Hoa Kỳ

Phát hiện hóa thạch thằn lằn biển 200 triệu năm

Wednesday, 05/02/2020 - 08:05:56

Mỗi năm, rừng quốc gia Tongass ở ven biển phía đông nam Alaska trải qua một hoặc hai đợt biến động thủy triều lớn

ALASKA - Mỗi năm, rừng quốc gia Tongass ở ven biển phía đông nam Alaska trải qua một hoặc hai đợt biến động thủy triều lớn, phơi bày những khu vực đá ngầm từng chìm dưới mặt nước. Trong một sự kiện như vậy, nhà địa chất học Jim Baichtal từ Cơ quan bảo vệ rừng Hoa Kỳ đã tình cờ phát hiện bộ xương hóa thạch 200 triệu năm của một loài thằn lằn biển (thalattosaur) hoàn toàn mới, được đặt tên là Gunakadeit joseeae.
Mẫu vật được tìm thấy trên quần đảo Keku, gần làng Kake, là hóa thạch hoàn chỉnh nhất của một con thalattosaur mõm nhọn ở Bắc Mỹ. Khám phá, được mô tả lần đầu tiên trên tạp chí Scientific Reports, đã làm thay đổi hiểu biết của cộng đồng khoa học về các loài bò sát biển cổ đại.
"Thalattosaur là một trong những nhóm bò sát trên đất liền đầu tiên thích nghi với cuộc sống dưới đại dương,” ông Neil Kelley, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Vanderbilt cho biết. "Chúng phát triển mạnh trong hàng chục triệu năm nhưng hóa thạch tương đối hiếm, vì vậy, mẫu vật mới đã giúp lấp đầy khoảng trống về sự tiến hóa và tuyệt chủng của chúng.”
Những con thằn lằn cổ đại này sống chủ yếu ở các đại dương xích đạo trong kỷ Tam Điệp. Dù có phạm vi sinh sống rộng, sự thiếu thốn hóa thạch hoàn chỉnh khiến giới khoa học không thể tìm hiểu đầy đủ về lịch sử tiến hóa của G. joseeae trong thời kỳ hệ sinh thái biển thay đổi mạnh mẽ.
G. joseeae là một loài bò sát tương đối nhỏ so với họ hàng cùng thời, khi chỉ dài khoảng 4 mét. Chúng có 4 chân, mõm ngắn, nhọn và có khả năng thích nghi cao, cho phép sống sót trong các vùng biển cạn ven bờ. G. joseeae đại diện cho một loài mới, mở rộng sự khác biệt về hình thái trong nhóm thằn lằn biển và làm thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về cách các loài bò sát cổ đại sinh sống, phân bố và sự tuyệt chủng cuối cùng của chúng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT