Mẹo Vặt

Bình nước nóng: Em chọn không có bụng (bài 8)

Wednesday, 19/11/2014 - 07:18:04

Tiết kiệm năng lượng: Bởi vì máy không tiêu hao năng lượng trong lúc nhàn rỗi (không có người sử dụng) mà chỉ hoạt động khi thực sự được dùng đến, nên máy giúp chúng ta tiết kiệm tới 50% tiền điện gas theo quảng cáo của nhà sản xuất, hoặc ít nhất 20% theo sự ghi nhận của giới quan sát.

Bài VŨ HẰNG

Có “bụng” xấu lắm, ai cũng sợ, phụ nữ chúng ta lại càng sợ hơn. Nghe nói không có bụng là em chọn liền. Nhưng nghĩ lại mới thấy lo: Với bình nước nóng, không có bụng thì chứa nước ở đâu? Có điều là các nhà khoa học đã cho nó ra đời thì chắc hẳn phải có lý do gì đáng nói. Vậy hôm nay, mình nghiên cứu cái loại bình này với những lợi hại của nó để xem có thể rước về nhà được không nhé!



Nhưng lắp đặt hệ thống tiếp năng lượng cho máy lại phức tạp, nếu làm ngay trong khi xây nhà thì dễ hơn.

Bình hay máy?

Từ trước tới nay, nói tới bình nước nóng – dù là bình chạy gas hay chạy điện - chúng ta đều hình dung một cái bình tròn lớn, đứng ở góc garage hoặc trong một cái closet dựng riêng cho nó ở bức tường ngoài nhà. Nó có một cái “bụng” chứa nước, từ 30 gallon tới 70 gallon, trung bình là 50 gallon. Số nước này được nấu sẵn, luôn luôn ở nhiệt độ do mình qui định (thường là 120 độ F ), để khi có nhu cầu - tắm rửa, nấu nướng - chỉ cần mở vòi là có sẵn nước nóng xả ra ngay. Lẽ ra phải coi đây là ưu điểm, chứng tỏ sự sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào “em” được gọi đến. Nhưng các nhà khoa học của chúng ta lại không nghĩ thế: Họ bảo rằng, nếu trong ngày mọi người đi làm cả, không có ai xài tới, thì nước sẽ nguội dần, rồi được đốt lại, nguội dần, đốt lại…. Những lần “nguội dần, đốt lại” như vậy trong lúc không sử dụng là một sự hoang phí, và tốn kém vô ích. Như vậy, thay vì phải luôn luôn chứa một bụng nước nóng sẵn sàng, liệu có cách nào làm cho “em” chỉ nóng lên ngay khi được sử dụng hay không? Thế là cái bình không bụng ra đời!
Loại bình này, cô giáo của Hằng bảo, được sử dụng tại Âu Châu và Nhật Bản từ lâu, nhưng mới được dân Mỹ để mắt xanh đến gần đây thôi. Nhưng mà đã không có bụng thì làm sao được gọi là bình? Đúng vậy, mình phải gọi nó là “máy” không bụng, với cái tên Mỹ là “tankless water heater”. Để cho đơn giản, chúng ta sẽ gọi nó là cái máy, để phân biệt với thứ kia là cái bình.
Cái máy chỉ là một cái hộp hình chữ nhật, nhỏ hơn nhiều so với bình, nên mình có thể gắn nó ngay trên tường. Không có chỗ để chứa nước, nhưng cái máy có đầy đủ các bộ phận để hâm nóng khi có dòng nước chảy qua, bao gồm:
- 1 cái bếp (nếu là máy chạy gas), hoặc một thanh nhiệt điện (nếu là máy chạy điện)
- 1 đường ống dẫn nước, với đầu vào là nước lạnh và đầu ra là nước nóng.
- Và một công tắc để gia giảm nhiệt độ sử dụng nước.
Đối với chúng ta, việc sử dụng vẫn như bình thường: Khi cần nước nóng thì mình mở vòi nóng; Nước sẽ được tiếp vào máy và kích hoạt bộ phận đun nước (bếp lửa hoặc thanh nhiệt) để mau chóng có nước nóng phun ra, phục vụ nhu cầu của người sử dụng.


Trong khi đó, máy nước nóng rất đơn giản, chỉ là cái hộp gắn ngay trên tường cũng được.

Tiện lợi và bất tiện?

So sánh với bình, thì máy có những ưu điểm sau:
· Tiết kiệm chỗ: Nhỏ gọn, không chiếm nhiều chỗ trong nhà. Có thể “dán” ngay ở trên tường phòng tắm, tường closet hoặc trên tường ngoài nhà. Những loại máy nhỏ hơn, có thể gắn trong tủ bếp, ngay bên dưới sink rửa chén.
· Tiết kiệm năng lượng: Bởi vì máy không tiêu hao năng lượng trong lúc nhàn rỗi (không có người sử dụng) mà chỉ hoạt động khi thực sự được dùng đến, nên máy giúp chúng ta tiết kiệm tới 50% tiền điện gas theo quảng cáo của nhà sản xuất, hoặc ít nhất 20% theo sự ghi nhận của giới quan sát.
· Bền bỉ, phục vụ lâu dài: Máy có thể bền hơn bình từ 5 tới 10 năm.
· Không mất công săn sóc: Khác với bình, máy không cần xả nước để bảo trì, không có cây Anode lâu lâu han rỉ đòi thay thế, và không bao giờ làm nhà ngập nước vì …. bể bụng.
Tuy nhiên, cái máy nhỏ nhít đơn sơ ấy có thể làm cho bạn khựng lại vì những điểm sau:
- Giá mua máy có thể đắt gấp 2 lần mua bình. Trong khi một cái bình cung cấp nước nóng cho 2 phòng tắm và 2 vòi nước sink sử dụng cùng lúc giá khoảng $900, thì một cái máy với khả năng tương đương có giá tới $1,800. Tuy nhiên, chúng ta sẽ được công ty gas bù tiền mua máy từ $150 tới $300 tùy từng trường hợp. Khi mua, bạn phải nhớ hỏi về quyền lợi này.
- Những máy quá nhỏ chỉ có thể cung cấp nước nóng cho 1 vòi nước nóng, có nghĩa là nếu bạn tắm thì đừng có ai tắm ở phòng bên cạnh, thậm chí sử dụng vòi nước sink để rửa rau cũng không được. Máy này chỉ giá vài trăm, thích hợp với gia đình … 1 người, nếu nhiều người thì phải gắn nhiều máy.
- Cần lắp đặt một hệ thống riêng để tiếp gas (hoặc điện) cho máy, bởi vì máy cần thật nhiều năng lượng để mau chóng hâm nước, nên lượng gas (điện) dùng trong lúc này phải rất mạnh. Công việc lắp đặt khá phức tạp, có thể không thích hợp với cấu trúc của một số nhà quá cũ. Vì thế, người ta thường nghiên cứu lắp đặt hệ thống máy nước nóng ngay khi đang dựng nhà. Làm như vậy lại còn dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.

Bình nước nóng, chạy điện (trái) hoặc chạy gas (phải), đều có một bụng chứa tới 70 gallon nước nóng.



- Tuy máy không cần xả nước, không cần thay cây Anode, nhưng không có nghĩa là máy không cần bảo trì. Dòng nước chảy qua vẫn để lại cặn vôi trong máy, cần phải được tẩy sạch mỗi năm.
À, bạn đang xây nhà mới, hay mua nhà mới xây? Vậy, hỏi người bán xem nhà này dùng hệ thống nước nóng ra sao? Nếu hệ thống nấu nước bằng máy được lắp đặt ngay từ đầu, bạn sẽ đỡ nhiều tốn kém sau này. Đó ắt hẳn là một “bonus” của người bán dành cho bạn. Còn nếu đang ở nhà cũ thì thôi, đừng mất công lắp đặt làm gì. Đó là ý của các chuyên gia trong đại công ty Consumer Reports đó.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT