Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Chiều nhạc thính phòng ‘Vào Hạ’

Saturday, 26/07/2014 - 06:39:52

Những ánh mắt ngạc nhiên, những tràng pháo tay không ngớt và cả những tiếng ồ lên thích thú, đó là những tâm trạng của nhiều khán giả khi thưởng thức từng âm thanh, từng cung điệu của âm nhạc truyền thống trong chương trình nhạc thính phòng “Vào Hạ” từ MC đến các tiết mục với những nhạc cụ cổ truyền dân tộc

Băng Huyền/ Viễn Đông



Quang cảnh buổi diễn “Vào Hạ” tại hội quán Lạc Hồng.



Hòa tấu bài Tòng quân/ Đăng Đàn Cung do các em Thảo Vi, Sơn Trà, Emily đàn tranh, Kent đàn bầu, Kayla Trần đàn tỳ bà, Minh Thư với phách, Allen biểu diễn trống.



Độc tấu đàn nhị “Bản Em Đổi Mới” trình bày Danny, cùng Alex và Allen đệm trống, mõ.



Bài hòa tấu “Nhạt Nắng” do tốp nhạc Lạc Hồng gồm Diana, Tammy, Âu Cơ đàn Tranh.



Độc tấu Nguyệt “Người Ơi Người Ở Đừng Về” (biên soạn Nguyễn Châu) trình bày Alex Nguyễn với phần đệm đàn tranh của Châu Giang.



Hai Mc của chương trình, em David Phạm và Kayla Trần.

Âm sắc của nhạc truyền thống Việt Nam được tôn vinh

Những ánh mắt ngạc nhiên, những tràng pháo tay không ngớt và cả những tiếng ồ lên thích thú, đó là những tâm trạng của nhiều khán giả khi thưởng thức từng âm thanh, từng cung điệu của âm nhạc truyền thống trong chương trình nhạc thính phòng “Vào Hạ” từ MC đến các tiết mục với những nhạc cụ cổ truyền dân tộc đều do các em thiếu nhi của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng phụ trách và biểu diễn tại khán phòng của Hội Quán Lạc Hồng ở thành phố Westminster vào chiều Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014.

Âm sắc của nhạc truyền thống Việt Nam được tôn vinh

Bằng những nhạc cụ như: đàn Tranh, đàn Bầu, đàn Nguyệt, Trống, Tỳ Bà, đàn Nhị, Sáo, mỗi nhạc cụ mang một âm hưởng, sắc thái riêng đã được các em thiếu nhi đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng “thổi hồn” vào các nhạc cụ, để chúng vang lên những thanh âm tuyệt diệu. Với sự kết hợp khá nhuần nhuyễn và cách thể hiện lối chơi độc đáo, các em đã chiếm được cảm tình của khán giả ngay trong những phút đầu tiên khi bắt đầu chương trình.

Tất cả hòa quyện tạo nên những bản hòa tấu mang đậm phong vị cổ xưa, làm say bao trái tim người nghe và mọi người đã có một buổi chiều thú vị khi tất cả cùng nhau đắm mình trong vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống.
Mở đầu chương trình, tốp nhạc Lạc Hồng gồm Diana, Tammy, Âu Cơ đàn Tranh, Cindy đàn Tỳ Bà, Khiêm đàn Nguyệt, Allen đàn Bầu, Danny đàn Nhị, Emily Mõ, các nhạc cụ quyện lại, tạo nên một không gian đa âm, đa sắc và để lại cảm xúc đặc biệt đối với người nghe qua bài hòa tấu “Hồn Quê” (sáng tác Thanh Sơn) hòa âm Nguyễn Châu.

Âm nhạc đưa con người đến gần nhau hơn, dù có khác biệt về văn hóa vùng miền. Điều đó được các em thiếu nhi đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng thể hiện khá tinh tế trong buổi diễn. Nếu như giai điệu của miền Nam sôi động, trẻ trung qua bài song tấu đàn Tranh “Dòng sông Quê Hương” (biên soạn Nguyễn Châu) qua tài diễn tấu của hai thành viên xuất sắc nhất của lớp đàn tranh Khả Hân, Tuyết Anh và bài hòa tấu “Nhạt Nắng” do tốp nhạc Lạc Hồng gồm Diana, Tammy, Âu Cơ đàn Tranh, thì âm hưởng của miền Bắc và miền Trung có phần nhẹ nhàng, sâu lắng qua tiết mục tứ tấu đàn Tranh “Qua Cầu Gió Bay” (biên soạn Nguyễn Châu) trình bày bởi Ngọc Trâm, Minh Châu, Diệu Hiền; đơn ca “Se Chỉ Luồn Kim” (dân ca Quan Họ) được trình bày bởi tiếng hát của Andrew Khanh được Cody đệm đàn Bầu, Hân đàn Tỳ Bà, Âu Cơ đàn Tranh, Khiêm đàn Nguyệt, Emily Mõ; và hòa tấu Tòng quân/ Đăng Đàn Cung do các em Thảo Vi, Sơn Trà, Emily đàn Tranh, Kent đàn Bầu, Kayla Trần đàn Tỳ Bà, Minh Thư- Phách, Allen Trống biểu diễn.

Mỗi một tiết mục độc tấu đều mang những nét đặc trưng khác nhau, phản ánh sắc màu văn hóa của mỗi vùng miền: độc tấu đàn Nhị “Bản em đổi mới” trình bày Danny, cùng Alex và Allen đệm Trống , Mõ; độc tấu đàn Bầu do Cody Trần kết hợp với nhạc CD thể hiện tuyệt vời bài La Paloma (nhạc Tây Ban Nha); độc tấu Nguyệt “Người ơi người ở đừng về” (biên soạn Nguyễn Châu) trình bày Alex Nguyễn với phần đệm đàn Tranh của Châu Giang; độc tấu Tranh bài “Sakura” (dân ca Nhật) do Tuyết Anh thể hiện.

Thính giả thích thú được thả hồn vào giai điệu của quê hương, đắm mình trong âm sắc của nhạc tài tử miền Nam qua phần hòa tấu nhạc Tài Tử “Đoản khúc Lam Giang” bởi em Thảo Mi đàn Tranh, Alex đàn Nguyệt, Cody đàn Bầu, Danny đàn Nhị. Giọng hát của Kayla Trần (14 tuổi) dẫu còn khá non nớt trong kỹ thuật, nhưng rất giàu cảm xúc khi thể hiện phần ca cải lương với các điệu Lý Con Sáo/ Sương Chiều/ Tú Anh cùng phần đệm đàn của Brian đàn Bầu, Maggie và Thảo Mi đàn Tranh, Howard đàn Nguyệt đem lại thích thú cho khán giả.

Chia sẻ cảm xúc với phóng viên nhật báo Viễn Đông, Kayla Trần (14 tuổi) cho biết: “Em sinh ra ở Mỹ, nhưng rất thích nghe và hát cải lương. Hồi nhỏ ở nhà, em thường nghe cải lương với ông bà nội, vì ông bà nội rất mê cải lương, ban đầu em đến đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng lúc được 8 tuổi vì muốn học hát cải lương, nhưng rồi em đã học thêm nhạc cụ đàn Tranh, đàn Tỳ Bà, còn ở trường Mỹ thì em học đàn violin và guitare. Nghe cải lương từ lúc còn bé xíu, nó ngấm vào em lúc nào không hay, càng nghe càng thích, thích cách hát của cải lương luyến láy, đó cũng là cách để học hiểu hơn về tiếng Việt. Em chỉ mới học được thể điệu Sương Chiều, Tú Anh rồi đến Lý con sáo, vẫn chưa học ca vọng cổ. Em thấy hát cải lương rất khó ở việc thở, nhiều khi hát xong em chóng mặt luôn. Em nghĩ chúng em dù là người Việt nhưng được sinh ra tại Mỹ, không có những gắn bó và hiểu về quê hương Việt Nam, khi học nhạc dân tộc Việt, lúc đầu có thể không thích, nhưng dần dần sẽ thích nhiều hơn. Em rất tự hào khi mình có thể hát được cải lương và chơi được nhạc cụ dân tộc Việt.”

Kayla Trần không chỉ hát cải lương, biểu diễn nhạc cụ Tỳ Bà và Tranh trong buổi diễn, em còn là một MC thật duyên dáng và đáng yêu, phối hợp cùng với David Phạm (có mẹ là người Việt ba là người Mỹ) dẫn dắt buổi diễn rất linh hoạt bằng khả năng nói tiếng Việt thật thông thạo của mình. Hai em đọc phần giới thiệu các tiết mục, dẫn giải cho khán giả vài nét đặc trưng của một số nhạc cụ như đàn Nhị, đàn Tranh, đàn Bầu... qua phần soạn sẵn đã đem lại thích thú cho khán giả. Trong buổi diễn ngoài vai trò làm MC, David Phạm còn góp vào chương trình tiếng hát truyền cảm của mình qua ca khúc “Tôi yêu” (sáng tác Trịnh Hưng) biên soạn Nguyễn Châu, với phần đệm đàn Tranh do Emily và Katherine thực hiện.

Bảo tồn và phát triển nhạc cổ truyền

Đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng suốt 25 năm qua ngoài việc giảng dạy những kiến thức, kỹ năng phổ thông về âm nhạc dân tộc, còn tạo cho các thành viên một tình yêu, một niềm say mê truyền bá âm nhạc dân tộc đến với mọi người. Giáo sư Nguyễn Châu, là một trong những người sáng lập và là Giám Đốc Nghệ Thuật đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, tâm sự: “Từ khi Lạc Hồng có trụ sở và nơi để các em tập dợt, ý của tôi muốn các em bắt đầu đứng ra tổ chức chương trình riêng, còn cá nhân tôi và những thầy cô khác sẽ làm cố vấn cho các em thôi. Riêng tôi thì sẽ chuyên tâm vào biên soạn các tác phẩm để các em trình diễn. Đây là buổi diễn thử nghiệm đầu tiên, bài vở đều do tôi biên soạn, nhưng tập luyện và lên chương trình đều do các em thực hiện. Đây là giai đoạn chuyển tiếp của việc đào tạo một lớp trẻ yêu thích học hỏi và trình diễn để duy trì hoạt động, phổ biến ca vũ nhạc cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi chú ý lớp trẻ vì chỉ có các em mới có đủ thời gian và sức lực để gìn giữ, bảo tồn nền nghệ thuật cổ truyền.”

Qua buổi diễn, khán giả dễ dàng nhận thấy âm nhạc truyền thống là một phần của văn hóa dân tộc, nó có một vị trí quan trọng trong tâm hồn mỗi người Việt đã mang theo trong hành trang của mình khi rời xa quê hương. Rõ ràng âm nhạc giờ đây không chỉ là âm thanh mà còn là văn hóa - văn hóa chơi nhạc, văn hóa nghe nhạc. Những em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ được các phụ huynh đưa các em đến học tại đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, các em được học và hiểu về âm nhạc dân tộc trong chiều dài lịch sử, hiểu phong cách diễn tấu của từng loại nhạc cụ để có thể biểu diễn thật thuần thục và giàu cảm xúc. Phụ huynh và các khán giả nghe nhạc cũng rất cần lắng tâm tìm hiểu và quí trọng âm nhạc để thưởng thức được những nét độc đáo của âm nhạc quê hương, để cảm nhận được cái hay của nhạc cụ ở giá trị âm thanh của nó. Những nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, cây sáo, trống, mõ... tuy thô sơ nhưng chúng có những âm thanh đặc trưng mà các nhạc cụ “hiện đại” khác không có được. Khi càng hiểu được giá trị âm thanh, âm sắc, những cái hay, độc đáo, những thủ pháp tinh vi của nhạc cụ dân tộc, sẽ càng yêu hơn những giá trị mà ông cha ta đã lưu lại trong kho tàng nhạc dân tộc.

Những buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc như chiều nhạc thính phòng “Vào Hạ” do đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng tổ chức (Là buổi diễn định kỳ mỗi 2 tháng một lần, vào cửa tự do), đã giúp giới trẻ và cả người lớn không quên đi những thanh âm tuyệt diệu mà thế hệ đi trước truyền lại. Dù không ồn ào như những buổi văn nghệ nhạc Pop, nhưng âm nhạc dân tộc vẫn được nuôi dưỡng bởi tình yêu của các thành viên đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng và rất cần khán giả gần xa ủng hộ để đoàn tiếp tục làm tròn sứ mạng cao quý mà đoàn đã đeo đuổi bấy lâu nay.

Hội Quán Lạc Hồng nằm ở địa chỉ 7219 Westminster Ave, Westminster, CA 92683. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT