Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm nhạc Dân Ca Xưa và Nay

Saturday, 16/08/2014 - 02:55:02

Mỗi một miền quê ở Việt Nam nơi đâu cũng đều ẩn chứa trong đó bao điều gần gũi và thân thương qua những câu hò, điệu hát rất chung mà lại rất riêng, mang âm hưởng của từng vùng, miền. Tất cả cùng hòa vào câu thơ, giọng hát của những làn điệu, tạo thành dòng dân ca Việt Nam rất đa dạng và phong phú,là kho tàng văn hóa

Băng Huyền/ Viễn Đông



Thanh Vân trong chiếc áo tứ thân, tay cầm nón quai thao, đưa người nghe đắm mình trong làn điệu quan họ qua bài “Vào Chùa” (Dân ca Quan Họ Bắc Ninh)
 
Mỗi một miền quê ở Việt Nam nơi đâu cũng đều ẩn chứa trong đó bao điều gần gũi và thân thương qua những câu hò, điệu hát rất chung mà lại rất riêng, mang âm hưởng của từng vùng, miền. Tất cả cùng hòa vào câu thơ, giọng hát của những làn điệu, tạo thành dòng dân ca Việt Nam rất đa dạng và phong phú,là kho tàng văn hóa, tri thức dân gian, phản ánh những phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của con người Việt Nam.



Ngọc Diệp hát “Đèn Cù” (Dân ca Bắc Bộ, lời Đỗ Nhuận), từ phong thái cho đến cách hát của chị không khác chi một cô gái miền Bắc.

Đối với những người Việt xa quê, đã từng sống ở miền xuôi hay miền ngược tại Việt Nam, hầu như ai ai cũng đều được nuôi dưỡng trong kho tàng âm nhạc dân gian, đều ngấm sâu trong tâm hồn những thang âm tuyệt diệu của những khúc hát dân ca từ nơi vùng đất mà mình sinh ra. Để gởi đến những khán giả thân hữu những cảm xúc lắng đọng, những khoảnh khắc đắm mình trong từng thanh âm đằm thắm ngọt ngào, bay bổng của những khúc hát dân ca truyền thống và những sáng tác của các nhạc sĩ tân nhạc dựa trên giai điệu ngũ cung, câu lạc bộ văn nghệ Viện Việt Học (CLBVN VVH) đã tổ chức đêm nhạc thính phòng chủ đề “Dân ca xưa và nay” tại phòng sinh hoạt của Viện (thành phố Westminster) vào tối thứ Bảy, 9-8-2014 tuần qua.



Nghệ sĩ lão thành Hà Phương trong vai người lính thú và nỗi nỗi buồn thảm khi phải chia tay gia đình vợ con để đi đồn trú ở vùng biên viễn với kỳ hạn ba năm, qua bài “Trấn Thủ Lưu Đồn” (chèo Bắc cải biên).
Đây là một đêm diễn nhiều màu sắc, từ câu hát, điệu vũ cho đến trang phục theo từng vùng miền đã được người biểu diễn khoác lên, đem lại thích thú cho người xem. Hòa thanh cho đêm nhạc có tiếng đàn keyboard của Tô Minh Hùng, guitare Phạm Ngọc Tú. MC có Anh Đào, Bùi Khanh, Quỳnh Hoa, Thanh Vân.



Bùi Khanh và Kim Thoa cùng song ca ca khúc “Vợ chồng quê” (Phạm Duy)

Ca khúc Hò Lơ (Phạm Duy) được ban hợp ca CLBVN VVH thể hiện, là tiết mục mở đầu đêm nhạc, để rồi tiếp theo sau những bài Lý, chèo Bắc cải biên hay ca Huế, hát Quan Họ, Bài Chòi Phú Yên, dân ca miền Nam, dân ca miền Bắc, những sáng tác của nhạc sĩ dựa trên giai điệu ngũ cung, hay những màn múa của các thành viên, ca sĩ thân hữu Viện Việt Học đã tạo nên sự gặp gỡ, giao hòa trong cảm xúc người nghe thấm đẫm ân tình, giúp khán giả phần nào hiểu hơn những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.



Tiết mục Lý ngựa ô (Nam) các thành viên của ban hợp ca CLBVN VVH đã đem lại thích thú cho khán giả khi hát live làn điệu vui tươi nhộp nhịp của bài lý,

Nhìn vào lượng khán giả ngồi chen kín khán phòng, dọc cả lối đi, mới hiểu được những khúc hát dân ca có sức hấp dẫn thật lớn lao, tựa như những sợi tơ vô hình giăng mắc trong tâm hồn mỗi người con đất Việt, dẫu xa xứ nhưng vẫn không nguôi hoài vọng về cố quốc.

Vẻ đẹp trong từng giọng hát giới thiệu nét đẹp của dân ca Việt Nam

Thanh Vân trong chiếc áo tứ thân, tay cầm nón quai thao, ở chị toát lên sự duyên dáng, từ cách ăn mặc, đi đứng đều rất “liền chị”, bằng giọng hát ngọt ngào chất “Bắc Ninh” của mình, chị đã đưa người nghe đắm mình trong làn điệu quan họ qua bài “Lúng Liếng”, “ Vào Chùa”. Chất giọng trong và cao của chị dìu từng lời hát như bay vào mộng, chị luyến láy từng câu chữ với sự lấy hơi, nẩy hạt khá điêu luyện, ngọt ngào đâu kém chi các "liền chị" chánh gốc.



Bài kết của chương trình “Ông Ninh Ông Nang” (Lê Thương), ban hợp ca chỉ nhép miệng và biểu diễn phần múa trên nền bài hát.

Còn với Ngọc Diệp, chị đã thực sự lột tả được vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của người con gái miền Nam qua ca khúc “Chiếc Áo Bà Ba” (Trần Thiện Thanh), nhưng khi hát “Đèn cù” (Dân ca Bắc Bộ, lời Đỗ Nhuận), từ phong thái cho đến cách hát của chị không khác chi một cô gái miền Bắc trăm vẻ đáng yêu, rất đỗi đằm thắm, tinh tế và tràn ngập cảm xúc.

Mang đậm dấu ấn ngữ âm, ngữ điệu Huế, âm điệu da diết, đầy chất trữ tình, chị Ái Phương thể hiện bài Mười Thương (Lý Tình Tang Huế) và chị Quỳnh Hoa thể hiện Lý Con Sáo (Huế) thật đầy đặn, truyền cảm.
Trên nền giai điệu tiết tấu của Bài Chòi Phú Yên, bài Trách Thân, lời của nhạc sĩ Phan Bá Chức, kể về người vợ đã phụ bạc anh chồng nghèo, đi lấy người khác, với chất giọng Phú Yên vừa trữ tình vừa hài hước, anh Kỳ Hương đã khiến người nghe ngỡ ngàng, thích thú.



Tiếng hát Ngọc Vân trong nhạc cảnh “Nụ Tầm xuân” (Phạm Duy) thật ngọt ngào, nhưng khi diễn tiết mục này trông chị thiếu tự nhiên, vì chị nhép miệng khi diễn trên sân khấu nhỏ với khoảng cách rất gần khán giả, chị thường lùi khuất khỏi ánh sáng sân khấu, để nhường chỗ cho ban vũ gồm Mai Lan, Kim Ngân, Phương Lan, Ngọc Trâm múa minh họa.

Chắc hẳn trong khán phòng Viện Việt Học, những người con Phú Yên xa xứ cũng ngậm ngùi, xúc động bởi cái giọng thô ráp, khó nói, khó nghe của quê mình khi hát lên nghe sao quá đỗi thân thương, và chân tình đến lạ. Bằng cách phát âm chân chất, quê mùa rất cảm động, từng tiếng Phú Yên được Kỳ Hương nhả ra mộc mạc đúng chất “Nẫu”: “Thân trách thân, thân sao lận đận, mình trách mình số phận sao quá hẩm hiu, bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo nên vợ tui nó không ở nữa mà nó theo nẫu rầu!”, anh đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm hoàn toàn mới, một cảm xúc lạ lẫm trong từng câu hát!

Sau bài Than Thân, chị Lynn Hàn và Kỳ Hương cùng tung hứng với nhau trong phần hoạt cảnh, bằng lối phát âm “đặc sệt” Phú Yên, cả hai đã đem lại những tràng cười sảng khoái cho người xem.

Những khán giả yêu hát Chèo, thật thích thú khi thưởng thức tiết mục của nghệ sĩ lão thành Hà Phương. Giọng hát trầm ấm, đầy tình cảm của ông đã thể hiện thật tròn vai người lính thú và nỗi nỗi buồn thảm khi phải chia tay gia đình vợ con để đi đồn trú ở vùng biên viễn với kỳ hạn ba năm.

Trong thời gian ấy, biết bao nhiêu điều bất ưng, tai họa đang chờ đợi, rình rập, với ma thiêng nước độc, lam sơn chướng khí... Nào là hùm beo rắn rết, giặc giã..., nào là lao dịch, không biết có còn sống mà trở về được nữa hay không, qua bài “Trấn Thủ Lưu Đồn” (chèo Bắc cải biên).

Bài “Hoa Thơm Bướm Lượn” (dân ca miền Bắc) là một trong những bài dân ca khó hát nhất, vì ngoài khoảng âm của bài này rộng hơn đa số các bài khác, nó còn đòi hỏi nhiều luyến láy rất tinh tế và rất khó, nhưng giọng hát của hai giọng ca Xuân Thanh và Ngọc Quỳnh đã hòa quyện tôn nhau lên, thể hiện khá thành công bài hát này.

Ngoài những khúc hát dân ca truyền thống, những giọng hát trong chương trình còn giới thiệu cho người nghe vẻ đẹp của những ca khúc mang âm hưởng dân ca, dựa trên giai điệu ngũ cung được các nhạc sĩ như Phạm Duy, Y Vân, Đăng Khánh, Phó Đức Phương, Phú Quang... sáng tác.

Sở hữu chất giọng mặn mà, ấm áp, tình cảm, pha vào đó hơi thở của lối hát mang đậm màu sắc dân ca, anh Bùi Khanh đã mang lại sự dễ chịu và không kém phần sâu lắng cho người nghe khi anh hát Chiều Đồng Quê (Đăng Khánh), Lý Chờ Mong (dân ca miền Nam, lời ca Phạm Ngọc Tuấn). Anh và Kim Thoa cùng song ca với nhau thật “tình”, đã truyền tải trọn vẹn cảm xúc ca khúc “Vợ Chồng Quê” (Phạm Duy).

Mang âm hưởng ca trù, “Trên Đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương) là một ca khúc khá khó về mặt kỹ thuật, trên nền ca khúc có âm vực rộng và giai điệu phức tạp, giọng hát đẹp nồng nàn, đắm say của Ngọc Quỳnh cùng với cách xử lý tinh tế từng nốt nhạc, chị thể hiện ca khúc này thật quyến rũ với những đoạn ngân sáng, như đưa người nghe lạc vào thế giới giữa thực và mơ trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Yên Tử.

Cũng thể hiện ca khúc mang âm hưởng ca trù, bài Đêm Ả Đào (Phú Quang) nhưng tiếng hát Kim Thoa lại tạo nên một dấu ấn riêng biệt, với phảng phất chút gì đó hoang dã, liêu trai đưa người nghe vào không khí mang mang, huyễn hoặc. Từng nốt từng lời như quấn lấy lỗ tai người nghe. Tiếng chắc lưỡi, rồi thở dài để kết thúc bài hát của chị trong sự thinh lặng của khán phòng đêm diễn, đã để lại ấn tượng sâu đậm cho người nghe.

Rồi đến khi chị hát bài “Con Cò” (Lưu Hà An), những tràng pháo tay vang dội của khán giả như cứ kéo dài mãi. Đây là một ca khúc về hình ảnh con cò đi ăn đêm với bao lo toan, vất vả "một mình lầm lũi canh ba thức giấc trong đêm khuya vắng" nhưng vẫn luôn hướng lên bầu trời rộng lớn, hình ảnh lộng lẫy khi "đàn cò trắng ngẩng đầu vượt gió, sải rộng cánh bay về phía chân trời".

Ca khúc mang hơi hướng rock dân gian được phối khí rất lạ và khó hát. Kim Thoa đã thể hiện thật hoàn hảo về mặt thính giác cho người nghe qua cách ngân nga trong câu hát, cách chị luyến láy, phô diễn được kỹ thuật luyến ngắt, chuyển từ một nốt cao ngân dài sang các nốt khác mà không làm gián đoạn gián đoạn dòng cảm xúc liền mạch, khiến nhiều người phải "nổi da gà".

Chương trình không hoàn toàn hát live

Lẽ ra đêm nhạc “dân ca xưa và nay” sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp hơn cho người nghe nếu tất cả các tiết mục đều hát live, nhưng trong số 21 ca khúc trong chương trình, thì có 3 ca khúc được người biểu diễn nhép miệng theo phần thu sẵn phát ra. Tiếng hát Ngọc Vân trong nhạc cảnh “Nụ Tầm Xuân” (Phạm Duy) thật ngọt ngào, nhưng khi diễn tiết mục này trông chị thiếu tự nhiên, vì chị nhép miệng khi diễn trên sân khấu nhỏ với khoảng cách rất gần khán giả, chị thường lùi khuất khỏi ánh sáng sân khấu, để nhường chỗ cho ban vũ gồm Mai Lan, Kim Ngân, Phương Lan, Ngọc Trâm múa minh họa. Tiếng hát Quỳnh Hoa trong nhạc cảnh “Xứ Huế Của Mình” (Lê Trung) cũng là nhép miệng để ban vũ múa. Nếu trong tiết mục Lý Ngựa Ô (Nam), các thành viên của ban hợp ca CLBVN VVH đã đem lại thích thú cho khán giả khi hát live làn điệu vui tươi nhộn nhịp của bài lý, thì qua bài kết của chương trình “Ông Ninh Ông Nang” (Lê Thương), ban hợp ca chỉ nhép miệng và biểu diễn phần múa trên nền bài hát, đã không đem lại cảm xúc thật “đã” cho người nghe. Vì ngay từ đầu, tiết mục đã bị trục trặc kỹ thuật, khi diễn viên đã sẵn sàng để múa và nhép miệng, nhưng máy phát bị đứng, phải mở lại 2 lần, ban hợp ca mới diễn được tiết mục của mình.

Tuy chương trình “Dân Ca Xưa Và Nay” chưa thật hoàn hảo bởi những điều trên, nhưng việc giới thiệu đến khán giả một chương trình tôn vinh vẻ đẹp của âm nhạc dân gian Việt mà CLBVN VVH thực hiện là một điều rất đáng trân trọng. Mong sao trong tương lai, trong cộng đồng, sẽ có nhiều đêm nhạc như thế để khán giả thưởng thức và để người nghe có thể hiểu hơn, yêu hơn vẻ đẹp kết tinh của tinh thần dân tộc, của văn hóa mà âm nhạc dân gian Việt Nam đã để lại rất phong phú trong di sản âm nhạc Việt Nam. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT