Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm nhạc Lửa Đông Sơn của nhóm tam tấu VAV

Saturday, 31/01/2015 - 09:28:22

Tiếng đàn Koto trầm hơn, cứng hơn, mạnh mẽ hơn, còn tiếng đàn tranh Việt mang âm sắc thanh, mỏng, cao vút, nhưng qua nhạc phẩm này, tiếng đàn điêu luyện của nghệ sĩ Vân Ánh vẫn bộc lộ được “chất Nhật” không thua gì những âm trầm của Koto, nhưng thanh hơn, mênh mang hơn.

Bài BĂNG HUYỀN

Đông Tây hòa điệu

Người nghe như lạc vào “mê trận” của âm thanh, của sự thăng hoa trong âm nhạc, cảm giác mới mẻ, cuồng nhiệt, hấp dẫn và bay bổng, là những điều còn đọng lại trong lòng mỗi khán giả sau khi thưởng thức đêm nhạc “Lửa Đông Sơn” (Fire Bronze) do VA-NGO Network tổ chức vào lúc 8 giờ tối, thứ Bảy 24 tháng Giêng, 2015, tại hội trường Việt Báo, Westminster.
Qua những màn trình diễn độc đáo, đầy truyền cảm của nhóm Tam tấu VA'V (do nghệ sĩ Võ Vân Ánh (Vanessa Võ) thành lập, bao gồm nghệ sĩ nhạc Việt truyền thống và sáng tác nhạc Võ Vân Ánh, cùng nghệ sĩ đàn cello và sáng tác nhạc Kelly Alex; nghệ sĩ bộ gõ và sáng tác nhạc được đề cử cho giải Grammy Muđoz PC) cùng ca sĩ khách mời Teresa Mai (chuyên về nhạc opera nhạc kịch Broadway và nhạc thiền) đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và sự cuồng nhiệt của khán giả lại càng được hâm nóng hơn sau mỗi phút của chương trình.

Các nghệ sĩ chào khán giả kết thúc chương trình. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Ngay từ bài hòa tấu “How About Us” (được biên soạn bởi Vân Ánh Võ, PC Muđoz, Alex Kelly) mở đầu trong phần một, ba nghệ sĩ của nhóm Tam tấu VA'V đã tạo nên những tiết điệu, âm sắc, âm lượng khác nhau, rất phong phú, độc đáo, đã khiến cả khán phòng không chỉ bị hút chặt vào giai điệu âm nhạc mà còn bị cuốn hút bởi sự hòa âm giữa các nhạc cụ tưởng chừng hoàn toàn đối lập, với một bên là đàn tranh, và một bên là các nhạc cụ Tây phương như cello, trống.
Tiếng trống của nghệ sĩ PC Muđoz vang lên, rồi thì âm sắc trầm ấm, quyến rũ vốn được người Tây phương đánh giá là “giống tiếng người” của đàn cello được nghệ sĩ Kelly Alex hòa theo, cùng với tiếng đàn tranh réo rắt của nghệ sĩ Vân Ánh với những ngón láy, ngón rải, tha hồ bay bổng, tạo cho tiếng đàn dâng trào với cường độ mạnh mẽ; đưa người nghe lên đến tột đỉnh cảm xúc đầy mới mẻ của sự hòa điệu giữa truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây; cho người nghe thấy âm nhạc có thể vượt xa những giới hạn của sự tưởng tượng đến mức nào.
Một điểm khác biệt nữa làm nên sự độc đáo cho tác phẩm “How About Us” chính là khán giả không chỉ thưởng thức, mà thực sự trở thành người đồng sáng tạo làm nên không khí đa thanh cho tác phẩm.
Qua âm thanh của tiếng chuông xe đạp do nghệ sĩ Vân Ánh phát ra cho một số khán giả ngồi rãi rác trong khán phòng, tạo nên âm thanh vui tai “cách cách, rẹt rẹt" trộn chung với âm nhạc của nhóm tam tấu, tạo nên một không gian sống động, đem lại cho tác phẩm một phong cách ngẫu hứng, giàu nhạc cảm.
Sự sáng tạo đầy ngẫu hứng của khán giả kết hợp cùng nhóm Tam Tấu VA'V còn được áp dụng với tác phẩm “Go Hungting” (Đi Săn) trong phần 2 chương trình, do nghệ sĩ Vân Ánh biên soạn, được chính chị biểu diễn trên cây đàn Trưng. Chị uốn mình theo từng nốt nhạc, thả hết mình vào tiếng đàn, tươi hết cỡ khi nhập vào cõi nhạc, tiếng đàn mạnh mẽ, tươi vui, hùng vĩ như tiếng suối reo từ đại ngàn vọng về cứ lẩn khuất, dai dẳng. Đan xen vào tiếng đàn Trưng là âm thanh rộn rã, vang dội của trống Đế được đánh lên bởi nghệ sĩ nghệ sĩ PC Muđoz và tiếng song lang gõ nhịp của nghệ sĩ Kelly Alex, các khán giả trong khán phòng cùng nhịp chân hòa điệu với nhau thành một bản nhạc giàu nhạc điệu và đặc sắc vô cùng.

Vân Ánh vừa hát vừa đàn bài “Phong Cảnh Quê Em”. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Người nghệ sĩ làm mới nhạc truyền thống

Bằng tài năng của mình, nghệ sĩ Vân Ánh còn đưa người nghe vào miền cảm xúc sâu lắng khi nghe những giai điệu quen thuộc của nhã nhạc Huế đã được hòa điệu một cách khác lạ, hiện đại nhưng vẫn da diết qua sáng tác “Dạo Nam- Hành Vân” diễn tấu trên đàn bầu. Chị đã tạo cho tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt, làm nên tiết tấu xao động hồn người, như vẽ nên một bức tranh thủy mặc thâm trầm u tịch nhưng cũng xiết bao phóng khoáng, biến nhạc khúc của dân tộc vượt ra khỏi biên giới cũ kỹ, cổ truyền, góp tiếng nói để đối thoại với nhiều thể loại âm nhạc khác trên thế giới, nhưng vẫn được dựa trên gốc rễ là hồn nhạc Việt Nam.
Với bài “Cơn Mưa Hạ” (sáng tác của Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng), nghệ sĩ Vân Ánh đã khiến người nghe vô cùng ngạc nhiên, thú vị khi thấy vai trò lĩnh xướng của cây đàn tranh, cũng như sự hòa điệu vô cùng mềm mại, tự nhiên, sự uyển chuyển của nhạc cụ có âm vực thấp như cello của nghệ sĩ Alex Kelly khi "thể hiện" bản nhạc này cùng tạo nên câu nhạc mênh mang, với tầng tầng lớp lớp mờ ảo chơi vơi, tâm tình ẩn kín sau tiếng đàn.
Nghệ sĩ Vân Ánh cũng đã tạo nên sự thích thú cho người nghe khi chị độc tấu trên đàn tranh trong phần thử tài của khán giả cho biết tên tác phẩm mà chị đang diễn tấu. Tiếng đàn man mác vẻ phong nhã, kín đáo nhưng cũng rất phóng khoáng và lãng mạn, kỹ thuật diễn tấu điêu luyện của chị thể hiện bài “Clair de Lune”(là khúc nhạc thứ ba và cũng là khúc nhạc nổi tiếng nhất trong “Tổ khúc Bergamasque được soạn riêng cho đàn dương cầm) của nhà soạn nhạc Claude-Achille Debussy (1862 – 1918) -là một nhạc sĩ Pháp hàng đầu trong trường phái ấn tượng cận hiện đại, là người có ảnh hưởng hàng đầu trên âm nhạc Âu châu vào đầu thế kỷ 20- đã khiến hai vị khán giả trong khán phòng đoán lầm là bài Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, và chỉ đến hơn nửa bài nhạc, mới có một khán giả đoán trúng tên tác phẩm.
Và người nghe cũng thật bất ngờ khi nghe chị độc tấu bài “Sakura” của Nhật Bản trên cây đàn tranh cách tân 22 dây thay vì phải chơi bằng đàn Koto của dân tộc Nhật. Koto là đàn tranh của Nhật, tương tự như đàn tranh của Việt Nam hay đàn Zheng là đàn tranh Trung Quốc. Nhưng đàn Koto thường chỉ có 13 dây, thay vì 16 dây như đàn tranh Việt (thập lục huyền cầm) hay đôi khi lên đến 36 dây ở Trung quốc (tam thập lục huyền cầm). Tiếng đàn Koto trầm hơn, cứng hơn, mạnh mẽ hơn, còn tiếng đàn tranh Việt mang âm sắc thanh, mỏng, cao vút, nhưng qua nhạc phẩm này, tiếng đàn điêu luyện của nghệ sĩ Vân Ánh vẫn bộc lộ được “chất Nhật” không thua gì những âm trầm của Koto, nhưng thanh hơn, mênh mang hơn.
Trong đêm nhạc nghệ sĩ Vân Ánh còn đem lại những nét tươi mới và thú vị khi cô chơi đàn tranh, đàn bầu theo phong cách hiện đại, đầy chất rock vừa hoang dại vừa rực lửa. Bằng tài năng diễn tấu của mình, nghệ sĩ Vân Ánh cho thấy đàn bầu khi phối hợp với nhạc rock sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ, cô biểu diễn “Purple Haze” của Jimi Hendrix cùng tiếng trống của nghệ sĩ PC Muđoz và cello của nghệ sĩ Kelly Alex đã chinh phục hoàn toàn người nghe, ngay với cả những ai yêu nhạc Rock và tài năng của huyền thoại Jimi Hendrix.
Còn với tác phẩm “Summertime” của nhạc sĩ George Gershwin, nhóm Tam Tấu VA'V không chỉ truyền tới người nghe tinh thần của tác phẩm mà còn “thổi” một luồng sinh khí mới cho tác phẩm, nhất là qua “Summertime,” không còn là một mùa hè ở New York nữa, nghệ sĩ Vân Ánh đã dùng tác phẩm này như một phương tiện để cô diễn tả về một mùa hè tại Việt Nam rất nóng nực, hơi ẩm ngột ngạt sau những cơn mưa mùa hè ở Việt Nam, những đoạn solo nhạc cụ, phô diễn kỹ thuật một cách điêu luyện của từng thành viên, tất cả vẫn hòa quyện, tung hứng một cách nhịp nhàng, cô cũng khiến nhiều người ngạc nhiên khi diễn tấu trên đàn bầu, ngoài những kỹ thuật diễn tấu đặc trưng riêng như: rung, miết, vuốt, vê, có lúc cô còn dùng chiếc cung vĩ để kéo đẩy tạo ra âm thanh.
Hay tác phẩm “Dust In The Wind” của Kerry Livgren, bản nhạc này qua phần diễn tấu của Tam Tấu VA'V và tiếng hát của ca sĩ khách mời Teresa Mai, giọng hát trong veo và cao vút, tựa như cơn gió cuốn tâm hồn người nghe qua những ngọn núi hùng vĩ, sa mạc rộng lớn. Và chính tiếng đàn tranh của Vân Ánh, tiếng cello của Kelly Alex, tiếng trống của PC Muđoz, đã tạo nên những cảnh vật đó.
Bằng tiếng hát thánh thót, ngân vang, trong vắt, có lúc run rẩy non mảnh như tơ của Teresa Mai và tiếng đàn Harmonium của chính cô, phụ họa thêm vào khi là tiếng đàn tranh của Vân Ánh, tiếng trống của PC Muđoz, tiếng đàn cello của Kelly Alex, đã đem lại một không gian âm nhạc thật huyền hoặc qua tác phẩm thiền ca “Gayatri” (sáng tác của Teresa Mai), người nghe như được thư giãn, được nghỉ ngơi khi đắm chìm trong những giai điệu thánh thót, dìu dặt của lời ca, tiếng nhạc êm dịu.
Với tác phẩm “Harem” của Sarah Brightman… nhóm Tam Tấu và ca sĩ Teresa Mai biểu diễn đầy lôi cuốn, âm nhạc và tiếng hát hòa quyện, mới mẻ nhưng giàu cảm xúc và đậm đà hình tượng về một thế giới “Nghìn Lẽ Một Đêm” đầy huyền bí, và cũng thật sôi động chất Disco, khiến mọi người đều muốn rời ghế ngồi để cùng nhún nhảy với các nghệ sĩ.
Lẽ ra đây là tác phẩm kết thúc chương trình, nhưng trước nhiệt tình của khán giả, nghệ sĩ Vân Ánh và nhóm tam tấu tặng thêm cho mọi người bài “Phong Cảnh Quê Em” (Đàn Tranh, kết hợp nhạc điện tử Hip Hop và tiếng hát của Vân Ánh ngân nga theo thể hát Văn) do chính chị sáng tác, tác phẩm mang hơi thở thời đại nhưng vẫn dựa trên âm nhạc truyền thống Việt Nam, cuốn hút mọi người thưởng thức nét mới của âm nhạc nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc với những luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc, đầy tính ngẫu hứng thật gần gũi với nhạc Jazz. Buổi diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả, đêm nhạc khép lại nhưng thông điệp của chương trình càng trở nên ý nghĩa, và cũng là mong muốn của nghệ sĩ Vân Ánh khi cô không ngừng sáng tạo và cách tân nhạc truyền thống Việt để giới thiệu đến những bạn bè quốc tế, các bạn trẻ gốc Việt sinh trưởng tại hải ngoại những tinh tế của văn hóa Việt Nam, sự trong sáng, vẻ đẹp của nhạc Việt Nam, để những khán giả trẻ tiếp tục nuôi nấng và phát triển nền âm nhạc ấy.
Và như lời của MC Phương Linh khi cô kết thúc buổi diễn, “Để chúng ta cùng nói với nhau và nói cho thế giới biết, đây là nhạc Việt Nam và tôi là người Việt Nam.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT