Thế Giới

Phi Luật Tân tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông

Friday, 17/03/2017 - 10:36:37

Hôm thứ Sáu, trong dịp kỷ niệm hàng năm lần thứ 41 ngày thành lập Bộ Tư lệnh Miền Tây, ông Lorenzana nói với các binh sĩ, “Chúng ta sẽ xây dựng một đường phi đạo và một hải cảng, một bến tàu, cho tàu thuyền của chúng ta,” trên đảo Thitu. “Chúng ta hơi bị mù lòa trong khu vực ấy.”


Những chiếc tàu của Trung Cộng đang xây dựng một đảo nhân tạo ở Biển Đông.

MANILA - Phi Luật Tân cho biết rằng họ sẽ tăng cường các cơ sở quân sự của họ trên các hòn đảo và các bãi cạn ở biển Đông đang bị tranh chấp. Họ cũng loan báo những kế hoạch ban đầu cho việc xây dựng một hải cảng mới, và tráng nhựa một sân bay thô sơ đang có.

Theo dự trù, Bộ Trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana sẽ thị sát một tiền đồn ở Thitu, một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa bị tranh chấp. Nhưng chuyến đi của ông đã bị hủy bỏ vì “những vấn đề an toàn.” Thay vì vậy, ông đã dành một ngày để làm việc tại một căn cứ quân sự, nơi ông công bố các kế hoạch phát triển.

Hôm thứ Sáu, trong dịp kỷ niệm hàng năm lần thứ 41 ngày thành lập Bộ Tư lệnh Miền Tây, ông Lorenzana nói với các binh sĩ, “Chúng ta sẽ xây dựng một đường phi đạo và một hải cảng, một bến tàu, cho tàu thuyền của chúng ta,” trên đảo Thitu.  “Chúng ta hơi bị mù lòa trong khu vực ấy.”

Thitu nằm gần rạn san hô Subi Reef, một trong bảy hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, mà Trung Quốc bị tố cáo đang quân sự hóa, bằng các hỏa tiễn địa đối không và những thứ vũ khí khác.

Phi Luật Tân tranh cãi với Trung Quốc trong nhiều năm qua về Biển Đông. Nhưng những mối quan hệ dường như được cải thiện dưới thời Tổng Thống Rodrigo Duterte. Theo dự trù, ông Duterte sẽ gặp Phó Thủ Tướng Wang Yang (Uông Dương) của Trung Quốc, tại thành phố Davao ở miền nam Phi Luật Tân vào ngày thứ Sáu.

Bộ trưởng Lorenzana nói rằng Tổng Thống Duterte đã chấp thuận nâng cao phẩm chất các cơ sở, không những ở Thitu mà còn ở 8 địa điểm khác trên Biển Đông mà họ chiếm cứ.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Arsenio Andolong cho biết, việc hạ cánh trên phi đạo loang lổ trên đảo Thitu, sau những trận mưa lớn, là điều nguy hiểm.

Tuy nhiên một viên chức cao cấp của Phi Luật Tân nói rằng quân đội cũng đã chặn lại một chuyến đi được dự định của một nhóm nghị sĩ ra thăm đảo Thitu vào hôm thứ Năm, vì lo ngại về việc Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào.

Trung tướng Raul del Rosario nói với một cuộc điều trần của Quốc Hội hôm thứ Năm, “Đó là một khu vực bị tranh chấp, không phải là của chúng ta 100 phần trăm. Đó là lý do tại sao chúng ta nhận được một cảnh báo, và có những lúc họ bắn hỏa châu lên phía máy bay.”

Quân đội từ chối bình luận về lời ông Rosario nói.
Một cộng đồng ngư dân khoảng 110 người đang sống ở Thitu. Trung Quốc có các binh sĩ trên những hòn đảo mà họ chiếm đóng, nhưng không có thường dân.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Đây là một thủy lộ chiến lược, trên đó mỗi năm có hàng hóa trị giá khoảng $5,000 tỷ Mỹ kim đi xuyên qua. Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan, và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT