Phóng Sự

Phật giáo với tuổi trẻ thanh thiếu niên gốc Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 5)

Sunday, 20/04/2014 - 10:34:46

 

Băng Huyền/Viễn Đông



Các em GĐPT Liên Hoa trong một tiết mục múa nón tại sân khấu của làng Việt Nam
Hội Chợ Tết Sinh Viên 2013.

Gia đình Phật Tử (phần 5)

Vì thanh thiếu niên là lực lượng góp phần duy trì và phát triển quốc gia, hay của một cộng đồng và cả đạo pháp. Nên việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ nhất là đối với thanh thiếu niên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất cần thiết. Mục đích giáo dục của Đạo Phật là hoàn thiện con người để cải tạo hoàn cảnh và xây dựng xã hội đầy tình thương, bình đẳng và an lạc.

Là một tổ chức giáo dục thuộc GHPGVNTN, Gia Đình Phật Tử (GĐPT) lấy giáo lí nhà Phật làm căn bản và giáo lí ấy có đủ ba điều kiện cần thiết để đào tạo con người theo đúng nghĩa của nó: Phần tình cảm (BI), phần lí trí (TRÍ), phần ý chí (DŨNG), ba phần ấy phải được phát triển đều nhau và thiếu một trong ba phần ấy, con người chưa phải là con người.

Ba đức tính Bi Trí Dũng liên quan mật thiết, bổ sung lẫn nhau, mới có thể tạo thành sức mạnh toàn diện của Đạo Phật và làm cho cuộc sống con người đầy đủ ý nghĩa.

“Nếu chỉ có Bi mà thiếu Trí và Dũng thì con người có thể bị lầm lạc và bi lụy yếu hèn, chẳng giúp gì cho ai. Nếu chỉ có Trí, Huệ mà không có Bi, Dũng thì chỉ là cái trí khô khan, lạnh lùng, ích kỉ, hẹp hòi, độc đoán, mưu chước thủ đoạn để hại người hại vật. Nếu chỉ có Dũng mà không có Từ Bi, Trí Huệ thì không thể giác ngộ chân lí, chỉ là cái Dũng mù quáng, dễ manh động, bạo tàn, tàn ác và thiếu chính nghĩa. BI TRÍ DŨNG hòa hợp, nhuần nhuyễn sẽ là một đạo lí hợp lí, hợp tình, hợp thời và là một sức mạnh vô song làm động cơ hướng thiện, hướng thượng con người và thăng hoa cho cuộc sống.”

Với các bộ môn chính yếu là PHẬT PHÁP, HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN, XÃ HỘI VÀ VĂN NGHỆ mà nội dung các bài học, các hoạt động trong sinh hoạt GĐPT đã thiết lập các hệ thống chương trình tu học phù hợp với tâm sinh lí từng ngành, từng hạng Đoàn sinh và tất cả đều lấy tinh thần chủ đạo Bi Trí Dũng.

Bộ Môn Văn Nghệ trong sinh hoạt GĐPT

Trong những bài viết trước đã đề cập đến các bộ môn như PHẬT PHÁP, HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN, XÃ HỘI trong sinh hoạt của tổ chức GĐPT, lần này xin được đề cập đến bộ môn VĂN NGHỆ hay nói rộng hơn là bộ môn Nghệ Thuật. Bộ môn này bao gồm những sinh hoạt năng động phản ánh cuộc sống tinh thần của con người như: âm nhạc - hội họa - điện ảnh - truyền hình - điêu khắc - thời trang - nữ công gia chánh.

Tất cả các môn học trong bộ môn này đều phục vụ cuộc sống tinh thần của con người. Mục đích là: Rèn luyện khả năng kỹ năng, tiếp cận sinh hoạt quần chúng. Văn nghệ GĐPT tạo niềm tin yêu trong cuộc sống cộng đồng. Giúp người thưởng ngoạn sống theo chánh pháp. Cần bảo tồn, bảo trì các di tích văn hóa dân tộc.

Văn Nghệ là một trong những bộ môn hỗ trợ đắc lực cho sinh hoạt tu học của Gia đình Phật tử. Thông qua âm nhạc, các nhạc sĩ áo lam đã truyền tải giáo lý Phật đà, lý tưởng màu lam GĐPT đến với thế hệ đàn em. Đã có rất nhiều những tác phẩm, sáng tác của các nhạc sĩ, đậm chất GĐPT của các ca sĩ áo lam ra đời.

Ca sĩ Trần Ngọc Yến từng là một Huynh Trưởng của GĐPT Chánh Kiến (Thuộc chùa Như Lai Thiền Tự) tại San Diego, khoảng những năm đầu thập niên 1990, cho biết: vì rời Việt Nam từ nhỏ, nhưng nhờ sinh hoạt trong GĐPT khi còn ở trại tị nạn tại Thái Lan và khi sang Hoa Kỳ, chị tiếp tục gắn bó với tổ chức này, đã giúp chị giữ gìn tiếng Việt, hiểu và yêu hơn văn hóa Việt. Theo chị, cũng nhờ sinh hoạt văn nghệ trong GĐPT đã nuôi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho chị để chị càng yêu hơn bộ môn ca hát và đem tiếng hát, lời ca phục vụ mọi người.

Theo ca sĩ Trần Ngọc Yến sự giáo dục của GĐPT không nhằm đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà để khai triển phương tiện đưa văn nghệ hội nhập vào cuộc sống. Trên tinh thần giải thoát luân hồi tử sinh và phiền não. Do vậy, nội dung văn nghệ trong GĐPT “không được phản bác với hệ thống giáo điển Phật đà, mà phải củng cố niềm tin và chí hướng tu tiến đến đạo quả, giải thoát tự tại và an vui. Giúp các bạn trẻ có cuộc sống tao nhã, thích nghi với hoàn cảnh, môi trường và xã hội. Với một vốn liếng nhận định sáng suốt không vấp ngã theo khuynh hướng xấu. Góp phần đưa nền văn hóa dân tộc truyền thống, bảo vệ luân lý đạo đức lâu đời của dân tộc.”

Bài học nghệ thuật trong GĐPT, còn là một hình thức giáo dục rèn luyện các đoàn sinh dạn dĩ, bày tỏ được quan điểm, lập trường, suy tư và ước vọng bằng nhiều đề tài phong phú, tự tin, không nhút nhát, hèn kém và vụng về lúng túng. Bằng cách tạo điều kiện cho các đoàn sinh tập làm nghệ nhân sáng tác để biết cách diễn đạt, suy tư khát vọng, niềm tin và sức sống bằng một tác phẩm. Trước tiên là để rèn luyện bản thân, tiếp theo là biết được những khó khăn khi dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật nên lúc phê phán sẽ được chính xác.

Tạo điều kiện cho các em tập làm nghệ nhân trình diễn. Phát khởi óc sáng tạo, biết quên mình để nhập vai, để tránh những vụng về, sơ sót trong cuộc sống, giao tế.

Ngoài ra, qua bộ môn văn nghệ tại GĐPT các giúp các em đoàn sinh trở thành những người biết thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật. Được làm quen với các trường phái văn nghệ. Nhờ sự thưởng ngoạn mà kiến thức, trình độ càng được nâng cao và bồi dưỡng ngày một phong phú.

Các GĐPT tại các chùa không thể thiếu sinh hoạt văn nghệ, sử dụng âm nhạc, đây là cách để thiết lập sân chơi bổ ích, lành mạnh, thu hút các bạn trẻ. Đã từng có hình thức như chuyển thể kinh Pháp cú từ dạng thơ kệ qua dạng bài hát, là những phương pháp hoằng pháp cho thanh thiếu niên đem lại hiệu quả cao. Hay vào dịp Trung thu tổ chức Tết Trung Thu để khen thưởng cho các em đoàn sinh học giỏi, tổ chức khen thưởng cho con em Hiếu thảo vào ngày Vu lan báo hiếu….Đây là một hình thức giáo dục rất hữu ích với các em đoàn sinh và luôn được các Huynh Trưởng quan tâm nhằm đem lại sức hút cho các đoàn sinh gắn bó với gia đình của mình hơn. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT