Thế Giới

Phe đối lập Venezuela tìm cách giữ doanh thu bán dầu

Wednesday, 13/02/2019 - 06:59:24

“Với quyết định này, chúng tôi không chỉ bảo vệ tài sản quốc gia, mà còn tránh tình trạng suy sụp kinh tế đang tiếp diễn.” Sản lượng dầu thô của PDVSA đang ở mức thấp nhất trong 70 năm qua, do nợ nần, tham nhũng, và không bảo trì cơ sở hạ tầng.

CARACAS – Quốc Hội Venezuela, vốn do phe đối lập nắm quyền kiểm soát, ngày thứ Tư đã bổ nhiệm một hội đồng giám đốc tạm thời cho hãng xăng dầu quốc doanh PDVSA, trong nỗ lực giành lấy doanh thu bán dầu khỏi tay vị tổng thống đang ngày càng bị cô lập Nicolas Maduro.
Trong khi đó, ông Maduro chỉ trích lãnh đạo quốc hội Juan Guaido, nói rằng ông Guaido “sớm muộn gì” cũng phải ra tòa vì vi phạm hiến pháp, sau khi ông Guaido sử dụng 1 điều trong hiến pháp để tự phong là tổng thống lâm thời vào tháng trước.
Dù nhiều nước phương Tây công nhận ông Guaido là lãnh đạo hợp pháp, nhưng ông Maduro vẫn đang kiểm soát các cơ quan quốc gia, và ông Guaido cần tiền nếu ông muốn điều hành chính phủ lâm thời. Việc kiểm soát hãng lọc dầu Citgo Petroleum - công ty con tại Hoa Kỳ của hãng PDVSA, cũng là tài sản nước ngoài có giá trị lớn nhất của Venezuela - sẽ giúp ông Guaido có được nguồn tài chính cần thiết, dù việc kiểm soát PDVSA là điều bất khả thi khi ông Maduro vẫn còn nắm quyền.
“Chúng tôi đang thực hiện các bước cần thiết để tái cấu trúc PDVSA,” ông Guaido viết trên Twitter, ngay sau khi quốc hội bổ nhiệm hội đồng giám đốc.
“Với quyết định này, chúng tôi không chỉ bảo vệ tài sản quốc gia, mà còn tránh tình trạng suy sụp kinh tế đang tiếp diễn.” Sản lượng dầu thô của PDVSA đang ở mức thấp nhất trong 70 năm qua, do nợ nần, tham nhũng, và không bảo trì cơ sở hạ tầng.

27 thành viên lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran chết trong vụ đánh bom tự sát
TEHRAN – Ngày thứ Tư, một người đánh bom tự sát đã giết chết 27 thành viên trong lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, tại khu vực ở vùng đông nam quốc gia, nơi chính phủ đang đối mặt với các vụ tấn công ngày càng gia tăng, gây ra bởi các phiến quân thuộc cộng đồng Hồi giáo Sunni thiểu số. Người đánh bom tự sát đã lái chiếc xe chất đầy chất nổ lao vào xe bus chở các binh sĩ Vệ Binh Cách Mạng. Vụ tấn công xảy ra tại khu vực bạo lực gần biên giới với Pakistan, nơi các nhóm phiến quân và các băng buôn lậu ma túy hoạt động.
Nhóm Jaish al Adl (Đội quân công lý) đã nhận trách nhiệm cho vụ tấn công, nói rằng nhóm này muốn đòi quyền lợi và điều kiện sống tốt hơn cho cộng đồng sắc tộc thiểu số Baluchis. Tổn thất nhân mạng của lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Iran đã khiến một chỉ huy cấp cao của Vệ Binh Cách Mạng lên tiếng đe dọa các đối thủ của quốc gia.
“Sự đáp trả của chúng tôi sẽ không giới hạn trong biên giới Iran,” Tướng Ali Fadavi nói. “Các kẻ thù sẽ nhận được sự đáp trả thích đáng từ Vệ Binh Cách Mạng Iran.” Vị chỉ huy này không cho biết các kẻ thù là ai, và các hành động đáp trả của Tehran là gì.
Trong quá khứ, Iran từng cáo buộc Ả Rập Saudi – quốc gia với đa số là người Hồi giáo Sunni – hỗ trợ cho các nhóm ly khai tấn công quân đội. Chính phủ Riyadh luôn bác bỏ cáo buộc này. Ngoài ra, chính phủ Hồi giáo Shiite của Iran cũng nói rằng các nhóm phiến quân đang trú ẩn bên trong Pakistan, và liên tục kêu gọi quốc gia láng giềng tiêu diệt các tổ chức này.

Ba người Syria bị bắt tại Đức và Pháp vì tội ác chống nhân loại
BERLIN - Cảnh sát đã bắt giữ 2 công dân Syria ở Đức và 1 người tại Pháp, vì nghi ngờ gây ra tội ác chống nhân loại, khi họ làm việc cho cơ quan tình báo ở Syria, theo các công tố viên Đức cho biết hôm thứ Tư. Đây là các vụ bắt giữ đầu tiên tại châu Âu nhắm vào những người từng làm việc cho cơ quan an ninh Syria. Luật pháp Đức cho phép nước này xét xử những người gây ra tội ác chống nhân loại, bất kể họ phạm tội ở đâu trên thế giới. Tội này cũng được xét xử ở Pháp nếu nghi can cư trú tại Pháp hoặc có 1 nạn nhân là người Pháp.
Hai nghi can ở Đức, được xác định là Anwar R., 56 tuổi, và Eyad A., 42 tuổi, bị bắt tại Berlin và bang Rhineland-Palatinate. Hiện có khoảng 600,000 người Syria đang sinh sống tại Đức. Là nhân viên cấp cao trong cơ quan tình báo Syria, Anwar R. bị nghi đã tham gia các vụ tra tấn những nhà hoạt động đối lập, trong thời gian từ năm 2011 tới 2012. Công dân Syria còn lại bị nghi đã tham gia vụ sát hại 2 người và tra tấn ít nhất 2,000 người, khi là nhân viên tình báo trong thời gian từ tháng 7, 2011 tới tháng 1, 2012. Người này được cho là làm việc trong đơn vị mà Anwar R. là giám đốc.
Nghi can tại Pháp bị bắt ngày thứ Ba ở gần Paris, vì các tội tra tấn, gây tội ác chống nhân loại, và tội ác chiến tranh, từ năm 2011 tới 2013, theo công tố viên Paris cho biết. Các vụ bắt giữ có liên quan đến cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2015, khi viên chức Pháp nhận được lời khai của một cựu viên chức Syria cùng 55,000 bức ảnh của 11,000 nạn nhân, mà người này đem theo được khi ông rời khỏi Syria năm 2013. Vào năm 2017, Thụy Điển đã kết án 8 tháng tù đối với một sĩ quan Syria, sau khi phát hiện các bức ảnh cho thấy người này tạo dáng chụp hình trước nhiều xác chết.

Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp phái đoàn Hoa Kỳ ngày thứ Sáu
BẮC KINH - Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp gỡ các viên chức lãnh đạo của phái đoàn đàm phán thương mại Hoa Kỳ, bao gồm Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin, tại Bắc Kinh ngày thứ Sáu, theo truyền thông Trung Quốc dẫn một số nguồn tin cho biết hôm thứ Tư.
Một nguồn tin khác cũng nói rằng Chủ Tịch Tập sẽ gặp các đại diện Hoa Kỳ trong tuần này tại Bắc Kinh, nhưng chưa xác nhận thời gian chính thức. Ngoài ra, một bữa tiệc cũng sẽ được tổ chức để tiếp đón phái đoàn Hoa Kỳ, tại một nhà hàng Trung Hoa ở trung tâm Bắc Kinh vào cuối tuần, với người đại diện phía Trung Quốc sẽ là Phó Thủ Tướng Lưu Hạc. Ông Lưu, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Bắc Kinh, đã gặp Tổng Thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc vào cuối tháng 1 vừa qua.
Nếu được xác nhận, các sự sắp xếp này, bao gồm cả cuộc gặp của Chủ Tịch Tập với các viên chức Washington, sẽ là dấu hiệu thiện chí để mở đường cho thỏa thuận thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các viên chức tham gia cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh trong tuần này đang cố gắng đạt được một thỏa thuận tạm thời, và hiệp ước có thể được hoàn thành trong một cuộc gặp sau này giữa ông Tập và ông Trump. Hạn chót của thỏa thuận đình chiến thương mại là ngày 1 tháng 3, nhưng Tổng Thống Trump ngày thứ Ba, 12 tháng 2, nói rằng ông có thể hoãn thời hạn này nếu cả hai phía đã gần đạt được thỏa thuận.

Biểu tình tại Argentina
BUENOS AIRES - Hàng chục ngàn người biểu tình đã chặn các con đường lớn ở Buenos Aires, Argentina, ngày thứ Tư, để phản đối tình trạng thất nghiệp cao và các chính sách của Tổng Thống Maurnes Macri, bao gồm cả việc cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Giới bình dân tại Argentina, những người đã phải đối phó với lạm phát cao và suy thoái kinh tế, nay lại càng gặp khó khăn nhiều hơn bởi chi phí cho tiền điện nước và các dịch vụ tiện ích, khi ông Macri cắt giảm chi tiêu chính phủ. Việc cắt giảm ngân sách này là một phần của thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, nhằm giảm thâm hụt tài chính của Argentina vào cuối năm nay.
Ông Macri dự kiến ​​sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử vào tháng 10, khi ông phải đối mặt với sự cạnh tranh từ người tiền nhiệm là bà Cristina Fernandez, nhân vật được yêu thích của phe thiên tả tại Argentina. Trong cuộc tuần hành ngày thứ Tư, những người biểu tình mang theo băng-rôn với hình ảnh của nhà lãnh đạo cộng sản Che Guevara, trong khi những người khác ca ngợi cựu Tổng Thống Argentina Juan Peron và người vợ nổi tiếng của ông là bà Evita. Các cuộc biểu tình rất thường xảy ra ở Argentina, nơi các công đoàn lao động thường đòi tăng lương để theo kịp với việc giá hàng hóa tăng nhanh. Lạm phát tại Argentina vào cuối năm ngoái là 47.6%, mức cao nhất trong 27 năm qua.

Hội đồng Hoa Kỳ kêu gọi bảo vệ Đài Loan
Một nhóm học giả Hoa Kỳ đã kêu gọi Tổng Thống Donald Trump nên sẵn sàng để đối phó các hành động hiếu chiến của Trung Quốc đối với Đài Loan, đồng thời duy trì sự hiện diện quân sự tại Tây Thái Bình Dương, và giúp hòn đảo tự trị phát triển một chiến lược đối phó với sự xâm lấn của Bắc Kinh.
Bản phúc trình dài 53 trang của hội đồng The Task Force on US-China Policy, chuyên nghiên cứu các chính sách đối với Trung Quốc, đã nhắc nhở Washington về sự phụ thuộc của Đài Loan vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, và chính sách lâu nay của Hoa Kỳ về việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho tương lai của Đài Loan. Các học giả nói rằng Washington không nên thay đổi lập trường vốn đã kéo dài gần 50 năm qua, và cần thách thức chính sách Một Trung Hoa của Bắc Kinh.
Báo cáo cũng nhắc đến sự cách biệt quá xa giữa quân đội Trung Quốc và Đài Loan, và nói rằng Washington cần hỗ trợ Đài Bắc phát triển năng lực quân sự đủ để kềm chân quân đội đại lục, cho tới khi Hoa Kỳ có thể đưa lực lượng tới hỗ trợ. Báo cáo đề nghị, các biện pháp có thể giúp Đài Loan tự vệ bao gồm các dàn vũ khí ven biển, vũ khí phòng không, các hệ thống hỏa tiễn di động, và mạng thủy lôi chống tàu đổ bộ. Hội đồng các học giả đã kêu gọi tăng cường đối thoại giữa mọi bên quan tâm tới tương lai của Đài Loan, và thúc đẩy địa vị của Đài Bắc trên chính trường quốc tế. Vào tuần trước, một số nghị sĩ Hoa Kỳ đã kêu gọi Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi mời Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn đến dự một cuộc họp chung tại Quốc Hội. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.

Đảng đưa công chúa Thái Lan ra tranh cử bị yêu cầu giải tán
BANGKOK - Ủy Ban Bầu Cử Thái Lan (EC) hôm thứ Tư yêu cầu Tòa Hiến Pháp giải tán đảng Thai Raksa Chart, sau khi đảng này đưa Công Chúa Ubolratana Barnavadi ra làm đại diện tranh cử ghế thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới. Việc đảng Thai Raksa Chart giới thiệu công chúa 67 tuổi tranh cử thủ tướng đã khiến dư luận Thái Lan chấn động và bị Vua Maha Vajiralongkorn chỉ trích là "không phù hợp.” Đây là sự việc chưa từng có tiền lệ, phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của hoàng gia Thái Lan. "Hành động đó bị xem là thù địch với chế độ quân chủ lập hiến,” EC ra thông báo sau khi loại tư cách ứng cử viên thủ tướng của Công Chúa Ubolratana.
Trước đó, Hội bảo vệ hiến pháp Thái Lan đã nộp đơn kháng nghị lên EC, yêu cầu cấm đảng Thai Raksa Chart tham gia cuộc bầu cử thủ tướng vào tháng 3, và đề nghị Tòa Hiến Pháp giải tán đảng này. Đảng Thai Raksa Chart được cho là có liên quan đến đảng Pheu Thai do cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra sáng lập.
Ông Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2006 và phải sống lưu vong, nhưng hiện vẫn có ảnh hưởng chính trị ở Thái Lan. Giới quan sát cho rằng việc loại Công Chúa Ubolratana khỏi danh sách tranh cử và đề nghị giải tán đảng Thai Raksa Chart là đòn tấn công bộ máy chính trị của ông Thaksin.
Công Chúa Ubolratana hôm thứ Tư cũng đăng lời xin lỗi người dân Thái Lan lên mạng xã hội, sau khi xuất hiện công khai ở miền trung Thái Lan. Mọi thành viên hoàng gia Thái Lan phải chấp hành quy định đứng ngoài chính trị và duy trì lập trường trung lập.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT