Thế Giới

Cuộc tìm kiếm máy bay MH370 cho thấy điểm yếu của quân đội TQ

Tuesday, 22/04/2014 - 11:26:58

Khi tàu tiếp vận Qiandaohu vào cảng Albany của Úc trong tháng này để tiếp viện cho các chiến hạm Trung Quốc, trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hàng không Malaysia, việc này đã làm nổi bật lên một trong các điểm yếu chiếc lược của Bắc Kinh – đó là quân đội nước này rất thiếu các căn cứ trên bờ biển



Tàu Côn Lôn Sơn, một trong các chiến hạm Trung Quốc tham gia tìm kiếm máy bay mất tích.
 
BẮC KINH, Trung Quốc – Khi tàu tiếp vận Qiandaohu vào cảng Albany của Úc trong tháng này để tiếp viện cho các chiến hạm Trung Quốc, trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hàng không Malaysia, việc này đã làm nổi bật lên một trong các điểm yếu chiếc lược của Bắc Kinh – đó là quân đội nước này rất thiếu các căn cứ trên bờ biển hoặc các cảng đồng minh để có thể nhờ hỗ trợ.

Lực lượng mà Trung Quốc tung ra trong cuộc tìm kiếm – 18 chiến hạm, các tàu tuần tra cỡ nhỏ, 1 tàu hàng dân sự, và 1 tàu phá băng – đã gây thêm áp lực cho dịch vụ tiếp vận và hậu cần của hải quân. Các nhà lập kế hoạch của hải quân Trung Quốc đang tìm cách tăng cường khả năng hậu cần, để đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh về một lực lượng hải quân hoàn thiện vào năm 2050 – đặc biệt là trong lúc nước này đang tìm cách lấn sâu xuống vùng biển Đông Nam Á.

Trung Quốc đang quyết tâm thách thức sự thống trị của Washington trên khắp vùng châu Á Thái Bình Dương, và đồng thời cũng muốn bảo vệ lợi ích chiến lược riêng của mình tại vùng Ấn Độ Dương và Trung Đông.

“Khi Trung Quốc muốn tăng sự hiện diện quân sự, họ sẽ cần phải sắp xếp nhiều cảng tiếp vận, tương tự như Hoa Kỳ,” theo lời ông Ian Storey, chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore. “Tôi rất ngạc nhiên là cho đến giờ vẫn không có dấu hiệu cho thấy họ có một kế hoạch dài hạn. Đây sẽ là một lỗ hổng rất lớn.”

Trong khi đó, Hoa Kỳ ngược lại đã xây dựng 1 mạng lưới khổng lồ các căn cứ hoàn chỉnh, gồm Nhật, Guam, và Diego Garcia, và được củng cố thêm bởi các hiệp ước liên minh chính thức, và các thỏa thuận cập cảng và sửa chữa tại những quốc gia thân thiện, bao gồm các cảng chiến lược tại Singapore và Malaysia.

Trong khi Trung Quốc đang giành giật các đảo và bãi san hô tại vùng biển Đông, căn cứ lớn và nằm ở tận cùng phía Nam của Trung Quốc vẫn được đặt ở đảo Hải Nam, cách khoảng 3,000 hải lý so với nơi các đội tàu nước nay đang tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370.

Các chuyên gia cho rằng, việc cập cảng nước ngoài là rất dễ dàng trong thời bình hay trong các nhiệm vụ nhân đạo, ví dụ như việc tìm máy bay lần này hay các nhiệm vụ chống hải tặc ở châu Phi, nhưng trong giai đoạn căng thẳng, việc cập cảng nước ngoài sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT