Thế Giới

Phi hành gia an toàn sau khi hỏa tiễn bị hư trên không

Thursday, 11/10/2018 - 09:05:57

Vụ phóng thất bại cũng khiến 3 phi hành gia đang ở trên trạm ISS, gồm 1 người Đức, 1 người Nga, và 1 người Mỹ, sẽ bị kẹt tại trạm này ít nhất cho đến tháng 1 năm sau.

KAZAKHSTAN – Hai phi hành gia người Nga và người Hoa Kỳ trên khoang vận chuyển Soyuz, đang được hỏa tiễn đưa tới Trạm không gian quốc tế ISS, đã phải hạ cánh khẩn cấp vào thứ Năm không lâu sau khi cất cánh ở Kazakhstan, do hỏa tiễn bị hư giữa không trung. Phi hành gia Hoa Kỳ Nick Hague và phi hành gia Nga Alexei Ovchinin đã hạ cánh an toàn, và đội cứu nạn đã nhanh chóng tìm được họ tại địa điểm lân cận bãi phóng. Lỗi trục trặc xuất hiện ở tầng 1 và 2 của một hỏa tiễn đẩy, tách rời ra không lâu sau khi được phóng lên từ bãi phóng ở Baikonur. 

Theo Cơ quan không gian NASA, khoang vận chuyển Soyuz, có hình gần giống một đầu đạn, chở 2 phi hành gia, đã lập tức tách rời khỏi hỏa tiễn đang trục trặc và rơi trở lại Trái Đất theo hướng rất nguy hiểm. Một chiếc dù trên khoang Soyuz đã kịp thời bung ra để giảm tốc độ rơi, và quá trình rơi mất khoảng 34 phút. Đội cứu nạn đã chạy đua đến điểm rơi để giải cứu các phi hành gia, bao gồm một đội lính nhảy dù, trực thăng, và các xe vượt địa hình.
Video trong khoang Soyuz cho thấy 2 phi hành gia bị rung lắc mạnh khi trục trặc xảy ra. Tuy nhiên, các hình ảnh được cơ quan không gian Nga Roscosmos công bố sau đó cho thấy 2 phi hành gia đang cười và ngồi một cách thoải mái tại một thị trấn gần bãi phóng, trong lúc họ được kiểm tra sức khỏe. Moscow đã ngay lập tức đình chỉ mọi nhiệm vụ không gian có người lái và ra lệnh mở cuộc điều tra về sự việc. Vụ phóng thất bại cũng khiến 3 phi hành gia đang ở trên trạm ISS, gồm 1 người Đức, 1 người Nga, và 1 người Mỹ, sẽ bị kẹt tại trạm này ít nhất cho đến tháng 1 năm sau.

Tỷ phú trẻ nhất châu Phi bị bắt cóc ở Tanzania
DAR ES SALAAM – Cảnh sát đang được điều động khắp Tanzania để tìm người đàn ông được cho là tỷ phú trẻ nhất của châu Phi, sau khi ông bị một nhóm tay súng bắt cóc vào sáng thứ Năm tại thủ đô Dar es Salaam. Mohammed Dewji, 43 tuổi, người sở hữu và là chủ tịch hãng Mohammed Enterprises Tanzania Ltd. (METL), đồng thời cũng là cựu thành viên quốc hội Tanzania, bị bắt cóc khi ông đang đến phòng gym của một khách sạn sang trọng để tập thể thao thường ngày.
Ông Dewji bị 2 người đàn ông đeo mặt nạ bắt cóc. Cảnh sát hiện đã tạm giữ 12 nghi can, bao gồm cả chủ khách sạn. Ông Dewji, còn có tên gọi là Mo, là tỷ phú duy nhất của Tanzania, với tài sản khoảng $1.5 tỷ Mỹ kim. Hãng METL của ông Dewji có giá thị trường hơn $1 tỷ Mỹ kim và thuê mướn 24,000 nhân viên, làm việc trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, năng lượng, dầu mỏ, tài chính, dịch vụ điện thoại, cơ sở hạ tầng, và địa ốc. Ông Dewji cũng là người Tanzania đầu tiên gia nhập Giving Pledge, một lời hứa của các tỷ phú về việc cho đi hơn nửa tài sản để làm từ thiện, nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn của xã hội.

Khôi nguyên Nobel Hòa Bình sẽ tặng tiền thưởng
GENEVA – Cô Nadia Murad, một trong hai người vừa được trao giải Nobel Hòa Bình 2018, sẽ dành toàn bộ $500,000 Mỹ kim tiền thưởng để giúp đỡ các nạn nhân của nạn bạo lực tình dục và các cộng đồng thiểu số ở Iraq. "Tôi hứa sẽ tặng 100% phần tiền thưởng của tôi cho tổ chức Nadias Initiative,” cô Nadia Murad hôm thứ Năm cho biết, nhắc tới tổ chức mang tên cô được thành lập để hỗ trợ phụ nữ và các cộng đồng thiểu số ở Iraq
Giải Nobel Hòa Bình năm nay đã được trao cho bác sĩ người Congo Denis Mukwege và cô Murad. Cô Murad, 25 tuổi, bị phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo ISSI bắt làm nô lệ tình dục khi 19 tuổi. Cô được trao giải Nobel Hòa Bình nhờ những nỗ lực nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh. Hai người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm nay sẽ chia đôi số tiền $1 triệu Mỹ kim. Ngoài ra, vì là thành viên cộng đồng thiểu số Yazidi ở Iraq, cô Murad cũng nhiều lần lên án việc ngược đãi người thiểu số. "Tôi muốn dùng tiền thưởng để giúp đỡ người Yazidi, Iraq, Kurd, các dân tộc thiểu số bị ngược đãi khác và tất cả các nạn nhân của bạo lực tình dục trên toàn thế giới,” cô Murad nói. "Tôi nghĩ về mẹ tôi, người đã bị ISIS giết hại, những đứa trẻ cùng tôi lớn lên và những gì chúng tôi cần làm để tôn vinh họ. Sự ngược đãi các cộng đồng thiểu số phải chấm dứt.”
Cô Murad là người đoạt giải Nobel Hòa Bình trẻ tuổi thứ hai sau Malala Yousafzai, người Pakistan đoạt giải năm 2014 nhờ các hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em khi mới 17 tuổi. Cô cũng từng giành giải Sakharov và Vaclav Havel, hai giải thưởng danh giá về nhân quyền của EU và Hội đồng châu Âu vào năm 2016.

Thủ lãnh tối cao ISIS ra lệnh hành quyết 320 thuộc hạ
SYRIA - Thủ lĩnh tối cao của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS Abu Bakr al-Baghdadi vừa ra lệnh hành quyết 320 tay súng thuộc hạ tại Syria và Iraq, vì đã phản bội hoặc có hành động bất cẩn gây thiệt hại nặng cho nhóm. Theo các nguồn tin tình báo, một số chỉ huy cấp cao của ISIS cũng được cho là nằm trong danh sách bị trừng phạt. Lệnh hành quyết được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran mở cuộc tấn công nhằm vào ISIS tại thành phố biên giới Albukamal.
Thủ lãnh al-Baghdadi hồi cuối tháng 8 đã tung video kêu gọi các thành viên trung thành sử dụng bom, dao hoặc xe để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Hắn cũng kêu gọi công dân Ả Rập Saudi, Bahrain và Jordan lật đổ chính quyền, đe dọa Nga và Hoa Kỳ rằng các chiến binh "đã chuẩn bị những nỗi kinh hoàng" cho họ. ISIS từ năm ngoái đã bị quét sạch tại nhiều khu vực ở Syria và Iraq, và phải rút đến cố thủ ở các vùng sa mạc hẻo lánh. Al-Baghdadi được cho là đang lẩn trốn tại vùng sa mạc ở biên giới Syria - Iraq.

Indonesia dừng tìm kiếm nạn nhân động đất, sóng thần
PALU – Chính quyền Indonesia hôm thứ Năm đã thông báo ngừng chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn, vào gần 2 tuần sau thiên tai, dù vẫn còn 5,000 người mất tích. "Chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân sẽ kết thúc vào chiều thứ Năm,” theo lời ông Bambang Suryo, chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn ở Palu, cho biết. Nhà chức trách Indonesia đang có kế hoạch xây dựng công viên và đài tưởng niệm tại Balaroa, Petobo và Jono Og, ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thảm họa, nhằm tưởng nhớ các nạn nhân chưa được tìm thấy. Những khu vực nêu trên đều bị phá hủy bởi hiện tượng "đất hóa lỏng” – hiện tượng khi nền đất mất khả năng kết dính, hóa thành bùn lỏng, nhấn chìm các vật thể phía trên nó.
Sau trận động đất 7.5 độ gây sóng thần trên đảo Sulawesi hôm 28 tháng 9, Indonesia đã thực hiện các nỗ lực cứu trợ nhân đạo tại vùng thảm họa. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị nhiều người chỉ trích vì được thực hiện quá chậm. Một số đội cứu nạn nước ngoài còn bị ngăn không cho đến hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm người chết và mất tích. Đến nay, nhà chức trách Indonesia đã tìm thấy hơn 2.,000 thi thể nạn nhân, nhưng vẫn còn 5,000 người mất tích. Họ có thể đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các thành phố bị tàn phá. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 200,000 người ở thành phố Palu đang rất cần trợ giúp nhân đạo, trong khi nước sạch và thiết bị y tế vẫn thiếu thốn.

ISIS lợi dụng bão cát tấn công Kurd ở Syria
SYRIA – Nhân lúc bão cát xảy ra làm khuất tầm nhìn của chiến đấu cơ Hoa Kỳ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã tung lực lượng phản công, đẩy lùi người Kurd ở miền đông Syria. "Phiến quân ISIS ngày thứ Tư đã tổ chức một cuộc phản công lớn để chống lại Lực lượng dân chủ Syria (SDF) xung quanh thị trấn Hajin và các vùng lân cận. Giao tranh ác liệt vẫn đang tiếp diễn,” theo tuyên bố của Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR).
Theo SOHR, phiến quân đã lợi dụng một cơn bão cát ở tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria, để tung quân tấn công SDF, lực lượng với chủ yếu là dân quân người Kurd được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Tầm nhìn kém do bão cát gây ra khiến chiến đấu cơ Hoa Kỳ không thể yểm trợ hỏa lực cho lực lượng SDF bị tấn công. ISIS sau đó công bố thông tin về cuộc tấn công trên hãng truyền thông riêng, tuyên bố đã sát hại ít nhất 10 chiến binh và bắt 35 tù binh SDF. Tuy nhiên, SDF khẳng định không chiến binh nào của tổ chức này bị bắt trong cuộc giao tranh ở Deir Ezzor.
Được sự hỗ trợ của Không quân và Pháo binh Hoa Kỳ, SDF hồi đầu tháng 9 đã mở cuộc tấn công lớn nhằm đẩy lùi hoàn toàn ISIS khỏi thị trấn Hajin, nằm bên bờ đông sông Euphrates, cách biên giới Iraq khoảng 24 cây số. ISIS từng kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq cùng khoảng 10 triệu dân. Tuy nhiên, nhóm khủng bố này đã hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp trước liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu cùng quân đội Syria được Nga hậu thuẫn, đánh mất các thành trì quan trọng tại Iraq và chỉ còn co cụm tại một vùng sa mạc hẻo lánh ở tây nam và khu vực gần Deir Ezzor.

Ukraine được phê chuẩn để tách khỏi giáo hội Nga
KIEV - Vào thứ Năm, Ukraine đã được phê chuẩn để thiết lập một giáo hội độc lập với Nga, được Kiev coi là bước đi cần thiết để tránh việc Moscow can thiệp công việc nội bộ quốc gia. Trong khi đó, giới tu sĩ tại Nga đã phản đối dữ dội đối với sự kiện được coi là sự chia tách lớn nhất trong cộng đồng Thiên Chúa giáo trong 1,000 năm qua. Sau 3 ngày họp tại Hội Đồng Chính Thống giáo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, các lãnh đạo tinh thần của gần 300 triệu người Chính Thống giáo toàn thế giới đã phê chuẩn cho yêu cầu của Ukraine về việc thành lập một giáo hội độc lập tách khỏi Nga. Hội đồng cũng đưa ra một số quyết định để mở đường cho Ukraine thành lập giáo hội riêng, bao gồm việc tái bổ nhiệm một vị giáo sĩ trưởng người Ukraine, vốn trước đó đã bị giáo hội Chính Thống giáo Nga trục xuất vì lãnh đạo một giáo phận ly khai vào thập niên 90.
Để đáp trả, Giáo hội Chính Thống giáo Nga cũng tuyên bố sẽ hủy quan hệ với Hội Đồng Chính Thống Giáo ở Istanbul. Các biến động về tôn giáo tại Ukraine bắt nguồn từ sự căng thẳng giữa Kiev và Moscow, sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, và hỗ trợ cho phe ly khai gây chiến tại miền đông Ukraine. Chính phủ Ukraine cáo buộc giáo hội Chính Thống giáo Nga đang gây ảnh hưởng nguy hiểm cho quốc gia, và là công cụ của điện Kremlin để biện minh cho hành động chiếm đất và phá rối của Moscow. Thành công của Ukraine trong việc chia tách giáo hội sẽ là ưu thế lớn cho Tổng Thống Petro Poroshenko, trước cuộc tranh cử được dự đoán là sẽ rất sát sao vào năm tới.

Công chúa Nhật nhận gần $1 triệu Mỹ kim sau khi kết hôn
TOKYO - Công chúa Ayako, con gái út của Hoàng thân quá cố Takamado, em họ Nhật hoàng Akihito, sẽ nhận được gần 107 triệu yen (khoảng $950,000 Mỹ kim) từ chính phủ sau khi kết hôn với anh Kei Moriya, một nhân viên vận chuyển 32 tuổi, vào ngày 29 tháng 10, theo truyền Nhật đưa tin hôm thứ Năm. Dựa trên luật về tài chính của Hoàng gia Nhật, số tiền nêu trên được cung cấp nhằm duy trì địa vị của công chúa 28 tuổi, ngay cả khi cô không còn thân phận hoàng gia do kết hôn với thường dân. Quyết định này được phê chuẩn tại cuộc họp của Hội đồng kinh tế Hoàng gia Nhật gồm 8 thành viên, bao gồm cả Thủ Tướng Shinzo Abe. Số tiền dành cho Công Chúa Ayako là mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Số tiền các thành viên hoàng gia nhận được sau khi kết hôn với thường dân dựa trên tình trạng của người đó và được miễn thuế thu nhập.
Noriko Senge, chị của Công Chúa Ayako, cũng nhận được số tiền tương đương vào năm 2014 khi kết hôn với ông Kunimaro Senge, tư tế cấp cao tại Izumo Taisha, một ngôi đền Thần đạo ở tỉnh Shimane. Công Chúa Ayako và anh Moriya quen biết qua sự giới thiệu của công nương Takamado, mẹ của Ayako, vào tháng 12, 2017. Công nương gặp cha mẹ của Moriya khi tham gia hoạt động của một tổ chức phi chính phủ và đã giới thiệu Ayako với hy vọng con gái bà sẽ được truyền cảm hứng bởi các hoạt động phúc lợi toàn cầu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT