Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Cảm xúc tuyệt diệu từ buổi diễn ra mắt CD Ne Me Quitte Pas của ca sĩ Trọng Nghĩa

Saturday, 25/10/2014 - 07:55:00

Điều này đã được ca sĩ Trọng Nghĩa thể hiện đầy thuyết phục qua CD nhạc Pháp mới nhất của anh chủ đề: “Ne Me Quitte Pas” và đêm nhạc ra mắt CD đánh dấu 44 năm ca hát của mình vào tối thứ Bảy 18-10-2014 tuần qua tại Rose Center Theater, (thành phố Westminster).

Bài BĂNG HUYỀN

44 năm, gần nửa thế kỷ, một thời gian thật dài đủ để bào mòn những sôi nổi của tuổi trẻ và mang đến nhiều thăng trầm trong cuộc sống đối với cuộc đời của một con người. Với nam ca sĩ Trọng Nghĩa, lớp bụi thời gian 44 năm của chặng đường nghệ thuật mà anh đã trải qua, dẫu có lấy đi trong anh nhiều thứ, nhưng vẫn chưa xóa nhòa niềm đam mê cháy bỏng mà anh luôn dành cho âm nhạc và ngay cả giọng hát ấy vẫn còn căng tràn cảm xúc, vẫn không bị thời gian làm giảm đi vẻ đẹp vốn có mà anh đã sở hữu từ thưở mới vào nghề. Điều này đã được ca sĩ Trọng Nghĩa thể hiện đầy thuyết phục qua CD nhạc Pháp mới nhất của anh chủ đề: “Ne Me Quitte Pas” và đêm nhạc ra mắt CD đánh dấu 44 năm ca hát của mình vào tối thứ Bảy 18-10-2014 tuần qua tại Rose Center Theater, (thành phố Westminster).




Đêm nhạc thật sự là một đại tiệc âm nhạc thịnh soạn dành cho những khán giả yêu nhạc. Ngoài “nhân vật chính” ca sĩ Trọng Nghĩa, bên cạnh anh không thể thiếu người bạn đời, xướng ngôn viên, dương cầm thủ, nhạc sĩ Mộng Lan, người hiền thê gắn bó cùng anh suốt 26 năm qua, luôn vun vén cho tổ ấm hạnh phúc và sự đồng điệu trong công việc. Chính sự chăm chút chu đáo của chị trong sự sắp xếp chương trình, giới thiệu các khách mời, cách dẫn chuyện duyên dáng, sâu sắc đã hỗ trợ vào thành công cho đêm nhạc. Thành công của buổi diễn còn có phần trình diễn đặc biệt của nữ ca sĩ Bạch Yến đến từ Paris (Pháp quốc), ca sĩ Thúy An, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, MC Đại Dương, nữ ca sĩ Quỳnh Lan đến từ Houston (Texas) phụ họa cùng với tiếng hát và đệm đàn guitare của cô còn có tiếng đàn Tây Ban Cầm độc đáo của Hoàng Minh (đến từ Việt Nam), nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt, và tiếng vĩ cầm ru hồn của Nguyễn Khắc Quân. Làm đẹp thêm tiếng hát của Trọng Nghĩa, Bạch Yến, Thúy An và Đại Dương là là những âm thanh dương cầm mộc mạc giàu biểu cảm của nghệ sĩ Trọng Hiếu (đến từ Việt Nam) cùng điểm xuyết thêm là tiếng vĩ cầm dịu ngọt của Lina Nguyễn. Stage Manager do Huy Nghiêm đảm nhận.



Bằng sự tinh tế ngân nga giàu cảm xúc của mình, các ca nhạc sĩ đã làm thỏa lòng người yêu nhạc với nhiều sắc thái, cung bậc tình cảm khác nhau, đã ru khán giả say theo từng giai điệu dịu êm, sâu lắng và sự đằm thắm, sang trọng, giàu ý nghĩa của ngôn từ trong từng ca khúc. Khán giả như mê say, đắm chìm trong tiếng đàn, giọng hát, lời ca nồng nàn, say đắm. Buổi diễn càng thêm tròn đầy, bên cạnh phần tuyệt vời của âm nhạc, khán giả còn được nghe những câu chuyện cảm động, những giai thoại tuyệt vời đằng sau các ca khúc được hé mở, phần nào giúp người hâm mộ biết được hoàn cảnh ra đời của các ca khúc cũng như có cơ hội được sống cùng tác phẩm qua phần dẫn chuyện của Trần Khánh, Mộng Lan, Đại Dương. Người nghe không chỉ được hiểu hơn về chặng đường nghệ thuật thăng trầm 44 năm qua của ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa qua bài giới thiệu súc tích của MC Đại Dương và slide show hình ảnh, giọng hát của Trọng Nghĩa trước đây qua một số ca khúc nhạc Pháp cùng phần trình diễn của anh trên đài truyền hình Canada thập niên 1980; mà phu nhân chủ nhân đêm nhạc cũng đã “đối đãi” các vị khách mời không kém phần chu đáo. Sự xuất hiện của mỗi người, từ ca sĩ, nhạc sĩ đệm đàn, MC đều có bài giới thiệu trân trọng về họ. Dù là live concert của Trọng Nghĩa, nhưng các ca sĩ khách mời không chỉ góp mặt điểm xuyết trong chương trình, mà họ được cơ hội khẳng định giá trị của mình với thời lượng trình diễn các tiết mục tương đương với các tiết mục của chủ nhân đêm nhạc. Sự lịch lãm này thật hiếm có, và rõ ràng khán giả là người “lời” nhất, vì đã được thưởng thức một chương trình thật dồi dào và giá trị.

Cảm xúc với tiếng hát Trọng Nghĩa
So với một Trọng Nghĩa thuở thanh xuân [bắt đầu làm quen với bục gỗ sân khấu vào cuối năm 1970, lúc vừa 17 tuổi tại phòng trà Queen Bee, Sài Gòn (được sự dìu dắt của ca sĩ Khánh Ly & nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9), và vì xuất thân từ chương trình Pháp (Tiểu học Lamartine & Trung học Jean Jacques Rousseau, sinh viên môn Pháp Văn Đại Học Văn Khoa), nên anh chọn nhạc Pháp làm hướng đi riêng], giọng ca của Trọng Nghĩa trong đêm nhạc kỷ niệm chặng đường âm nhạc 44 năm dường như không hề thay đổi. Vẫn nồng nàn, quyến rũ và tràn đầy cảm xúc như thuở nào. Chất giọng trầm ấm, khỏe khoắn, hát tiếng Pháp chuan, cùng phong cách thể hiện sâu lắng, trữ tình, ca sĩ Trọng Nghĩa đã dìu người nghe hòa nhịp và rung động theo những âm điệu du dương, lời ca trữ tình thật thích hợp với tâm hồn đa cảm của người Việt Nam. Không chỉ với ca từ sâu sắc mà cả những giai điệu quá đẹp, cả với người không biết tiếng Pháp để hiểu lời ca cũng cảm nhận được và yêu thích, tiếng hát của Trọng Nghĩa đã gợi lên thật thắm thiết nhẹ nhàng sâu lắng, đắm say, đầy ắp kỷ niệm của cái thuở xa xưa, qua “Ne me quitte pas”, “Fais-la rire”, “Et pourtant”, “Je suis Malade”, “Medley”, liên khúc nhạc Pháp Si l'amour existe encore - Les amoureux qui passent - Oh mon amour! - Coupable



Nghe Trọng Nghĩa hát, khán giả thích thú bởi anh diễn tả cảm xúc vừa phải và tự nhiên, dù đó là những tình ca mô tả về nỗi đau về một tình yêu tan vỡ, nhưng cách hát của Trọng Nghĩa thật nhẹ nhàng, là sự che dấu nỗi đau một cách tinh tế của người đàn ông mà khi lắng nghe sẽ cảm nhận được. Cách anh tăng và giảm âm thật đúng lúc khiến cho bài hát lúc nào cảm xúc cũng được đong đầy, rất cuốn hút.
Anh không cố gắng phô trương kỹ thuật để làm cho giọng mình giả tạo nhưng ngược lại anh dùng kỹ thuật để làm cho giọng mình thật tự nhiên với cách lấy hơi, cách ngân cũng như cách xuống giọng rất mượt mà, đầy sáng tạo, cho thấy anh đầu tư cảm xúc vào từng câu trong mỗi bài hát mà anh thể hiện rất công phu, nhất là những cao trào của bài hát hết sức ngọt ngào, làm tăng thêm nét đẹp của giai điệu.

Riêng với ca khúc “Comme Toi” sáng tác của Jean Jacques Golman, phần trình diễn của Trọng Nghĩa trở nên đặc biệt và lay động tâm cảm người nghe hơn, bởi trước khi anh hát, MC Mộng Lan dành vài phút giới thiệu về lịch sử ra đời ca khúc, giúp người nghe hiểu rõ đây không phải là một bài tình ca như mọi người lầm tưởng, mà bài hát đã ra đời như một niềm thương tiếc và cảm thông của tác giả đối với số phận những em nhỏ bị giết chết trong trại tử thần ở Varsovie (Ba Lan) dưới chế độ quốc xã trong chiến tranh thế chiến 2. Cô bé tên Sarah ấy chưa đầy 8 tuổi và những người bạn nhỏ người Ba Lan gốc Do Thái khác, có “đôi mắt sáng trong chiếc váy nhung”, hồn nhiên, lẽ ra em phải có một cuộc sống bình dị, hạnh phúc vui đùa “bên mẹ và gia đình”, “nhưng chế độ quốc xã đã biến em thành nạn nhân của tội ác chiến tranh, khi dồn em cùng cha mẹ vào những trại tập trung, địa ngục trần gian với phòng hơi ngạt, lò thiêu xác, hố chất xương người”. Để rồi những em bé ấy đã không bao giờ trở về nữa. Tiếng hát của Trọng Nghĩa đầy day dứt, khắc khoải khi chuyển tãi lời hát đến người nghe, cùng với ánh mắt biểu cảm của anh khi thể hiện ca khúc, minh họa cho tiếng hát là những hình ảnh mà vợ chồng anh đã viếng thăm trại tử thần kể trên, giúp người nghe càng thấm thía hơn nỗi đau mà người Do Thái phải gánh chịu dưới sự tàn bạo của Đức quốc xã gây ra.
Giúp tiếng hát của Trọng Nghĩa được thăng hoa, không thể không nhắc đến tiếng đàn dương cầm tuyệt vời của người em họ của anh, Trọng Hiếu và điểm xuyết vào một số ca khúc như “Ne me quitte pas”, “Je suis Malade”, “Comme Toi” là tiếng vĩ cầm của Lina Nguyễn.




Âm thanh từng chuỗi đàn dương cầm của Trọng Hiếu vang lên thật quyến rũ, từng giải âm dịu ngọt quất quýt tỏa rộng vang khắp khán phòng nhà hát, dìu nâng tiếng hát Trọng Nghĩa cất lên rung động không gian, dẫn tiếng hát lãng mạn của anh chạm sâu vào trái tim của người nghe. Mười ngón tay của Trọng Hiếu nhảy múa trên phím dương cầm ào ạt dâng lên theo cảm xúc của tiếng hát Trọng Nghĩalúc nhẹ nhàng mềm mại, lúc lại mạnh mẽ mênh mang, những nốt nhạc và lời ca hòa quyện vào với nhau. Bàn tay của Lina Nguyễn lướt nhẹ trên chiếc đề-cung lả lướt và năm ngón tay chạy trên các sợi dây đàn vĩ cầm thật da diết dẫn tiếng hát đầy tâm trạng của Trọng Nghĩa trong ca khúc“Comme Toi” gây rung cảm sâu đậm cho người nghe.

Màn trình diễn gây ấn tượng của các khách mời
Mở đầu cho phần trình diễn của mình, nữ ca sĩ Bạch Yến đã nâng niu hồn người bằng điệu slow rock trong bản “Đêm Đông” của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Đây là bản nhạc đã từng để lại dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của Bạch Yến thuở nàng thiếu nữ chỉ mới tròn 15 tuổi. Bài hát vốn theo điệu Tango - bà đề nghị ban nhạc đổi sang điệu Slow Rock, gây ấn tượng với những đoạn ngừng đột ngột, hoặc hát acapella không dùng nhạc đệm. Vào năm 1965, “Đêm Đông” và ca khúc “If I have a hammer” của Mỹ là 2 ca khúc Bạch Yến đã hát trong chương trình ca nhạc truyền hình “Ed Sullivan Show” nổi tiếng, thu hút gần 40 triệu người xem trên toàn nước Mỹ khi bà được mời sang Mỹ lưu diễn. Suốt 12 năm đi lưu diễn trên khắp Hoa Kỳ và nhiều nước châu Mỹ : Canada, Mexico, Brasil, Venezuela, Colombia, Panama...

Dịu dàng trong tà áo dài, vẫn giữ được phong thái trẻ trung, giọng hát chưa chút tàn phai, thật sung sức, mượt mà, phiêu linh dù tuổi đời đã ngoài 70, ngay khi vừa xuất hiện, Bạch Yến đã làm nức lòng khán giả, những tràng vỗ tay không ngớt dành tặng cho bà. Bạch Yến cất tiếng hát, không gian im lắng đến độ chỉ còn nghe tiếng flash của máy ảnh, ai nấy đều muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ này. Không hoa mỹ, mà thật tinh tế và nhạy cảm, thật nhẹ nhàng tiếng hát của bà có sức truyền cảm mãnh liệt khi thể hiện “Phút cuối” (Lam Phương), Et Maintenant”, La Seine, La Llorona, Malaguena. Đặc biệt với ca khúc “La Llorona” - là dân ca của người Mêhico được bà hát bằng tiếng Tây Ban Nha với những thay đổi cao độ và khúc thức rất phức tạp, tiếng đàn Tây Ban cầm của Nguyễn Đức Đạt bay cùng giọng ca Bạch Yến đưa người nghe chìm đắm vào giai điệu quá hay, quá đẹp và quá buồn của ca khúc.
Sự góp mặt của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt trong chương trình cũng đã đem lại sự thích thú cho khán giả, ngoài phần đệm đàn hòa thanh cùng tiếng hát của Bạch Yến, Quỳnh Lan, tài hoa của anh còn được thể hiện độc đáo khi anh vừa hát vừa đàn trong ca khúc do anh sáng tác “Gã điên trên đồi hoang” và trình tấu phần chuyển soạn cho guitare “Đoàn Người Lữ Thứ” (Lam Phương). Với bản chuyển soạn này, Nguyễn Đức Đạt đã thổi một phong cách hoàn toàn mới cho bài hát của nhạc sĩ Lam Phương, đưa lại sự trải nghiệm âm thanh với ngón đàn đầy kỹ thuật phức tạp và điêu luyện, anh dùng ngón tay thể hiện phần giai điệu chính và phần đệm, cùng lúc sử dụng các kỹ thuật đập gõ trên đàn tựa như phần đánh trống của một bộ gõ. Chính nhờ hợp âm linh hoạt, màn trình diễn của Nguyễn Đức Đạt mang đến cho người nghe cảm giác như đang được thưởng thức phần trình diễn của cả một ban nhạc với nhiều nhạc cụ tham gia chứ không đơn thuần chỉ là cây đàn do một người biểu diễn.
Cũng có tiếng đàn độc đáo không kém, nghệ sĩ Tây ban cầm Hoàng Minh trong phần đệm đàn cùng ca sĩ Quỳnh Lan, khán giả vừa được thưởng thức những âm thanh mê hoặc của tiếng đàn guiatare, vừa đã mắt với những động tác linh hoạt của đôi tay trên tất cả các phần của cây đàn. Hai bàn tay với những thế tay tạo hình lạ mắt, cùng tốc độ và sự khéo léo tạo ra một điệu vũ trên cây đàn guitare đem lại sự thích thú vô ngần cho khán giả.
Với mái tóc buông xõa, dáng vóc mảnh mai và cây đàn guitare, Quỳnh Lan khiến người nghe cảm nhận được sức nặng của những kỷ niệm, của tình yêu đè trên lồng ngực khi cô cất tiếng hát “Đời bỗng ru điệu buồn” (Miên Du Đà Lạt), “Sợ tiếng yêu tôi” (Miên Du Đà Lạt), “Đoạn tình” “Ga chiều tiễn đưa”... Tiếng hát thấm sâu vào lòng người nghe như nước thấm sâu vào cát, mọi thứ dường như trở nên xa vời, để lại trong ta một khoảng trống vô hình. Giọng của chị thật nhẹ nhàng, lúc nhanh lúc chậm gợi một chút gì đó tiếc nuối, xót xa và sự đau khổ. Dìu nâng cảm xúc những nét buồn tênh xa vắng còn là tiếng đàn vĩ cầm nỉ non của Nguyễn Khắc Quân
MC Đại Dương đã đem lại nhiều ngạc nhiên cho khán giả bởi ngoài tài năng dẫn chuyện của mình, anh còn lưu dấu trong lòng khán giả bằng giọng hát chân thật, sâu lắng, giàu cảm xúc nhưng không kém phần lãng mạn, lịch lãm của một nghệ sĩ thực thụ khi thể hiện “Ru ta ngậm ngùi” (Trịnh Công Sơn). Tiếng hát của Thúy An tặng khán giả ba ca khúc Yêu (Văn Phụng), Giáng Ngọc (Ngô Thụy Miên) và 'Họa Mi hót trong mưa' (Dương Thụ) bằng chất giọng ngọt ngào và một cảm nhận rất riêng, không lẫn vào đâu giữa rất nhiều ca sĩ đã trình bày các ca khúc này.
Buổi diễn đánh dấu chặng đường nghệ thuật 44 năm của ca sĩ Trọng Nghĩa đã mang lại cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc thật thịnh soạn và một cái kết thật vui với màn trình diễn hài hước của Trọng Nghĩa và Trọng Hiếu. Quá nửa đêm các khán giả mới rời khỏi rạp hát, mang theo họ trên đường về là tiếng hát truyền cảm của Trọng Nghĩa trong CD “Ne Me Quitte Pas” mà mỗi người nhận được trong buổi diễn, tiếp tục để lại dư âm đẹp trong trái tim mọi người về một buổi nhạc thật giá trị.
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT