ vào trong nhà chùa để cách ly những môi trường cám dỗ, sa đọa. Nhưng căn bản giáo dục đạo Phật vẫn là rèn luyện đạo đức, phát triển trình độ nhận thức tâm linh nơi tuổi trẻ, giúp tuổi trẻ học tập thông qua Kinh điển truyền thống.

Tam tạng Thánh điển là kho tàng kiến thức bao la. Dựa trên những lời dạy căn bản của đức Phật về giá trị của sự sống, bản chất của đau khổ và hạnh phúc, cùng với nhiều quy luật về thiên nhiên, về xã hội, về tâm lý, ngôn ngữ, của con người lần lượt được phát hiện qua nhiều thời đại trong nhiều khu vực địa lý có truyền thống lịch sử khác nhau.

Được biết bộ môn Giáo Lý của GĐPT dành cho các đoàn sinh gồm có 2 phần: Phần Phật pháp và phần kiến thức. “Phần Phật pháp gồm có: Lịch sử Phật Giáo đại cương và Việt Nam, giáo lý cương yếu, lịch sử các vị tổ tông phái, những chuyện tiền thân (trích trong Bản Sanh truyện - Jitaka) và những mẩu chuyện đạo. Tìm hiểu và nhận định ý nghĩa từng chặng đời và đạo nghiệp của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Luôn luôn đào sâu nội dung của Bản Sanh truyện, liên hệ giữa huyền thoại và ẩn dụ triết học.”

Các đoàn sinh học lịch sử Phật giáo để thấy “Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam là một, Phật giáo đề cao tinh thần dân tộc, bảo vệ đạo giáo. Học lịch sử Phật Giáo và tiểu sử các vị Sư tổ là để biết Thầy Tổ đã bảo vệ Đạo Pháp và Dân tộc bằng tinh thần bất bạo động - thức tỉnh kẻ tàn bạo vô minh - si mê, không bằng bạo lực.”

Hoạt động Thanh Niên của GĐPT

Bên cạnh việc học giáo lý, hoạt động Thanh niên là một sinh hoạt thú vị với các bạn trẻ trong GĐPT. Hoạt động nầy nhằm trang bị cho Thanh Thiếu Đồng niên “những kiến thức hiểu biết căn bản về cuộc sống - rèn luyện đức tự tín, tự chủ - chịu đựng - tháo vát - lịch lãm trên mọi lãnh vực - tạo sự tin yêu mến kính của cộng đồng và có thể đảm đang công việc hoằng pháp - phuc vụ tổ quôc và đạo pháp.

Tùy theo độ tuổi mà bộ môn này có những môn học mở rộng tầm vóc theo nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Cũng tương tự như bên Hướng Đạo, bộ môn hoạt động Thanh Niên của GĐPT gồm có từ những môn học bằng phương tiện cổ đại (trống, cờ, tù và...) cho đến kỹ thuật hiện đại (mạng lưới toàn cầu). Định phương hướng - Vẽ và hiểu rõ bản đồ. Mưu sinh - thoát hiểm. Tổ chức trại - lửa trại. Điều khiển các thể loại trò chơi (trong phòng - ngoài trời - dã ngoại ...) Sinh hoạt thể thao. Lành mạnh hóa môi trường sinh thái. Mục đích là rèn luyện thể lực, rèn luyện ý chí và khả năng hành động. Sẵn sàng chịu thử thách và không ngại khó. Biết sống cao thượng, hy sinh và phục vụ cộng đồng.”

Em Kathy Lê là một Huynh Trưởng tập sự của Gia Đình Phật Tử Chánh Pháp Chùa Dược Sư cho biết trong sinh hoạt của GĐPT, trò chơi lớn và trò chơi nhỏ là bộ môn không thể thiếu trong các hoạt động trại của GĐPT. Tham gia trò chơi lớn là cơ hội để rèn luyện tính nhanh nhẹn, thông minh (kỹ năng giải mật thư), nghiêm túc và chịu khó (vượt chướng ngại vật), và đặc biệt là qua trò chơi lớn giúp các đoàn sinh học được những bài học có ích, sinh động mà không thấy chán.

Cũng theo lời của Kathy Lê, một buổi sinh hoạt hằng tuần của GĐPT không thể thiếu những trò chơi, vì thiếu điều này, thì thật là buồn tẻ, gây sự nhàm chán cho Đoàn sinh với Gia Đình Phật Tử. Trò chơi còn là phương tiện để đưa giáo lý vào tâm thức các em một cách nhẹ nhàng tự nhiên như những trò chơi gợi lên lòng Từ bi, những trò chơi phát huy Trí tuệ, những trò chơi cũng cố hoặc khắc sâu những điều giáo lý vừa học như: Trò chơi “người mù cỏng người què” (tình tương trợ), trò chơi “Bi Trí Dũng” khắc sâu châm ngôn của gia Đình Phật Tử, trò chơi “hái hoa” (gây ý niệm vô thường), trò chơi “Luân hồi” v.v..

Nếu Trò Chơi Nhỏ là trò chơi chỉ trong vòng một vài phút, xen vào trong các buổi sinh hoạt để thêm phần linh động, tươi vui, giải trí lành mạnh, giáo dục Đoàn sinh bằng phương pháp hoạt động và huân tập, phù hợp với tâm sinh lý trẻ. Thì Trò Chơi Lớn trong sinh hoạt GĐPT sống động và đầy ý nghĩa, như Thái Tử Tất Đạt Đa nhẫn nhục đi tìm chân lý, A Dục Vương trí tuệ xây dựng 84,000 Phật tích để lưu truyền, Huyền Trang Tam Tạng tinh tấn vượt núi băng rừng để thỉnh kinh, Vạn Hạnh Thiền Sư hỷ xả và từ bi đã mang lại thanh bình thịnh vượng cho đời Lý…

Thông thường các Trò Chơi Lớn không thể đi ra ngoài mục đích của Tên Trại (các Trại này thường lấy tên các Phật tích hoặc Danh hiệu của các vị Tổ Sư Phật Giáo làm Tên Trại). Mục đích của Trò chơi lớn là giúp các Huynh Trưởng quan sát tìm hiểu, kiểm soát trình độ Tu Học và sức khỏe của Đoàn Sinh; Là dịp để Đoàn Sinh ôn lại Phật Pháp và ứng dụng Chuyên Môn, thực hành Văn Nghệ, cũng như thi hành Kỷ Luật trong cuộc sống. Chính vì vậy, Trò Chơi Lớn sẽ mang lại cho Đoàn sinh tham dự những lợi ích cụ thể như: thỏa mãn tính hiếu động và óc mạo hiểm của đoàn sinh.

Luyện tính khí, tinh thần thượng võ, tinh thần kỷ luật, đức hy sinh, phát huy tinh thần đồng đi, tập kiên nhẫn chịu đựng quả cảm, tháo vát, tự chủ. Vì trò chơi lớn là một môn thể thao tự nhiên, trong đó đoàn sinh vận động tất cả các bộ phận của cơ thể. Là cơ hội để thực hành các bài học chuyên môn đã học như truyền tin, dấu đi đường, gút, phương hướng, cấp cứu …

Huynh trưởng tập sự Diana Lê cho rằng ngoài việc học Phập Pháp, tham gia những trò chơi trong các buổi sinh hoạt, cắm trại, phần hoạt động Xã hội cũng là một phần hữu ích với các đoàn sinh GĐPT. Bộ môn này nhằm thực hiện phần 2 của mục đích tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam: "Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo". Đây là bộ môn hướng dẫn giáo dục công dân cho nghành Oanh và ngành Thiếu. Mục đích là rèn luyện tinh thần, rèn luyện tuổi trẻ gánh vác trách nhiệm, hun đúc tinh thần nỗ lực vun trồng tự lực, tự cường, tự tín, tự chủ tích cực vươn lên chứ không nương nhờ cậy trông vào người khác. Hun đúc tinh thần dấn thân vì cộng đồng vì nhân sinh không cầu nhàn né tránh. Sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo”. Những tổ chức GĐPT ngoài sinh hoạt định kỳ, các huynh trưởng còn dành thời gian đưa các đoàn sinh tham gia những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng, như thăm viện dưỡng lão, tổ chức những buổi phát thực phẩm cho người vô gia cư, tặng túi ngủ cho người vô gia cư, tham gia rừa xe gây quỹ giúp nạn nhân thiên tai, và nhiều hoạt động thiện nguyện hữu ích khác. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT