Mẹo Vặt

Bình nước nóng … rang bắp

Thursday, 23/10/2014 - 10:05:56

Nhưng cái chứng sôi bụng không phải là dấu hiệu bình cũ đâu, ngay cả một cái bình mới dùng chừng ba bốn năm mà chả bao giờ được chủ nhà đoái hoài tới cũng có thể bị như vậy. Nguyên nhân thì đơn giản và cách chữa trị cũng không khó lắm.

Bài VŨ HẰNG

Hôm nay, Hằng nhận được đề tài do một bạn đọc nêu lên, mời mọi người cùng xem nhé: “Chúng tôi mới dọn vào cái mobile home này được hai năm. Nhà còn khá tốt. Chỉ có cái bình nước nóng nó cứ kêu sòng sọc như sôi bụng. Tối đến thì nghe rõ, ban ngày tôi không ở nhà nên không biết có kêu hay không. Xin cô chỉ giúp lý do. Bà xã tôi cứ đòi thay cái bình mới, nhưng tôi bảo chờ ít ngày để hỏi cô trước đã.”
Sự tín nhiệm của bạn làm con bé lên tinh thần quá, nên cứ háo hức muốn trả lời ngay. Với lại, sợ rằng “lệnh bà” không cho phép đợi lâu, nên em lại càng không dám chậm trễ. Không biết trước khi các bạn dọn vào, người chủ cũ đã xài bình nước nóng ấy được bao lâu. Theo đánh giá trung bình thì một cái bình nước nóng phải phục vụ được từ 10 năm tới 15 năm. Nhưng cái chứng sôi bụng không phải là dấu hiệu bình cũ đâu, ngay cả một cái bình mới dùng chừng ba bốn năm mà chả bao giờ được chủ nhà đoái hoài tới cũng có thể bị như vậy. Nguyên nhân thì đơn giản và cách chữa trị cũng không khó lắm.


                                           Nước chảy ra, đục ngầu và nhiều cặn

Nguyên nhân

Đó là do các thứ cặn dơ trong nước đọng lại. Những nhà xài nước cứng (hard water), cặn dơ lại còn nhiều hơn, vì có chứa nhiều chất vôi. Lâu ngày chầy tháng, chất vôi đọng lại, đóng tầng dưới đáy bình. Khi gas được dẫn vào để hâm cho nước bình nóng lên, thì trước hết sức nóng phải xuyên qua cái tầng cặn này, làm cho nóng và sôi lên đã. Những tiếng nổ như bắp rang mà bạn nghe thấy là do tiến trình hâm nóng những tầng cặn này. Nhưng ngoài những tiếng kêu bụp bụp khó chịu đó, sự hiện diện của tầng cặn còn tạo ra nhiều hậu quả không hay khác, như:
- Tốn phí nhiều gas để đun nóng tầng cặn vô dụng đó
- Cặn vôi có thể làm nghẽn đường chảy của nước.
- Làm giảm tuổi thọ của bình.


                                           Đa số bình khác có valve xả áp suất ở trên nóc

Thực ra, không có cái gì phục vụ hoài hoài mà không cần sửa chữa cả. Có lẽ … chỉ có cái bình nước nóng là bị đối xử như vậy, là vì nó được đặt nằm ở một góc kín, thường là trong garage. Với nhà mobile home không có garage, cái bình nước nóng lại được nhốt ở một nơi càng kín đáo hơn, bảo đảm rất ít người biết đến. Nếu nghe tiếng bắp nổ mà hiểu là do bình nước nóng, thì chắc bạn biết nó ở đâu rồi. Còn nhiều người khác, may mắn hơn, chưa phải nghe nó than van bao giờ, thì cũng nhân dịp này, thử đi quanh nhà để tìm xem nó ở đâu. Mách nước bạn nhé: Đi vòng chung quanh ở ngoài nhà, nếu gặp một cái cánh cửa khép bằng khuy cài, sát trong tường, và không có ổ khóa, thì nhiều phần chính là nó. Mở khuy, mở cửa, bạn sẽ nhìn thấy bình nước nóng như “ông khổng lồ” đứng sững bên trong cái tủ chìm dựng riêng cho mình nó.

                                             Các bộ phận điều khiển nhiệt độ và đèn mồi “pilot”

Cách chữa

Dù bạn chưa hề nghe cái bình “chuyển bụng” bao giờ, nhưng chắc chắn ít nhiều nó cũng có cặn đóng ở đáy sau một thời gian lâu dài tiếp xúc với biết bao nhiêu là nước. Vì thế, ít nhất mỗi năm một lần, ra tay làm vệ sinh súc cặn cho nó là một việc rất cần thiết. Công việc bao gồm một vài động tác đơn giản như sau:
- Trước tiên, tắt công tắc điện nếu là bình chạy điện. Hoặc, nếu là bình chạy gas, tìm công tắc điều khiển đèn mồi (Pilot) và vặn về vạch “Pilot”
- Tìm nguồn cung cấp nước lạnh, và khóa vòi để chặn nguồn tiếp nước vào bình.
- Tìm Valve xả áp suất (pressure relief valve), thường được lắp ở trên nóc bình nhưng cũng có thể ở ngang hông, và xoay mở ra.
- Lấy ống tưới vườn lắp vào vòi nước xả bên cạnh công tắc nhiệt. Đầu ống còn lại dẫn vào một khu vực an toàn ở trên sân để xả nước ra đó.
- Mở vòi xả để rút nước trong bình ra. Lưu ý: Đây là nước nóng, cẩn thận kẻo bị phỏng.
Nhận xét dòng nước chảy từ ống, chúng ta chắc chắn sẽ thấy nhiều cặn bẩn theo ra. Cứ để nước chảy cho đến khi dòng nước trong lại, không còn cặn bẩn nữa.
Nhưng cô giáo em bảo rằng, biện pháp trên chỉ work với những cái bình tương đối mới, chưa có nhiều tầng cặn. Với những cái bình cặn đóng quá dầy, một lần xả hết cả bình cũng chỉ có thể… gãi ngứa, hoặc làm bớt phần nào tiếng “bắp nổ” mà thôi. Bởi vì, cặn bây giờ đã đóng thành “đá” bên trong rồi. Như vậy, chẳng lẽ mình lại chịu bó tay sao? Thôi, để lần sau, có đủ “sân rộng đất dài” rồi em sẽ xin bàn với bạn thêm chi tiết.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT